Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn tỉnh Vĩnh Phúc

Xuất bản: 26/07/2020 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn có đáp án vừa diễn ra của tỉnh Vĩnh Phúc dành cho các em học sinh lớp 12 tham khảo.

Mục lục nội dung

     Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 có đáp án của tỉnh Vĩnh Phúc dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC 

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm 02 trang)

KỲ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 NĂM HỌC 2019-2020

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tốt và kỳ vọng vào những kết quả tích cực. Xây dựng và duy trì một thái độ tích cực không chỉ liên quan đến những suy nghĩ vui vẻ. Nó là sự mong đợi những điều tốt (hạnh phúc, sức khỏe và sự thành đạt) và là niềm tin rằng mọi thứ - hoàn cảnh, chướng ngại và khó khăn - cuối cùng cũng sẽ đâu vào đấy.

Lạc quan không phải là lờ đi những điều tiêu cực mà là thừa nhận có tiêu cực nhưng chọn hướng tập trung vào những điều tích cực. Nói cho cùng, nó chỉ đơn giản là niềm tin cho rằng dù hoàn cảnh hiện tại như thế nào thì mọi chuyện rồi sẽ được giải quyết ổn thoả. Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin.

Sống tích cực có thể không dễ dàng. Lạc quan sẽ nhìn thẳng vào chướng ngại, chủ động bỏ qua chướng ngại và giữ vững niềm tin. Rắc rối xuất hiện khi chướng ngại bắt đầu che khuất tầm nhìn của lạc quan. Tính tích cực có thể bắt đầu suy yếu khi bạn bị tấn công bởi một chuỗi những tiêu cực, thất bại, thất vọng và đau lòng. Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin. Một khi nguồn lực tích cực (năng lượng, sức chống chọi, lòng tin) cạn kiệt, bi quan sẽ từ từ len lỏi vào và nắm quyền kiểm soát.

(Theo lifehack.org, 24/12/2017)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là suy nghĩ tích cực?

Câu 3. Anh/Chị hiểu câu văn: Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin như thế nào?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.110, 111)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến trong đoạn thơ trên.

Hết

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay của tỉnh Vĩnh Phúc ra đề. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tốt và kỳ vọng vào những kết quả tích cực.

Câu 3. Câu văn Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin có thể hiểu là:

- Tâm tích cực: trạng thái tâm lý của con người luôn suy nghĩ và hướng đến những điều tốt đẹp, điều thiện.

- Trái tim đầy niềm tin: trạng thái cảm xúc mãnh liệt của con người luôn mang trong mình niềm tin yêu cuộc sống.

=> Con người chỉ có tư duy tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp khi có một trái tim tràn đầy cảm xúc tin yêu cuộc sống. (HS có thể giải thích bằng những từ ngữ có ý nghĩa tương đương)

Câu 4. Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

- Duy trì năng lượng tích cực là luôn giữ trong mình những suy nghĩ, cảm xúc vui vẻ, tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan.

- Ý nghĩa của việc duy trì nguồn năng lượng tích cực:

+ Giúp con người vui vẻ, lạc quan, yêu đời; tự tin vào bản thân; hứng khởi, sáng tạo trong công việc, cuộc sống; sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn tới thành công…

+ Giúp gắn kết con người, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống; góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

- Phê phán những con người có thái độ sống tiêu cực, bi quan…

- Bài học nhận thức và hành động.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến trong đoạn trích.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và yêu cầu của của đề.

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến:

- Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người:

+ Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi chiến khu hiện lên qua nỗi nhớ cồn cào, da diết, thường trực như nỗi nhớ người yêu.

+ Thiên nhiên vừa hiện thực, vừa thơ mộng, thi vị, mang những nét đặc trưng của Việt Bắc.

+ Cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc: cuộc sống khó khăn, gian khổ; con người Việt Bắc tảo tần, chịu thương, chịu khó, sâu nặng ân tình.

- Nghệ thuật: thể thơ lục bát với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết; cặp đại từ mình – ta; ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm; các biện pháp tu từ: phép điệp, liệt kê, so sánh…

Đánh giá chung:

- Qua nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến về thiên nhiên, cuộc sống và con người ở chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu đã ngợi ca nghĩa tình cách mạng, đạo lí truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung của con người Việt Nam.

- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu: chất trữ tình chính trị và tính dân tộc đậm đà…

Xem thêm: Dàn ý cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

-/-

Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM