Đề thi thử tốt nghiệp thpt môn văn 2022 Chuyên Đại học Vinh lần 1

Xuất bản: 11/05/2022 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp thpt môn văn 2022 Chuyên Đại học Vinh lần 1 có đáp án với bài đọc hiểu Mình phải sống như biển rộng sông dài của Xu.

Mục lục nội dung

Bạn muốn tìm kiếm đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn để thử sức mình? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn Chuyên Đại học Vinh lần thứ nhất dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 Chuyên Đại học Vinh

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:

Áp lực mới tạo nên kim cương.

Lò xo phải bị nén thì mới có sức bật.

Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng.

Hãy yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây, bình tĩnh gấp thuyền giấy thả xuống dòng nước lũ. Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước. Đường đời chẳng mấy khi bằng phẳng. Nhưng không ai sướng mãi và cũng chẳng ai khổ hoài...Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng. Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình. Đó là lối sống mạnh mẽ nhất.

Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh, vậy thì đừng né tránh áp lực. Đừng sợ hãi độ cao. Cũng đừng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực luôn ẩn nấp sau lồng ngực. Hãy thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn, đơn giản chỉ cần tìm cách thay đổi. Thay đổi bằng cách nào tạm thời chưa cần rạch ròi, nhưng trước hết bắt buộc phải có một ý thức không ngại va chạm, sẵn sàng hi sinh để thay đổi.

 (Trích Mình phải sống như biển rộng sông dài,

 Xu, NXB Thế giới, 2022, tr.74 -75)

Câu 1. Theo tác giả, thế nào là lối sống mạnh mẽ nhất?

Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ có trong những câu văn sau: "Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục".

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến "Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng"?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với nhận định "Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm"?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách vượt qua áp lực trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa đồng Châu Hoá đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...

 (Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường,

 Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, tr.198 - 199)

Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đoạn trích.

--- Hết ---

Đặt bút và làm bài thi trong 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức đã học em nhé! Đối chiếu với đáp án bên dưới:

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 Chuyên Đại học Vinh

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Theo tác giả, lối sống mạnh mẽ nhất là:

- Yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây.

- Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước.

- Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng.

- Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình.

Câu 2. Các biện pháp tu từ có trong những câu văn sau: "Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục":

- Phép điệp:

+ Điệp từ "gặp".

+ Điệp cấu trúc: ba câu văn "Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục" lặp, láy lại về cấu trúc cú pháp.

- Biện pháp ẩn dụ: hòn sỏi, tảng đá lớn, ngọn núi cao chỉ những khó khăn, trở ngại.

Câu 3. Ý kiến "Con người càng có sức ép càng dễ  tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng" đã khẳng định ý nghĩa của sự kiên cường hết mình trước những sức ép của cuộc sống. Kiên cường sẽ tạo nên động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để giúp mỗi người vượt qua được áp lực, phát huy tận độ năng lực của bản thân, nắm bắt được cơ hội...Từ đó sẽ đạt được thành tựu lớn.

Câu 4. - Thí sinh phải nêu được quan điểm cá nhân đồng tình hay không đồng tình, và có sự lí giải hợp lí. Sau đây là một số gợi ý.

- Đồng tình:

Nhận định "Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm" là đúng đắn. Bởi cuộc sống là của riêng mỗi người, do bản thân tự làm chủ, tự định đoạt và chịu trách nhiệm. Sống và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến cuộc đời, sự sống riêng như thế nào là do mình lựa chọn, quyết định, không ai có thể sống hộ, làm thay. Vì vậy, nếu cảm thấy cuộc sống của mình không ổn thì phải tự đối diện và tự tìm cách giải quyết.

- Không đồng tình:

Nhận định "Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm" chưa hoàn toàn xác đáng. Bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cuộc sống của mỗi cá nhân luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, quá trình sống của con người luôn có sự tác động, ảnh hưởng từ gia đình, xã hội. Vì vậy, khi cuộc sống mỗi người không ổn, chưa tốt thì không phải chỉ có cá nhân mới là người duy nhất phải đối diện và tự giải quyết. Mà bên cạnh đó, gia đình, tập thể, xã hội cũng có một phần trách nhiệm, cần phải chung tay tương trợ, giúp đỡ, sát cánh với cá nhân.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cách vượt qua áp lực trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ cách vượt qua áp lực trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: áp lực trong cuộc sống là những sức ép từ xã hội, từ đời sống tác động, đè nặng lên mỗi người. Đó có thể là khó khăn thử thách gặp phải, công việc nặng nề phải đảm nhận, trách nhiệm lớn lao phải gánh vác... Nó thường tạo ra tâm lí căng thẳng, nặng nề, lo lắng. Tuy nhiên, áp lực cũng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình trưởng thành của bản thân mỗi người, cũng như đối với thành công.

- Cách vượt qua áp lực trong cuộc sống:

+ Hãy đón nhận áp lực bằng tâm thế sẵn sàng, chủ động. Áp lực là một phần tất yếu của cuộc sống mà không ai tránh khỏi nhất là trong xã hội hôm nay. Vì vậy, thay bằng sợ hãi, căng thẳng, mỗi người cần bình tĩnh, vui vẻ đón nhận. Từ đó sẽ có trạng thái tâm lí tích cực để vượt qua áp lực.

+ Kiên cường, hiên ngang đối diện; nỗ lực phát huy cao độ các năng lực của bản thân; trau dồi kĩ năng, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ người khác và các khóa học để có cách xử lí, giải quyết những áp lực của cuộc sống. Đó là con đường dẫn ta vượt qua áp lực và đi tới thành công.

+ Tạo lập một kế hoạch học tập và làm việc bài bản, khoa học, kỉ luật. Hãy cân đối giữa thời gian dành cho công việc và thời gian thư giãn để có thêm tinh thần sảng khoái và hứng thú làm việc.

+ Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng có thể vượt qua được áp lực. Nếu cảm thấy những áp lực đó là quá sức, vượt khỏi tầm kiểm soát và khả năng của bản thân thì hãy học cách chia sẻ với người thân, bạn bè để có sự giúp đỡ, tương trợ, có được giải pháp tích cực để thoát khỏi bế tắc; đừng cố chịu đựng, quá dồn nén cảm xúc, mà hãy hoặc hãy học cách buông bỏ bớt gánh nặng cho lòng nhẹ nhàng, thanh thản; hãy học cách giải phóng cảm xúc tiêu cực của mình để tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực.

+ Gia đình, xã hội cần thấu hiểu, gần gũi hơn, có sự kết nối sâu sắc và chăm lo tốt hơn đến đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Đó cũng là cách giúp mỗi người dám đối diện và vượt lên áp lực.

- Bài học nhận thức hành động.

(Học sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp với bản thân)

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích. Từ đó, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích. Đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

- Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về thể loại bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí...Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên.

- Sông Hương là hình tượng nghệ thuật chính của bài kí với vẻ đẹp được miêu tả trên nhiều phương diện, góc nhìn trong hành trình từ thượng nguồn về đến cánh đồng Châu Hóa và chảy vào lòng thành phố Huế.

- Đoạn trích là sự khám phá, phát hiện độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường về vẻ đẹp của sông Hương ở cánh đồng Châu Hóa.

* Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích

- Ở góc độ cảnh quan thiên nhiên, trên thủy trình địa lí: sông Hương ở cánh đồng Châu Hóa hiện lên với vẻ đẹp phong phú, biến ảo:

+ Nên thơ, gợi cảm, mĩ lệ, tràn đầy sức sống. Dòng sông được hình dung như người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại.

+ Dòng sông vừa tuôn chảy dạt dào, mãnh liệt khi vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn; vừa mềm mại, uyển chuyển, gợi cảm khi vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, chuyển theo hướng nam bắc, sang tây bắc,vẽ hình cung thật tròn về phía đông bắc và có lúc nó mềm như tấm lụa.

+ Sông Hương ôm ấp, giao hòa với cảnh sắc thiên nhiên xung quanh, nó lấy vẻ đẹp của đôi bờ, từ đó tạo nên bức tranh thiên nhiên nên thơ, hữu tình. Dòng sông trôi qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ; nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo...Tất cả hòa quyện vào nhau khắc tạc nên vẻ đẹp thơ mộng cho xứ Huế.

+ Vẻ đẹp sông Hương mang nét trầm mặc như triết lí, cổ thi lúc trôi qua đám quần sơn lô xô, rừng thông u tịch và lăng tẩm đồ sộ.

+ Sắc nước gợi cảm, biến ảo: xanh thẳm khi vượt qua lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản; là miếng phản quang  nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, sáng xanh, trưa vàng, chiều tím.

- Sông Hương với vẻ đẹp của câu chuyện tình yêu: thủy trình của Hương giang được cảm nhận như một mối tình ngọt ngào, mê đắm, nhuốm màu sắc cổ tích.

+ Trong đó, sông Hương là người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, còn thành phố Huế là người tình mong đợi. Khi được người tình mong đợi đến đánh thức, bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, nghe tiếng gọi của tình yêu, sông Hương chuyển dòng liên tục, nỗ lực vượt qua chặng đường gian truân để tìm về với tình nhân của nó. Mỗi địa danh, hướng chảy được xem là khó khăn, thử thách mà người con gái ấy phải trải qua. Đó là cuộc tìm kiếm có ý thức và đầy khát khao để đi tới nơi gặp thành phố tương lai. Ở đây, sông Hương không chỉ được nhìn như một dòng chảy tự nhiên mà còn được hình dung như một con người với vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, đầy nữ tính, tràn đầy khát khao tuổi thanh xuân và có phẩm chất đáng quý trong tình yêu.

+ Trên hành trình đến với tình yêu, sông Hương hay người con gái đẹp đang phô khoe, bộc lộ hết vẻ gợi cảm, quyến rũ, sắc vóc thanh xuân của mình qua những đường cong thật mềm, qua sắc màu đầy biến ảo.

- Sông Hương với vẻ đẹp văn hóa: dòng sông chảy qua điện Hòn Chén, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, trôi đi giữa những rừng thông u tịch và lăng tẩm đồ sộ với giấc ngủ nghìn năm của vua chúa ...đã góp phần kiến tạo nên vẻ đẹp văn hóa đặc sắc cho cố đô Huế.

-> Vẻ đẹp của sông Hương cũng chính là vẻ đẹp của mảnh đất Huế. Qua đó, ta thấy được tình yêu tha thiết và niềm tự hào cao độ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với quê hương, đất nước.

* Đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả ở đoạn trích:

- Phong cách viết kí đậm chất trí tuệ và trữ trữ tình.

- Kiến thức uyên bác trên các mặt lịch sử, địa lí, văn hóa.

- Trí tưởng tượng phong phú, bay bổng; có những liên tưởng, phát hiện độc đáo, thú vị về vẻ đẹp của sông Hương.

- Câu văn uyển chuyển, giàu nhạc tính. Ngôn ngữ tinh tế, gợi cảm, giàu chất thơ. Lối hành văn hướng nội, lịch lãm, mê đắm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2022 môn văn của trường Chuyên Đại học Vinh có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.

Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM