Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.
Đề thi bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn của trường THCS Hy Cương do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.
Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:
Đề thi thử vào 10 môn văn 2024 THCS Hy Cương
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão. Nó gắn liền với khát vọng chinh phục thử thách và giải được mật mã cuộc đời. Khát vọng luôn xanh và cuộc sống luôn đẹp, nhưng trong một thời khắc nào đó, có thể nhiều bạn trẻ đã thấy cuộc đời như một mớ bòng bong của những điều bỡ ngỡ với bao trăn trở không dễ bày tỏ. Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng, hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, bạn hãy nhớ rằng: để trưởng thành, những thử thách và thất bại bao giờ cũng là điều cần thiết.
(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2, Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0.5 điểm)
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả nêu quan điểm về tuổi thiếu niên như thế nào? (0.5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau và nêu hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tu từ ấy: “Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai.”. (1.5 điểm)
Câu 4. Em có đồng ý với ý kiến “để trưởng thành, những thử thách […] bao giờ cũng là điều cần thiết” không? Vì sao? (1.5 điểm)
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Từ quan điểm “Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão” được nêu ra trong phần Đọc - hiểu, em hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 15 dòng) trình bày suy nghĩ về những việc bản thân cần làm để đạt được ước mơ.
Câu 2 (4,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau; từ đó phát biểu cảm nghĩ của bản thân em về mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, SGK Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục 2013, trang 55-56)
HẾT
(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)
Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 THCS Hy Cương
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Quan điểm của tác giả: Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão. Nó gắn liền với khát vọng chinh phục thử thách và giải được mật mã cuộc đời.
Câu 3. Học sinh chỉ ra biện pháp tu từ và nêu hiệu quả.
- Biện pháp tu từ ẩn dụ: Đi qua, mở ra (sống, trải qua …), hoa hồng (niềm vui, hạnh phúc, thành công …), chông gai (nỗi buồn, thất vọng, khó khăn, thất bại …).
- Hiệu quả:
+ Diễn đạt hình ảnh sinh động, gợi cảm.
+ Làm nổi bật giá trị của cuộc sống: có niềm vui lẫn nỗi buồn; có thuận lợi lẫn khó khăn, nhiều thử thách ở tương lai phía trước … Từ đó, mỗi người phải biết trân trọng những điều tốt đẹp và dám đối mặt với những thử thách của cuộc sống.
Lưu ý:
- Học sinh phải nêu được các ý sau:
+ Gọi đúng tên biện pháp tu từ: 0.25đ
+ Chỉ ra hình ảnh được tu từ: 0.25đ (hai hình ảnh được tối đa điểm)
+ Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ: 1.0đ (hai hiệu quả tối đa điểm)
- Học sinh có thể diễn đạt phần hiệu quả theo nhiều cách nhưng đảm bảo các ý cơ bản, giám khảo linh hoạt cho điểm.
Câu 4.
Học sinh nêu được ý kiến của mình (0.5đ), có thể:
+ Đồng ý
+ Không đồng ý
+ Vừa đồng ý, vừa không đồng ý
Học sinh lí giải (1.0đ),
Ví dụ: Nếu đồng ý, có thể theo gợi ý sau:
Để trưởng thành, những thử thách bao giờ cũng là điều cần thiết. Vì:
+ Giúp con người có thêm động lực để học tập, rèn luyện.
+ Giúp con người rèn luyện ý chí, nghị lực.
+ Giúp con người có thêm nhiều trải nghiệm .
+ Giúp con người có thêm nhiều kinh nghiệm.
+ …
Lưu ý: Phần lí giải học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng đảm bảo phù hợp, giám khảo linh hoạt cho điểm. Yêu cầu nêu được 3 ý trở lên, mỗi ý đúng được 0.25đ
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích hoặc tổng - phân - hợp.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Những việc cần phải làm để đạt được ước mơ
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận (Lí lẽ có kèm dẫn chứng).
Học sinh có thể lựa chọn cách lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Ước mơ: là những điều tốt đẹp mà mỗi con người mong muốn đạt được trong thời gian ngắn hoặc dài. Ước mơ giúp con người sống có mục tiêu, có ý nghĩa.
- Để đạt được ước mơ, cần:
+ Hoạch định những ước mơ có ý nghĩa, phù hợp.
+ Tích cực học tập, rèn luyện bản thân, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để đủ khả năng thực hiện ước mơ.
+ Dám thực hiện ước mơ với nghị lực, quyết tâm cao.
+ Kiên trì, vượt qua khó khăn, gặp thử thách không nản lòng trên hành trình thực hiện ước mơ, vươn tới thành công.
+ …
- Phê phán những người sống không có ước mơ; có ước mơ nhưng lười biếng hèn nhát hoặc không quyết tâm đạt được ước mơ; ước mơ không phù hợp; ca ngợi những tấm gương đạt ước mơ, đóng góp, cống hiến có ích cho cộng đồng, xã hội.
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.
(Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng đảm bảo các ý cơ bản, giám khảo linh hoạt cho điểm)
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
Câu 2
a. Bài đảm bảo bố cục của một bài văn nghị luận văn học có đầy
đủ 3 phần: Mở bài nêu được vấn đề - Thân bài triển khai được vấn đề- Kết bài đánh giá được vấn đề
b. Bài xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận của em về đoạn thơ ; từ đó phát biểu cảm nghĩ của bản thân em về mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước.
c. Bài triển khai được vấn đề cần nghị luận. Học sinh có nhiều cách triển khai vấn đề nhưng cần đảm bảo các ý sau:
1. Giới thiệu về tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nhỏ nhỏ và đoạn trích:
-Thanh Hải quê ở Phong Điền - Thừa Thiên (Huế), hoạt động văn nghệ cuối thời kì kháng chiến chống Pháp; trong thời kì chống Mĩ ông ở lại quê hương hoạt động và là một cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam trong những ngày đầu;
- Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được viết trước khi ông qua đời không bao lâu, trong đó có đoạn thơ: “ Ta làm… tóc bạc”
2. Cảm nhận đoạn thơ:
- Nhà thơ suy tư, nguyện ước về bổn phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân cần biết hóa thân, đóng góp chút công lao để cùng hòa ca vào đất nước, công lao ấy có thể bé nhỏ như tiếng con chim hót, một cành hoa ...tất cả dù chỉ để tạo ra một nốt trầm lắng dịu, lặng lẽ nhưng đầy xao xuyến, ấm áp, tỏa lan; cách dùng phép điệp, ẩn dụ, từ ngữ giản dị thể hiện tình cảm tha thiết, chân thành của nhà thơ với đất nước...
+ Nhà thơ tha thiết tự nguyện cũng như nhắc nhở mọi người, dù ở lứa tuổi nào hai mươi hay khi tóc bạc luôn gắn trách nhiệm công dân hiến dâng cho đất nước, góp một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng cho đời làm cho cuộc đời, đất nước luôn tươi đẹp; cách dùng từ láy, kết hợp phép điệp, phép đối, ẩn dụ... vừa tạo được
giọng điệu tâm tình, giàu nhạc tính vừa có sức lan tỏa trong cảm xúc thơ hướng về cái chung của cộng đồng
3. Phát biểu cảm nghĩ của bản thân về mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước : Mỗi cá nhân dù là ai, ở đâu, làm gì... cũng nên có ý thức góp phần xây dựng quê hướng đất nước bằng khả năng của
bản thân, bất kể lớn hay bé, miễn là có ý nghĩa tốt đẹp...
4. Đánh giá chung :
-Đoạn thơ thể hiện cảm xúc chân thành, thiết tha, có trách nhiệm với quê hương đất nước của nhà thơ Thanh Hải;
Đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, hình ảnh thơ giản dị mà giàu sức gợi cảm.
d. Bài viết thể hiện tư tưởng nghị luận sâu sắc; có cách sáng tạo trong bố cục, viết câu, dùng từ...
-/-
Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 phong phú của chúng tôi nhé.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!