Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2023 mẫu số 11 có đáp án

Xuất bản: 21/03/2023 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2023 mẫu số 11 có đáp án với đọc hiểu Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi / Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh

Mục lục nội dung

Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 11 là một trong những đề thi thử được sử dụng để ôn tập và luyện tập cho các thí sinh sắp bước vào kỳ thi vào cuối tháng 6 tới. đề thi bao gồm những câu hỏi về các dạng bài tập thường gặp trong kỳ thi THPT quốc gia như: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội, nghị luận văn học.

(Tài tài liệu thi thử môn văn này trong file đính kèm bên dưới)

Cùng Đọc tài liệu xem đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2023 mẫu số 11

I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

(1) Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

(…)

(2) Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,

Để lắng nghe người khách nói bô bô.

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.

(….)

(3) Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,

Trên con đường đi các làng hẻo lánh,

Những người quê lũ lượt trở ra về.

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

(Trích Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ, thivien.net)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên. (0.5 điểm)

Câu 2. Trong đoạn thơ thứ (2) tác giả đã đề cập đến những hoạt động cụ thể nào của con người trong phiên chợ Tết? (0.5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ “Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh”. (1.0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị trong xã hội hiện đại ngày nay có nên duy trì những phiên chợ Tết không? Tại sao? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. Nghị luận xã hội (2,0 điểm)

Từ đọc – hiểu đoạn trích trên, anh/chị viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc giữ gìn những phong tục tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền.

Câu 2. Nghị luận văn học (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh sông Đà trong đoạn trích sau:

(...) Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông lúc ấy chỉ đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.

Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới (...)

(Trích Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD, 2011, tr186-187) 

-HẾT-

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn mẫu số 11

I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN 

Câu 1. Thể thơ: 8 tiếng

Câu 2. Trong đoạn thơ thứ (2) tác giả đã nêu những hoạt động của con người trong phiên chợ Tết:

- Người mua bán ra vào chợ

- Anh hàng tranh tìm chỗ đông người để bán

- Thầy khóa mài mực viết thơ xuân

- Cụ đồ nho nhẩm đọc câu đối

Câu 3. Biện pháp tu từ trong câu “Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh” là: nhân hóa (Mây “ôm ấp” )

- Tác dụng: làm cho hình ảnh “sương” trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi cảnh tượng vừa nên thơ vừa quen thuộc gần gũi.

Câu 4. HS có thể bày tỏ quan điểm nên/ không nên duy trì những phiên chợ Tết. Mọi kiến giải hợp lý đều có thể chấp nhận. Sau đây là một vài gợi ý:

- Trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn nên duy trì những phiên chợ Tết vì đây là một trong những nét văn hóa đẹp có tính truyền thống của người Việt, người dân đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, tận hưởng không khí háo hức khi năm hết Tết đến.

- Không nên duy trì những phiên chợ Tết vì xã hội hiện đại, con người bận rộn với công việc, ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi; thường là các phiên chợ tự phát khó có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước nên chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh khó bảo đảm; các giá trị, ý nghĩa của phiên chợ này hiện cũng đang mai một dần đi...

II. LÀM VĂN 

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt trong phong tục ngày Tết cổ truyền

b. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về ý nghĩa của việc giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt trong phong tục ngày Tết cổ truyền

Sau đây là một số gợi ý:

- Những phong tục tốt đẹp trong dịp Tết cổ truyền: tảo mộ; gói bánh chưng, bánh tét; cúng tất niên, dón giao thừa; viết câu đối đầu xuân; chúc Tết, mừng tuổi ông bà, cha mẹ; thăm hỏi hàng xóm láng giềng...

- Ý nghĩa của việc giữ gìn những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền: góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại; giúp con người có sợi dây gắn bó với gia đình,  cộng đồng, sống có trách nhiệm với quá khứ, với hiện tại và cả tương lai…

- Liên hệ bản thân.

c. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

d. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình ảnh sông Đà hung bạo, dữ dội

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Mở bài : Giới thiệu khái quát về tác giả, bài tùy bút và đoạn trích .

* Thân bài: Cảm nhận về hình ảnh sông Đà hung bạo, dữ dội trong đoạn trích:

- Cảnh vách đá bờ sông Đà hùng vĩ, tráng lệ bằng những vách thành dựng đứng, uy nghiêm nhưng cũng đầy hiểm nguy “cảnh đá bờ sống dựng vách thành …. cũng cảm thấy lạnh”.

- Ghềnh sông Đà dữ dội, hung bạo qua hình ảnh nước, sóng, gió, đá phối hợp với nhau cuồn cuộn uy hiếp những người lái đò “mặt ghềnh Hát Loóng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng...qua đấy”

- Những cái hút nước trên sông Đà như loài thủy quái hung bạo, nham hiểm, sẵn sàng lôi tuột, nuốt chửng những con thuyền và cả người lái đò qua đó: “trên sông bỗng có những cái hút nước…. nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” “những chiếc thuyền đã bị cái hút nó hút xuống …tan xác ở khuỷnh sông dưới”.

* Đánh giá chung

- Nhà văn đã miêu tả Sông Đà bằng những ví von, so sánh, nhân hóa,  liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị. Từ ngữ phong phú, sống động, giàu giá trị tạo hình và có sức gợi cảm cao. Nhiều câu văn dài song nhịp văn gấp gáp, nhanh, mạnh giúp hình dung vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của sông Đà ở thượng nguồn và Sông Đà trong cái nhìn của Nguyễn Tuân là công trình mĩ thuật thiên tạo.

- Đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung là sự khám phá độc đáo của Nguyễn Tuân về dòng sông huyền thoại, là tình yêu tha thiết của nhà văn với thiên nhiên và con người Tây Bắc.

c. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

- So sánh với các tác phẩm khác; liên hệ với thực tiễn; vận dụng kiến thức lí luận văn học để đánh giá, làm nổi bật vấn đề nghị luận.

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Nguồn tin: Tổ Văn trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM