Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2018 của tỉnh Hải Phòng

Xuất bản: 24/04/2018 - Cập nhật: 05/06/2019 - Tác giả:

Tham khảo đề môn Văn thi thử vào lớp 10 mới nhất năm 2018 của sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Phòng. Tải về miễn phí đề thi thử Văn cùng đáp án hướng dẫn giải chi tiết có sẵn các định dạng DOC và PDF tiện lợi cho in ấn hay trực tiếp sử dụng.

MỚI NHẤT: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2019 tỉnh Hải Phòng

Cấu trúc đề thi:

Phần 1: Đọc - hiểu

- Cho trước đoạn trích văn bản, đọc kỹ và thực hiện các yêu cầu bên dưới: thời gian sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, xác định câu cho trước là câu đơn hay câu ghép, viết đoạn văn nghị luận ngắn theo yêu cầu.

Phần 2: Làm văn

- Đọc đoạn thơ cho trước và trả lời các câu hỏi

- Viết đoạn văn ngắn phân tích hình ảnh người lính lái xe trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính".

Đề thi thử chính thức môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 - 2018 của tỉnh Hải Phòng

DẠNG ĐỀ TP HẢI PHÒNG


ĐỀ THI THỬ

 KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
Năm học 2017 - 2018
Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút


Phần I: Đọc - hiểu (4,0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Bước vào thế kỉ mới, muốn "sánh vai với các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu.Muốn vậy thì khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ - những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới - nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

(Trích “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” - Vũ Khoan,
Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục )

1. Văn bản chứa đoạn trích trên được viết năm nào? Thời điểm lịch sử văn bản ra đời có ý nghĩa đặc biệt gì?

2. Về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu: “Bước vào thế kỉ mới, muốn "sánh vai với các cường quốc năm châu" thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu” là câu đơn hay câu ghép? Hãy phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu đó.

3. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (độ dài 2 trang) trình bày suy nghĩ về một “thói quen tốt” mà thế hệ trẻ Việt Nam cần rèn luyện để chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới.

Phần II: Làm văn (6,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Trích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” – Phạm Tiến Duật,
Ngữ văn 9, tập một, NXB. Giáo dục)

1. Theo em, điều gì đã tạo nên sức mạnh tinh thần cho cả đoàn xe “vẫn chạy”, vẫn băng ra tiền tuyến mặc dù ở hiện tại và ở phía trước có nhiều khó khăn, gian khổ?

2.

Em hãy chỉ ra và phân tích hiệu quả của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

3. Viết một bài nghị luận ngắn (khoảng 300 từ) trình bày cảm nhận của em về hình ảnh những người lính lái xe được thể hiện trong đoạn thơ trên.

Sau khi tham khảo và thử sức với dạng đề thi thử Văn tuyển sinh lớp 10 của tỉnh Hải Phòng trên đây, các em có thể đối chiếu bài làm của mình với hướng dẫn giải đề được cập nhật bên dưới:

học sinh làm đề Văn thi thử vào lớp 10 tỉnh Hải Phòng năm 2018

Hướng dẫn giải đề Văn thi thử vào lớp 10 tỉnh Hải Phòng năm 2018

Phần I.

1. 

- Năm sáng tác: 2001.

- Ý nghĩa đặc biệt: Khi đất nước ta cùng toàn thế giới bước vào năm đầu tiên của thế kỉ mới - thế kỉ XXI. Đối với riêng Việt Nam thế kỷ XXI là một thời kỳ mới trên con đường phát triển đất nước, hội nhập sâu rộng với cả thế giới.

2. Câu 1 trong đoạn trích là câu ghép.

- Phân tích cấu tạo:

Bước vào thế kỉ mới, (trạng ngữ)/ muốn "sánh vai với các cường quốc năm châu" (vị ngữ 1)/ thì chúng ta (chủ ngữ 2)/ sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh,....điểm yếu (vị ngữ 2).

3. Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí “thói quen tốt” của thế hệ trẻ Việt Nam:

* Giải thích: “thói quen tốt”

+ “Thói quen” là những nếp sống, những hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống hàng ngày.

+ “Thói quen tốt” sẽ mang lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa tích cực, đem lại một hình ảnh đẹp về một cá nhân, thậm chí là một cộng động, một quốc gia.

* Bàn luận về một “thói quen tốt” cần rèn luyện: đọc sách, viết mục tiêu kế hoạch, biết lắng nghe để thấu hiểu, ham học hỏi, học tiếng Anh, kiên trì không bỏ cuộc…

* Ý nghĩa tích cực của “thói quen tốt” đó đối với cá nhân và với xã hội.

* Phê phán một bộ phận thế hệ trẻ có những nhận thức và hành động sai lệch, làm xấu đi thói quen tốt đó. Điều đó làm ảnh hưởng đến điều gì?

* Bài học nhận thức và hành động: 

+ Không ai sinh ra đã có ngay các thói quen tốt, mà phải trải qua một quá trình nhận thức – giáo dục – rèn luyện.

+ Là học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần cố gắng phấn đấu hình thành những thói quen tốt có lợi cho việc rèn luyện tri thức và tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội sau này.

Phần II:

1. Sức mạnh tinh thần đó là:

- Lòng dũng cảm.

- Tình yêu đất nước, hướng về miền Nam ruột thịt thân yêu.

- Lòng căm thù giặc Mĩ bạo tàn.

2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một trong các biện pháp tu từ sau:

- Điệp ngữ “không có” => nhấn mạnh sự thiếu thốn đến trần trụi của những chiếc xe mà còn cho ta thấy mức độ ác liệt của chiến trường

- Liệt kê “không có kính, đèn, mui xe” và “thùng xe có xước” => giúp người đọc hình dung được hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh, sự gian khổ nơi chiến trường qua hình ảnh những chiếc xe bị biến dạng hoàn toàn.

- Nghệ thuật đối lập “không có” – “” => Khẳng định chắc nịch một điều rằng: Người chiến sĩ lái xe có thể không có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, những điều kiện tốt nhất để chiến đẩu. Nhưng họ không bao giờ thiếu sức mạnh tinh thần, và sức mạnh ấy có để đạp bằng mọi khó khăn, mọi gian khổ - đó là tình yêu đất nước, là trái tim dũng cảm,...

- Hình ảnh hoán dụ “trái tim” chỉ người lính lái xe Trường Sơn. Trái tim của họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Trái tim ấy dạt dào tinh yêu Tổ quốc. Trái tim ấy là sức mạnh tinh thần cho cả đoàn xe “vẫn chạy”, vẫn băng ra tiền tuyến mặc dù ở hiện tại và ở phía trước có nhiều khó khăn, gian khổ. Hình ảnh “trái tim” là nhãn tự bài thơ, cô đúc ý toàn bài, hội tụ vẻ đẹp của người lính và để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

3. Viết bài văn nghị luận.

* Mở bài :

- Hoàn cảnh sáng tác: năm 1969, trong cuộc chiến đấu gian khổ của những chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn thời chống Mỹ.

- Bài thơ hay trong chùm thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 - 1970, tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Tiến Duật.

* Thân bài :

- Từ hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo, bài thơ khắc hoạ vẻ đẹp hình ảnh, tính cách dũng cảm, lạc quan, yêu nước, giàu tình đồng chí đồng đội của những người chiến sĩ lái xe.

- Trên những chiếc xe bị bom đạn ác liệt của kẻ thù tàn phá, không còn kính chắn gió, không mui không đèn, thùng xe bị xước,...các chiến sĩ lái xe vẫn hiên ngang, bất chấp gian khổ hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Bút pháp hiện thực, tả thực không cường điệu không mỹ lệ hóa. Ngôn ngữ thơ mộc mạc như lời nói hàng ngày, như văn xuôi, nhưng giàu nghệ thuật, nhịp điệu, nhạc điệu linh hoạt.

+ Giọng điệu sôi nổi, tinh nghịch, vui tươi, có chút ngang tàng của chất lính.

+ Lời thơ giàu suy tưởng, câu thơ cuối toả sáng chủ đề, đặc sắc với nhãn tự trái tim.

* Kết bài :

- Bài thơ tái hiện hành trình gian khổ nhưng rất anh hùng của các chiến sĩ vận tải đoàn 559 trên tuyến lửa Trường Sơn những năm chống Mỹ.

- Kết hợp giữa hiện thực hào hùng với cảm hứng lãng mạn cách mạng, âm hưởng sử thi chặng đường 30 năm chống xâm lược của dân tộc 1945 - 1975.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM