Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2019 tỉnh Hải Dương số 1

Xuất bản: 10/05/2019

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2019 tỉnh Hải Dương số 1, luyện đề thi thử để chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 quan trọng sắp tới.

Mục lục nội dung

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2019 tỉnh Hải Dương số 1 cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9. Đề thi bao gồm 2-3 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 90 - 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn Hải Dương do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Đề thi
thử vào lớp 10 môn văn tỉnh Hải Dương số 1

Phần I

Trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” thuộc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu thơ: “Tà tà bóng ngả về tây”.

1. Hãy chép chính xác 5 câu thơ nối tiếp câu thơ trên.

2. Chúng ta đều biết: “nao nao” là từ láy diễn tả tâm trạng của con người, vậy mà Nguyễn Du lại viết : Nao nao dòng nước uốn quanh. Cách dùng từ như vậy mang lại ý nghĩa như thế nào cho câu thơ?

3. Trong “Truyện Kiều”, cách dùng từ tả tâm trạng người để tả cảnh vật không chỉ xuất hiện một lần. Hãy chép lại hai câu thơ liền nhau trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” có cách dùng từ như vậy.

4. Viết đoạn văn theo cách lập luận tổng- phân- hợp, nội dung diễn tả cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người trong sáu câu thơ trên. (Trong đoạn có dùng một phép liên kết câu, chỉ rõ phép liên kết đó.)

Phần II

Dưới đây là đoạn trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng):

Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

- Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba...a...a...ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm chặt lấy cổ ba nó.

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014).

1. Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, những tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu?

2. Chỉ ra 2 lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên và chuyển chúng thành những lời dẫn gián tiếp.

3. Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ tình cảm cha con sâu nặng, cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay, trong đó có sử dụng kiểu câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định và phép lặp để liên kết (gạch dưới câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định và các từ ngữ được sử dụng trong phép lặp)

>> Tuyển tập đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2019 đầy đủ nhất

Đáp án Đề thi thử vào lớp 10 môn văn tỉnh Hải Dương số 1

Phần I

Phần gợi ý cho phần I, Đọc tài liệu cũng sẽ tập trung vào ý cuối cùng của câu hỏi để giúp các em học sinh định hướng cách làm dạng bài tổng - phân - hợp một cách nhuần nhuyễn.

"Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang" ...

Bên cạnh vẻ thanh thoát, dịu nhẹ của mùa xuân như ở những câu thơ trước, khung cảnh mùa xuân đến đây đã mang một sắc thái khác với bức tranh lễ hội rộn ràng, nhộn nhịp. Cảnh vật toát lên vẻ vương vấn khi cuộc du xuân đã hết. Các từ láy tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ vừa gợi tả sắc thái cảnh vật vừa gợi ra tâm trạng con người. Dường như có cái gì đó đang mơ hồ xâm lấn, cảnh vật đã nhuốm sắc thái vương vấn, man mác của tâm trạng con người, ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để mượn cảnh vật mà diễn tả những rung động tinh tế trong tâm hồn những người thiếu nữ. Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ đều là những từ láy có tính giảm nhẹ. "Tà tà" diễn tả bóng chiều đang từ từ nghiêng xuống; "thơ thẩn" lại diễn tả tâm trạng bâng khuâng dịu nhẹ không rõ nguyên nhân (nó gần với nỗi buồn "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" của Xuân Diệu sau này) "thanh thanh" vừa có ý nghĩa là sắc xanh nhẹ nhàng vừa có ý nghĩa là thanh thoát, thanh mảnh; từ "nao nao" trong câu thơ diễn tả thế chảy của dòng nước nhưng đồng thời diễn tả tâm trạng nao nao buồn và từ "nho nhỏ" gợi dáng nhỏ xinh xắn, vừa vặn với cảnh với tình. Khung cảnh thiên nhiên cũng theo đó mà nhỏ đi để phù hợp với tâm trạng con người: "ngọn tiểu khê" - dòng suối nhỏ, phong cảnh thanh thoát, dịp cầu "nho nhỏ" lại nằm ở "cuối ghềnh" ở phía xa xa,... Cảnh và người như có sự tương liên để giao hòa trong bầu không khí bâng khuâng, lưu luyến, khe khẽ sầu lay. Có thể mơ hồ cảm nhận được cảnh vật đang tạo ra dự cảm về những sự việc sắp xảy ra.

Đoạn trích Cảnh ngày xuân có bố cục cân đối, hợp lí. Mặc dù không thật rõ ràng nhưng cũng có thể nói đến kết cấu ba phần: mở đầu, diễn biến và kết thúc. Nguyễn Du đã cho thấy một nghệ thuật miêu tả thiên nhiên điêu luyện, sắc sảo. Trong đoạn trích, mặc dù chủ yếu là miêu tả cảnh ngày xuân nhưng vẫn thấy sự kết hợp với biểu cảm và tự sự (diễn biến cuộc tảo mộ, du xuân của chị em Thúy Kiều, dự báo sự việc sắp xảy ra).

"Cảnh ngày xuân" là một trong những đoạn thơ tả cảnh hay nhất trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Đọc đoạn trích, người đọc không chỉ trầm trồ về bức tranh thiên nhiên trong sáng vô ngần mà còn cảm nhận được vẻ đẹp trong một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa của cha ông: tiết Thanh minh. Và qua đây, Nguyễn Du cũng thể hiện nét tài hoa trong việc dựng lên một bức tranh tả cảnh ngụ tình tinh tế,... Với những điều đó, "Cảnh ngày xuân" sẽ luôn sống lại trong lòng người yêu thơ vào mỗi dịp đầu năm khi chúa xuân về với đất trời."

>>Tham khảo thêm: Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích "Cảnh ngày xuân"

Phần II

Câu 1

Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng bé Thu không nhận ra cha, đến lúc bé nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi. (0,25đ)

Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con nhưng chưa kịp trao thì ông đã hi sinh. (0,25đ)

Câu 2

  • Học sinh chỉ đúng 2 lời dẫn trực tiếp (0,5đ)
  • Chuyển thành lời dẫn gián tiếp đạt yêu cầu (0,5đ)

Câu 3

* Đoạn văn diễn dịch

Phần mở đoạn đạt yêu cầu (0,25đ)

- Phần thân đoạn gồm khoảng 12 câu với đầy đủ dẫn chứng và lí lẽ để làm rõ: tình cảm cha con sâu nặng, đầy cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay

- Tình huống éo le: ông Sáu phải vào chiến trường sau ba ngày phép, lúc này bé Thu mới nhận ra ba (0,25đ)

- Tình yêu thương mãnh liệt bé Thu dành cho ba thể hiện ở các chi tiết như tiếng gọi ba, cử chỉ, hành động dành cho ba... (1,0đ)

- Tình yêu thương con sâu sắc ở ông Sáu biểu lộ qua những chi tiết diễn tả tâm trạng, cử chỉ, đặc biệt là ánh nhìn của ông dành cho con... Từ những cảm nhận trên, cần khẳng định thành công của tác giả trong việc tạo tình huống, miêu tả tâm lí nhân vật nhằm làm nổi bật tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. (1,0đ)

* Có sử dụng phép lặp (gạch dưới) (0,25đ)

* Có câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định (gạch dưới)

Lưu ý: Nếu đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn trừ 0.5 điểm

Tham khảo thêm: Dàn ý chi tiết tình cảm Cha con trong truyện Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

--------------------

Với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Hải Dương số 1, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM