Đề thi thử văn THPT quốc gia 2023 có đáp án mẫu số 14

Xuất bản: 28/03/2023 - Tác giả:

Đề thi thử văn THPT quốc gia 2023 có đáp án mẫu số 14 với bài đọc hiểu Tự tình cùng Cái Đẹp (Chu Văn Sơn): Nhưng nó cũng nhắc ta về ý nghĩa bền bỉ của sinh tồn

Mục lục nội dung

Chào các em học sinh lớp 12 thân mến! Để giúp các em luyện tập thật tốt các kiến thức đã học và áp dụng vào việc luyện tập giải các đề thi thử môn văn 2023 tốt nhất thì Đọc tài liệu gửi tới các em mẫu đề thi số 14 có đáp án chi tiết sau đây.

(Đề thi được xây dựng mang tính chất tham khảo và giúp các em nâng cao khả năng luyện tập làm đề thi tại nhà!)

Cùng đi vào tìm hiểu đề thi này nhé:

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn 2023 mẫu 14

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

…  Nhưng nó cũng nhắc ta về ý nghĩa bền bỉ của sinh tồn. Mỗi tồn sinh trên cõi này chỉ là một bóng hiu hắt, một thoáng chập chờn, thế thôi. Có nghĩa gì lắm đâu. Nhưng mà vẫn cố. Vẫn thản nhiên. Vẫn cứ mỉm bông lau. Nên lau đâu có giấu mình. Trái lại, luôn vươn mình. Mọi loài hoa đều sợ gió. Gió làm phai sắc, nhạt hương, rã cánh. Gió thành kẻ thù của hoa. Nhưng riêng lau thì không sợ gió. Lau chung tình cùng gió, nô giỡn, cợt cười cùng gió. Lau chờ gió để được tung bờm. Lau nương gió để cùng khiêu vũ. Đứng rủ bờm trong sương sớm, nhưng một khi nắng lên, gió dậy là nó lại tung những chỏm bờm ánh bạc, rúng động, náo nức như muốn tung mình tề phi cùng gió. Chỉ mình nó nô giỡn với lãng quên, làm cho lãng quên đỡ phần cô tịch… Song, có lẽ phải trong canh khuya mới thấy hoa lau nhẫn nại thế nào. Nó gục đầu vào sương khuya. Nhưng sương khuya đâu phải là điểm tựa. Sương khuya lại từng giọt đậu lên đầu nó, dụi mình vào nó. Nó tìm nơi tựa, rốt cục lại phải làm chỗ tựa cho kẻ khác. Nó chỉ còn biết tựa vào chính mình. Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von. Lấy cái chênh chao để làm sự cân bằng. Cứ thế, nó yên phận làm lau để an ủi mặt đất này.

(Tự tình cùng Cái Đẹp – Chu Văn Sơn, NXB Hội nhà văn, 2019, tr.126-127)

Câu 1 (0,75 điểm): Anh/chị hãy cho biết văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2 (0,75 điểm): Theo tác giả, sự khác biệt giữa hoa lau và các loài hoa khác là gì?

Câu 3 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu ý nghĩa của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

Câu 4 (0,5 điểm): Câu văn nói về hoa lau: “Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von” gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về thái độ sống của con người?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ gợi ý ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa thông điệp sống “Tựa vào chính mình ”

Câu 2 (5,0 điểm)

... Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn.

(Trích Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, tr. 186 – 188)

Phân tích hình tượng dòng sông Đà trong trích trên. Từ đó, nhận xét về cái tôi độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân thể hiện qua tác phẩm Người lái đò sông Đà.

Hết

Nguồn: THPT Chuyên Lê Qúy Đôn - Quảng Trị.

Đáp án đề thi thử môn Văn 2023 mẫu 14

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2. Theo tác giả, sự khác biệt giữa hoa lau và các loài hoa khác là: riêng lau thì không sợ gió

Câu 3.

- Chỉ ra 01 trong số các biện pháp tu từ và có ở đoạn văn: nhân hóa, điệp từ, điệp câu trúc câu…

- Nêu ý nghĩa của biện pháp tu từ

Ví dụ:

- Phép nhân hóa: Lau chung tình cùng gió, nô giỡn, cợt cười cùng gió.

Ý nghĩa: khiến cho hoa lau vô tri vô giác trở nên sinh động, có tâm hồn, làm cho câu văn, đoạn văn gợi cảm, cuốn hút…

Câu 4. Câu văn nói về hoa lau: “Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von” gợi về thái độ sống của con người: Thái độ sống biết làm chủ hoàn cảnh, vượt qua được khó khăn, vững vàng trước những nghịch cảnh.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1.

Yêu cầu về hình thức”

- Đảm bảo đúng hình thức của đoạn văn

- Viết đúng dung lượng

- Viết đúng chính thức, ngữ pháp

Yêu cầu về nội dung

- Sống “tựa vào chính mình” là sống tự chủ, tích cực, chủ động trước mọi hoàn cảnh, tình huống của đời sống.

- Sống “tựa vào chính mình” khiến con người trở nên độc lập, không bị lệ thuộc vào người khác, rèn luyện cho con người sự mạnh mẽ vững vàng,..

- Cần chuẩn bị cho mình những hành trang để có thể tự tin “tựa vào chính mình” như sức khỏe, tri thức, kinh tế…

- Sáng tạo: có ý tưởng mới mẻ, sâu sắc, diễn đạt sáng tạo

Câu 2.

1. Yêu cầu về hình thức

- Bài văn đảm bảo cấu trúc 3 phần, trong đó phần mở bài dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề nghị luận; phần kết luận khái quát được vấn đề.

- Đúng chính tả, ngữ pháp

2. Yêu cầu về nội dung

a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Tác giả: Nguyễn Tuân là một trong những tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, thành công ở thể tài tùy bút với lối viết tài hoa, uyên bác.

- Người lái đò sông Đà in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960) là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân viết ở giai đoạn sau cách mạng.

- Đoạn văn đã thể hiện tính cách dữ dội hung bạo của dòng sông đồng thời thể hiện cái tôi độc đáo của tác giả.

b. Phân tích hình tượng dòng sông Đà:

Hình tượng sông Đà trong đoạn trích được thể hiện qua:

- Âm thanh của thác nước: Miêu tả bằng các động từ, tính từ, nhân hóa: “tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo.” ; so sánh ‘nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng;  lấy sức mạnh của lửa để đặc tả tiếng nước: rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” → Âm thanh man rợ, cuồng nộ đầy dữ dằn, hung tợn. → sức mạnh khủng khiếp của thác đá.

- Hình ảnh trận địa đá: Được miêu tả sinh động từ hình dáng đến tư thế: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông”, “nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”, “mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó” …  → Thể hiện tâm địa độc ác, luôn rình rập gây hấn, là mối đe dọa với con người.

- Nghệ thuật: giọng văn sinh động hấp dẫn, sử dụng nhiều tính từ động từ cùng các phép nhân hóa, so sánh, liên tưởng độc đáo…

c. Nhận xét về cái tôi của Nguyễn Tuân

- Cái tôi tài hoa uyên bác, đặc biệt ấn tượng trước những cảnh tượng tuyệt mỹ, hoặc thơ mộng trữ tình hoặc dữ dội hung bạo của thiên nhiên.

- Cái tôi yêu quê hương đất nước, mong muốn truyền đến cảm hứng khám phá vẻ đẹp hùng vĩ mĩ lệ của đất nước.

3. Sáng tạo

Bài viết có những phát hiện, kiến giải mới mẻ, sâu sắc, diễn đạt sáng tạo.

-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều mẫu đề thi thử văn 2023 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM