Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử văn của trường Quảng Xương 1 lần thi thứ 3 trong đợt giao lưu kiến thức các trường THPT. Cấu trúc đề thi dựa theo chuẩn đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đã công bố..
Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia mẫu mới nhất năm 2021 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.
Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn Quảng Xương 1 lần 3
Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản
Hãy đứng lên từ nơi em vấp ngã
Biết ăn năn và sửa đổi sai lầm
Cuộc đời sẽ không tuyệt đường ai cả
Em nhớ rằng hạnh phúc đến từ tâm...
Mình sức trẻ nên nề chi gian khổ
Phàm là người ai chẳng muốn thảnh thơi
Đời tuy rộng nhưng đời không có chỗ
Cho những người sống chỉ biết ham chơi...
Em thấy đấy, cây tìm nguồn lòng đất
Loài chim muông cũng lặn lội kiếm mồi
Mình cao thượng mình coi thường vật chất
Nhưng không tiền thì chết đói...vậy thôi...
(Hãy đứng lên từ nơi em vấp ngã - Thơ tự do)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)
Câu 2: Hãy chỉ ra hai câu thơ trong bài có nội dung khuyên nhủ. (0,75 điểm)
Câu 3: Những dòng thơ sau đây giúp anh/chị hiểu như thế nào về ý tưởng của tác giả ?
Cuộc đời sẽ không tuyệt đường ai cả
Em nhớ rằng hạnh phúc đến từ tâm... (0,75 điểm)
Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của người viết trong hai câu thơ:
Mình cao thượng mình coi thường vật chất
Nhưng không tiền thì chết đói...vậy thôi... (1,0 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc đứng lên từ nơi vấp ngã.
Câu 2. (5,0 điểm)
Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia ? Sao lại chào mình bằng u ? [...]. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.
Tràng tươi cười:
- Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên giếc chĩnh chện cái đã nào.
Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa :
- U đã về ạ !
Ô hay, thế là thế nào nhỉ ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ :
- Kìa nhà tôi nó chào u.
Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp :
- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là cái số cả...
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ : Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó[...].
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới” :
- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng... [...].
- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau [...].
- Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.[...]
Sáng hôm sau [...]
Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu :
- Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn. [...]
Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại [...] nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này [...].
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 28-29)
Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về ý tưởng của Kim Lân khi xây dựng nhân vật này.
HẾT
Đáp án đề thi thử văn THPT quốc gia 2021 - Quảng Xương 1 lần 3
Phần I: Đọc hiểu
Câu 1. Văn bản được viết theo thể thơ: 8 chữ
Câu 2. Hai câu thơ trong bài có nội dung khuyên nhủ:
Hãy đứng lên từ nơi em vấp ngã
Biết ăn năn và sửa đổi sai lầm
Câu 3. Ý tưởng của tác giả trong hai câu thơ trên là:
- Cuộc đời con người vốn dĩ không bằng phẳng, khó khăn, thất bại là điều khó tránh khỏi, nhiều khi nó đẩy con người vào bước đường cùng.
- Nhưng điều quan trọng là bạn phải có một cái tâm vững vàng, bản lĩnh, không được sợ khó khăn thất bại mà buông tay.
- Hãy nỗ lực hết mình, và chính trong sự nỗ lực đó, bạn sẽ khơi dậy được tiềm năng và vượt qua được tất cả.
-> Nghĩa là cuộc đời không tuyệt đường với ai mà vẫn cho ta cơ hội miễn là ta có có cách hành xử đúng đắn. Hạnh phúc hay không, tất cả đều đến từ tâm của mỗi người. Cuộc sống làm bạn buồn chán ư? Hãy lao vào công việc bằng tất cả cái tâm, sống vì nó, chết vì nó, và bạn sẽ tìm thấy thứ hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ đạt được (Dale Carnegie).
Câu 4.
- Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến của tác giả nhưng tất cả các phương án đều phải có cách lí giải hợp lí.
- Đề xuất phương án: Đồng tình với ý kiến trên. Vì:
+ Con người cao thượng thường có lối sống thanh cao, không vì quá coi trọng vật chất mà xem thường các giá trị tinh thần cao quí của cuộc sống.
+ Song, cũng như cây cối, chim muông, tất cả đều phải lao động tìm nguồn sống. Con người dù cao thượng đến mấy vẫn cần tiền để trang trải cuộc sống cho mình nên mỗi người đều phải nỗ lực học tập, lao động kiếm tiền một cách chính đáng.
Ngược lại, nếu không chịu làm việc kiếm tiền thì con người dù cao thượng đến mấy cũng không thể tồn tại.
+ Vậy nên, mỗi người cần phải vừa biết kiếm tiền chăm lo cuộc sống vừa biết dùng tiền vào những mục đích đúng đắn, cao đẹp, tạo ra những giá trị sống đích thực, đó mới là cách sống nhân văn, cao thượng nhất. Hiểu biết giá trị của tiền bạc và luôn biết hy sinh tiền bạc vì bổn phận hoặc vì nhân nghĩa, đó là một đức hạnh thực sự (Senancourt).
II LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu trong đề.
1.1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, móc xích, song hành hoặc tổng - phân - hợp.
1.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc đứng lên từ nơi vấp ngã.
1.3. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những ý cơ bản sau:
* Giải thích
Đứng lên từ nơi vấp ngã là tự vực dậy bản thân đứng lên làm lại bằng tất cả sự nỗ lực, cố gắng tại chính nơi mình đã mắc phải sai lầm, thất bại.
* Bàn luận
Đứng lên từ nơi vấp ngã cần thiết như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta?
- Giúp ta biết tự tha thứ cho chính mình, tự tìm kiếm cơ hội làm lại từ đầu; thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực.
- Tạo ra động lực cho bản thân vươn lên; có ý chí bản lĩnh dám đối diện với sự thật, không trốn chạy, vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó, nhờ đó mà tích lũy được vốn
sống, vốn kinh nghiệm để làm lại tốt hơn.
- Xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc.
- Thay đổi được cái nhìn của mọi người xung quanh đối với mình.
- Nếu không biết tự đứng lên từ nơi vấp ngã bạn sẽ càng lún sâu vào sự thất bại, sai lầm, tự biến cuộc sống của mình thành bi kịch và đem đến cho người khác một cái nhìn khinh miệt, xem thường đối với mình. Đồng thời bản thân sẽ luôn tự dày vò, day dứt, đau khổ.
(Dẫn chứng phù hợp)
-Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn nhiều người, khi mắc sai lầm, thất bại hay mặc cảm tự ti, trốn tránh không đủ can đảm vực dậy để bản thân lún sâu vào sai lầm tiếp theo, có khi còn nghiêm trọng hơn... những người như thế rất cần phải điều chỉnh.
* Bài học nhận thức và hành động
- Cuộc đời con người vốn không bằng phẳng, vấp phải sai lầm, thất bại là điều khó tránh, vậy nên cần phải đứng dậy, không được trốn chạy, không nên mặc cảm, tự ti.
- Muốn vậy, mỗi người hãy học cách tự tha thứ cho vấp ngã của chính mình; học cách dũng cảm đối mặt và nỗ lực vươn lên Có rất ít người đủ can đảm để thừa nhận sai lầm của chính mình hay đủ quyết tâm để sửa chữa chúng (B.Franklin) nhưng mỗi chúng ta hãy làm người trong số ít này!
1.4. Chính tả, dùng từ, đặt câu
1.5. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2. Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về ý tưởng của Kim Lân khi xây dựng nhân vật này.
2.1 Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
2.2 Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về ý tưởng của Kim Lân khi xây dựng nhân vật này
2.3 Triển khai vấn đề nghị luận : Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Tác giả, tác phẩm
- Kim Lân (1920-2007) là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông thường xoay quanh cuộc sống nông thôn và hình tượng người nông dân.
- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc tiêu biểu in trong tập Con chó xấu xí (1962) có tiền thân từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư, một tác phẩm viết ngay sau Cách mạng tháng Tám để kỉ niệm nạn đói nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này để tái hiện tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp; thể hiện niềm khao khát tổ ấm gia đình, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và tình cảm cưu mang đùm bọc lẫn nhau của người nông dân ngay bên bờ vực cái chết. Đoạn trích có nội dung miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi Tràng đưa người đàn bà xa lạ về gặp mẹ.
Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích
-Trước tình huống nhặt vợ của con, tâm trạng bà cụ Tứ có những diễn biến phức tạp:
+ Trước tiên bà phấp phỏng sau đó hết sức ngạc nhiên -> Dường như tự đáy sâu cõi lòng, người mẹ nghèo cũng đang khao khát mong đợi điều gì hạnh phúc cho con nhưng sự việc bất ngờ khiến bà không khỏi ngạc nhiên.
+ Sự ngạc nhiên ấy còn thể hiện cả trong bước chân lập cập của bà khi theo con bước vào nhà...
+ Đến khi hiểu ra cơ sự, bà cúi đầu nín lặng, một sự im lặng chất chứa suy nghĩ:
Bà xót thương cho số kiếp con trai; bà thấu hiểu hoàn cảnh con dâu; sâu sa hơn, bà âm thầm tự trách bổn phận làm mẹ chưa tròn và bà hi vọng vào tương lai may ra qua được thì tao đoạn con bà có vợ, nó yên bề nó...
+ Bà mừng lòng tác hợp cho hai con -> niềm vui hiếm hoi của người mẹ nghèo trong hoàn cảnh cái đói tấn công ráo riết vào từng số phận con người không thể nào nở ra thành nụ cười mãn nguyện trên môi mà chỉ có thể đóng khép nơi cõi lòng... chữ mừng lòng chứng tỏ Kim Lân vô cùng tinh tế và thấu hiểu tâm lí người mẹ, ông xứng đáng là nhà văn của nông dân.
+ Đặt niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống ai giàu ba họ ai khó ba đời, hi vọng vào tương lai con cháu; Thể hiện tình cảm bao dung nhân hậu với nàng dâu mới Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân
+ Trong bữa ăn đón nàng dâu mới, dù bữa ăn ngày đói trông thật thảm hại nhưng bà toàn nói chuyện vui, chuyện của tương lai, chuyện sung sướng về sau...
->Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trước tình huống nhặt vợ của con đan xen buồn vui lẫn lộn nhưng đọng lại là niềm vui. Trong hoàn cảnh tối tăm của năm đói, bà chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con, đồng thời là nơi đặt niềm tin hi vọng vào tương lai tươi sáng cho người lao động khổ nghèo.
Nhận xét, đánh giá
- Dù chỉ là nhân vật phụ nhưng bà cụ Tứ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp Kim Lân hiện thực hóa một ý tưởng nhân văn sâu sắc: Những người đói không chịu nghĩ đến cái đói, cái chết mà chỉ nghĩ đến sự sống, muốn sống cho ra sống, sống cho ra con người. Không phải Tràng hay người vợ nhặt, mà chỉ có bà cụ Tứ, một người mẹ gần đất xa trời nhưng giàu sức trải nghiệm, bao dung và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống như thế mới có thể giúp nhà văn chuyển tải sâu nhất ý tưởng sáng tạo của mình.
- Tư tưởng nhân văn ấy được chuyển tải qua nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, cách dựng đối thoại, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật hết sức tài hoa, tinh tế của tác giả.
-> Đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm Vợ nhặt đã góp phần khẳng định tên tuổi Kim Lân trong nền văn học Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. [...] câu chữ của Kim Lân “gan lỳ” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc (Lê Thành Nghị).
2.4. Chính tả, dùng từ, đặt câu
2.5. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận.
-/-
Kết thúc thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2021 có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm nhiều bộ đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!