Bạn muốn tìm kiếm đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn mới nhất để thử sức mình? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn mẫu số 8 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.
Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:
Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 mẫu số 8
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“Thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu thế giới bên trong con người bạn, nó tạo nên một triết lí vô cùng giá trị: bạn sẽ trở thành những gì mà bạn thường nghĩ đến nhất.
Khi được hỏi về những điều mà mình thường nghĩ đến, những người thành đạt cho biết họ thường nghĩ đến điều mà họ muốn và làm sao để đạt được điều đó. Trong khi đó, những người thất bại lại thường nghĩ và nói về những điều mà họ không muốn gặp phải. Họ bận rộn với những phiền muộn của mình hoặc về những khiếm khuyết của người khác.
Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong một màn sương mù dày đặc. Dù cho xe của bạn có tiện ích, có hiện đại đến đâu chăng nữa thì bạn vẫn phải lái đi chậm chạp, dè chừng ngay cả trên những con đường bằng phẳng nhất. Một mục tiêu rõ ràng cho phép bạn tăng tốc, tiến nhanh về phía trước để đạt được những điều mình thực sự mong muốn”.
(Trích “Chinh phục mục tiêu” - Brian Tracy, Nguyễn Trung An, MBA dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Theo tác giả, đâu là sự khác biệt giữa người thành đạt và kẻ thất bại ?
Câu 2. Căn cứ vào đoạn trích, hãy cho biết ý nghĩa của việc xác định được mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống ?
Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về phép so sánh: “Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong một màn sương mù dày đặc” ?
Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “bạn sẽ trở thành những gì mà bạn thường nghĩ đến nhất” không ? Vì sao ?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về mối quan hệ giữa việc xác định mục tiêu và sự thành công.
Câu 2 (5,0 điểm)
Suy nghĩ của anh / chị về quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng qua hai đoạn trích sau:
1. “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh "đắt" trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”
2. “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”.
(Trích “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu)
--- Hết ---
Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức đã học em nhé! Đối chiếu với đáp án bên dưới:
Đáp án đề thi thử môn văn 2022 mẫu số 8
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Sự khác biệt giữa người thành đạt và kẻ thất bại là: những người thành đạt cho biết họ thường nghĩ đến điều mà họ muốn và làm sao để đạt được điều đó. Trong khi đó, những người thất bại lại thường nghĩ và nói về những điều mà họ không muốn gặp phải. Họ bận rộn với những phiền muộn của mình hoặc về những khiếm khuyết của người khác.
Câu 2. Ý nghĩa của việc xác định mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống: Một mục tiêu rõ ràng cho phép bạn tăng tốc, tiến nhanh về phía trước để đạt được những điều mình thực sự mong muốn”.
Câu 3. Phép so sánh: “Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong một màn sương mù dày đặc” có thể hiểu là:
- Lái xe trong màn sương mù dày đặc thì mình sẽ không thể định được hướng đi, không lường được trước những nguy hiểm để mà né tránh
- Vậy thì, sống không mục tiêu cũng vậy: khi không có mục tiêu, chúng ta sẽ không xác định được cuộc đời mình sẽ đi về đâu, mình sẽ phải làm gì và trở thành người như thế nào trong tương lai. Chúng ta cũng không có được tâm thế chủ động, can đảm khi gặp khó khăn. Do vậy, dễ nản chí, thất bại.
Câu 4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm.
Tham khảo:
- Đồng tình
- Lý giải:
+ Mọi quyết định của con người đều thoát thai từ ý nghĩ
+ Do vậy, khi ta suy nghĩ nhiều đến điều gì, chúng ta sẽ luôn chú tâm đến nó, hành động theo lực hút của nó. Và tất cả những hành động đó sẽ kiến tạo nên con người của chúng ta.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
- Có thể nói xác định mục tiêu là điều kiện tiên quyết, sống còn đối với sự thành công của mỗi con người, còn các yếu tố khác chỉ tiếp thêm năng lượng cho cuộc hành trình đó mà thôi.
- Xác định mục tiêu cho phép chúng ta không mất thời gian loay hoay trước những ngã rẽ của cuộc đời, mà lao nhanh về đích
- Xác định mục tiêu tạo nên sự hưng phấn, động lực để làm việc hiệu quả
- Xác định mục tiêu giúp chúng ta có đủ can đảm để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.
- Xác định mục tiêu giúp chúng ta tránh xa những thứ vô bổ, không cần thiết để tập trung toàn bộ tinh thần và lực lượng để lao về đích.
v.v...
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (5,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
1. Nêu vài nét khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”
2. Quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng:
>>Văn mẫu tham khảo cho đề văn này: Phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng
a. Đoạn 1:
- Nghệ sĩ Phùng phát hiện ra một “cảnh đắt” (đoạn này các bạn đi vào phân tích vẻ đẹp của bức tranh nhé - cái này hầu như tài liệu nào cũng có nên không gõ lại nữa)
- Nhận thức:
+ Đứng trước bức tranh ấy, Phùng tâm đắc với quan niệm: cái đẹp chính là đạo đức, cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn con người.
+ Phùng khẳng định đó là vẻ đẹp toàn bích, và chiếc thuyền ngoài xa kia là phần trung tâm tạo nên vẻ đẹp toàn bích ấy.
+ Tuy nhiên hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa cũng hé lộ một điều: nghệ sĩ Phùng đang ngắm nhìn cuộc sống với con mắt của một người nghệ sĩ lãng mạn (cách mạng), với cái nhìn phiến diện, một chiều, con mắt của một người nghệ sĩ chỉ nhìn thấy được cái bề ngoài của cuộc sống nhưng lại thích khái quát, ưa kết luận, thích lên gân để quả quyết cho cái nhìn ấy.
Ở đoạn này, Phùng quả thật chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ đi chụp ảnh phong cảnh, và anh cũng nhìn đời qua cái ống kính đang hướng về những bức tranh phong cảnh ấy.
* Sơ qua đoạn giữa: quá trình nhận thức của Phùng bắt đầu trưởng thành: Từ nhìn (trên bãi biển - nhìn cái đẹp - nhìn cái xấu đằng sau cái đẹp) đến nghe (nghe người đàn bà kể về cuộc đời mình ở tòa án huyện) đến trải nghiệm (lang thang trong cơn bão biển), cuối cùng, đoạn kết chính là những chiêm nghiệm của Phùng, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trong nhận thức.
b. Đoạn 2:
- Bức tranh được trưởng phòng lựa chọn, được treo trong nhiều ngôi nhà mà chủ nhân của nó là người sành nghệ thuật: những con người này cũng như Phùng lúc trước, đều chỉ nhìn thấy giá trị nghệ thuật của một bức ảnh phong cảnh => Chi tiết này rất đắt: Nguyễn Minh Châu ngầm phê phán cả một lớp nghệ sĩ theo quan điểm cũ, ấu trĩ, nhìn đời màu hồng thời bấy giờ.
- Tuy nhiên, lúc này, Phùng - với tư cách là một nghệ sĩ chụp ảnh phong cảnh đã có sự trưởng thành trong nhận thức. Anh đã đi xa hơn những con người giam mình trong những căn phòng kín kia cả một chặng đường dài: Khi nhìn vào bức tranh, cái gây ấn tượng cho anh không còn là bố cục hài hòa, vẻ đẹp toàn bích nữa, mà là hình ảnh người đàn bà vùng biển. Anh đã từ giã vị trí của kẻ đứng ngoài cuộc sống, đứng ngoài sự buồn vui sướng khổ của đời thực để “xắn quần lội vào đời”.
Anh đã từ giã cái nhìn cứng nhắc, đơn giản, phiến diện, một chiều về cuộc đời (hoặc là tô hồng hoặc là bôi đen) để đi đến cái nhìn linh động, đa chiều. Anh đã nhìn thẳng vào bản chất, không thông qua bất cứ một lớp màn che tư tưởng nào. Nói cách khác, anh đã… giác ngộ!
c. Đánh giá: có thể nói, bằng “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã kéo văn học và các văn nghệ sĩ VN từ chín tầng mây về lại mặt đất, bắt văn chương quay trở lại là chính nó. Vì điều này mà Nguyên Ngọc đánh giá Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học sau 75.
>>>Bổ sung cho bài văn: Phân tích nhân vật Phùng
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
GV ra đề: Tạ Xuân Hải
-/-
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2022 môn văn số 8 có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.
Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả