Xem ngay đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021 môn Văn số 4 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử tốt nghiệp THPT
và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 4
PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Trung thực rất tinh tế và khó phân biệt qua lời nói hay hành động. Đôi khi đức tính trung thực bị xem là đã “lỗi thời”, chỉ còn trên sách vở, không thực tế hoặc chẳng hay ho gì để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.Tuy nhiên, trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh. Trước đây, tôi từng cho rằng bình an là giá trị quan trọng nhất, nhưng giờ tôi thấy trung thực mới chính là nền tảng của tất cả giá trị khác.
Gần đây tôi có gặp một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, có ba người con rất đáng yêu. Giỏi giang, thông minh và giàu có nhưng chị tâm sự chị không hài lòng chút nào về bản thân. Chị luôn so sánh mình với hai người chị dâu, là những nữ doanh nhân cực kì sắc sảo và thành đạt. Chị đánh giá mình chỉ là một người phụ nữ vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì, đã thế lại còn thất nghiệp. Thực ra, chị đã không trung thực với chính mình khi chỉ nhìn vào những điểm mạnh của những người chị dâu, và đánh giá họ hoàn toàn dựa trên những cái mình không có. Trung thực trong lòng giúp ta đánh giá lại mình một cách chính xác và thực tế: biết và đánh giá cao ưu điểm của mình bên cạnh việc nhận ra nhược điểm của bản thân.
(Trích Lăng kính tâm hồn- Trish Summerfield,NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Minh,tr.82)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Nêu giá trị của đức trung thực được nói tới trong đoạn trích.
Câu 2. Trong văn bản tác giả đã chỉ ra sai lầm nào của người phụ nữ khi nhận thức về bản thân?
Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả: Trung thực là yếu tố căn bản để có được sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh?
Câu 4
. Anh /chị có cho rằng: Thiếu sự trung thực với chính mình sẽ đồng nghĩa với việc nhận thức sai về bản thân hay không? Vì sao?PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ ý nghĩa của đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của lòng trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng công hình tượng con Sông Đà độc đáo qua nhiều trang văn đặc sắc, trong đó có hai đoạn văn sau:
Đoạn 1:
…“Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò chỗ ấy, đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”
Đoạn 2:
…“Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ.”
( Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập 1,NXB Giáo dục Việt Nam, 2005, tr 186,và 191)
Phân tích hình tượng con sông Đà qua hai đoạn văn trên, từ đó rút ra những thông điệp thẩm mĩ mà nhà văn muốn gửi gắm qua việc xây dựng hình tượng nghệ thuật này.
Hết
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu, giám thị không giải thích gì thêm)
- Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn -
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 4
PHẦN 1. Đọc hiểu
Câu 1: Trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh.
Câu 2: Sai lầm của người phụ nữ: không trung thực với chính mình chỉ toàn nhìn vào điểm mạnh của người chị dâu, và đánh giá họ dựa trên những cái mình không có.
Câu 3:
- Trung thực là yếu tố quan trọng để mỗi người nhận thức đúng về mình.
- Câu nói đề cao tầm quan trọng sự trung thực với chính mình.
Câu 4 - HS nêu quan điểm: đồng tình;không đồng tình…
- Kiến giải hợp lí, thuyết phục về quan điểm của mình
Phần 2. Làm Văn
Câu 1 Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề: Giá trị của tính trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn:
*Giải thích khái niệm: Trung thực là một giá trị sống và là phẩm chất cần thiết của con người. trung thực là luôn nói đúng sự thật, không có mâu thuẫn trong suy nghĩ, lời nói và hành động tạo nên sự hài hòa thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và suy nghĩ bên trong.
* Trung thực với bản thân:
- Giúp con người thấy lòng thanh thản
- Tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp
- Nhận thức đúng về bản thân. Không đánh giá quá cao hoặc quá thấp về giá trị của bản thân.
….
*Trung thực với người khác:
- Đánh giá đúng về người khác
- Giúp họ sống tốt hơn, phát huy những thế mạnh, giúp họ nhận thức, sửa chữa khuyết điểm, hoàn thiện mình.
=> Trung thực giúp xây dựng xã hội công bằng, phát triển và nhân văn.
* Phản biện:
- Trung thực không có nghĩa phải thổ lộ hết lòng mình cho tất cả mọi người biết. Hoặc đôi khi có thể chấp nhận sự không nói thật để tránh làm tổn thương người khác.
* Liên hệ: trong xã hội hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ con người sống giả tạo, thói đạo đức giả, thiếu sự trung thực với mình và người khác.
(Đánh giá cao những bài viết có phản biện và liên hệ thực tế)
d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
Câu 2. Phân tích 2 đoạn văn bản trong tùy bút Người lái đò sông Đà
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích hai đoạn văn bản để rút ra những thông điệp thẩm mĩ về hình tượng con sông Đà. c. Triển khai các luận điểm nghị luận
*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
* Phân tích 2 đoạn trích
+ Đoạn 1:
- Vị trí: phần đầu của văn bản. Góp phần khắc họa hình tượng con sông Đà hung bạo
- Hình ảnh: Cảnh đá bờ sông “dựng vách thành”
(HS tập trung phân tích những câu văn cụ thể)
=> Đoạn văn độc đáo, thú vị. Thể hiện óc sáng tạo và trường liên tưởng phong phú của Nguyễn Tuân.
+ Đoạn 2:
- Vị trí: Trích gần phần đầu miêu tả hình tượng con sông Đà trữ tình.
- Từ trên cao nhìn xuống nhà văn đã thấy dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc của người thiếu nữ kiều diễm. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân sông Đà hiện lên như một người thiếu nữ Tây Bắc.
- Nhìn ngắm sông Đà ở thời gian và không gian khác nhau màu sắc đa dạng của dòng sông.
=>Qua đoạn văn tác giả thể hiện tình cảm yêu mến và niềm tự hào về vẻ đẹp con sông xứ sở.
*Đánh giá
- Với Nguyễn Tuân, thiên nhiên là một sản phẩm nghệ thuật vô giá.
- Qua hình tượng sông Đà hung bạo và trữ tình nhà văn muốn thể hiện tình yêu thiết tha đối với thiên nhiên đất nước.
- Thiên nhiên trở thành phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của con người.
=> Từ hai đoạn trích ta có thể nhận ra sự tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân.
d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, suy nghĩ mới mẻ về nội dung đoạn thơ.
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
-/-
Kết thúc đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 4 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.