Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2023 mẫu số 2 có đáp án

Xuất bản: 30/05/2023 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2023 mẫu số 2 có đáp án chi tiết giúp các em học sinh lớp 9 thử sức và ôn luyện thực hành các mẫu đề thi mới nhất.

Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 mẫu số 2 theo cấu trúc đề thi tuyển sinh của rất nhiều các tỉnh thành trên cả nước, có tính chất tham khảo và ôn luyện kiến thức.

Đề thi thử
vào 10 môn Văn 2023 mẫu số 2

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Mỗi người đều có một ước mơ riêng cho mình. Có những ước mơ nhỏ nhoi như của cô bé bán diêm trong truyện cổ An-đéc-xen: một mái nhà trong đêm đông giá buốt. Cũng có những ước mơ lớn lao làm thay đổi cả thế giới như của tỷ phú Bill Gates. Mơ ước khiến chúng ta trở nên năng động một cách sáng tạo. Nhưng chỉ mơ thôi thì chưa đủ. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi đi kèm với hành động và nỗ lực thực hiện ước mơ... Tất cả chúng ta đều phải hành động nhằm biến ước mơ của mình thành hiện thực.

[..] Ngày bạn thôi mơ mộng là ngày cuộc đời bạn mất hết ý nghĩa. Những người biết ước mơ là những người đang sống cuộc sống của các thiên thần. Ngay cả khi giấc mơ của bạn không bao giờ trọn vẹn, bạn cũng sẽ không phải hối tiếc vì nó. Như Đôn Ki-hô-tê đã nói: “Việc mơ những giấc mơ diệu kỳ là điều tốt nhất một người có thể làm”.

Tôi vẫn tin vào những câu chuyện cổ tích - nơi mà lòng kiên nhẫn, ý chí bền bỉ sẽ được đền đáp. Hãy tự tin tiến bước trên con đường mơ ước của bạn.

(Quà tặng cuộc sống - Thu Quỳnh và Hạnh Nguyên dịch, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr.56 - 57)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Trong đoạn trích, tác giả đã dẫn ra ước mơ của những ai?

Câu 3. (1,0 điểm) Anh/Chị hiểu như thế nào về câu sau: Tất cả chúng ta đều phải hành động nhằm biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Câu 4. (1,0 điểm) Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1.(2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (từ 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ về vai trò của ước mơ trong cuộc đời của mỗi người.

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

(Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9 tập 1, NXB Giáo dục, 2018 )

-Hết-

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn 2023 mẫu số 2

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã dẫn ra ước mơ nhỏ nhoi của cô bé bán diêm trong truyện cổ An-đéc-xen: một mái nhà trong đêm đông giá buốt và ước mơ lớn lao làm thay đổi cả thế giới như của tỷ phú Bill Gates.

Câu 3. Tất cả chúng ta đều phải hành động nhằm biến ước mơ của mình thành hiện thực:

- Hành động và nỗ lực là con đường đi đến ước mơ nhanh nhất.

- Chỉ ước mơ mà không hành động và nỗ lực thực hiện ước mơ thì ước mơ mãi chỉ là những điều xa vời.

Câu 4.

- Học sinh tự rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân.

- Trình bày thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (từ 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ về vai trò của ước mơ trong cuộc đời của mỗi người.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp,…

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vai trò của ước mơ trong cuộc đời của mỗi người.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề   nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ của bản thân về vai trò của ước mơ trong cuộc đời của mỗi người.

- Ước mơ: là điều tốt đẹp ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được.

- Vai trò của ước mơ trong cuộc đời của mỗi người.

+ Uớc mơ làm cho cuộc sống của mỗi người thêm tươi đẹp, ý nghĩa.

+ Ước mơ giúp con người phát triển và hoàn thiện bản thân, là động lực giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách.

+ Ước mơ là điều mọi người nên có và cần có trong cuộc sống bởi nếu không có ước mơ cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt, vô nghĩa..

+ Trên con đường thực hiện ước mơ gặp rất nhiều khó khăn và gian khổ nên mỗi người cần phải hành động và nỗ lực.

+ Cần phân biệt mơ ước chính đáng với những thứ ảo vọng, hão huyền.

- Bài học: Không ngừng học tập, rèn ý chí, trau dồi kĩ năng sống để biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề;

Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật ông Hai.

* Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

- Khái quát về nhân vật ông Hai và tình huống nảy sinh sự chuyển biến tâm trạng: Ông Hai là người nông dân yêu và tự hào về làng. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về làng, khoe làng của mình với mọi người; Khi đang vui mừng với tin thắng trận ở khắp nơi, ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc làm Việt gian.

- Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai

+ Khi ở phòng thông tin: Bất ngờ, choáng váng “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân…tưởng như không thở được” khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc; Ngượng ngùng, xấu hổ, cố tình đánh trống lảng cúi mặt ra về “Hà, nắng gớm, về nào”.

+ Khi về đến nhà: “nước mắt ông lão cứ giàn ra” vì tủi hổ khi nhìn thấy những đứa con tội nghiệp mang tiếng Việt gian.

+ Khi đêm đến: Lo lắng, không ngủ được “trằn trọc, thở dài, chân tay nhủn ra”

+ Những ngày sau: Nơm nớp lo sợ không dám ra ngoài. Thấy đám đông tụ tập nhắc tới hai chữ cam nhông, Việt gian, ông Hai lại chột dạ; Bế tắc, tuyệt vọng khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi nơi khác.; Kiên quyết, dứt khoát chọn theo cách mạng “Làng yêu thì yêu thật, nhưng làng theo giặc thì phải thù”.

+ Trong cuộc nói chuyện với thằng Húc: Bày tỏ lòng mình về nỗi nhớ, tình yêu làng, sự thủy chung với kháng chiến, cách mạng.

- Nghệ thuật:

+ Đặt nhân vật vào tình huống thử thách để khai thác chiều sâu tâm trạng.

+ Thể hiện tâm trạng nhân vật sâu sắc qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm; qua hành động, cử chỉ..

+ Ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói, thế giới tinh thần của người nông dân.

* Đánh giá:

- Tâm trạng nhân vật ông Hai được thể hiện qua nhiều cung bậc cảm xúc.

- Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của nhân vật ông Hai khi phải dời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động.

- Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Trên đây là chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn năm 2023 mới, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2023 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM