Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2020 trường THPT Trần Nguyên Hãn

Xuất bản: 28/02/2020 - Cập nhật: 23/04/2020 - Tác giả: Giangdh

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Trần Nguyên Hãn năm 2020/2021 giúp các em có thêm những dạng đề phong phú để ôn luyện.

Mục lục nội dung

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2020 của trường THPT Trần Nguyễn Hãn dưới đây được Học tốt biên tập với mong muốn giúp các em thống kê lại những dạng đề trọng tâm cần ôn tập

Đề thi
thử môn Văn vào 10 trường THPT Trần Nguyễn Hãn

PHẦN I. (4,0 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

... Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới....

....Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thực sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần...

(Ngữ văn 9, tập 2- NXB Giáo dục Việt Nam 2015, trang 4)

Câu 1. (0,5 điểm) Nêu tên tác giả và tên văn bản chứa đoạn trích trên?

Câu 2

. (1,0 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và nội dung của đoạn trích?

Câu 3. (0,5 điểm) Xác định phép liên kết được sử dụng trong hai câu sau:

Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới....

Câu 4. (2,0 điểm). Từ tinh thần của đoạn văn bản trên, với hình thức một đoạn văn ngắn (độ dài tối đa ½ trang giấy thi) theo kiểu diễn dịch, em hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về việc đọc sách.

PHẦN II. (6,0 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

(Sang thu - Hữu Thỉnh - Theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2010)

Câu 1 (0,5 điểm): Nêu những nét chính về tác giả Hữu Thỉnh?

Câu 2 (1,5 điểm): Xác định biện pháp nghệ thuật và chỉ rõ tác dụng của nghệ thuật đó trong hai câu thơ sau:

"... Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi."

Câu 3 (4,0 điểm): Viết bài văn ngắn (khoảng 2 trang giấy thi) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên làng quê lúc giao mùa trong hai khổ thơ sau:

"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu... "

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Trần Nguyễn Hãn

Câu 1: Văn bản trên được trích trong "Bàn về đọc sách" của tác giả Chu Quang Tiềm

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

- Nội dung: Sự cần thiết của việc đọc sách và phương pháp đọc sách (cách đọc sách).

Câu 3:

- Phép liên kết được sử dụng trong hai câu là phép thế.

- Cụm từ "Có được sự chuẩn bị như thế" thay thế cho ý của cả câu trước nó.

Câu 4:

*Nội dung: Cần đảm bảo những ý sau

- Đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn.

- Ngày nay sách nhiều phải biết chọn sách mà đọc.

- Đọc sách không cần đọc nhiều mà cần đọc kỹ, hiểu sâu (đọc kỹ mà chắc còn hơn đọc nhiều mà rỗng).

- Cần kết hợp giữa đọc rộng với đọc sâu, giữa đọc sách thưởng thức với đọc sách chuyên môn để có kiến thức rộng.

*Học sinh có thể rút ra một số đúc kết riêng về việc đọc sách nhưng đảm bảo tính hợp lý và thuyết phục…

Đoạn văn tham khảo trình bày suy nghĩ của bản thân về việc đọc sách

Đọc sách là một việc làm cần thiết đối với mọi người, nhất là các bạn học sinh. Sách đã và đang tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau: ký tự khắc trên đá, trên thẻ tre, in trên giấy,… nhưng đều với mục đích chung là lưu giữ và phổ biến kiến thức của nhân loại. Khi đọc những sách về chủ đề khoa học, lịch sử, địa lý,… chúng ta sẽ biết được thêm nhiều kiến thức mới mẻ về các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong thực tế, không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu và nâng cao kiến thức, đọc sách còn bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, giúp chúng ta hoàn thiện về mọi mặt. Sách giúp chúng ta rèn luyện khả năng tưởng tượng, liên tưởng và sáng tạo. Ngoài ra, việc đọc sách sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng ngôn ngữ của cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Nhờ những cuốn sách, chúng ta có thể viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp và nói năng lưu loát hơn. Hơn nữa, sách còn là người thầy hướng dẫn ta cách sống tốt, cách làm người đúng đắn. Thế nhưng, muốn đạt được những lợi ích đó, mỗi chúng ta phải là những người đọc sáng suốt, biết chọn lựa sách phù hợp với mình và phải biết tránh xa những cuốn sách có nội dung xấu xa, đồi trụy. Tóm lại, việc đọc những cuốn sách hay luôn đem đến cho con người những điều bổ ích và cần thiết trong cuộc sống.

Gợi ý thêm cho bạn: Nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách

PHẦN II. (6,0 ĐIỂM)

Câu 1:

- Tác giả Hữu Thỉnh: tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh - sinh năm 1942.

- Quê ở huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc. Ông đã từng nhập ngũ, vào binh chủng Tăng - thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ.

- Ông đã giữa nhiều chức vụ quan trọng như: tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ trên là: ẩn dụ

  • "Sấm" chỉ những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.
  • "hàng cây đứng tuổi" chỉ những con người từng trải.

- Tác dụng: góp phần thể hiện nội dung, khi con người đã trưởng thành, đã trải nghiệm trong đường đời thì bản lĩnh càng vững vàng hơn trước những thử thách, những bão giông bất thường.

Câu 3: Dàn ý tham khảo

I. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nội dung tác phẩm và đoạn thơ.

II. Thân bài:

a. Khái quát chung

- Sang thu ở đây là chớm thu, là lúc thiên nhiên giao mùa, mùa hè chưa hết mà mùa thu mới có những tín hiệu đầu tiên.

- Những cảm nhận mới mẻ, giản dị của nhà thơ trước sự biến chuyển của đất trời vào khoảnh khắc giao mùa.

b. Khổ thơ đầu: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa qua các tín hiệu báo thu về.

- Đó là phút giao mùa cuối hạ, đầu thu ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ trong trẻo, dịu nhẹ với những tín hiệu sang thu rất mơ hồ, mong manh. (HS nêu cảm nhận về các hình ảnh đẹp như hương ổi lan tỏa vào không gian,qua làn gió se lạnh đầu thu, hình ảnh sương chùng chình qua ngõ và các chi tiết nghệ thuật, các từ ngữ giàu hình ảnh  như từ bỗng,phả,hình như, nghệ thuật nhân hóa,...)

- Cảm nhận của con người khi thu về: cảm giác bâng khuâng, mơ hồ, hư thực …

=>Sự cảm nhận tinh tế qua nhiều giác quan, cảnh vật mang nét đặc trưng lúc giao mùa.

c. Khổ thơ 2: Không gian đất trời khi chuyển dần từ hạ sang thu.

- Không gian nghệ thuật của bức tranh "Sang thu" được mở rộng với nhiều tầng bậc. ( HS chú ý tập trung phân tích hình ảnh đặc sắc “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”kết hợp với các từ láy dềnh dàng, vội vã để thấy được sự khác biệt của vạn vật: sông dưới mặt đất,chim trên bầu trời-dưới thấp và trên cao trong khoảnh khắc giao mùa.

=>Bức tranh mùa thu trong giây phút giao mùa trở nên hữu tình, đem đến cho người đọc sự rung cảm, tình yêu với vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

d.Đánh giá khái quát.

- Khẳng định lại vẻ đẹp của mùa thu miền Bắc thông qua cảm nhận tinh tế của hồn thơ Hữu Thỉnh.

- Những thành công về nghệ thuật : thể thơ năm chữ; ngôn ngữ thơ giản dị, hàm súc, tự nhiên; hình ảnh thơ đẹp, sáng tạo, giàu sức gợi qua các biện pháp tu từ đặc sắc…

- Thành công về nội dung:Sang thu là tiếng lòng của nhà thơ, gửi gắm bao tình yêu mùa thu của quê hương đất nước, một tiếng thu nồng hậu thiết tha…

Xem thêm: Phân tích hai khổ thơ đầu trong bài thơ Sang thu

III. Kết bài:

- Khẳng định vẻ đẹp, giá trị của tác phẩm và sức sống của nó trong dòng chảy thời gian.

Lưu ý: Để đạt điểm sáng tạo của bài các em cần:

- Có những so sánh, mở rộng liên hệ sáng tạo. Bộc lộ rõ được quan điểm cá nhân theo hướng tích cực.

- Giàu cảm xúc chân thành, sâu sắc.

Có thể bạn quan tâm: Cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

---------------

Với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2020 của trường THPT Trần Nguyên Hãn, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Các em hãy truy cập vào trang để tham khảo thêm nhiều bộ đề thi thử vào 10 môn Văn của các trường khác trên cả nước mà chúng tôi đã sưu tập để ôn luyện được tốt hơn nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM