Đề thi thử tốt nghiệp thpt 2022 môn văn Chuyên Nguyễn Trãi lần 3

Xuất bản: 29/06/2022 - Cập nhật: 14/06/2023 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp thpt 2022 môn văn có đáp án của trường Chuyên Nguyễn Trãi lần 3 với bài đọc hiểu Hát về cây lúa hôm nay của Hoàng Vân

Mục lục nội dung

Thử sức mới mẫu đề thi thử thpt môn văn 2022 vừa diễn ra! Hãy cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử môn văn của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) lần 3 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 Chuyên Nguyễn Trãi lần 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa

Và người trồng lúa cho quê hương.

Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt

Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay!

Được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai

Ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng

Bàn tay quê hương tháng ngày yêu thương...

Bàn tay chiến đấu bàn tay kiến thiết

Sắp xếp giang sơn

Những bàn tay anh dũng kiên cường

Mở đường đi tới chân trời tươi sáng.

Như tình yêu đem dâng cho người yêu (ớ ơ)

Trong gian khổ hạnh phúc tới rồi.

Đường lớn đã mở đi tới tương lai

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay!

Đường lớn đã mở đi tới tương lai

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay

Ngày mai

Đang bắt đầu từ ngày hôm nay

(Trích Hát về cây lúa hôm nay, Hoàng Vân, Nhạc sĩ Hoàng Vân- Cho muôn đời sau, 

NXB Kim Đồng, 2022, Tr. 68 - 69)

Trả lởi các câu hỏi sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Theo đoạn trích, con người “được mùa thóc lúa”, “ăn quả ngọt ngon” cần phải làm gì?

Câu 3.  Những dòng thơ sau giúp anh/ chị hiểu gì về vai trò của con người đối với quê hương đất nước?

Bàn tay chiến đấu, bàn tay kiến thiết

Sắp xếp giang sơn

Những bàn tay anh dũng kiên cường

Mở đường đi tới chân trời tươi sáng

Câu 4. Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì đối với anh /chị?

Đường lớn đã mở đi tới tương lai

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)  

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự cần thiết phải chuẩn bị hành trang đi tới tương lai của tuổi trẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)     

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, Tr 13-14)

Phân tích tâm trạng và hành động cuả nhân vật Mị trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.

 -----------HẾT---------- 

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. 

Đáp án đề thi thử môn văn 2022 Chuyên Nguyễn Trãi lần 2

I. ĐỌC-HIỂU

Câu 1. Thể thơ: tự do

Câu 2. Theo đoạn trích, được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai; ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng;

Câu 3.

Có thể hiểu vai trò của con người như sau:

- Con người có đôi bàn tay cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước; đôi bàn tay lao động để kiến thiết, xây dựng đất nước. Họ là những con người anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và lao động.

- Con người làm chủ đất nước, sắp xếp lại giang sơn. Họ là chủ nhân của đất nước trong tương lai, bằng sự cống hiến họ mở ra một tương lai tươi sáng cho tổ quốc.

Câu 4. 

- Hai dòng thơ khẳng định một con đường rộng lớn, tươi sáng đang mở ra. Hành trình đi tới tương lai đầy lạc quan. Mọi việc làm hôm nay góp phần xây đắp tương lai, Hiện tại là nền tảng của tương lai.

- Có ý nghĩa: truyền niềm lạc quan, tin yêu vào tương lai và khích lệ cổ vũ động viên con người bằng những việc làm có ý nghĩa tốt đẹp cống hiến cho đất nước trong hiện tại, ra sức học tập tu dưỡng phấn đấu dể xây đắp tương lai.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng nội dung nghị luận: sự cần thiết của phải chuẩn bị những hành trang đi đến tương lai của tuổi trẻ

c. Triển khai nội dung nghị luận thành các ý cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng:

- Tương lai là những gì có thể, sẽ diễn ra. Hành trang là những gì con ngừời cần mang theo trong hành trình đến với tương lai.

- Sự cần thiết của việc chuẩn bị những hành trang đi đến tương lai.

+ Ngày mai có nền tảng từ hôm nay, nên những việc làm hôm nay là sự chuẩn bị cần thiết để không bị động trước tương lai và đảm bảo có một tương lai tốt đẹp, phát triển đi lên cho mỗi người và cho đất nước.

+ Tuổi trẻ một tương lai dài rộng ở phía trước nên: cần có một tâm thế sống lạc quan, tin yêu vào tương lai, có trách nhiệm với tương lai của mình và đất nước. + Phải ra sức học tập, rèn luyện để có kiến thức, kĩ năng, sức khỏe. Tu dưỡng đạo đức, nhân cách. Cần lập kế hoạch cho tương lai và phấn đấu thực hiện, tìm kiếm con đường đi tới tương lai phù hợp nhất.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị  luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

>>>Tham khảo thêm tài liệu: hành trang cần có của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích tâm trạng và hành động cuả nhân vật Mị trong đoạn trích; từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau về nội dung:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài (0,25 điểm), tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhân vật Mị và vị trí của đoạn trích (0,25 điểm)

- Tô Hoài là nhà văn có sở trường ở đề tài viết về miền núi, am hiểu phong tục tập quán, văn hóa. Nghệ thuật kể chuyện sinh động, miêu tả thiên nhiên giàu chất thơ.

- Truyên ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Truyện Tây Bắc, 1953) là kết quả sau chuyến đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc năm 1952, kết tinh tình yêu thương và sự hiểu biết của Tô Hoài về mảnh đất và con người vùng cao. Truyện ngắn phản ánh số phận bất hạnh của con người vùng cao dưới ách thống trị của lang đạo miền núi và hành trình hồi sinh của họ.

- Nhân vật Mị là người con gái vùng cao có số phận bất hạnh, bị bắt làm con dâu gạt nợ trong gia đình thống lí Pá Tra. Mị phải cam chịu cuộc sống nô lệ nhưng tận đáy sâu tâm hồn của cô vẫn tiềm ẩn một sức sống và khi có tác nhân, sức sống trỗi dậy mạnh mẽ.

- Vị trí của đoạn văn: cuối phần 1. Khắc họa tâm trạng và hành động của Mị khi đêm đông chứng kiến cảnh A Phủ bị thống lí Pá Tra trói sắp chết. Nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và tự giải thoát cho mình.

* Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích

Khi nhìn thấy hai dòng nước mắt của A Phủ 

- Mị tình cờ nhìn thấy dòng nước mắt chảy xuống hai hõm má đã xám đen của A Phủ

- Nước mắt của A Phủ có tác động lớn đến Mị:

+ Là sợi dây kết nối các số phận bất hạnh trong một mối đồng cảm chia sẻ. Từ nước mắt A Phủ Mị nhớ lại nước mắt của mình đêm mùa xuân năm trước, đồng cảm với nỗi dau của A Phủ. Mị nhớ lại câu chuyện về người đàn bà ngày trước. Nước mắt kết nối người còn sống và người đã chết dù họ không biết mặt nhau. + Mị không còn thờ ơ, vô cảm, tình thương người dấy lên trong lòng Mị. Lần đầu tiên hai tiếng A Phủ phảng phất trong suy nghĩ của Mị nhẹ nhàng như hơi thở của tình thương.

+ Nghĩ đến tình cảnh cùng đường cả A Phủ: cơ chừng chỉ đêm mai thì người kia phải chết, ý nghĩ về cái chết của A Phủ ám ảnh Mị. Nhận ra sự vô lí, bất công mà A Phủ phải chịu.

+ Nhận thức rõ bản chất độc ác của giai cấp thống trị (chúng nó thật độc ác), trỗi dậy lòng căm thù.

Hành động cứu A Phủ 

- Diễn ra đột ngột do sự thôi thúc của thời gian vì cơ chừng chỉ đêm mai người kia sẽ chết.  - Đây không phải là hành động cảm tính. Hành động là kết quả của tình thương người lớn hơn cả thương mình và tâm lí không sợ chết. Nghĩ đến một lúc nào đó A Phủ trốn được chúng nó bắt trói Mị thay vào đó đến chết thì lúc này Mị cũng không thấy sợ - là biểu hiện sơ khai của ý thức phản kháng. Hành động biểu hiện của sức sống tiềm tàng trỗi dậy (Mị cắt sợi dây mây, gỡ dây rồi thì thào: đi ngay)

Đấu tranh tinh thần và tự cứu lấy mình 

- Sau khi cứu người Mị lại thương mình ( Mị hốt hoảng; rồi Mị nghẹn lại)

- Mị đứng lặng trong bóng tối: Im lặng chỉ là bề ngoài. Bên trong là sự giằng xé, đấu tranh về tinh thần giữa đi và ở; con người cam chịu và con người khao khát sống; phần ánh sáng và bóng tối; lòng ham sống và nỗi sợ con ma nhà thống lí. - Rồi Mị  cũng vụt chạy ra: Sự chiến thắng của ánh sáng, lòng ham sống, sức sống tiềm tàng. Mị đã tự cắt sợi dây trói vô hình ràng buộc Mị với con ma nhà thống lí. Hành động này là đỉnh cao của sức sống tiềm tàng.

--> Nhân vật Mị trong đoạn văn là người con gái vùng cao có số phận bất hạnh nhưng có sức sống mãnh liệt.

Nghệ thuật 

- Chi tiết nghệ thuật độc đáo: dòng nước mắt trở thành tác nhân làm thay đổi sự băng giá, lạnh lùng của Mị.

- Đặt nhân vật trong tình huống truyện độc đáo: đứng trước cái chết của A Phủ, mối đe dọa sự sống của bản thân để lòng ham sống trỗi dậy, sức sống tiềm tàng chuyển thành hành động đấu tranh đòi quyền sống.

- Nghệ thuật trần thuật: điểm nhìn trần thuật: ở ngôi thứ ba. Nghệ thuật trần thuật linh hoạt. Kết hợp điểm nhìn bên ngoài để quan sát nhân vật với điểm nhìn bên trong, nhập giọng kể vào dòng độc thoại nội tâm nhân vật để miêu tả  được chiều sâu tâm lí nhân vật. Miêu tả tâm lí nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách. Mạch truyện là mạch tâm lí. Kết hợp miêu tả tâm lí và hành động. Ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, lời văn tinh tế, giàu hình ảnh, cảm xúc, ngôn ngữ độc thoại chân thật, truyền cảm.

*Đánh giá

Bằng những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, đoạn trích đã khắc họa số phận bất hạnh của những người lao động miền núi. Nhưng quan trọng hơn là khắc họa hành trình đấu tranh để cứu người, cứu mình. Hành trình đi từ bóng tối đến ánh sáng, hành trình của sự hồi sinh.

Nhận xét tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài được thể hiện trong doạn trích

- Nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong đoạn trích: + Tố cáo chế độ chúa đất phong kiến ở vùng cao đã dùng thần quyền và cường quyền để đè nén, áp bực những con người yếu thế như Mị và A Phủ.

+ Thẩu hiểu đồng cảm với số phận, cảnh ngộ, của người vùng cao. Những chàng trai cô gái vùng cao như Mị và A Phủ xứng đáng là những con người được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị đọa đầy cho đến chết.

+ Khẳng định người vùng cao tuy bị đàn áp bởi cường quyền và thần quyền nhưng vẫn nhân hậu, giàu tình yêu thương và khát khao tự do. Niềm tin vào sức sống tiềm tàng mãnh liệt,  tin vào lòng khát khao tự do sẽ tạo ra sức mạnh chiến thắng hoàn cảnh.

+ Hé mở một con đường giải thoát và hướng đến tương lai cho những số phận bị đọa đày như Mị và A Phủ. Đó là những con người đau khổ phải yêu thương, đoàn kết, dựa vào nhau, tự đứng lên giải thoát cho mình. Tuy nhiên cuộc đấu tranh của Mị và A Phủ trong đoạn trích còn mang tính tự phát

-> Tô Hoài xứng đáng là nhà văn của mảnh đất và con người vùng cao.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; Có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử môn tốt nghiệp môn văn 2022 có đáp án mới nhất. Các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM