Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 5 tỉnh Vĩnh Phúc

Xuất bản: 19/03/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 5 của tỉnh Vĩnh Phúc chi tiết dành cho các em học sinh lớp 9 bổ sung kho tài liệu tham khảo tại nhà.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc mẫu số 5 cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn tỉnh Vĩnh Phúc do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 5 Vĩnh Phúc

I. Trắc nghiệm (2,0 điểm). 

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bằng cách viết ra tờ giấy thi chữ cái in hoa trước đáp án đúng:

Tuy nhiên, ý nghĩ dai dẳng cho rằng trái đất là nơi độc nhất có phép màu của sự sống trong hệ mặt trời, ý nghĩ đó đã đẩy chúng ta tới kết luận này, không thể khác được: chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí.

Không những đi ngược lại lí trí của con người mà còn đi ngược lại cả lí trí của tự nhiên nữa […]. Từ khi mới nhen nhúm sự sống trên trái đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng đã phải trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. Trong thời đại hoàng kim này của khoa học, trí tuệ con người chẳng có gì có thể tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp, chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó.

(Ngữ văn 9, tập 1, tr.19, NXB GD Việt Nam, 2019)

Câu 1. Đoạn trích trên thuộc văn bản nào?

A. Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

B. Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

C. Thông tin về Ngày Trái đất năm 2000

D. Bài toán dân số.

Câu 2. Câu văn: Cũng đã phải trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. xét về cấu tạo ngữ pháp thuộc kiểu câu gì?

A. Câu đơn

B. Câu rút gọn

C. Câu đặc biệt

D. Câu ghép

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

Câu 4.  Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

A. Ca ngợi trí tuệ con người khi tạo ra được những phát minh khoa học.

B. Ca ngợi quá trình tiến hóa kì diệu của tự nhiên.

C. Chạy đua vũ trang đi ngược lại lí trí của con người.

D. Chạy đua vũ trang đi ngược lại lí trí của tự nhiên.

II. Tự luận (8,0 điểm).

Câu 5 (3,0 điểm).

Từ ý nghĩa của đoạn trích đã dẫn ở phần I, em hãy viết đoạn văn khoảng 8 đến 10 câu nêu suy nghĩ về hậu quả của chiến tranh đối với cuộc sống của con người.

Câu 6 (5,0 điểm).

Cảm nhận về những đức tính tốt đẹp của Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

- Hết-

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 Vĩnh Phúc mẫu 5

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm).

1. B

2. A

3. C

4. D

II. PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm). 

Câu 5 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn nghị luận xã hội.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Hậu quả của chiến tranh với cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: Ý nghĩa của phần trích trên là gì? Chiến tranh gây hậu quả như thế nào? Em sẽ làm gì để góp phần ngăn chặn hậu quả đó? Có thể theo hướng sau:

* Giải thích:

- Đoạn trích cho ta thấy sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân đối với sự sống trên trái đất.

- Chỉ vì quyền lợi ích kỉ của bản thân giai cấp thống trị, nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa đã nổ ra, để lại hậu quả nặng nề.

* Suy nghĩ, bàn luận về hậu quả của chiến tranh:

- Để lại những đau thương, mất mát, thiệt hại cho các bên về mặt con người (thương vong, bệnh tật, đau đớn thể xác,...)

- Thiệt hại về cơ sở vật chất xã hội, nền kinh tế bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm…

- Để lại những tổn thương về mặt tinh thần cho những người còn sống…

- Rạn nứt mối quan hệ giữa người – với người, giữa hai đất nước, sự thù hận trỗi dậy, hằn sâu và bám rễ.

(HS lấy dẫn chứng phù hợp với luận điểm để chứng minh)

* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Cần tích cực đấu tranh chống lại các cuộc chạy đua vũ trang để bảo vệ cuộc sống hòa bình.

- Liên hệ bản thân.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt tốt, mới mẻ.

Câu 6

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài  triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Cảm nhận được những đức tính tốt đẹp của Vũ Nương.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các nội dung sau:

I.  Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

-  Nêu vấn đề nghị luận: Vũ Nương mang những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống: đẹp người, đẹp nết; hiếu thảo, thủy chung, trong danh dự và tình nghĩa.

II. Thân bài

* Khái quát cốt truyện:

- Truyện kể về nhân vật chính Vũ Nương, người phụ nữ thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Chỉ vì bị chồng nghi oan, nàng phải trẫm mình xuống sông Hoàng Giang. Được Linh Phi cứu sống, gặp Phan Lang, Vũ Nương được giải oan.

- Cốt truyện làm nổi bật những đức tính cao đẹp cả Vũ Nương: đảm đang, tháo vát, hiếu nghĩa, thủy chung.

* Cảm nhận về những đức tính của Vũ Nương

a. Đảm đang:  Khi chồng ra lính, Vũ Nương ở nhà một mình gánh vác công việc gia đình: nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ chồng khi ốm đau, lo liệu ma chay khi mẹ chồng mất.

b. Hiếu  nghĩa:

- Với mẹ chồng, Vũ Nương giữ trọn chữ hiếu của người con đối với cha mẹ. Nàng thay chồng nuôi dưỡng chăm sóc, lo liệu cho mẹ chồng như với mẹ đẻ.

- Với chồng, Vũ Nương trước sau vẫn giữ trọn vẹn nghĩa tình:

+ Biết chồng có tính đa nghi. Những ngày mới về nhà chồng nàng đã hết sức “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.

+ Khi xa chồng, nàng không để xảy ra điều tiếng gì.

+ Khi danh dự bị xúc phạm, trinh tiết bị nghi ngờ nàng đành phải lấy cái chết để chứng minh cho nghĩa tình của mình.

+ Sau này khi được sống ở chốn “làng mây cung nước” - một cuộc sống thanh thản, sung sướng nàng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ đến gia đình, chồng con và mong được chồng biết đến nỗi oan và giải oan cho mình.

c . Trong trắng, thủy chung

- Vũ Nương hoàn toàn vô tội nhưng lại bị nghi oan, dù giãi bày cũng không gỡ ra được nên nàng phải tìm đến cái chết với lời thề bên bến Hoàng Giang: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

- Nàng tin ở tấm lòng chung thủy, trong trắng của mình. Nên sau khi tự vẫn, như lời nguyền “ các nàng tiên trong nước thương tôi vô tội rẽ một đường nước cho tôi thoát chết, nếu không thì đã vùi vào bụng cá…”, rồi được Linh Phi cho sống sung sướng trong cung…

- Tiết nghĩa Vũ Nương là như vậy, nhưng như trên đã nói: nỗi oan được giải, gặp lại chồng nhưng nàng không thể trở về sống ở cõi đời này được. Câu chuyện mãi mãi là tấn bi kịch, là nỗi thương tâm và tấm lòng Vũ Nương càng sáng tỏ.

* Đặc sắc nghệ thuật: Truyện có nhiều thành công về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện giàu kịch tính, tập trung làm nổi bật nhân vật Vũ Nương, gây xúc động đối với người đọc. Xuyên suốt câu chuyện, trong mọi tình tiết, chi tiết có dịp là tác giả giới thiệu, ca ngợi phẩm chất Vũ Nương. Nhà văn để  Vũ Nương nói nhiều lần trong tác phẩm, giọng nói khi thì ân tình, khi thì thống thiết khiến người đọc xúc động. Cách xây dựng tình tiết, thắt nút, gỡ nút đầy bất ngờ, đầy kịch tính.

=> Thông qua những đức tính cao đẹp của Vũ Nương, nhà văn bày tỏ thái độ ngợi ca, trân trọng với người phụ nữ. Đây là biểu hiện của giá trị nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề.

- Nhấn mạnh đóng góp của nhà văn trong tác phẩm và đối với nền văn học trung đại Việt Nam.

d. Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Xem thêm đề thi chính thức của các năm trước:

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 tỉnh Vĩnh Phúc mẫu số 5, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM