Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2024: Gốc cây ngày bé

Xuất bản: 19/06/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2024 mẫu số 108 với bài Đọc hiểu Gốc cây ngày bé - Con nhà nghèo chả có gì chơi Tôi và Gái chỉ thẩn tha gốc ổi

Mục lục nội dung

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu số 108 với yêu cầu: "Viết đoạn văn bàn luận với chủ đề: Quê hương trong ta, khi xa và khi gần.:..."

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 mẫu 108

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) 

Đọc văn bản sau và làm theo yêu cầu:

Con nhà nghèo chả có gì chơi

Tôi và Gái chỉ thẩn tha gốc ổi

Thương cây chiều nào cũng tưới

Cứ mỗi lần hai gánh ống bơ

Bắt được chú gà sa nước gạo đêm qua

Cũng hì hục khiêng chôn bón gốc

Cây còn nhỏ có đâu bóng mát

Mới ngang vai, cành chẽ chữ Y dài

Thằng cu San cuối xóm ngõ ngoài

Lăm le toan trộm cành làm súng

Biết chuyện đó chúng tôi tức lắm

Bàn với nhau rào gốc cây luôn

Thoắt đó mà đã vụt lớn khôn

Đi họp phóng viên, các bạn gọi tôi “đồng chí”

Nhưng trong kỷ niệm ngày thơ luôn vẫn bé

(Đứa trẻ có lớn lên trong ảnh bao giờ)

Thằng cu San vẫn đen thấp như xưa

Cái Gái - bạn nghèo thân hình gầy gõ

Và cây ổi vẫn khẳng khiu trước ngõ

Mới ngang vai, cành chẽ chữ Y dài

Ôi cây nhỏ chưa tròn bóng mát

Suốt nẻo đường tôi bước vẫn che tôi

Tôi lại về đây - đã tám năm rồi

Tất cả thân quen - sao mới lạ:

Cái Gái - gánh ống bơ tưới cây ngày nhỏ

Giờ chỉ huy đội thuỷ lợi trong làng

Một vùng chiêm khê đã thêm vụ mùa vàng

Còn “cu San” - hẳn chả cần chạc ổi -

Cây súng nâng niu từ lên xã đội

Đã giúp anh hạ một “con ma”

Chiến công này rạng rỡ thôn ta

Và cây ổi dây cành xoè rợp ngõ

(Nơi tụ tập của lớp sau tuổi nhỏ)

Lá xanh um trĩu trịt quả vàng

Con chào mào ngọt giọng hót vang

Vị thơm lự rơi rơi theo từng hạt

Ôi những ngày xa quê thấy mình khôn lớn

Đâu biết quê hương còn lớn hơn mình

(Gốc cây ngày bé, Xuân Quỳnh, trích tập thơ Hoa dọc chiến hào, NXB Văn học, 1968) 

Câu 1. Nêu tên hai phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Ôi cây nhỏ chưa tròn bóng mát / Suốt nẻo đường tôi bước vẫn che tội.

Câu 3. Nêu nhận xét về giọng điệu của nhân vật trữ tình trong văn bản.

Câu 4. Anh/Chị hiểu thế nào ý thơ: “Ôi những ngày xa quê thay mình khôn lớn/Đầu biết quê hương còn lớn hơn mình”.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1.

Viết đoạn văn bàn luận với chủ đề: Quê hương trong ta, khi xa và khi gần.

Câu 2. Phân tích tính dân tộc được thể hiện trong đoạn thơ dưới đây:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương.

Sớm hôm bếp lửa người thương đi về...”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Hết

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 mẫu 108

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. 

Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt chính là biểu cảm và tự sự.

Câu 2. 

Biện pháp tu từ: Ẩn dụ “che”: từ hành động che (tránh cho mưa nắng tác động đến con người) thành ý nghĩa che chở, làm điểm tựa tinh thần.

- Tác dụng:

+ Giúp lời thơ trở nên hình ảnh, giàu sức gợi, sức biểu cảm.

+ Bộc lộ những suy nghĩ chân thành của tác giả khi nghĩ về cây ổi gắn liền với những kỉ niệm thời thơ ấu. Đó là động lực, là điểm tựa tinh thần cho người chiến sĩ có thêm sức mạnh để dấn bước trên chặng đường chiến đấu.

Câu 3.

Bằng giọng điệu kể chuyện tâm tình thân mật, nhân vật trữ tình gửi gắm không chỉ những cảm xúc và kí ức của tuổi thơ mà còn biểu hiện được sự trưởng thành của bản thân và quê hương qua những đổi thay theo năm tháng. Nhịp thơ chậm rãi, nhịp nhàng là lời sẻ chia hết sức chân thành, tự nhiên về những kỉ niệm ngày thơ ấu, khơi gợi sự đồng điệu của người đọc bởi những điều giản dị mà quý giá.

Câu 4. 

Học sinh chủ động trình bày quan điểm của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày cảm nhận của mình về ý thơ: Sự trưởng thành của nhân vật trữ tình cũng như của quê hương đất nước trong kháng chiến.

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Thời gian làm mọi đứa trẻ trưởng thành, cũng như làm mọi thứ thay đổi. Xuân Quỳnh viết: “Ôi những ngày xa quê thấy mình khôn lớn/ Đầu biết quê hương còn lớn hơn mình” khi chị đang cùng dân tộc trải qua những tháng ngày sống dọc chiến hào. Nhân vật trữ tình từ một cô gái quê bé nhỏ đã thành đồng chí, thành chiến sĩ, đã tự thấy những đổi thay trong hình hài, vóc dáng, trong những suy nghĩ và hành động. Nhưng quê hương còn lớn hơn. Quê hương với nhân vật trữ tình là người bạn thuở nhỏ “gầy gõ”, “đen thấp” đã thành chỉ huy thủy lợi, thành xã đội, là cây ổi từ cành ngang vai nay đã xòe rợp ngõ. Quan niệm về quê hương của chị vừa giản dị, vừa sâu sắc. Có thể nói, chính thời gian và cuộc kháng chiến đã khiến chị nhận ra rõ nét hơn sự lớn lên của bản thân và quê hương mình.

II. LÀM VĂN 

Câu 1.

1.Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: quê hương trong ta

2.Giải thích

- Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi gắn bó với tuổi thơ.

- Hiểu rộng ra quê hương là nơi xuất thân, nơi cội nguồn của mỗi người.

3.Phân tích

- Tình yêu quê hương được biểu hiện như thế nào khi xa cũng như khi gần?

+ Tình yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng, là một sự gắn bó rất tự nhiên và cũng rất nhân văn.

+ Khi gần, tình yêu quê là sự gắn bó, thân thuộc, là kỷ niệm tích lũy mỗi ngày, là môi trường sống, là ngôi nhà, là chốn đi về.

+ Khi xa, tình yêu quê là nỗi nhớ, là ước muốn được trở về, là ký ức quý giá,...

+ Khi xa hay gần đều có điểm chung: niềm tự hào, tôn trọng, thương yêu,...

- Vì sao trong thế giới phẳng, con người vẫn cần có quê hương?

+ Vì quê hương như một ngôi nhà lớn, có những con người cùng những điểm chung với mình, cùng gắn bó với một mảnh đất.

+ Vì quê hương bồi đắp cho tâm hồn con người những xúc cảm vô cùng đáng quý.

+ Vì quê hương là chốn đi về. Phản biện Có những người khi đi xa lại có thái độ phủ nhận, quay lưng lại với quê hương – sự bơ vơ của tâm hồn.

5.Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Hiểu được sự thiêng liêng của hai tiếng “quê hương”.

Câu 2.

1.Khái quát vài nét về  tác giả - tác phẩm

- Là nhà thơ trữ tình chính trị, nhà thơ của lí tưởng Cộng sản, hồn  thơ Tố Hữu thường rất nhạy cảm trước những vấn đề thời sự của đất nước, của dân tộc. Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10/1954, khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ rời chiến khu Việt Bắc, từ biệt nhân dân Việt Bắc sau gần 15 năm gắn bó, về Hà Nội tiếp tục lãnh đạo đất nước. Bài thơ ra đời nhận một sự kiện có ý nghĩa thời sự, chính trị, cho thấy với Tố Hữu, mọi sự kiện thời sự chính trị đều có thể trở thành nguồn cảm hứng thực sự. Ý nghĩa thời sự của bài thơ có thể sẽ qua mau nhưng tình cảm thủy chung với cách mạng, gắn bó với nhân dân và chiến khu Việt Bắc, tình cảm ân tình ân nghĩa với quá khứ thì sẽ còn mãi muôn đời.

2.Giải thích tính dân tộc

Các em lưu ý: trong đề bài xuất hiện cụm khái niệm: Tính dân tộc, đây là một trong những đặc trưng quan trọng trong thơ Tố Hữu, vì vậy trước khi đi vào phân tích, em cần giải tích cụm từ này: Tính dân tộc của tác phẩm văn học bao giờ cũng được bộc lộ trước hết ở việc tác phẩm ấy đề cập tới và thể hiện rõ tính cách của dân tộc, đặc điểm linh hồn, cốt cách của dân tộc. Thứ hai là qua ngôn ngữ, giọng điệu thể hiện được tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc.

3.Phân tích

- Tính dân tộc thể hiện qua nội dung:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm hôm bếp lửa người thương đi về.”

+ Phép so sánh độc đáo: “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Nỗi nhớ người yêu luôn là nỗi nhớ mãnh liệt, da diết, trong ca dao: “Nhớ ai bồi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Nghĩa là bao thổn thức, bao bâng khuâng, bồn chồn khi phải xa cách, đã khiến kẻ yêu ngày đêm không ngủ được, trào dâng trong dạ bao nỗi niềm. Chỉ mong “trời sáng ra đường gặp anh”. Ví nỗi nhớ Việt Bắc với nỗi nhớ người yêu, người chiến sĩ đồng thời khẳng định tình cảm thuỷ chung, con người tình nghĩa, truyền thống uống nước nhớ nguồn, không bao giờ quên đi Việt Bắc ân tình.

+ Nỗi nhớ đã lan tỏa theo không gian: Trước hết là nhớ những không gian của thiên nhiên cao rộng, hùng vĩ: “núi”, “nướng” đến không gian sinh hoạt gần gũi: “khói”, “bếp lửa”. Nhắc đến những không gian này, trong lòng người đọc trỗi dậy hình ảnh thân thuộc của dân tộc, những không gian của đất nước, với bao yêu dấu. Và dù không gian nào, chiến sĩ và Việt Bắc luôn bên nhau, từ lao động cho đến sinh hoạt, chiến đấu.

+ Nỗi nhớ lan tỏa theo thời gian: Những từ gợi lên thời gian như “nắng chiều”, “trăng lên”, “sớm hôm”, đã gợi lên nhịp của thời gian, nhưng gợi ra bao năm tháng chiến sĩ Việt Bắc đã cùng trải qua. Như vậy, tình cảm đã xây đắp vững bền qua một thời gian dài, trở thành thói quen, trở thành một phần cuộc sống. Nay chia xa, hắn phải thấy hụt hẫng, nhớ nhung vô cùng.

+ Nỗi nhớ về những hình ảnh quen thuộc mà đầy thi vị: Đó là “trăng”, “bản khói cùng sương”, hình ảnh “người thương” gợi lên bao vẻ đẹp của cảnh và người nơi Việt Bắc. Cảnh nên thơ, người nghĩa tình. Nên, người chiến sĩ sao không yêu, không nhớ cho được.

- Tính dân tộc thể hiện qua hình thức:

+ Kế thừa xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ ca cổ điển khi sử dụng đặc biệt nhuần nhuyễn thể thơ lục bát thuần túy dân tộc. Thể thơ này vốn có truyền thống trong ca dao, dân ca của người Việt. + Tố Hữu sử dụng phổ biến và thành công những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Bàn luận,

4.Bàn luận, đánh giá

- Qua những dòng thơ tinh tế, hồn thơ Tố Hữu đã tập trung thể hiện nhiều vẻ đẹp đặc trưng cho tâm hồn, cốt cách của dân tộc, của người Việt.

+ Được sáng tác nhân một sự kiện có ý nghĩa thời sự chính trị, nhưng Việt Bắc vẫn là một bài thơ đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức, đồng thời là một đỉnh cao nghệ thuật của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM