Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2018 THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội lần 1

Xuất bản: 19/04/2018 - Cập nhật: 18/05/2018

Sưu tầm đề thi thử vào lớp 10 lần 1 môn Văn của THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội mới nhất năm 2018. Tập đề bao gồm mẫu đề thi thử kèm theo hướng dẫn làm bài chi tiết từng câu, giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận và làm quen với các dạng đề cơ bản thi vào lớp 10 THPT, tự đánh giá kiến thức của mình.

Cấu trúc đề thi:

Phần 1: Đọc Hiểu

- Đọc đoạn văn bản/ đoạn thơ cho trước, sau đó trả lời các câu hỏi bên dưới: xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, cho biết tác phẩm khác sáng tác cùng năm, kết hợp sử dụng các câu cảm thán, phép nối để tạo lập đoạn văn ngắn theo tổng-phân-hợp.

Phần 2: Làm văn

- Cho trước đoạn trích trong "Bàn về đọc sách" của Chu Quang Tiềm:

+ Nêu chủ đề của tác phẩm và của đoạn trích.

+ Giải thích, phân tích quan điểm cho trước.

+ Viết bài văn ngắn về hiện tượng nhiều học sinh chỉ thích đọc truyện tranh.

Đề Văn thi thử vào lớp 10 Hà Nội năm 2018 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ:

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ

KỲ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 LẦN 3
NĂM: 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Đề có 01 trang

Thời gian làm bài 120 phút (không kể thời gian giao đề)


Phần I (6,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

(Đồng chí - Chính Hữu, Ngữ văn 9,
tập 1, NXB Giáo dục, 2010)

1. Khi nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí có bạn học sinh viết:

Bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu trích từ tập thơ "Vầng trăng quầng lửa" và được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Em hãy sửa lỗi kiến thức của câu văn trên.

2. Hãy ghi lại tên tác phẩm đã học (ghi rõ tên tác giả) sáng tác cùng năm với bài thơ Đồng chí.

3. Về câu thơ cuối của bài thơ, nhà thơ Chính Hữu kể rằng lúc đầu ông viết là "Đầu súng mảnh trăng treo", sau đó bớt đi một chữ. Chữ nào trong câu thơ đã được bớt đi? Theo em, vì sao tác giả lại bớt đi như vậy.

4. Hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng - phân - hợp với chủ đề: Ba câu kết bài thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong đoạn có sử dụng câu cảm thán và phép nối đề liên kết (gạch dưới câu cảm thán và từ ngữ dùng làm phép nối).

Phần II (4 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tỉnh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyền sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được 10 quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc 10 lần.

(Bàn về đọc sách – Chu Quang Tiềm)

1. Nêu chủ để của văn bản Bàn về đọc sách. Đoạn trích trên đề cập đến khía cạnh nào của chủ đề.
2. Vì sao tác giả cho rằng: "Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tỉnh, đọc cho kĩ" ?
3. Hãy viết một đoạn văn (khoảng ½ trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nhiều học sinh chỉ thích đọc truyện tranh.

Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi thử môn Văn vào lớp 10 chính thức của trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội lần 1 năm 2018, thời gian làm bài là trong 120 phút. Sau khi đã thử sức giải đề thi trong thời gian quy định, các em học sinh có thể so sánh đối chiếu bài làm của mình với gợi ý đáp án và hướng dẫn giải được cập nhật bên dưới.

họ giải đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2018 lần 1

Đáp án và hướng dẫn giải đề thi thử môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2018:

Phần I:

1. Bài thơ Đồng chí được trích từ tập thơ "Đầu súng trăng treo" (0,5đ)

Bài thơ được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp (0,5đ)

2. Tác phẩm "Làng" (0,25đ)

Tác giả: Kim Lân (0,25đ)

3. Chữ được bớt: "mảnh"(0,25đ)

Tác giả bớt chữ "mảnh" bởi câu thơ "Đầu súng trăng treo" vẫn gợi được hình ảnh vầng trăng treo trên đầu mũi súng. Hơn nữa, khi bớt đi một chữ, câu thơ trở nên gọn, chắc, giàu nhịp điệu. Bốn chữ này có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng, chông chênh, góp phần diễn tả sinh động hình ảnh vầng trăng như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. (0,75đ)

4. Viết đoạn văn ngắn theo yêu cầu.

* Đoạn văn tổng-phân-hợp

- Phần mở đoạn đạt yêu cầu (0,25đ)

- Phần thân đoạn gồm khoảng 12 câu với đầy đủ dẫn chứng và lí lẽ để làm rõ:

+ Bức tranh đẹp về tình đồng chí: người lính đứng cạnh bên nhau, truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh để chiến thắng cái khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù. (1,0đ)

+ Biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ: sự hòa hợp giữa súng và trăng toát lên vẻ đẹp trong tâm hồn, trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng. Súng và trăng là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn...  (1,0đ)

- Phần kết đoạn đạt yêu cầu

* Có sử dụng phép nối (gạch dưới)

* Có một câu cảm thán (gạch dưới)

Lưu ý: Nếu đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn trừ 0.5 điểm

Phần II: 

1. Chủ đề văn bản: Bàn về sự cần thiết của việc đọc sách và phương pháp đọc sách (0,5đ)

Đoạn văn đề cập đến phương pháp đọc sách (cách đọc sách)  (0,5đ)

2. "Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ" vì:

Nếu không chọn cho tinh dễ bị chạy theo số lượng, đọc mà không hiểu được bao nhiêu; đồng thời lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách "vô thưởng vô phạt". (0,5đ)

Đọc ít mà đọc kĩ thì sẽ tập thành "nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy..." học vấn mới được nâng cao. (0,5đ)

3. Học sinh phải đảm bảo những yêu cầu về:

Nội dung: nêu rõ hiện tượng; bày tỏ suy nghĩ về hậu quả và nguyên nhân của hiện tượng; đề xuất một vài giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức của học sinh về sách và có phương pháp đọc sách hiệu quả. (1,5đ)

Hình thức: là một đoạn văn nghị luận, có kết hợp các phương thức biểu đạt, diễn đạt sinh động, độ dài theo quy định... (0,5đ)

* Lưu ý:

Khuyến khích học sinh có suy nghĩ riêng, tuy nhiên phải lí giải hợp lí, thuyết phục.

Nếu đoạn văn quá dài, quá ngắn hoặc nhiều đoạn trừ 0.5 điểm.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM