Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2019 THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk

Xuất bản: 09/05/2019

Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2019 THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk, tài liệu ôn tập hữu ích với những dạng bài hay và thường gặp trong các đề thi tuyển sinh vào 10.

Mục lục nội dung

Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2019 THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk | Đề thi thử môn Văn năm 2019 - Nhằm phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên và quá trình học tập, ôn thi của các em học sinh, Đọc Tài Liệu sưu tầm đề thi thử môn Văn vào 10 năm 2019 THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk kèm đáp án chi tiết. Đề thi này nằm trong tuyển tập đề thi thử môn văn lớp 10 tỉnh Đắk Lắk, cùng với các đề thi thử khác trong bộ đề thi thử vào lớp 10 môn văn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em ôn tập. Mời các bạn cùng tham khảo để chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới.

Đề thi
thử vào 10 môn Văn THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk

Câu 1. (2,0 điểm)

Đọc kĩ đoạn văn sau:

“Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi .”

- Đoạn văn trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? Đây là lời của nhân vật nào?

- Ý nghĩa lời nói của nhân vật?

Câu 2. (3,0 điểm)

Hạnh phúc của trẻ thơ là được đến trường, được học tập, được sống trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô giáo.

Suy nghĩ của em về vai trò của người thầy trong cuộc đời của mỗi người.

Câu 3. (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...

(“Bếp lửa”- Bằng Việt)

Xem thêm:

Đề thi thử toán vào 10 THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk

Đề thi thử môn Anh vào lớp 10 trường THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk

Câu 1 (2,0 điểm):  

- Đoạn văn trích trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” (0,25 điểm)

- Tác giả: Ngô gia văn phái (Một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì) (0,25 điểm)

- Đây là lời của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (0,25 điểm)

Các ý chính:

+  Lời dụ của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trước quân lính đã khẳng định đanh thép, hùng hồn chủ quyền của dân tộc về lãnh thổ, về biên giới.

+ Vạch rõ dã tâm của kẻ thù cùng như những tội ác tày trời của chúng.

+ Quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi của đất nước.

+ Lời dụ quân lính của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ rất có sức thuyết phục, vừa khéo léo, mềm mỏng vừa rất kiên quyết, hợp tình, hợp lí. Lời dụ của ông đã khơi gợi được lòng yêu nước của quân lính, kích thích lòng tự hào, tự tôn dân tộc,... Lời dụ làm ngời sáng phẩm chất cao quý của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Câu 2. (3,0 điểm)

Mở bài (0,25 điểm)

- Dẫn dắt vào vấn đề.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò của người thầy trong cuộc đời của mỗi người.

Thân bài (2,0 điểm)

2.1. Giải thích:

- Hạnh phúc là trạng thái, là cảm giác sung sướng nhất của con người vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

- Hạnh phúc của trẻ thơ là được đến trường, được học tập, được sống trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô giáo: Nghĩa là đến trường các em không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn được nhận tình yêu thương, chăm sóc của thầy, cô.

-> Câu nói đã đề cao vai trò, công lao to lớn vĩ đại của người thầy với cuộc đời mỗi người.

2.2. Phân tích, chứng minh:

- Khẳng định sự đúng đắn của vấn đề: Trong cuộc đời của mỗi người, người thầy có vai trò rất quan trọng.

- Chứng minh:

+ Mỗi trẻ thơ khi đến trường  đều được gặp và học một hoặc nhiều thầy cô giáo. Các thầy cô đã truyền dạy cho học trò kiến thức, kĩ năng, dạy đọc, dạy viết, dạy làm văn, làm toán...Dạy cho học trò biết cách học để khám phá kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

+ Thầy không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người, dạy biết điều hay, lẽ phải, dìu dắt nâng đỡ học trò lớn lên hoàn thiện về nhân cách. Dạy trò biết yêu thương người, yêu quê hương đất nước, biết sống nhân ái, đoàn kết, …

+ Thầy cô còn là những người thắp sáng niềm tin và ước mơ cho học trò để các em biết sống có hoài bão, có lý tưởng...

+ Những điều mà người thầy truyền dạy cho chúng ta sẽ theo ta trong suốt hành trình của cuộc đời.

(Học sinh lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống, trong văn học để chứng minh)

2.3. Bàn bạc mở rộng:  

- “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy được thể hiện trong mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò.

- Tuy nhiên bên cạnh một số học sinh biết tôn trọng thầy giáo, cô giáo thì vẫn còn một số học sinh không biết nghe lời, ham chơi, bỏ học, thậm chí còn vô lễ cãi lại lời thầy cô. Một số người thì xúc phạm hoặc cố ý hạ thấp vai trò của người người thầy. Đó thực sự là những học sinh hư, những phần tử xấu, những con người mất nhân cách.

- Để bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô, mỗi học sinh phải biết kính yêu, phải biết ơn và tôn trọng thầy cô giáo. Đồng thời phải biết nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức để đền đáp công ơn của thầy cô,...

3. Kết bài (0,25 điểm)

- Khẳng định lại vấn đề.

Câu 3. (5,0 điểm)  

Mở bài (0,5 điểm)

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Bếp lửa, trích dẫn đoạn thơ.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Những suy nghĩ sâu sắc về người bà kính yêu, về bếp lửa và niềm thương nhớ của cháu.

Thân bài (3,0 điểm)

2.1. Khái quát:

- Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà.

- Đoạn thơ cuối của bài thơ là dòng hồi tưởng của người cháu về cuộc đời lận đận, gian khó của bà. Sự hồi tưởng được bắt đầu từ  cảm nhận của người cháu về cuộc đời bà, về bếp lửa. Từ đó để người cháu suy nghĩ về tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương, đất nước.

2.2. Những suy ngẫm về bà và hình ảnh bếp lửa.

-  Tám câu thơ ở đầu khổ thơ là những suy nghĩ sâu sắc của đứa cháu về người bà kính yêu, về bếp lửa. Từ những kỉ niệm hồi tưởng về tuổi thơ và bà, người cháu suy ngẫm về cuộc đời  và lẽ sống của bà. Hình ảnh bà luôn gắn liền vời hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa. Có thể nói bà là “người nhóm lửa”, lại cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và toả sáng trong gia đình. Hình ảnh bà càng hiện rõ nét cụ thể với những phẩm chất cao quý:  Bà tần tảo, chịu thương chịu khó, lặng lẽ hi sinh cả một đời.

+ “Lận đận”, “nắng mưa” là những từ láy biểu cảm gợi ra cuộc đời gian nan, vất vả của bà. Cụm từ “mấy chục năm” kết hợp với phó từ “tận”, “vẫn” chỉ thời gian dài. Trong suốt thời gian ấy đến nay “bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”. “dậy sớm” là “thói quen” nhưng đấy không phải là thói quen vô thức mà là trong ý thức của bà. Từ “giữ” đã khẳng định điều đó.

+ Tác giả sử dụng điệp ngữ “nhóm” với những ý nghĩa khác nhau, bồi đắp cao thêm, toả sáng dần dần: Từ nhóm bếp lửa để xua tan thời tiết giá lạnh đến nuôi dưỡng “niềm yêu thương”; khơi dậy tình xóm láng và thắp sáng hoài bão, ước mơ tuổi trẻ... Như vậy, bà “nhóm lửa” đâu chỉ bằng nhiên liệu ở bên ngoài mà bằng cả tấm lòng “ấp iu nồng đượm”.

+  Nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị, thân thuộc sự kỳ diệu, thiêng liêng: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa”. Bếp lửa luôn đi cùng hình ảnh người bà- người phụ nữ Việt Nam muôn thuở với vẻ đẹp tảo tần, nhẫn nại và đầy yêu thương. Bếp lửa là tình bà ấm nóng. Bếp lửa là tay bà chăm chút. Bếp lửa gắn với những gian khổ đời bà,…

- Bếp lửa và hình ảnh ng­ười bà thân yêu đã trở thành một mảnh tâm hồn, một phần ký ức không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.

2.3. Khổ thơ cuối thể hiện một cách đằm thắm tình th­ương nhớ, lòng kính yêu, biết ơn của cháu với bà:

- Sau câu thơ tự sự “Giờ cháu đã đi xa”, ý thơ mở ra ở các chiều không gian, thời gian, cảm xúc nhờ điệp từ “trăm” trong cấu trúc liệt kê “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả”. Cháu đã đi xa, biết nhiều, hiểu nhiều cuộc đời đổi thay theo hư­ớng thật vui, thật đẹp...

- “Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:/ – Sớm mai này bà nhóm bếp lên ch­ưa”. Từ “Nhưng” mang ý nghĩa khẳng định, đó là lời hứa đinh ninh rằng dù ở nơi đâu cháu vẫn không quên quá khứ, không nguôi nhớ bà, nhớ một thời ấu thơ gian nan đói khổ mà ấm áp nghĩa tình. Mỗi chữ trong câu thơ cuối cứ hồng lên tình cảm nhớ thương, ơn nghĩa. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tình cảm thuỷ chung tốt đẹp của con ng­ười Việt Nam xư­a nay...

* Khái quát:  Mở ra và khép lại bằng hình ảnh “bếp lửa” vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng, cảm xúc dạt dào, lời thơ tha thiết, hình tư­ợng thơ độc đáo,... bài thơ là dòng hồi tưởng, suy tưởng của người cháu về những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà. Qua đó, nhà thơ ngợi ca đức hi sinh, sự tần tảo và tình yêu thương bao la của bà; đồng thời bộc lộ nỗi thương nhớ, lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của mình với bà cũng là với gia đình, quê hương, đất n­ước.

>> Tham khảo: Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

3. Kết bài (0,5 điểm)

- Khẳng định thành công của bài thơ.

- Đoạn thơ đánh thức những kỉ niệm tuổi ấu thơ về ông bà trong mỗi người. Bài thơ chứa đựng ý nghĩa triết lí thầm kín: Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

-----/-----

Với đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2019 THPT Chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk kèm đáp án, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kì thi trước mắt thật thành công. Với đề thi thử vào lớp 10 bao gồm nhiều đề thi thử hay và bám sát chương trình học, Đọc Tài Liệu luôn là người bạn đồng hành với em trong những ngày tháng ôn thi vất vả.

Chúc các em thi tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM