Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn chung 2024 chuyên Lam Sơn

Xuất bản: 09/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn chung 2024 chuyên Lam Sơn có đáp án với bài đọc hiểu Người Việt trong gia đình hôm nay có vẻ ít nói chuyện với nhau hơn bởi họ

Đề thi vào 10 môn Văn mẫu số 3 này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn của tỉnh Thanh Hóa do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào 10 môn văn chung 2024 chuyên Lam Sơn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích:

Người Việt trong gia đình hôm nay có vẻ ít nói chuyện với nhau hơn bởi họ nghiện mạng và thứ hai, chất lượng cuộc nói chuyện của nhiều người khá hời hợt, đôi khi trở nên phí thời gian. […]

Một thủ phạm phá vỡ sự gắn kết của nhiều gia đình, tôi nghĩ là điện thoại. Tôi đã thấy sự nguy hiểm của điện thoại với tôi vài năm trở lại đây, nhưng tôi vẫn thất bại trong việc ngăn chặn nó nắm quyền điều khiển hành vi của tôi. Nhiều khi, đang trong công việc, tôi không kiềm chế nổi, rút điện thoại ra và kiểm tra tin nhắn, kéo dòng thời gian xuống để xem dù chúng không quá quan trọng. Chúng ta đang nghiện Internet, một cách chầm chậm nhưng chắc chắn. Các công ty thiết kế những chương trình siêu hạng để cám dỗ sự chú ý của bạn ở màn hình lâu nhất có thể, và bộ não của chúng ta đang mắc bẫy.

Trong nhiều gia đình hôm nay, thời gian ở bên nhau, nhiều người bị dán mắt vào màn hình của họ. Điều này thật tồi tệ. Mọi người thường làm việc theo khuôn mẫu. Người trẻ sẽ bắt chước theo người lớn. Tôi mong một ngày, mọi người nhận ra nghiện Internet cũng nguy hiểm như nghiện thuốc lá vậy. Chúng ta có thể sử dụng và làm chủ công nghệ, nhưng tuyệt nhiên không để bị nghiện. Đây là sự cân bằng hiệu quả nhất và nó cần một cuộc trò chuyện nghiêm túc về lý do chỉ nên làm gì trên mạng. Điều này tốt hơn rất nhiều và về lâu dài sẽ là hữu ích với văn hóa gia đình, cứu chúng ta khỏi mắc kẹt trong những cuộc trò chuyện phiếm chẳng đi đến đâu. […]

Cho nên, ở nhà, trò chuyện và tạo ra yêu thương với các thành viên trong gia đình nhiều hơn là một điều không tệ lắm. Ở nhà để tận hưởng sự kết nối với người thân là điều cần thiết từ rất lâu mỗi cá nhân đã quên mất.

(trích Trò chuyện với gia đình, Jesse Peterson, Vn Express 1/5/2021)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2 (0,5 điểm). Theo đoạn trích, “thủ phạm” phá vỡ sự gắn kết của nhiều gia đình là gì?

Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong đoạn văn Cho nên, ở nhà, trò chuyện và tạo ra yêu thương với các thành viên trong gia đình nhiều hơn là một điều không tệ lắm. Ở nhà để tận hưởng sự kết nối với người thân là điều cần thiết từ rất lâu mỗi cá nhân đã quên mất.

Câu 4 (1,0 điểm). Từ thông điệp tác giả gửi gắm trong câu văn Tôi mong một ngày, mọi người nhận ra nghiện Internet cũng nguy hiểm như nghiện thuốc lá vậy, em hãy rút ra bài học về việc sử dụng Internet cho bản thân.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của sự kết nối giữa những người thân trong gia đình trước thực trạng “nghiện Internet” hiện nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.

(Trích Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2023, tr.131)

Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp của người lính cách mạng thời kì kháng chiến chống Mĩ được thể hiện trong đoạn thơ.

HẾT 

(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn chung 2024 chuyên Lam Sơn

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là: phương thức nghị luận/ nghị luận.

Câu 2. Theo đoạn trích, thủ phạm phá vỡ sự gắn kết của nhiều gia đình là: điện thoại.

Câu 3. 

- Đoạn văn sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ: ở nhà

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự cần thiết và niềm vui của việc ở nhà để trò chuyện, yêu thương, tận hưởng sự kết nối nhằm tăng sự gắn kết giữa cá nhân mỗi người với các thành viên trong gia đình; nhắc nhở, nhắn nhủ mọi người biết trân trọng, gìn giữ tình cảm gia đình.

+ Tạo giọng điệu tha thiết, nhịp điệu hào hứng; tăng tính liên kết, sức thuyết phục cho văn bản.

Câu 4.

- Thông điệp tác giả gửi gắm trong câu văn: Cần nhận thức về tác hại của việc nghiện Internet và ý thức sử dụng mạng xã hội tích cực, hiệu quả.

- Rút ra một bài học phù hợp về việc sử dụng Internet cho bản thân. Có thể theo hướng: biết kiểm soát bản thân, ứng xử văn minh, tiếp thu thông tin bổ ích, lan tỏa những điều tốt đẹp … khi sử dụng Internet.

Lưu ý: Học sinh có thể lựa chọn bài học khác, nhưng phải phù hợp và đảm bảo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; đồng thời, phải lí giải ngắn gọn, thuyết phục.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn, đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của sự gắn kết giữa những người thân trong gia đình trước thực trạng “nghiện Internet” hiện nay.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai nhưng phải lí giải được vấn đề, có thể theo định hướng sau:

- Trước tình trạng “nghiện Internet” hiện nay, sự liên hệ, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ít nhiều chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Chính vì vậy, việc nhận thức về vai trò của sự kết nối giữa những người thân trong gia đình càng trở nên cần thiết.

- Vai trò của sự kết nối giữa những người thân trong gia đình trước tình trạng “nghiện Internet” hiện nay:

+ Kết nối với người thân giúp ta nhận ra và trân trọng giá trị của gia đình để không bị chìm đắm trong những giá trị ảo.

+ Kết nối với người thân ta được yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia; có động lực vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thiện bản thân.

+ Kết nối với người thân giúp ta tạo lập những giá trị sống ý nghĩa, lan tỏa năng lượng sống tích cực, góp phần phát triển cộng đồng, xã hội.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về đoạn thơ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhận xét về vẻ đẹp của người lính cách mạng thời kì kháng chiến chống Mĩ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

c1. Giới thiệu khái quát về tác giả Phạm Tiến Duật, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

c2. Cảm nhận về đoạn thơ

- Hình ảnh những chiếc xe không kính

+ Quen thuộc mà độc đáo: xe không kính; sự cố bất thừơng đầy khốc liệt được xác nhận một cách bình tĩnh, thản nhiên (không có kính không phải vì xe không có kính / Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.)

+ Góp phần thể hiện hiện thực chiến tranh gian khổ, khốc liệt những năm chống Mĩ; biểu tượng cho tinh thần quả cảm, hiên ngang của người lính lái xe (động từ mạnh giật, rung).

- Vẻ đẹp của người lính lái xe

+ Tư thế hiên ngang, tâm thế ung dung đầy bản lĩnh: không né tránh, sẵn sàng đối diện, đương đầu với những khó khăn gian khổ (từ láy ung dung, điệp từ nhìn, cụm từ nhìn thẳng)

- Tâm hồn trẻ trung, lãng mạn đầy khát vọng: những trải nghiệm thú vị sau tay lái những chiếc xe không kính, giao hòa cùng thiên nhiên, bay bổng khát vọng về hòa bình, độc lập. (điệp từ thấy, phép liệt kê gió vào xoa mắt đắng, con đường chạy thẳng vào tim,  sao trời, cánh chim.)

- Nghệ thuật thể hiện

+ Thể thơ tự do, giọng điệu trẻ trung, tinh nghịch, đan xen giữa tự sự và biểu cảm một cách linh hoạt.

- Ngôn từ giản dị, đôi chỗ suồng sã như lời nói thường ngày, mang đậm chất lính.

- Chi tiết, hình ảnh đậm chất hiện thực tự nhiên, sinh động, giàu sức biểu hiện.

c3. Nhận xét về vẻ đẹp của người lính cách mạng được thể hiện trong đoạn thơ

- Đoạn thơ đã thể hiện chân thực, ấn tượng vẻ đẹp của người lính cách mạng qua hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn những năm chống Mĩ. Đó là vẻ đẹp: ung dung, hiên ngang, bản lĩnh, dũng cảm đối mặt và vượt qua gian khó thử thách, hiểm nguy; tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, lạc quan, yêu đời; ý chí cao đẹp chiến đấu vì miền Nam; khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. (Liên hệ với vẻ đẹp của người lính cách mạng thời chống Pháp trong bài thơ “Đồng chí”)

- Thể hiện vẻ đẹp của người lính cách mạng, Phạm Tiến Duật đã khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ nơi chiến trường Trường Sơn, vẻ đẹp của con người Việt Nam, chủ nghĩa anh hùng cách mạng những năm chống Mĩ đau thương mà hào hùng. Từ đó, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” góp thêm hình tượng đẹp, ý nghĩa về anh bộ đội cụ Hồ; Phạm Tiến Duật vì thế cũng khẳng định được vị trí riêng của một nhà thơ mặc áo lính trong nền thi ca cách mạng.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Lưu ý: Không cho điểm nếu bài mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM