Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn năm học 2023 - 2024 mới.
Dưới đây là đề thi thử môn văn năm 2024 mẫu đề số 75 với: Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ...". Từ đó nhận xét quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của tác giả Xuân Quỳnh..
Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:
Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2024 mẫu số 75
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới
Một người trẻ nói: “Tôi vốn quen sống ngẫu hứng, tôi muốn được tự do, Kỷ luật không cho cuộc sống của tôi điều gì”. Bạn có biết khi quan tâm quá nhiều đến điều có thể nhận được sẽ khiến bản thân mế đắm trong những điều phù phiếm trước mắt. Kỷ luật chính là đôi cánh lớn nâng bạn bay lên cao và xa. Người lính trong quân đội được học từ những điều cơ bản nhất của kỷ luật như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, ăn cơm đúng bữa, gấp quân trang đúng cách, ... cho đến những kỷ luật cao hơn như tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, đoàn kết trong tập thể,...Tất cả những điều đó để hướng tới một mục đích cao hơn là thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu, là tất cả phục vụ vì nhân dân vì đất nước. Đó là lý tưởng của họ. Thành công đến cùng tính kỷ luật tạo dựng sự bền vững lâu dài. Kỷ luật là sự huấn luyện nghiêm khắc mang đến cho bạn rất nhiều thứ. Đó là niềm đam mê, sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc. Nó giúp bạn giữ vững cảm hứng hoàn thành ý tưởng ban đầu, can đảm thực hiện tới cùng. Không những vậy, kỷ luật còn là người thầy lớn hướng dẫn từng bước đi của bạn. Người thầy luôn đặt ra những thử thách rèn bản thân sống có nguyên tắc hơn nhắc nhở bản thân từ mục đích ban đầu khi ra bước đi là gì. Kỷ luật không lấy đi của bạn thứ gì nó đem đến cho bạn nhiều hơn những điều bạn tưởng.
(Nguồn ctgroupvietnam.com/Tin-Tuc/cau-chuyen-cuoi-tuan-suc-manh-cua-tinh- ky-luat)
Câu 1. Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Thông hiểu
Trong văn bản, rất nhiều thứ mà kỷ luật mang đến cho bạn là những thứ gì?
Câu 3. Thông hiểu
Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Kỷ luật chính là đôi cánh lớn nâng bạn bay lên cao và xa.
Câu 4. Vận dụng
Anh, chị có đồng tình với quan điểm của một người trẻ ở phần đầu văn bản không? Vì sao?
II. Làm văn (7,0 điểm) Vận dụng cao
Câu 1.
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về sức mạnh của tính kỷ luật trong cuộc sống con người được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của tác giả Xuân Quỳnh.
Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu 75
Câu 1
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2
Trong văn bản, rất nhiều thứ mà kỉ luật mang đến cho bạn là:
- Niềm đam mê, sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc;
- Giúp giữ vững cảm hứng hoàn thành ý tưởng ban đầu, can đảm thực hiện tới cùng,
- Là người thầy lớn hướng dẫn từng bước đi của bạn.
Câu 3.
- Biện pháp tu từ: so sánh (kỷ luật so sánh với đôi cánh lớn)
- Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, giúp mọi người hình dung được ý nghĩa của kỷ luật. Kỷ luật giúp chúng ta thực hiện nguyện vọng cá nhân, chắp cánh cho ước mơ của mỗi người.
Câu 4.
Vì cách sống của cá nhân là do mỗi người tự quyết định. Nếu bạn muốn sống một cách tự do, ngẫu hứng thì điều này không ai có thể ngăn cản hoặc bắt bạn sống theo cách khác. Nhưng nếu nói kỷ luật không cho cuộc sống của tôi điều gì thì hoàn toàn sai. Kỷ luật mang đến cho ta sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc, làm cho ta trở thành con người sống có nguyên tắc hơn và bạn vẫn có thể sống một cách tự do, ngẫu hứng nhưng có kỷ luật.
II. Làm Văn
Câu 1
1. Giải thích: Tính kỷ luật là sự tuân thủ thực hiện các nguyên tắc trong công việc và cuộc sống một cách nghiêm khắc.
2. Bàn luận:
- Sức mạnh của tính kỷ luật:
+ Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu.
+ Tính kỷ luật giúp con người không bao giờ rời bỏ mục tiêu dù có khó khăn, trở ngại.
+ Tính kỷ luật có sức mạnh lan truyền nghị lực cho người khác, khơi bùng được tình yêu và niềm hăng say lao động trong tập thể và cộng đồng.
+ Người có tính kỷ luật lúc nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ gặt hái được nhiều thành công.
Dẫn chứng: Nhà phát minh vĩ đại của nhân loại Thomas Edison...
- Hiểu được sức mạnh của tính kỷ luật, rèn luyện ý chí, quyết tâm chinh phục những điều lớn lao. Phê phán những người sống thiếu kỷ luật, vô tổ chức, sống thiếu nghị lực và quyết tâm.
3. Kết luận: Khái quát lại vấn đề.
Câu 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng
- Giới thiệu hình tượng Sóng, tâm trạng người phụ nữ đang yêu.
2. Thân bài:
* Cảm nhận về hình tượng sóng và tâm trạng người phụ nữ đang yêu.
- Bài thơ dựa trên sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng sóng và em. Sóng chính là ẩn dụ của em- người phụ nữ đang yêu. Sóng giống như em và sóng cũng chính là em. Với mỗi khám phá về sóng, em lại thấy có mình ở trong đó.
- Trong đoạn thơ, sóng được vẽ bằng âm điệu, hiện lên với những diện mạo và trạng thái khác nhau. Qua đó làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đang yêu đứng trước biển, đối diện với cái vô biên, cái vĩnh hằng để suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu và tự khám phá tâm hồn mình.
- Khổ 1: Sóng được thể hiện qua những trạng thái trái ngược: dữ dội- dịu êm, ồn ào - lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi. Cũng như sóng, người phụ nữ đang yêu tự nhận thức về biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu dàng, sâu lắng.
→ Sóng - em khát khao tìm hiểu, khám phá chính mình, khám phá tình yêu, tìm kiếm một tình yêu lớn lao, một tâm hồn đồng điệu để được cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
- Khổ 2: Hiểu được quy luật: Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, những con sóng ngoài biển khơi đã, đang và sẽ luôn luôn chuyển động. Sóng mãi bồi hồi, dào dạt, sôi nổi trong lòng biển cũng như tình yêu mãi mãi là niềm khát khao cháy bỏng, bồi hồi trong trái tim con người, nhất là tuổi tre.
- Khổ 3, 4: Em truy tìm nguồn gốc của sóng, mượn sóng để cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu nhưng tình yêu mãi mãi vẫn là điều bí ẩn mà em không bao giờ lí giải được. (Phân tích nghệ thuật sử dụng thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, câu hỏi tu từ...; Liên hệ mở rộng với các bài thơ, nhà thơ khác cùng viết về tình yêu).
* Nhận xét về quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của nữ sĩ qua đoạn thơ .
+ Bộc lộ cái tôi tràn đầy khát vọng đắm say, một cái tôi luôn chủ động kiếm tìm trong tình yêu để vươn lên cái bao la của sự tự do...
+ Vượt thoát khỏi những ràng buộc khắc nghiệt mà lễ giáo phong kiến bấy lâu nay kìm hãm tình yêu tự do trong sáng của con người.
+ Đi tìm cội nguồn của con sóng tình yêu, thể hiện quan niệm muốn khám phá đến tận cùng, khao khát tìm hiểu đến bến bờ vô tận của tình yêu.
3. Kết bài:
- Mượn hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả được sự nồng nàn, mãnh liệt, cháy bỏng mà đằm thắm, dịu dàng và cũng không ít âu lo, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu.(-> Đây là tình cảm mang tính truyền thống nhưng được diễn tả, giãi bày bằng hình thức mới mẻ, hiện đại)
- Bài thơ là một cách nói đậm chất Xuân Quỳnh về tình yêu của người phụ nữ, trong đó, sóng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn.
Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!