Đề thi thử vào lớp 10 2024 môn Văn Lương Ngọc Quyến lần 2

Xuất bản: 16/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 2024 môn Văn Lương Ngọc Quyến lần 2 có đáp án với thang điểm đầy đủ từng nội dung theo chuẩn cấu trúc để em tham khảo tại nhà

Chào các em học sinh lớp 9 tại tỉnh Thái Nguyên,

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 đang đến rất gần. Và để giúp các em có thêm tài liệu ôn tập, hôm nay Đọc tài liệu sẽ giới thiệu đến các em đề và đáp án thi thử tuyển sinh lớp 10 THPT môn Ngữ văn lần thứ hai.

Đề thi gồm có 2 phần và xoay quanh những chủ đề quen thuộc trong chương trình học. Cùng đi vào chi tiết đề thi thử vào lớp 10 này:

Đề thi thử vào lớp 10 2024 môn Văn Lương Ngọc Quyến

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Lòng tự trọng chiếm một trong những vị trí thiêng liêng nhất trong khu vườn nhân cách của mỗi cá nhân và là người gác cổng cho tòa lâu đài lương tâm của chúng ta. Nó giúp ta chọn lọc cách thức giao tiếp để sống một cuộc đời ý nghĩa. Lòng tự trọng nằm ngay trong bản thân mỗi người. Nó là người thầy, người bạn, người hộ vệ thân thiết và chân thành nhất của chúng ta. Lòng tự trọng giúp ta biết cách hành xử đúng mực cũng như luôn dũng cảm trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Mọi sự khôn ngoan đều bắt đầu từ lòng tự trọng. Với lòng tự trọng, bạn sẽ trở nên năng động và can đảm, sẵn sàng tiến về phía trước để mở lối cho những người đi sau. Lòng tự trọng bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình. Quả thật, nếu không tôn trọng chính mình, làm sao bạn có thể học được cách yêu thương và tôn trọng người khác?

Để được người khác tôn trọng, bạn phải luôn cẩn thận trong cách ứng đối cũng như hành động mỗi ngày. Hãy để lòng tự trọng nâng cánh cho những ước mơ của bạn. Hãy nỗ lực hết mình để đạt được những điều mà bạn khao khát. Nhưng hãy nhớ rằng: Thiếu lòng tự trọng, mọi chiến thắng đều trở nên vô nghĩa.

(Trích Không gì là không thể, George Matthew Adams, Thu Hằng dịch, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, trang 27)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra phép liên kết trong hai câu văn sau: “Lòng tự trọng chiếm một trong những vị trí thiêng liêng nhất trong khu vườn nhân cách của mỗi cá nhân và là người gác cổng cho tòa lâu đài lương tâm của chúng ta. Nó giúp ta chọn lọc cách thức giao tiếp để sống một cuộc đời ý nghĩa.”

Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, lòng tự trọng bắt nguồn từ đâu?

Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu thế nào về ý kiến được nêu trong đoạn trích: “Lòng tự trọng giúp ta biết cách hành xử đúng mực cũng như luôn dũng cảm trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác”?

Câu 4 (1,0 điểm).

Lời khuyên“Nhưng hãy nhớ rằng: Thiếu lòng tự trọng, mọi chiến thắng đều trở nên vô nghĩa” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với em?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Em hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 15 đến 20 dòng) với chủ đề “Hãy để lòng tự trọng nâng cánh cho những ước mơ của bạn.”

Câu 2 (5,0 điểm).

Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng...

Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nόng.

Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khỏa đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình.

Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom...

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào cánh tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng.

Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu…

(Trích Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục 2013, tr117,118) 

Em hãy phân tích vẻ đẹp của nhân vật Phương Định trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật kể chuyện của tác giả.

--------Hết-------

    Dưới đây là đáp án của đề thi để các em tham khảo và kiểm tra lại kết quả của mình.

    Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn 2024 Lương Ngọc Quyến lần 2

    Hướng dẫn chấm thi thử tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 môn Văn:

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1. Phép liên kết: Phép thế

    Câu 2. Theo tác giả, lòng tự trọng bắt nguồn từ “việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình”

    Câu 3. Em hiểu thế nào về ý kiến được nêu trong đoạn trích: “Lòng tự trọng giúp ta biết cách hành xử đúng mực cũng như luôn dũng cảm trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác”?

    - “Lòng tự trọng giúp chúng ta biết cách hành xử đúng mực”: giúp ta nhận thức một cách đúng đắn nhất những suy nghĩ, hành động của mình đối với công việc, xã hội và bản thân.

    - “Lòng tự trọng giúp chúng ta luôn dũng cảm trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác”: giúp ta nhận biết đúng - sai; phải - trái; tốt - xấu…. từ đó có những hành động đấu tranh để bảo vệ lẽ phải.

    Câu 4. Lời khuyên“Nhưng hãy nhớ rằng: Thiếu lòng tự trọng, mọi chiến thắng đều trở nên vô nghĩa” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với em? Ý nghĩa của lời khuyên có thể theo gợi ý sau:

    - Khẳng định, nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của lòng tự trọng: là một trong những phẩm chất cần thiết, không thể thiếu của mỗi con người.

    - Khi chúng ta có lòng tự trọng: mọi chiến thắng sẽ trở nên vẻ vang, có giá trị; khi chúng ta đánh mất lòng tự trọng: mọi chiến thắng đều trở nên vô nghĩa và không có giá trị.

    II. LÀM VĂN

    Câu 1.

    a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Đảm bảo thể thức đoạn văn.

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hãy để lòng tự trọng nâng cánh cho những ước mơ của bạn.

    c. Triển khai vấn đề nghị luận:

    Triển khai nội dung đoạn văn thành các ý phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ, lập luận tốt để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, có thể theo hướng sau:

    - Lòng tự trọng: là ý thức biết coi trọng và giữ gìn phẩm chất, nhân cách, danh dự của chính mình; biết tôn trọng người khác…

    - Con người có lòng tự trọng sẽ tạo nên giá trị của bản thân, hướng đến những chuẩn mực của xã hội, làm những điều tốt đẹp, suy nghĩ những điều thiện, tích cực và là động lực giúp bản thân thực hiện những ước mơ cao đẹp.

    - Phê phán những người sống thiếu lòng tự trọng.

    - Rút ra bài học cho bản thân

    d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

    Câu 2 

    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của nhân vật Phương Định và nghệ thuật kể chuyện của tác giả.

    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

    c1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

    c2. Phân tích nhân vật Phương Định

    * Nội dung

    - Giới thiệu hoàn cảnh sống và chiến đấu của Phương Định trên tuyến đường Trường Sơn.

    - Vẻ đẹp của Phương Định trong một lần phá bom được thể hiện ở đoạn trích:

    + Trong suy nghĩ:“Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”…

    -> Giàu lòng tự trọng

    + Trong hành động::“thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi, tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”…

    -> Kiên cường, dũng cảm khi đối mặt với hiểm nguy

    + Trong lí tưởng sống: Phương Định có nghĩ đến cái chết, nhưng chỉ thoáng qua “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”. Cô dồn mọi tâm trí vào công việc phá bom “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”…

    -> Có lí tưởng cao đẹp, sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

    * Nghệ thuật

    - Xây dựng tình huống truyện chân thực. - Xây dựng chi tiết đặc sắc, giàu ý nghĩa.

    - Tâm lí nhân vật được miêu tả cụ thể, sống động.

    * Đánh giá:

    - Khung cảnh và công việc phá bom nguy hiểm của Phương Định ở một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động.

    - Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi tinh thần dũng cảm, gan dạ, không sợ hi sinh - vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

    c3. Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện của tác giả

    - Truyện kể ở ngôi thứ nhất, đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật Phương Định, giúp nhân vật bộc lộ vẻ đẹp trực tiếp.

    - Giọng văn linh hoạt, sử dụng nhiều câu văn ngắn dồn nén cảm xúc và tâm trạng.

    - Sử dụng ngôn ngữ độc thoại.

    d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

    Có thể bạn quan tâm: Phân tích nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi

    Xem thêm đề thi chính thức qua các năm::

    -/-

    Chúc các em thành công và đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào lớp 10 2024  môn văn khác của các tỉnh thành trên cả nước đang đợi các em khám phá.

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM