Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 3 bài Đồng chí

Xuất bản: 24/04/2024 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2024 mẫu số 3 bài Đồng chí cùng bài hướng dẫn viết một đoạn văn : Mẹ ru cái lẽ ở đời Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi vào 10 môn Văn mẫu số 3 này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Bài thi với yêu cầu Phân tích bài thơ “ Đồng chí” của Chính Hữu.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào 10 môn văn 2024 mẫu số 3

PHẦN ĐỌC-HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“ Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “ Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”

Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.”

Câu 1: Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm?

Câu 2: Xác định, gọi tên và nêu tác dụng của thành phần biệt lập trong câu văn sau: “Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá”

Câu 3: Qua đoạn văn, em cảm nhận được vẻ đẹp nào của nhân vật xưng “ tôi”.

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) :

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ...mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Từ suy ngẫm trên của nhà thơ Nguyễn Duy, hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200) chữ về tình yêu và lòng biết ơn mẹ.

Câu 2 (5,0 điểm) :

Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu để chứng tỏ bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí cao quý của các anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp.

-Hết-

(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 mẫu số 3

PHẦN ĐỌC-HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1 (1.0 điểm):

- Đoạn văn trích trong tác phẩm “ Những ngôi sao xa xôi”

- Tác giả: Lê Minh Khuê

- Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1971- lúc này cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc diễn ra vô cùng ác liệt, đặc biệt là trên tuyến đường Trường Sơn

* Mức tối đa ( 1 điểm): Bài làm đạt được các yêu cầu trên

* Mức chưa tối đa ( Từ 0,25-> 0,75điểm): Bài làm chưa đầy đủ các yêu cầu trên

* Mức không đat ( 0 điểm): Không biết làm hoặc làm sai.

Câu 2 ( 1.0 điểm)

- Thành phần biệt lập: “Nói một cách khiêm tốn”- Thành phần tình thái

- Tác dụng: Thể hiện sự đánh giá của nhân vật “ tôi” (Phương Định) về vẻ đẹp ngoại hình ( nhan sắc) của mình.

* Mức tối đa ( 1 điểm): Bài làm đạt được các yêu cầu trên

* Mức chưa tối đa ( Từ 0,25-> 0,75điểm): Bài làm chưa đầy đủ các yêu cầu trên

* Mức không đat ( 0 điểm): Không biết làm hoặc làm sai.

Câu 3 ( 1.0 điểm):

- Đoạn văn là lời tự nhận xét, đánh giá về vẻ đẹp ngoại hình, qua đó toát lên vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật xưng “ tôi”- Phương Định.

- Vẻ đẹp ngoại hình: Phép liệt kê ( tả tóc, cổ, mắt), so sánh ( như đài hoa loa kèn) cùng các tính từ gợi tả ( dày, mềm, cao, kiêu hãnh, xa xăm, dài dài, nâu…) đã làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình xinh xắn, duyên dáng, kiêu kì, đài các của một cô gái Hà Thành

- Vẻ đẹp tâm hồn: trẻ trung, trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng…của một cô gái mới lớn.

-> Với vẻ đẹp hình thức và tâm hồn này, Phương Định được ví như đóa hoa lan rừng làm dịu đi cái nóng bỏng của chảo lửa Trường Sơn đầy bom đạn, để lại bao ấn tượng, cảm xúc mến thương nơi người đọc.

* Mức tối đa ( 1 điểm): Bài làm đạt được các yêu cầu trên

* Mức chưa tối đa ( Từ 0,25-> 0,75điểm): Bài làm chưa đầy đủ các yêu cầu trên

* Mức không đat ( 0 điểm): Không biết làm hoặc làm sai.

PHẦN LÀM VĂN: ( 7 điểm)

Câu 1 ( 2.0 đ iểm)

1. Tiêu chí về nội dung ( 1,5 điểm): Bài viết cần bám sát các yêu cầu về nội dung sau:

- Giải thích ý thơ của Nguyễn Duy và xác định vấn đề cần bàn luận: Đoạn thơ khẳng định công lao của người mẹ với con là vô cùng lớn lao: nuôi dưỡng con cả về thể chất ( sữa nuôi phần xác) và tinh thần ( hát nuôi phần hồn) và cái lẽ ở đời là phận làm con phải biết yêu thương, thấm thía công ơn mẹ.

- Đánh giá vai trò to lớn của mẹ đối với con:  Mẹ là người trao cho con cuộc sống, mang con đến với thế giới này. Mẹ chắt lọc sự sống của thể chất cho con và chăm lo cho con bằng tất cả tình yêu và đức hi sinh của mình. Tình yêu và sự chăm lo của mẹ cho con bền bỉ, tận tụy và vị tha, vượt mọi khoảng cách thời gian, không gian…không đòi hỏi đền đáp bao giờ. Thậm chí có những người mẹ đã hi sinh cả tính mạng vì con ( HS lấy dẫn chứng những người mẹ ung thư từ chối điều trị hóa chất để cứu con…)

- Những biểu hiện về tình yêu và lòng biết ơn của con đối với mẹ: Cảm nhận và thấm thía những khát vọng mẹ gửi gắm vào con.  Cố gắng học tập và rèn luyện để thực hiện những khát vọng ấy của con xứng đáng với tình yêu và sự hi sinh của mẹ. Thương yêu và biết ơn mẹ bằng những việc làm cụ thể hàng ngày: giúp đỡ việc gia đình, chăm sóc mẹ khi đau ốm, động  viên an ủi mẹ khi buồn…

- Bàn luận, mở rộng ( 0,5 điểm)

+ Dân tộc ta vốn có truyền thống coi trọng tình yêu và sự biết ơn của người con đối với cha mẹ. nhiều câu ca dao, tục ngữ khẳng định điều này: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” “Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”…  Và các nhà thơ, văn hiện đại đã tiếp tục nguồn cảm hứng vô tận ấy…

+  Phê phán những thái độ vô ơn, vô cảm trước tình yêu và sự hi sinh của mẹ, có những thái độ, việc làm sai trái đối với mẹ…

- Bài học nhận thức và hành động: Hiểu vai trò, tình yêu, đức hi sinh của mẹ đối với con nên mỗi chúng ta cần đền đáp công ơn ấy bằng những hành động, việc làm cụ thể, hàng ngày, không để mẹ phái buồn, lo lắng nhiều vì mình

2. Các tiêu chí khác ( 0,5 điểm)

a. Hình thức, lập luận ( 0,25 điểm)

+ HS viết được một đoạn văn theo yêu cầu, các ý được sắp xếp trong đoạn văn hợp lí, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả.

+ Dẫn chứng và lí lẽ thuyết phục, văn viết mạch lạc, sáng tạo, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường.

+ HS biết cách lập luận chặt chẽ, phát triển ý tưởng đầy đủ theo trật tự logic, thực hiện tốt việc liên kêt câu trong đoạn văn.

- Mức tối đa ( 0,25 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên

- Mức không đạt ( 0 điểm): nội dung đoạn còn thiếu ý, mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt, không biết cách lập luận, không biết phát triển ý…

b. Sáng tạo: ( 0,25 điểm)

+ Đoạn văn nghị luận cần hay, hấp dẫn bởi các yếu tố tự sự, biểu cảm được sử dụng hợp lí, văn viết giàu hình ảnh, bày tỏ suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. Có những cách viết hoặc kiến giải riêng về vấn đề trong bài.

- Mức tối đa ( 0,25 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên

- Mức không đạt ( 0 điểm: Bài không có sáng tạo

Câu 2 ( 5.0 điểm)

1. Tiêu chí về nội dung ( 4.0 điểm): Bài viết cần bám sát các yêu cầu về nội dung sau:

a. Mở bài ( 0,5 điểm)

- Giới thiệu tác giả Chính Hữu

- Giới thiệu bài thơ “ Đồng chí”

- Nêu nhận xét chung về bài thơ ( như đề bài đã nêu)

+ Mức tối đa ( 0,5 điểm): HS biết cách dẫn dắt, giới thiệu vấn đề hay, sáng tạo

+ Mức chưa tối đa ( 0,25 điểm): HS biết dẫn dắt, giới thiệu vấn đề phù hợp nhưng chưa hay, còn mắc lỗi diễn đạt, dùng từ

+ Mức không đạt: ( 0 điểm): Lạc đề, mở bài không đạt yêu cầu, sai cơ bản hoặc không có mở bài.

b. Thân bài:

* Tình đồng chí xuất phát từ nguồn gốc cao quý:

- Xuất thân nghèo khó: Nước mặn đồng chua, đát cày lên sỏi đá

- Chung lí tưởng chến đấu: Súng bên súng, đầu sát bên đầu

- Từ xa cách họ nhập lại trong một đội ngũ gắn bó keo sơn…

- Cùng chia sẻ những khó khăn gian khổ của cuộc sống quân ngũ “ rét chung chăn”

- Kết thúc đoạn thơ là câu thơ có cấu tạo đặc biệt ( được tạo bởi hai tiếng và dấu chấm than) nhưng mang nhiều ý nghĩa: như một nốt nhấn, một lời khẳng định và khái quát cảm xúc toàn bài; dồn nén nhiều tình cảm, cảm xúc; như cái bản lề chia và nối hai phần bài thơ…

* Tình đồng chí trong cuộc sống gian lao:

- Họ cảm thông, chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ quê: nhớ ruộng nương, lo cảnh nhà gieo neo ( Ruộng nương….gió lung lay). Từ “ mặc kệ” chỉ thái độ dứt khoát, quyết tâm lên đường. Giọng điệu, hình ảnh của ca dao ( bến nước, gốc đa) làm cho lời thơ càng thêm thắm thiết

- Cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn, những cơn sốt rét rừng nguy hiểm: Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh. Những chi tiết đời thường thành thơ, mà thơ hay.Từng cặp chi tiết thơ sóng đôi như hai đồng chí bên nhau: áo anh-quần tôi...

- Kết đoạn cũng quy tụ cảm xúc vào một câu: “ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”: tình đồng chí truyền hơi ấm cho đồng đội, vượt qua bao gian lao, bệnh tật

* Tình đồng chí trong chiến hào chờ giặc:

- Cảnh chờ giặc căng thẳng, rét buốt: đêm, rừng hoang, sương muối

- Họ cùng sát cánh bên nhau vì chung chiến hào, chung nhiệm vụ chiến đấu: chờ giặc

- Cuối đoạn và cũng là cuối bài thơ, cảm xúc lại được kết tinh trong câu thơ rất đẹp: Đầu súng trăng treo. ( Như bức tượng đài người lính, hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của tình đồng chí, cách biểu hiện thật độc đáo, vừa lãng mạn vừa hiện thực, vừa là tinh thần chiến sĩ vừa là tâm hồn thi sĩ...

* Đánh giá: Thành công nghệ thuật : thể thơ, hình ảnh thơ, cảm xúc thơ…làm nổi bật tình đồng chí cao quý trong thời kháng chiến chống Pháp

+ Mức tối đa ( 3.0 điểm): Đáp ứng các yêu cầu trên

+ Mức chưa tối đa ( 0,25 -2,75 điểm): GV căn cứ vào bài làm của HS để cho điểm phù hợp.

+ Mức không đạt ( 0 điểm): Làm lạc đề hoặc viết linh tinh, không có kiến thức

c. Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ

- Cảm xúc bản thân: Hiểu về một thời chiến đấu gian khổ của dân tộc, về những con người  bình dị mà cao đẹp trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, từ đó biết trân trọng cuộc sống hòa bình hiện tại, cảm phục, biết ơn thế hệ cha anh…

+ Mức tối đa ( 0,5 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên, có liên hệ so sánh, bình giá hợp lí…

+ Mức chưa tối đa ( 0,25 điểm): HS biết  viết kết bài nhưng chưa hay, còn sơ sài

+ Mức không đạt: ( 0 điểm): Lạc đề, kết  không đạt yêu cầu, sai cơ bản hoặc không có kết bài.

2. Các tiêu chí khác ( 1.0 điểm)

a. Hình thức ( 0,5 điểm)

- HS viết được một bài văn nghị luận văn học có bố cục đủ 3 phần ( Mở bài, thân bài, kết bài) sắp xếp ý phần thân bài hợp lí chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả

- Luận điểm rõ ràng, phù hợp với luận đề, dẫn chứng và lí lẽ thuyết phục, văn viết mạch lạc, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường

+ Mức tối đa ( 0,5 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên

+ Mức chưa tối đa( 0,25 điểm): HS chưa đảm bảo các yêu cầu trên

+ Mức không đạt (0 điểm): HS chưa hoàn thiện bố cục bài viết, nhiều ý, mắc lỗi chính tả, diễn đạt, các ý lộn xộn.

b. Sáng tạo (0,25 điểm)

- Bài viết giàu hình ảnh, bày tỏ suy nghĩ riêng, kiến giải riêng, sâu sắc về vấn đề nghị luận

+ Mức tối đa ( 0,25 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên

+ Mức không đạt ( 0 điểm): Bài viết không có tính sáng tạo.

c. Lập luận ( 0,25 điểm)

- Lập luận chặt chẽ, phát triển ý tưởng đầy đủ theo trật tự logic giữa các phần trong bài; thực hiện tốt việc liên kết câu, liên kết đoạn trong bài viết.

+ Mức tối đa (0,25 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên

+ Mức không đạt ( 0 điểm): HS không biết cách lập luận, hầu hết các ý rời rạc, trùng lặp, lộn xộn…

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM