Tham khảo ngay đề thi thử vào lớp 10 2021 môn văn lần 1 huyện Hải Hậu - Nam Định hay nhất dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:
Đề thi thử vào 10 môn văn 2021 lần 1 huyện Hải Hậu - Nam Định
Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm) Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.
Câu 1. Từ in đậm trong câu văn “Cứ ngẩng lên nhìn bầu trời Hà Nội trong xanh những năm tháng chống đế quốc Mĩ oanh liệt và oai hùng” (Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử) thuộc từ loại nào?
A. Danh từ
B. Phó từ
C. Chỉ từ
D. Trợ từ
Câu 2. Câu nào sau đây không có khởi ngữ?
A. Đối với nó, vượt qua kì thi là niềm vui vô hạn.
B. Thời tiết, những ngày này mưa nắng thay đổi thất thường.
C. Đi, con cũng chả được mấy, mà ở nhà thì thấy cũng đem về cho con.
D. Bác tôi, người đứng bên phải bức hình, là một cựu chiến binh.
Câu 3. Chọn câu có chứa hàm ý để điền vào chỗ trống trong đoạn hội thoại sau:
- Tối nay đến học nhóm với mình nhé!
- ….
A. Tốt quá, tớ sẽ đến lúc 7 giờ 30 phút.
B. Tớ sẽ đến, câu nhớ ăn tối sớm nhé!
C. Ừ, mấy giờ vậy cậu?
D. May quá, tớ còn mấy bài chưa nghĩ ra.
Câu 4. Các câu trong đoạn văn sau đây liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?
“Trong suốt tuổi thơ, có một ngọn gió không bao giờ ngưng thổi qua cuộc đời những đứa trẻ thôn quê như tôi - ngọn gió của đói rét. Lúc nào chúng tôi cũng đói, lúc nào chúng tôi cũng rét như ông bà, cha mẹ chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng sống trong ngôi nhà ẩm thấp, mù tối và tiếng chó sủa suốt đêm...” (Nguyễn Quang Thiều).
A. Phép thế, phép liên tưởng.
B. Phép thế, phép lặp.
C. Phép nối, phép thế
D. Phép lặp, phép nối.
Câu 5. Trong đoạn văn sau có thành phần biệt lập gì?
- “Cũng trên mảnh đất anh hùng này đã sinh ra người anh hùng trẻ tuổi La Thị Tám, một cô gái đầy nhiệt tình cách mạng, gan dạ, mưu trí. Liên tục 116 ngày đêm làm nhiệm vụ, chị đã quan sát, đánh dấu những quả bom chưa nổ ở các trọng điểm địch đánh phá ác liệt.” (Ngã ba Đồng Lộc, Báo Quân đội nhân dân, 1975)
A. Thành phần cảm thán.
B. Thành phần phụ chú.
C. Thành phần tình thái.
D. Thành phần gọi - đáp
Câu 6. Câu văn "Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới.” (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long) có sử dụng những biện pháp tu từ nào? A. So sánh, ẩn dụ;
B. Hoán dụ, nhân hóa;
C. Hoán dụ, ẩn dụ;
D. So sánh, nhân hóa.
Câu 7. Xét về thành phần câu, câu văn “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” (Tôi đi học, Thanh Tịnh) thành phần câu nào?
A. Thành phần chính.
B. Thành phần phụ.
C. Thành phần biệt lập.
D. Cả A, B, C.
Câu 8. Xét theo mục đích nói, câu thơ “Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!” (Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận) thuộc kiểu câu nào?
A. Trần thuật
B. Cầu khiến
C. Cảm thán
D. Nghi vấn
Phần II. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“Thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi. Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.
Trong những năm học vừa qua, rất nhiều em học sinh đã tham gia đội thanh niên tình nguyện để làm những công việc khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn… Chẳng hạn, họ làm vệ sinh các phòng ốc, sơn mới các bức tường, sửa chữa nhà ăn… Qua đó, họ đã thu hoạch được những bài học quý giá cho mình: họ biết tìm hiểu công việc và hỗ trợ lẫn nhau, biết cải tiến kĩ năng lao động. Qua những công việc mang tính phục vụ cộng đồng như vậy, mỗi cá nhân cảm thấy gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn… Thầy thấy những bài học như thế không có hoặc ít có trong các tiết học Toán, Lý, Tiếng Anh hay Sinh, Sử…”
(Trích bài phát biểu của thầy giáo Văn Như Cương, trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, theo VNEXPRESS, ngày 06/9/2015)
Câu 1: (0,25 điểm) Phép lập luận chủ yếu của văn bản trên là gì?
Câu 2: (0,5 điểm) Theo tác giả, học sinh ngày nay muốn thành đạt cần chuẩn bị cho mình các hành trang gì?
Câu 3: (0,75 điểm) “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi”
. Em có đồng tình với ý kiến trên không? Lí giải vì sao?Câu 4: (0,5 điểm) Qua văn bản, tác giả gửi đến chúng ta thông điệp nào?
Phần III. Làm văn (6,0 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm) Từ văn bản ở phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 13-15 câu) trình bày suy nghĩ về những việc cần làm của lớp trẻ để trang bị các hành trang quan trọng xây dựng tương lai tốt đẹp.
Câu 2. (4,5 điểm) “Thơ là một bức hoạ để cảm nhận thay vì để ngắm” (Leonardo De Vinci). Em hãy cảm nhận bức hoạ vẻ đẹp tâm hồn người lính trong đoạn thơ sau để làm sáng tỏ ý trên:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Căn nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có nhiều mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
(Đồng chí-Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập một, NXB giáo dục 2006/tr.129)
Từ đó chỉ ra điểm khác với hình ảnh người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
-Hết-
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử vào lớp 10 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.