Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn Chung 2024 Chuyên Thái Nguyên

Xuất bản: 09/04/2024 - Cập nhật: 10/04/2024 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn Chung 2024 Chuyên Thái Nguyên với bài đọc hiểu Thực ra, hoàn cảnh là một bức tranh không màu, nó đen tối hay tươi sáng

Chào các em học sinh lớp 9 tại tỉnh Thái Nguyên,

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 đang đến rất gần. Và để giúp các em có thêm tài liệu ôn tập, hôm nay Đọc tài liệu sẽ giới thiệu đến các em đề và đáp án thi thử tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên Thái Nguyên môn Ngữ văn (đề chung dành cho tất cả các thí sinh).

Đề thi gồm có 2 phần và xoay quanh những chủ đề quen thuộc trong chương trình học. Cùng đi vào chi tiết đề thi thử vào lớp 10 này:

Đề thi thử vào 10 2024 môn Văn Chung 2024 Chuyên Thái Nguyên

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thực ra, hoàn cảnh là một bức tranh không màu, nó đen tối hay tươi sáng là do chính bạn lựa chọn màu vẽ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn!

Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lấy sự đắng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn. Con người có thể cho bạn sự trọng vọng hay khinh rẻ, bạn có thể lựa chọn đón nhận hay phớt lờ. Số phận ban cho cỏ dại sự chà đạp, xa lánh của con người, tuy nhiên, số phận cũng để cho cỏ dại lựa chọn nở hoa hay héo úa. Và bạn đã biết, cỏ dại lựa chọn điều gì. Rõ ràng, bạn luôn có quyền lựa chọn thái độ sống cho mình, chỉ là đôi khi, bạn lười biếng lựa chọn và để cho số phận kéo đi.

(Trích Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống..., Phạm Sĩ Thanh, NXB Thế giới, 2019, tr.46-47)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra 01 phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn: “Số phận ban cho cỏ dại sự chà đạp, xa lánh của con người, tuy nhiên, số phận cũng để cho cỏ dại lựa chọn nở hoa hay héo úa. Và bạn đã biết, cỏ dại lựa chọn điều gì”.

Câu 3 (1,0 điểm): Em hiểu như thế nào về câu: “Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lấy sự đắng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn”?

Câu 4 (1,0 điểm): Em có đồng ý với quan điểm: "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm): Từ ngữ liệu phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) bản về ý nghĩa của việc lựa chọn thái độ sống tích cực.

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích sau:

Vũ Nương nói:

- Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa!

Phan nói:

- Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?

Nghe đến đấy, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng:

- Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm  vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.

Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía, đựng mười hạt minh châu, sai sứ giả Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn:

- Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về.

Lúc đến nhà, Phan đem chuyện kể lại với họ Trương. Ban đầu Trương không tin. Nhưng khi nhận được chiếc hoa vàng, chàng mới sợ hãi mà nói:

- Đây quả là vật dùng mà vợ tôi mang lúc ra đi.

Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.

Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:

- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.

Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.

(Trích Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.47,48)

--------Hết-------

Xem thêm đề thi chính thức qua các năm::

Dưới đây là đáp án của đề thi để các em tham khảo và kiểm tra lại kết quả của mình.

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn Chung 2024 Chuyên Thái Nguyên

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn văn: phép lặp (lặp lại từ “cỏ dại”, “lựa chọn”) hoặc phép nối (từ “và”)

Câu 3. 

- Muối mặn: ẩn dụ cho những khó khăn, thách thức của con người trong cuộc sống.

- Bỏ ngay vào miệng để nhận sự đắng chát: chấp nhận/chịu đựng những khó khăn, thách thức.

- Bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon: biến khó khăn, thách thức thành cơ hội tạo ra những điều tốt đẹp.

=> Cuộc sống có thể mang đến cho con người nhiều khó khăn, thử thách; mỗi người có thể lựa chọn thái độ ứng xử khác nhau: hoặc là chấp nhận, chịu đựng, hoặc là nỗ lực để vượt qua, vươn tới những điều tốt đẹp.

Câu 4. 

Học sinh có thể bày tỏ ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình nhưng phải có cách lý giải hợp lý, thuyết phục.

(Có thể theo hướng đồng tình. Vì:

- Mỗi tình huống mà chúng ta đối mặt trong cuộc sống đều có nhiều khía cạnh và cách tiếp cận khác nhau, từ đó tạo ra nhiều sự lựa chọn khác nhau để giải quyết vấn đề.

- Mỗi người đều có quyền quyết định thái độ sống của bản thân. Nhìn nhận vấn đề một cách tiêu cực hay tích cực là do sự lựa chọn của bạn)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc lựa

chọn thái độ sống tích cực.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa của việc lựa chọn thái độ sống tích cực.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng sau:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc lựa chọn thái độ sống tích cực.

- Giải thích khái niệm “thái độ sống tích cực” (thái độ chủ động trước cuộc sống; luôn lạc quan, tin tưởng; nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp, sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách…).

- Nêu ý nghĩa của việc lựa chọn thái độ sống tích cực (giúp con người sống vui vẻ, lạc quan; có thêm động lực vượt qua những khó khăn thử thách; mở ra cơ hội thành công trong cuộc sống; lan tỏa năng lượng tích cực tới mọi người, …)

- Rút ra bài học nhận thức và hành động.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm)

- Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm)

- Học sinh lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm)

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

Câu 2

Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúngvấn đề nghị luận

Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật và đoạn trích

* Khái quát chung về tác phẩm và đoạn trích:

- Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tập truyện “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Câu chuyện kể về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương. Qua đó, tác giả làm nổi bật vẻ đẹp và số phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Đoạn trích nằm ở phần cuối truyện, kể lại sự trở về của Vũ Nương trong lễ giải oan, nhưng nàng chỉ trở về trong chốc lát, sau đó bóng nàng mờ dần rồi biến mất.

* Vẻ đẹp của Vũ Nương trong đoạn trích:

- Nàng là người trọng danh dự, luôn mong muốn được phục hồi nhân phẩm (Bị ruồng rẫy, Vũ Nương thà già ở chốn làng mây cung nước; nàng muốn Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình vì không muốn phải suốt đời phải mang tiếng xấu đầy oan ức).

- Nàng là người phụ nữ bao dung, vị tha (Dù Trương Sinh hồ đồ, đối xử bất công vô lí với nàng khiến nàng phải chọn cái chết nhưng khi trở về, nàng vẫn dùng lời lẽ dịu dàng và cảm tạ tấm lòng của Trương Sinh)

- Nàng là người trọng tình nghĩa (ứa nước mắt khi nghe Phan Lang nhắc đến tiên nhân; luôn mong nhớ tới quê nhà và gia đình “ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành nam”; lựa chon dành phần đời còn lại để báo đền ân nghĩa của Linh Phi, ân nhân đã cứu giúp nàng)

=> Vũ Nương hội tụ những phẩm chất của người phụ nữ truyền thống.

* Số phận bi kịch của Vũ Nương

- Vũ Nương trở về một cách uy nghi, rực rỡ nhưng chỉ trong chốc lát.

- Nàng mãi mãi không còn được hưởng hạnh phúc gia đình…

* Ý nghĩa:

- Ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa, đồng thời cảm thông, xót xa cho số phận bi thảm của họ.

- Phê phán xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa cùng chế độ nam quyền hà khắc gây bao nỗi khổ đau, oan trái cho con người, nhất là người phụ nữ.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm -2,5 điểm

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm

* Đánh giá

- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, sử dụng nhiều yếu tố kì ảo…

- Đoạn trích đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Vũ Nương cùng số phận đầy bi kịch của nàng. Đó là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

- Để lại những suy nghĩ thấm thía, sâu sắc cho người đọc (ý thức xây đắp hạnh phúc gia đình, ý thức bình đẳng giới…)

Hướng dẫn chấm:

- Trình bày được 2 ý: 0,5 điểm

- Trình bày được 1 ý: 0,25 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

- Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống, văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Hướng dẫn chấm:

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

-/-

Chúc các em thành công và đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2024 khác của các tỉnh thành trên cả nước đang đợi các em khám phá.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM