Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn Hà Nội mẫu số 3

Xuất bản: 08/03/2023 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn Hà Nội mẫu số 3 có đáp án dựa theo cấu trúc đề thi mà Sở Hà Nội đã ra những năm gần đây cho các em ôn luyện kiến thức.

Mục lục nội dung

Cùng Đọc tài liệu tđặt bút làm thử với một mẫu đề thi thử vào lớp 10 TP Hà Nội mẫu 3, đề thi có tính chất tham khảo và ôn luyện kiến thức dành cho các em học sinh lớp 9 năm nay.

Đề thi thử vào 10 môn văn năm 2023 Hà Nội mẫu số 3

Phần I. (4 điểm)

Cho đoạn trích:

… “Trong một “thế giới mạng”, ở đó hàng triệu người trên phạm vi toàn cầu gắn kết với nhau trong một mạng in-tơ-nét thì tính cộng đồng là một đòi hỏi không thể thiếu được. Nhân dân ta có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm“nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Bản sắc này thể hiện mạnh mẽ nhất trong cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe dọa. Nhưng tiếc rằng phẩm chất cao quý ấy thường lại không đậm nét trong việc làm ăn, có thể do ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực và lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến.” …

(Trích Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2015)

1. Đoạn trích trên trích từ văn bản nào, của ai? Ghi lại năm sáng tác của văn bản? Thời điểm đó có ý nghĩa đặc biệt gì?

2. Trong đoạn trích trên, câu văn thứ 4 liên kết với câu văn thứ 3 bằng phép liên kết nào? Chỉ rõ từ ngữ được dùng làm phương tiện liên kết?

3. Xác định 1 thành ngữ trong đoạn trích. Giải thích nghĩa của thành ngữ đó.

4. “Thế giới mạng” giúp con người gắn kết với nhau nhưng ngày nay nhiều bạn trẻ lại dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo này. Em hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 1 trang giấy thi nêu suy nghĩ của mình về tác hại của thế giới ảo.

Phần II. (6 điểm)

Cho đoạn trích:

… “ Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:

- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?

- Là con thầy mấy lị con u.

- Thế nhà con ở đâu?

- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?

Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:

- Có

Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:

- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:

- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.” …

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2015)

1. Hãy cho biết đoạn trích trên nằm trong văn bản nào, của ai?

2. Vì sao tác giả không đặt tên tác phẩm là làng Chợ Dầu mà lại đặt tên là “Làng”?

3. Qua cuộc nói chuyện của ông Hai với đứa con út, em thấy tâm trạng ông Hai có gì đặc biệt? Điều đó thể hiện nỗi niềm sâu kín của ông như thế nào?

4. Viết đoạn văn kiểu quy nạp từ 10 đến 12 câu làm rõ nỗi lòng sâu xa, bền chặt của ông Hai dành cho quê hương, đất nước và kháng chiến, trong đoạn có sử dụng một câu mở rộng thành phần, một phép thế (gạch chân và chú thích).

5. Kể tên tác phẩm trong trình Ngữ văn THCS viết về đề tài người nông dân. Cho biết tên tác giả.

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu tài liệu đề thi thử vào 10 môn văn Hà Nội, các em tự làm vào giấy trong 120 phút rồi đối chiếu + đánh giá bài làm theo nội dung đáp án sau:

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn Hà Nội mẫu số 3

Phần I.

1.

- Tên văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” .

- Của tác giả : Vũ Khoan.

- Năm sáng tác : 2001.

- Thời điểm đó có ý nghĩa đặc biệt là: Những năm đầu của thế XXI, thời điểm nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập với thế giới.

2.

- Phép liên kết: phép nối .

- Từ ngữ liên kết: “nhưng” .

3.

- Thành ngữ: “Trâu buộc ghét trâu ăn”.

- Nghĩa của câu thành ngữ: Ý nói sự ganh tỵ, ghen tức với những người được hưởng quyền lợi hơn mình.

4. Yêu cầu:

- Học sinh viết đủ 1 trang giấy thi.

- Diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Lập luận chặt chẽ, cách viết thuyết phục.

- Phải đảm bảo các ý sau: 0,5

- Khái niệm: Thế giới ảo là thế giới của những trang mạng xã hội, là blog cá nhân, mạng cộng đồng như Myspace, Face book, Instagram….

- Tác hại:

+ Tốn nhiều thời gian, suốt ngày gắn với điện thoại, máy tính, không còn thời gian học tập, vui chơi, không còn thời gian để giao tiếp với bạn bè và người thân.

+ Thế giới ảo gây nghiện cho con người, quên ăn, quên ngủ chìm đắm trong thế giới của game online, Face book.

+ Dễ tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh không lành mạnh, tạo tâm lý tò mò, không kiểm soát được cảm xúc, gây những hậu quả khó lường.

+ Là cầu nối cho bọn tội phạm: lừa đảo, mạo danh người thân, bạn bè thực hiện những hành vi phi pháp.

+ Ảnh hưởng đến tâm lý phát triển và nhân cách, dễ làm con người rơi vào lối sống ảo.

Ghi chú: Có thể chấm linh hoạt với những hậu quả mà học sinh nêu ra.

- Liên hệ bản thân:

+ Tạo ra cho mình những sân chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội.

+ Học cách chia sẻ tâm tư tình cảm với người thân, bạn bè, không nên tìm đến thế giới ảo.

+ Nhận ra những hậu quả của thế giới ảo và tuyên truyền để bạn bè hiểu được tác hại của thế giới ảo.

Phần II.

1.

- Trích từ truyện ngắn “Làng”.

- Tác giả: Kim Lân.

2.

- làng Chợ Dầu là một danh từ riêng. Nếu đặt tên như vậy truyện sẽ bó hẹp ở một làng cụ thể.

- Tên “Làng” là danh từ chung mang tính khái quát. Chỉ mọi làng quê trên đất nước lúc bấy giờ.

- Đặt tên “Làng” nhà văn cũng khái quát được tình cảm chung phổ biến, bao trùm lên mọi người nông dân Việt Nam lúc bấy giờ. Nhân vật ông Hai cũng trở thành đại diện chung cho tất cả những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến. Góp phần làm rõ chủ đề tác phẩm.

3.

- Tâm trạng của ông Hai đặc biệt ở chỗ: Thực chất đây là ông Hai đang tự nhủ với mình, tự giãi bày lòng, minh oan cho mình.

- Nỗi niềm sâu kín của ông là:

+ Khắc sâu trong tim mình hình ảnh làng Chợ Dầu

+ Tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với Cụ Hồ. Tình cảm đó thật sâu nặng, bền vững và thiêng liêng.

4.

- Hình thức đoạn: Viết đúng quy nạp.

- Yêu cầu phụ:

+ Câu mở rộng thành phần.

+ Phép thế.

- Nội dung đoạn:

+ Đau khổ ông không biết tâm sự cùng ai ngoài đứa con bé bỏng. Ông hỏi con nhà ở đâu, là thể hiện nỗi nhớ làng, muốn khắc sâu vào trái tim con tình yêu với làng. Đó là tình cảm bền chặt của ông với làng quê.

+ Khi nghe con nói “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh” nước mắt ông ròng ròng trên hai má. Đó là nước mắt xót xa, đau đớn của người luôn yêu làng mà phải chôn chặt tình yêu . Đó là nỗi đau của một người luôn coi trọng danh dự của làng như danh dự của chính mình.

+ Ông nghẹn ngào thủ thỉ với con: “Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ”. Phải chăng trong tâm hồn người nông dân ấy không khi nào nguôi nỗi nhớ làng? Ông nhắc con cũng là tự nhắc mình phải ủng hộ Cụ Hồ. Đó là tấm lòng chung thủy với kháng chiến, với cách mạng thật sâu nặng, bền vững và thiêng liêng. Là tấm lòng trước sau như một của ông với cách mạng.

+ Nghệ thuật: ngôn ngữ mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân.

5.

- Truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.

Trên đây là chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2023 mẫu số 3, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2023 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM