Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn mẫu số 20 có đáp án

Xuất bản: 10/05/2023 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn mẫu số 20 có đáp án với bài đọc hiểu Có một thói quen gây trở ngại không nhỏ cho công trình xây dựng hạnh phúc

Các em học sinh lớp 12 thân mến!, việc vận dụng và bổ sung kiến thức có trong chương trình học Ngữ văn 12 để ôn luyện kĩ năng giải đề vẫn luôn là điều mà Đọc tài liệu hướng tới với mong muốn giúp các em có thêm thật nhiều nội dung bổ ích chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Vì vậy tiếp tục trọn bộ các mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn Văn mới nhất, dưới đây là mẫu đề số 20.

(Đề thi được xây dựng mang tính chất tham khảo và giúp các em nâng cao khả năng luyện tập làm đề thi tại nhà!)

Cùng đi vào tìm hiểu chi tiết nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2023 này:

Đề thi thử tốt ngjiệp môn Văn 2023 mẫu số 20

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

(1) Có một thói quen gây trở ngại không nhỏ cho công trình xây dựng hạnh phúc: đó là lười biếng. Lười biếng là thói quen không muốn tách mình ra khỏi cảm xúc tốt cạn cợt để vươn tới những cảm xúc tốt khác sâu sắc hơn. Những người mang tật lười biếng làm ít nhưng lại muốn hưởng nhiều, thích dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác hay cầu vận may mà không chịu nỗ lực. Họ thích ăn, thích ngủ, thích những trò tiêu khiển giải trí. Họ chỉ hứng thú với những việc họ yêu thích. Tức là họ thích làm những việc thuộc về năng khiếu có sẵn hơn là do rèn luyện, hoặc nó không đòi hỏi phải vận động tay chân hay đào sâu suy nghĩ. Ta đã từng thấy nhiều người làm việc rất hăng say, nhưng chẳng qua những việc đó mang tới cảm xúc tốt cho họ thôi. Những việc khác dù rất quan trọng, có khi ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp mà hơi khó khăn thì họ cứ ngâm mãi. Nước đến chân họ mới chịu nhảy.

(2) Nếu lỡ mang “cục” lười biếng quá lớn như thế thì ta sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Ta sẽ rất sợ dầm mưa dãi nắng hay thức khuya dậy sớm để làm việc. Gặp những đối tác không vừa ý, ta sẽ không chịu cố gắng cải thiện mối quan hệ để hợp tác. Ta sẽ vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc và thâm hụt tài khoản… Những kẻ lười biếng không bao giờ có đời sống ổn định hay một tương lai tốt đẹp. Nói cách khác, vương quốc của sự thành công không bao giờ có bóng dáng của kẻ lười biếng. Dù họ có thông minh hay tài năng cỡ nào mà với sự phấn đấu kiểu ngập ngừng, nửa vời, một bước tiến mà ba bước lùi, thì suốt đời họ cũng không thể nào đạt được mục đích.

(Trích Lười biếng, sách Hiểu về trái tim – Minh Niệm, NXB Tổng hợp TP HCM, 2018, tr.352-353)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Nêu tác dụng của biện pháp điệp từ được sử dụng trong đoạn (1).

Câu 3. Theo anh/chị, tại sao tác giả lại cho rằng: lười biếng sẽ khiến ta vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc?

Câu 4.

Anh/Chị có đồng tình với quan điểm: vương quốc của sự thành công không bao giờ có bóng dáng của kẻ lười biếng không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN: (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về một số giải pháp để khắc phục sự lười biếng.

Câu 2. (5.0 điểm)

Cho hai đoạn thơ sau:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

(Tây Tiến – Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2018, tr.88)

Cảm nhận vẻ đẹp của người lính trong hai đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về cảm hứng lãng mạn và bi tráng của bài thơ Tây Tiến.

-HẾT-

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn mẫu 20

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2.

- Phép điệp từ: Lười biếng, họ, thích, …

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh những biểu hiện của sự lười biếng; chỉ ra sự tương phản trong nhu cầu và hành động thực tế của những người lười biếng.

+ Tạo cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, gây ấn tượng.

Câu 3. Lười biếng sẽ khiến ta vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc vì:

- Lười biếng dẫn đến ta không hoàn thành công việc, gây nên sự trì trệ và ách tắc công việc. Do đó ta là thủ phạm.

- Ta cũng là nạn nhân, vì khi công việc bị trì trệ, ta sẽ hứng chịu những hậu quả do chính sự lười biếng của mình gây ra, như: mất đi cơ hội, giảm thu nhập, bị trách phạt, …

Câu 4. HS có thể trả lời: đồng tình/không đồng tình/đồng tình một phần nhưng lí giải phải hợp lý, thuyết phục.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về giải pháp để khắc phục sự lười biếng.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Giải pháp để khắc phục sự lười biếng.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng nên chỉ rõ: Giải pháp để khắc phục sự lười biếng là gì?

+ Tìm nguyên nhân khiến bạn trở nên lười biếng: Điều gì khiến bạn nản chí? Bạn bị mệt mỏi, quá sức, sợ hãi, tổn thương, hay chỉ đơn giản là không có hứng và mắc kẹt không có lối thoát, hay thiếu tinh thần kỷ luật?

+ Xác định rõ mục tiêu rõ ràng muốn hướng tới, mục tiêu cần có tính khả thi.

+ Hành động từng bước nhỏ, kiên nhẫn xây dựng thói quen làm việc.

+ Động viên tinh thần bản thân, gieo niềm tin tích cực rằng mình có thể làm.

+ Kiểm tra và đánh giá tiến độ việc thực hiện kế hoạch, mục tiêu để giám sát bản thân.

+ Nhờ người hỗ trợ và thúc đẩy hoặc giám sát, động viên vì tình thương, sự ủng hộ và khích lệ của người khác sẽ làm gia tăng sức mạnh nội tâm của bạn.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp của người lính trong hai đoạn thơ; nhận xét về cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài Tây Tiến (Quang Dũng)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

+ Cảm nhận vẻ đẹp người lính trong hai đoạn thơ.

+ Nhận xét về cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến, vấn đề cần nghị luận và hai đoạn thơ đó.

* Cảm nhận vẻ đẹp của người lính:

- Nội dung

+ Người lính vượt lên sự gian khổ, hi sinh (dãi dầu, không bước nữa, gục lên súng mũ), sự nguy hiểm và khắc nghiệt của thiên nhiên (Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trên người) bằng tinh thần lạc quan, chủ động (cách diễn đạt chủ động: không bước nữa) sự lãng tử coi thường cái chết (bỏ quên đời) và nguy hiểm (cọp trêu người).

+ Người lính có tâm hồn lãng mạn, hào hoa, tinh tế (họ cảm nhận được ánh sáng của những ngọn đuốc thô sơ đẹp như hội đuốc hoa, họ ngạc nhiên say đắm trước vẻ đẹp của những cô thôn nữ - hay chính người lính Tây Tiến – rạng rỡ như bước ra từ huyền thoại Kìa em xiêm áo tự bao giờ, họ thả hồn mình theo điệu nhạc và điệu múa hoang dại của núi rừng Khèn lên man điệu nàng e ấp – Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ).

- Nghệ thuật

+ Thể thơ 7 chữ quen thuộc nhưng mới mẻ, táo bạo trong cách dùng từ ngữ (bỏ quên đời, cọp trêu người, man điệu nàng e ấp).

+ Giọng điệu: vừa gân guốc, mạnh mẽ vừa thắm thiết trữ tình.

+ Các từ láy giàu tính biểu cảm, thủ pháp nhân hóa, kết hợp những từ Hán Việt trang trọng và những từ thuần Việt giản dị, đời thường … làm toát lên vẻ đẹp phong phú trong tâm hồn người lính.

+ Bút pháp tương phản, đối lập giữa hiện thực bi thương và đời sống tinh thần mạnh mẽ, lạc quan.

* Nhận xét về cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

- Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng vượt lên trên thực tại, thể hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng về những vẻ đẹp khác lạ trong thế giới của mơ ước, tưởng tượng. Trong bài thơ, cảm hứng lãng mạn bộc lộ ở nỗi nhớ mãnh liệt hướng về đoàn quân Tây Tiến, ở vẻ đẹp thơ mộng trữ tình mà hoang sơ dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc và tâm hồn hào hoa, tình tứ của những người lính trẻ.

- Cảm hứng bi tráng là sự kết hợp giữa chất bi (buồn đau, mất mát, gian khổ, hi sinh) và chất tráng (sự mạnh mẽ, lạc quan, chủ động). Trong bài thơ, cảm hứng bi tráng thể hiện ở chân dung người lính Tây Tiến: vượt lên gian khó, hiểm nguy của chặng đường hành quân, sự rình rập của thú dữ, sự hoành hành của bệnh tật nơi lam sơn chướng khí, sự mất mát hi sinh, họ vẫn giữ được sự lạc quan, lí tưởng chiến đấu và tâm hồn lãng mạn hào hoa.

=> Sự kết hợp của hai cảm hứng này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập với các mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM