Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Hà Nội số 2 (có đáp án)

Xuất bản: 05/03/2021 - Tác giả:

Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Hà Nội có đáp án (đề số 2) trong bộ đề thi thử mới nhất dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo.

Mục lục nội dung

Tham khảo ngay mẫu đề số 2 trong 10 đề thi thử vào lớp 10 môn văn Hà Nội hay nhất dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:

Đề thi thử vào 10 Hà Nội số 2

PHẦN I:Trắc nghiệm khách quan (2,0 điểm)

Trong 8 câu hỏi sau mỗi câu có 4 phương án trả lời A, B, C, D; trong đó chỉ có một phương án đúng. Hãy chọn phương án đúng để viết vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Từ nào trong các từ sau đây không phải là từ Hán -Việt?

A. Thanh minh   B. Giai nhân

C. Tảo mộ     D. Ngựa xe.

Câu 2: Xét về thành phần câu, câu sau đây gồm mấy thành phần?

  “Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp”. 

A. Hai    B. Bốn

C. Ba    D. Một

Câu 3: Câu “ Tre ăn ở với người đời đời, kiếp kiếp” ( trích “Cây tre Việt Nam” -Thép Mới) sử dụng phép tu từ gì?

A. Nhân hóa    B. Ẩn dụ

C . So sánh  D. Hoán dụ

Câu 4: Câu “Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc” (trích “Những ngôi sao xa xôi” - Lê Minh Khuê) có chứa thành phần nào trong các thành phần sau?

A. Trạng ngữ  B.Thành phần tình thái

C. Khởi ngữ  D. Thành phần cảm thán.

Câu 5: Có thể thay thế từ ngữ xưng hô nào phù hợp cho từ “bà con

” trong câu nói “Luôn tiện bà con lót dạ”  (trích “Lặng lẽ Sa Pa” - Nguyễn Thành Long)

A. Mọi người   B. Các em

C. Các anh    D.  Các ông

Câu 6: Câu thơ “Biển cho ta cá như lòng mẹ - Nuôi lớn đời ta tự buổi nào” (trích “Đoàn thuyền đánh cá” - Huy Cận) thuộc kiểu câu gì?

A. Câu nghi vấn   B. Câu cảm thán

C. Câu trần thuật    D. Câu cầu khiến.

Câu 7: Nói dịu nhẹ như khen, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách. Điều đó được coi là gì?

A.  Nói móc   B.   Nói mát

C. Nói leo   D.   Nói dối.

Câu 8: Hãy chọn từ, ngữ thích hợp điền vào chỗ trống trong câu sau:

      Đồng nghĩa với “nhược điểm” là…

A.Yếu điểm    B. Khuyết điểm

C. Điểm thiếu sót   D. Điểm yếu.

PHẦN II: Tự luận

Câu 1:Cho câu văn sau:

 “Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác Hồ, cũng như các vị danh nho xưa , hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.”

a. Câu văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai ?

b. Văn bản chứa câu văn trên đề cập đến chủ đề gì?

c.Từ sự hiểu biết của em về văn bản, sự hiểu biết về xã hội, hãy nêu suy nghĩ của mình về phong cách sống của lớp trẻ hiện nay? (Viết trong khoảng một trang tờ giấy thi)

Câu 2:  Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

 ( Nguyễn Duy, Ánh trăng, SGK Ngữ văn 9, tập một)

Hết

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử số 2 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn Hà Nội số 2

Phần I: Trắc nghiệm

Trả lời đúng mỗi câu cho 0,25 điểm.trả lời sai hoặc thừa thì không cho điểm

Câu12345678
Đáp ánDCACACBD

Phần II: Tự luận

Câu 1

a. Câu văn trên trích trong văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”

Của tác giả Lê Anh Trà

b. Chủ đề của văn bản: Hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

c. Nội dung cần đảm bảo các ý sau :

1. Giải thích khái niệm phong cách: Có thể hiểu đó là lối sống, cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử… tạo nên cái riêng ở mỗi người hay ở một tầng lớp người nào đó.

+ Thấy được vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh

2. Đánh giá, bàn luận :

+ Phong cách sống dù ở thời đại nào cũng có một nền tảng chung: Sống có lí tưởng, phù hợp với bản sắc dân tộc, thời đại…

+ Khẳng định đa số lớp trẻ hiện nay có một phong cách , có lối sống cao đẹp: sống có lí tưởng, ứng xử có văn hóa, năng động , sáng tạo ,…biểu hiện trong học tập lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc sống đời thường (dẫn chứng)

+Tuy vậy còn một bộ phận không nhỏ có lối sống thục dụng, hưởng thụ…

3. Bài học nhận thức và hành động:

Thường xuyên rèn đức, luyện tài luôn “ Thế hệ trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Lưu ý : Học sinh có thể có những lí giải lập luận riêng; nếu hợp lí, thuyết phục , kĩ năng lập luận tốt vẫn cho điểm tối đa

Tài liệu liện hệ hay mà em không thể bỏ qua: Dàn ý nghị luận giữ gìn văn hóa dân tộc

Câu 2 

a. Mở bài:

Giới thiệu về tác giả,  tác phẩm ,về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Vị trí đoạn thơ.

Nêu cảm nhận chung về đoạn thơ.

b. Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ đánh giá về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.

* Hình ảnh vầng trăng cùng cảm xúc của nhà thơ:

- Sau chiến tranh, người lính trở về thành phố, sống với nhiều tiện nghi vật chất hiện đại, vầng trăng đã bị quên lãng , trở thành xa lạ.

+ Tác giả dùng lối kể tự nhiên, ngắn gọn (Từ hồi về thành phố, quen…) và chọn những chi tiết cụ thể mà giàu sức khái quát. “Ánh điện cửa gương” là cách nói hoán dụ tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ tiện nghi khép kín trong căn phòng hiện đại, xa rời thiên  nhiên. Trong không gian ấy ngỡ như không còn chỗ cho vầng trăng tình nghĩa một thời của người lính: “vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”. Cần đặt  hai từ “tri kỉ” và “người dưng’’ trong thế đối sánh để thấy rõ sự thay đổi của lòng người.

-  Một tình huống bất ngờ làm chuyển mạch cảm nghĩ của tác giả:

+ Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng trong  sự việc bất thường “đèn điện tắt, phòng tối om” khiến vầng trăng tỏa sáng. Chính lúc này nhà thơ mới nhận ra vẻ đẹp đích thực của vầng trăng tròn mà bấy lâu nay quen với “ánh điện cửa gương” đã quên mất.

+ Cảm xúc thiết tha có phần thành kính ở tư thế lặng im: “Ngửa mặt lên nhìn  mặt – có cái gì rưng rưng”. Cuộc đối thoại không lời trong khoảnh khắc ấy đã làm cho nhà thơ rưng rưng xúc động.

+ Vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên tươi mát , là người bạn tri kỉ suốt thời tuổi nhỏ rồi thời chiến tranh ở rừng .Vầng trăng xuất hiện làm ùa dậy trong tâm trí con người bao kỉ niệm của những năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên  đất nước bình dị hiền hậu: “như là đồng là bể - như là sông là rừng”.

- Khổ cuối đoạn thơ là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang chất triết lí của tác phẩm: “Trăng cứ tròn vành vạnh” như tượng trưng quá khứ đẹp đẽ vẹn nguyên chẳng thể phai mờ ; “ánh trăng im phăng phắc” chính là người bạn - nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ (và cả mỗi chúng ta):  Con người có thể vô tình , có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy bất diệt.Và cái giật mình thức tỉnh ở cuối bài thơ tạo thành một kết thúc mở , gợi nhiều liên tưởng , suy ngẫm. Giật mình vì trót vô tình, giật mình để thức tỉnh, để không chìm vào quên lãng. Con người giật mình trước ánh trăng lặng lẽ là sự thức tỉnh của nhân cách trở về với lương tâm trong sạch và tốt đẹp.

- Qua cái giật mình của Nguyễn Duy, tác giả muốn gửi tới mọi người ở mọi thời lời nhắc nhở về lối sống thủy chung.

•Đánh giá:

* Nghệ thuật:

- Thể thơ năm chữ, nhịp thơ trôi chảy tự nhiên; giọng điệu tâm tình tự nhiên như một lời tự nhắc nhở

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố tự sự , trữ tình và nghệ thuật xây dựng hình ảnh giàu tính biểu cảm.

- Kết cấu , giọng điệu thơ làm nổi bật chủ đề của tác phẩm tạo nên tính chân thực, sức  truyền cảm sâu sắc cho tác phẩm, gây ấn tượng mạnh với người đọc.

* Nội dung:

- Từ câu chuyện riêng , đoạn thơ cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về

thái độ tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, nghĩa tình đối với thiên nhiên đất nước bình dị hiền hậu.

- Ý nghĩa đoạn thơ nằm trong mạch cảm xúc “Uống nước nhớ nguồn”, gợi lên đạo lí sống thủy chung đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.

c. Kết bài: Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ và cảm nghĩ của bản thân.

Tài liệu tham khảo: Phân tích bài thơ Ánh trăng

Lưu ý:

1. Học sinh có thể nhắc đến hình ảnh vầng trăng trong quá khứ qua hai khổ đầu nhưng không nên đi sâu vào phân tích hai khổ thơ này.

2. Trong quá trình triển khai, học sinh có nhiều cách kết cấu bài viết khác nhau , giám khảo cần chú ý tới việc định hướng phân tích và kĩ năng của học sinh. Không đếm ý cho điểm. Ở mỗi ý, không cho điểm tối đa nếu học sinh không đảm bảo các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, diễn đạt.

-/-

Nguồn tài liệu: Lớp văn cô Thu

Mong rằng với trọn bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng làm văn và giải đề tốt hơn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM