Xem ngay đề và đáp án đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 3 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.
Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 3
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh, những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; Sự thiếu trung thực trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những con điểm, đến những mánh khóe để đạt được điểm cao; Sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia đình tan rã… Thói quen thiếu trung thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miên. (…) Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình, bạn hãy nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả.
(2) Mỗi người đều có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy có tên là Trung thực.
(Nhóm tác giả Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Hoàng Sơn, Lương Dũng Nhân – Thắp ngọn đuốc xanh – NXB Trẻ, 2018, Tr 96,97)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm)
Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Tại sao? (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống trung thực.
Câu 2 (5,0 điểm)
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2018)
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Theo anh/ chị những suy nghĩ của Xuân Quỳnh về tình yêu trong đoạn thơ trên có còn phù hợp với giới trẻ hôm nay?
Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 3
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5 điểm)
Câu 2:
Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho không thể bù đắp được “cái giá” mà chúng ta và những người xung quanh phải trả. (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm). HS có thể nêu một trong hai biện pháp tu từ sau:
a. Phép điệp cấu trúc ngữ pháp (Sự thiếu trung thực trong….) (0,5 điểm)
- Tác dụng: tạo nhịp điệu cho câu văn; nhấn mạnh tác hại của việc sống thiếu trung thực. (0,5 điểm)
b. Phép liệt kê (...trong kinh doanh, trong học tập, trong đời sống gia đình...) (0,5 điểm)
-Tác dụng: diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này. (0,5 điểm)
Câu 4:
Học sinh nêu thông điệp và lý giải. Có thể có những thông điệp khác nhau. (1,0 điểm).
- Nêu thông điệp: 0.25 điểm
- Lí giải: 0,75 điểm
Giáo viên tùy thuộc vào sự lý giải của học sinh để cho điểm phù hợp.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)
a) Yêu cầu:
- Về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.
- Về hình thức:
+ Không tách dòng (Tách dòng: - 0,5 điểm).
+ Số chữ theo quy định, được phép + 3 dòng.
- Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, biết cách vận dụng các thao tác nghị luận.
b) Gợi ý:
HS biết cách viết đoạn văn nghị luận, vận dụng tốt thao tác lập luận, có những ý cơ bản sau:
- Xác định được vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự trung thực trong đời sống.
- Giải thích sự trung thực: Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.
- Ý nghĩa của việc sống trung thực: Trung thực giúp có ý thức tốt trong học tập, trong công việc; Giúp có được tình cảm của mọi người và dần có chỗ đứng trong xã hội; Giúp sửa chữa được sai lầm để bản thân thành người tốt, hoàn thiện nhân cách. Trung thực khiến người khác tin tưởng, được giao phó những công việc quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Trung thực sẽ giúp cho xã hội trong sạch, văn minh, phát triển hơn.
- Phê phán những người sống thiếu trung thực.
- Bài học: Học sinh cần rèn luyện đức tính trung thực để có hiệu quả học tập tốt nhất, thành công bằng chính lực học, kiến thức của bản thân.
c) Biểu điểm:
• Điểm 2: Văn viết lưu loát, mạch lạc, từ dùng chính xác, ấn tượng sử dụng được các thao tác lập luận.
• Điểm 1: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản của đề nhưng chưa có chiều sâu, diễn đạt có chỗ chưa thật lưu loát.
• Điểm 0: Để giấy trắng, lạc đề.
Câu 2: Nghị luận văn học (5,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, nắm vững kĩ năng phân tích thơ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, văn viết có cảm xúc.
- Không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết thể hiện cá tính, sáng tạo.
* Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song trên cơ sở của việc phân tích đoạn thơ, học sinh cần chỉ ra được những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Cụ thể bài làm cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản:
1. Giới thiệu ngắn gọn (1,0 điểm)
- Tác giả Xuân Quỳnh
- Bài thơ “Sóng”
- Đoạn thơ cần phân tích + Trích dẫn đoạn thơ
2. Cảm nhận về đoạn thơ (2,0 điểm)
Qua việc phân tích đoạn thơ, học sinh phải nêu được những cảm nhận của bản thân về cái hay của đoạn trích và cái tài của tác giả. Đó là:
- Đoạn thơ nói về sóng nhưng lại gợi nhiều liên tưởng đến tình yêu : cả hai đều có nhiều cung bậc, trạng thái và luôn hướng đến cái lớn lao, cao cả (Khổ 1); bất biến với thời gian( khổ 2)
- Đoạn thơ cho thấy nhiều vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong bài Sóng Việt Nam.
3. Đánh giá (1,0 điểm)
- Sóng là một trong những bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh.
- Viết về tài cũ nhưng Xuân Quỳnh có cách thể hiện riêng (ngôn ngữ, âm điệu, nhân vật trữ tình…), qua đó tác giả đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu và thích thú với những phát hiện của tác giả..
4. Liên hệ (1,0 điểm)
- Học sinh có quyền nêu những nhận xét của cá nhân với quan điểm của riêng mình ( cho rằng vẫn còn rất đúng hoặc cho rằng không còn phù hợp) nhưng phải lập luận có sức thuyết phục.
- Không cho điểm tối đa nếu nhận xét sơ sài hoặc quá chung chung.
- Không cho điểm cách viết thiếu tôn trọng.
Biểu điểm:
- Điểm 5: Bài làm đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề. Biết sử dung các thao tác lập luận trong văn nghị luận. Có khả năng cảm thụ tốt. Bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ; có cảm xúc và sáng tạo.
- Điểm 3 – 4: Hiểu nhưng trình bày chưa có chiều sâu, phân tích đôi chỗ còn vụng. Bố cục rõ ràng, diễn đạt tương đối trôi chảy, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 2: Bài làm còn sơ sài, nhiều chỗ sa vào diễn xuôi ý thơ. Mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi diễn đạt.
-o Điểm 0: Không làm bài.
-/-
Kết thúc đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 3 theo cấu trúc chuẩn của Bộ tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.