Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2024 mẫu 28 có lời giải chi tiết

Xuất bản: 19/03/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2024 mẫu 28 có lời giải chi tiết với bài đọc hiểu Sân bay Tân Sơn Nhất, ga quốc tế. Hàng dài người Việt lẫn người nước ngoài

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 26.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2024 mẫu 28

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới:

Sân bay Tân Sơn Nhất, ga quốc tế. Hàng dài người Việt lẫn người nước ngoài đang xếp hàng ngay ngắn đợi qua cổng hải quan, một cặp đôi từ phía sau tiến lên nhìn bảng thông tin rồi bỗng dưng... chen ngang vào khoảng trống xíu xiu ở phía đầu trước nhiều ánh mắt ngạc nhiên. Thấy bạn nữ có vẻ ái ngại, bạn nam dửng dưng trấn an: “Chẳng ai biết mình đâu, có gì mà phải ngại!”.

Câu nói đó khiến tôi chợt nhớ đến một lần trong rạp chiếu phim, chứng kiến hai bạn nữ trạc 9X thấy hàng ghế VIP trống liền kéo xuống ngồi và một nàng vô tư bình phim oang oang như giữa chợ. “Có ai biết mình đâu mà lo, khéo vẽ chuyện” - nàng ấy hồn nhiên nói với người bạn.

Hồng Vũ - gương mặt khởi nghiệp tại Mỹ, (…) khiến nhiều người ngạc nhiên với bài viết đầy giận dữ trên Facebook về những trường hợp tương tự.

“Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều là vì sao mọi người lại thường im lặng trước những hành vi sai trái? Những cái nhìn ái ngại đó lẽ ra phải dành cho các bạn trẻ trên chứ?” (…). Có thời gian dài sống tại nước ngoài, Hồng Vũ cho rằng những hình ảnh trên rất hiếm gặp không hẳn vì ý thức của người phương Tây vượt trội hơn người Việt. “Một phần là do họ biết rằng mình chắc chắn sẽ bị nhắc nhở ngay khi làm điều sai, và họ sẽ bị mất mặt trước mọi người. Đây là một khía cạnh tích cực của social pressure (tạm dịch: áp lực xã hội). Ở Việt Nam, mọi người dường như còn dễ thỏa hiệp”.

(Công Nhật, Không ai biết mình, không việc gì phải ngại!, Tuổi trẻ Online, tuoitre.vn, số ra ngày 07.10.2017)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Văn bản đề cập đến vấn đề gì trong đời sống hiện nay? (0,5 điểm)

Câu 3: Tại sao hiện tượng này xảy ra nhiều ở Việt Nam, nhưng lại hiếm ở phương Tây? (1,0 điểm)

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với tư tưởng “Không ai biết mình, không việc gì phải ngại!” không? (1,0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để khuyên các bạn trẻ “đừng im lặng trước những hành vi sai trái”.

Câu 2. (5,0 điểm)

"Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương, gắn bó."

Hãy phân tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên:

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 tập 1, NXBGD, 2016) 

Hết 

Học sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp Văn 2024 mẫu số 28

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1: Các phương thức biểu đạt: Tự sự, nghị luận.

Câu 2: Văn bản đề cập đến hiện tượng hành xử thiếu văn hóa và sự im lặng của mọi người.

Câu 3: 

Ở Việt Nam, hiện tượng này xảy ra nhiều hơn bởi vì:

- Ý thức của người Việt Nam chưa cao, dễ thỏa hiệp với những hành vi sai trái;

- Người Việt Nam cũng ít phải chịu áp lực xã hội như ở phương Tây. Khi làm điều sai, họ biết chắc rằng không ai nhắc nhở và họ cũng không phải mất mặt trước mọi người.

Câu 4: 

- Dẫn trực tiếp quan điểm. Trình bày ý kiến cá nhân: đồng tình/ không đồng tình.

- Trình bày lý do. Ví dụ: Không đồng tình vì:

+ Hành động biểu thị cho ý thức cá nhân; hành động xấu là tượng trưng cho một người thiếu suy nghĩ.

+ Mỗi hành động của mình đều tác động đến mọi người xung quanh nên không được tùy tiện, vô tâm.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Lời khuyên các bạn trẻ “đừng im lặng trước những hành vi sai trái”.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của việc im lặng hay lên tiếng và lối hành xử của con người trước những vấn đề của cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

- Im lặng là ích kỷ, thỏa hiệp với cái xấu, không có ý thức hướng về cộng đồng, xây dựng cuộc sống tốt đẹp chung.

- Lên tiếng để bài trừ cái xấu, giúp đỡ họ hoàn thiện mình và có những hành xử tốt đẹp.

- Đừng để sự vô tâm, vô cảm tràn lan trong xã hội bằng chính sự im lặng của mình.

- Mọi thế giới tốt đẹp phải đến từ sự chung tay góp sức của tất cả mọi người.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận văn học. Có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn thơ từ “Trước muôn trùng sóng bể” đến “Hướng về anh – một phương” để làm rõ những trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó của một tâm hồn người phụ nữ đang yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

c. Triển khai các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể trình bày bài theo nhiều cách. Dưới dây là một số gợi ý, định hướng chấm:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ, dẫn đề

2. Giải thích nhận định

- Hình tượng sóng là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh trong tác phẩm này. Trong bài thơ Sóng và em hợp thành cặp hình ảnh song hành quấn quýt. Sóng là đối tượng, là cơ sở để thi sĩ tỏ bày mọi trạng thái bí ẩn và mãnh liệt của tình yêu – thứ tình cảm muôn thuở và không bao giờ cũ của nhân loại.

- Bài thơ là lời tự bạch của tâm hồn người phụ nữ đang yêu, một tâm hồn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương gắn bó.

- Đoạn thơ trên đã thể hiện rõ điều đó

3. Phân tích đoạn thơ để chứng minh ý kiến:

* Hai khổ trên từ “Trước muôn trùng sóng bể” đến “Khi nào ta yêu nhau”: Một tâm hồn luôn trăn trở trong tình yêu

- Sóng là đối tượng để người con gái đang yêu giải bày suy tư: nỗi băn khoăn, trăn trở, khát khao tìm đến ngọn nguồn của tình yêu. Nhưng thiên nhiên bí ẩn đôi khi còn có thể cắt nghĩa được chứ “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu” (Xuân Diệu)

- Câu hỏi lửng lơ, lời đáp nửa vời, chỉ biết rằng tình yêu cũng mãnh liệt, mang vẻ đẹp sâu xa, bí ẩn, kỳ vĩ, lớn lao như tự nhiên

* Hai khổ dưới từ “Con sóng dưới lòng sâu” đến “Hướng về anh – một phương”: Nỗi khát khao được yêu thương, gắn bó.

- Nỗi nhớ và sự trăn trở trong tình yêu được Xuân Quỳnh thể hiện khá táo bạo và mới mẻ:

+ Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

+ Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

- Nỗi nhớ lúc nào cũng thường trực trong trái tim người con gái. Nó có khi còn làm xáo trộn cả không gian và thời gian. Học tập và sáng tạo ca dao, câu thơ của Xuân Quỳnh đã thể hiện một cách xuất sắc tâm trạng bồn chồn, xao xuyến, sự bứt rứt không yên của người đang yêu. Tất cả như vừa giục giã lại vừa níu kéo man mác, bâng khuâng khó tả.

* Nghệ thuật: thể thơ 5 chữ, ngắt khổ không đều nhau, nhịp thơ cũng khá đa dạng và linh hoạt. Các thủ pháp: nhân hóa, ẩn dụ, điệp, đối sánh được sử dụng rất hiệu quả. Giọng điệu thơ tha thiết chân thành. Đoạn thơ là nhịp của trái tim hồn hậu, giàu yêu thương giàu khát vọng của Xuân Quỳnh.

*Đánh giá vấn đề

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo, suy nghĩ kiến giải mới mẻ về nội dung và nghệ thuật

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM