Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2020 của trường THPT Gang Thép

Xuất bản: 22/06/2020 - Cập nhật: 29/06/2020 - Tác giả:

Đề thi thử vào 10 môn Văn THPT Gang Thép (Thái Nguyên) có đáp án năm học 2019-2020 dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo với đề đọc hiểu Sức hạnh đồng lòng, đoàn kết,

Trường THPT Gang Thép đã tổ chức kỳ thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 dành cho các em học sinh lớp 9, cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi và đáp án dưới đây nhé:

Đề thi thử

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Mùa dịch giúp xóa khoảng cách và kéo mọi người gần nhau hơn. Mọi người đồng lòng và cùng chung mục tiêu chiến thắng dịch bệnh. Các hoạt động thiện nguyện một phần xuất phát từ tinh thần trách nhiệm xã hội, và sâu thẳm tận đáy lòng của mọi người là tinh thần "máu chảy ruột mềm", vì tình dân tộc và nghĩa đồng bào.

Không cần những mỹ từ kêu gọi, mọi người đến với nhau và chung tay trên sự tin tưởng và tín nhiệm. Chúng tôi đã cùng nhau lập các nhóm thiện nguyện "Góp khẩu trang cho tuyến đầu", "Góp gạo, nhu yếu phẩm cho người yếu thế", với sự hợp sức của các nhóm tình nguyện viên trên khắp miền đất nước. Mỗi người mỗi công việc khác nhau nhưng chất kết dính là sự đồng lòng, minh bạch.

Sau hơn một tháng chống dịch, tôi nghĩ "niềm tin thắng dịch" là vitamin tích cực giúp sợi dây đồng lòng, chung sức của mọi người thêm bền chặt.

(Trích Sức hạnh đồng lòng, đoàn kết, tuoitre.vn, ngày 19-04-2020)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm).

Theo tác giả, các hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch xuất phát từ những điều gì?

Câu 3 (1,0 điểm). Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 4 (1,0 điểm) Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: "niềm tin chống dịch" là vitamin tích cực giúp sợi dây đồng lòng chung sức của mọi người thêm bền chặt "? Vì sao? (Trả lời trong khoảng 3 - 5 dòng).

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 15 - 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lòng tốt trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về nhân vật ông Sáu trong hai đoạn văn sau:

(1) Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to:

- Thu !Con.

Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ mặt xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run:

- Ba đây con !

- Ba đây con !

(2) Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.

Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cửa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét : "Yêu nhớ tặng Thu con của ba".

(Trích Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng, 

SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2018)

Hết

Vậy là Đọc đã giới thiệu với các em mẫu đề thi thử vào 10 môn Văn mới nhất do trường THPT Gang Thép ra đề, hãy làm thử trong 120 phút rồi so sánh đối chiếu với gợi ý đáp án của Đọc tài liệu em nhé!

Đáp án tham khảo

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, các hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch xuất phát từ tinh thần trách nhiệm xã hội, và sâu thẳm tận đáy lòng của mọi người là tinh thần "máu chảy ruột mềm", vì tình dân tộc và nghĩa đồng bào.

Câu 3. Nội dung chính của đoạn trích: chất kết dính là sự đồng lòng, minh bạch

Câu 4. 

- Thí sinh thể hiện quan điểm cá nhân: đồng tình/không đồng tình/đồng tình một phần

- Có sự lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

- Đảm bảo dung lượng (khoảng 3 – 5 dòng)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1

Yêu cầu cần đạt

- Nội dung cần bàn luận: ý nghĩa của lòng tốt trong cuộc sống hôm nay.

- Hình thức: đoạn văn ngắn từ 15 - 20 dòng

- Yêu cầu về nội dung:

Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề

Thân đoạn: Bàn luận về lòng tốt

- Giải thích: Lòng tốt là gì? Nhận diện người có lòng tốt và biểu hiện?

+ Lòng tốt là những hành động, việc làm cao đẹp xuất phát từ tấm lòng của bản thân mỗi cá nhân nhằm giúp đỡ người khác.

+ Lòng tốt là tấm lòng yêu thương con người, thể hiện qua cách ứng xử tốt đẹp giữa người với người trong xã hội….

+ Người có lòng tốt sẽ biết cảm thông, chia sẻ; luôn nhường nhịn, hi sinh; không bao giờ tranh giành quyền lợi hay ghen ghét, đố kị ai…

- Vai trò của lòng tốt trong cuộc sống hôm nay: Là thước đo phẩm chất, nhân cách con người; xóa bỏ sự ích kỉ, hẹp hòi, làm tâm hồn con người thêm rộng mở; tăng sự đoàn kết trong tập thể, cộng đồng; giúp những người khó khăn có cơ hội sống tốt hơn, khắc phục và vượt qua hoàn cảnh…

- Biểu hiện của lòng tốt: nhỏ là dắt người già qua đường, nhặt được của rơi trả người đánh mất; lớn là cứu người bị nạn, mở lòng từ bi dành cả đời mình làm việc thiện. Nói lòng tốt là của cải nghĩa là lòng tốt được so với của cải, quý giá, quan trọng và cần thiết như của cải.

- Bàn luận mở rộng

+ Lòng tốt không mua được bằng tiền; lòng tốt cho đi mà không vơi, không mất. Vì thế, lòng tốt là tài sản tinh thần vô giá.

+ Phê phán, lên án và đấu tranh chống lại cái ác.

+ Không để lòng tốt bị lợi dụng

Kết đoạn: Khẳng định lại tầm quan trọng của lòng tốt trong cuộc sống ngày hôm nay

Tham khảo: Đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về lòng tốt trong cuộc sống hôm nay

Câu 2

Gợi ý:

- Ở đoạn 1: Nỗi khao khát gặp lại con sau tám năm xa cách.

+ Khi gặp lại con, không chờ xuồng cập bến, ông đã “nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: Thu! Con” Anh vừa bước vào vừa khom người đưa tay đón chờ con… Anh không ghìm nổi xúc động….

+ Khi bé Thu sợ hãi bỏ chạy, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.

- Ở đoạn 2: Tác giả diễn tả tình yêu con tha thiết của ông Sáu xung quanh chuyện ông làm chiếc lược:

+ Kiếm được khúc ngà voi, ông hớn hở như đứa trẻ được quà:“từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”.

+ Rồi ông dồn hết tâm trí và công sức vào việc làm cho con cây lược: “anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như một người thợ bạc”. Trên sống lưng lược, ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét chữ:“Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Ông gửi vào đó tất cả tình yêu và nỗi nhớ.

=> Qua nhân vật ông Sáu, người đọc không chỉ cảm nhận tình yêu con tha thiết sâu nặng của người cha chiến sĩ mà còn thấm thía bao đau thương mất mát đối với những em bé, những gia đình phải xa cách vì chiến tranh.

* Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt

- Khác nhau: Hai đoạn văn khắc hoạ nhân vật ông Sáu ở hai hoàn cảnh khác nhau:  gặp lại con sau tám năm xa cách (đoạn 1) và khi chia tay bé Thu để trở về khu căn cứ (đoạn 2).

- Giống nhau:

+ Cả hai đoạn văn đều làm nổi bật tình yêu thương con sâu nặng, mãnh liệt của người cha trong chiến tranh.

+ Cả hai đoạn văn đều thể hiện tài năng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: xây dựng tình huống truyện độc đáo; miêu tả diễn biến tâm lí chân thực, cảm động qua ngôn ngữ, hành động, ngoại hình…; từ ngữ gợi hình, gợi cảm; ngôi kể khách quan, chân thực…

Lưu ý: Thí sinh có thể có những cách cảm nhận và cách diễn đạt khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục. Nếu thí sinh chỉ trình bày cảm nhận về 02 đoạn văn mà không so sánh thì chỉ chấm tối đa 2,5 điểm.

Xem chi tiết tại: Cảm nhận về nhân vật ông Sáu

-/-

Mong rằng với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2020 của trường THPT Gang Th (Thái Nguyên) vừa ra này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng giải đề tốt hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM