Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Văn số 25 có đáp án

Xuất bản: 13/07/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Văn số 25 với đề bài đọc hiểu Lăng kính tâm hồn của Trish Summerfield dành cho các em học sinh 12 tham khảo.

Mục lục nội dung

Đề thi thử môn Văn năm 2020 số 25 giúp các em rèn luyện thêm các dạng câu hỏi và kiến thức đã được học để rèn luyện cho kĩ năng làm bài, phân bố hợp lí khoảng thời gian là đáng tiếc trong quá trình làm bài thi.

Thử sức với đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Ngữ văn này rồi đối chiếu đáp án tham khảo dưới đây:

Đề thi thử môn Văn năm 2020 số 25

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Trung thực rất tinh tế và khó phân biệt qua lời nói hay hành động. Đôi khi đức tính trung thực bị xem là đã “lỗi thời”, chỉ còn trên sách vở, không thực tế hoặc chẳng hay ho gì để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh. Trước đây, tôi từng cho rằng bình an là giá trị quan trọng nhất, nhưng giờ tôi thấy trung thực mới chính là nền tảng của tất cả giá trị khác.

Gần đây tôi có gặp một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, có ba người con rất đáng yêu. Giỏi giang, thông minh và giàu có nhưng chị tâm sự chị không hài lòng chút nào về bản thân. Chị luôn so sánh mình với hai người chị dâu, là những nữ doanh nhân cực kì sắc sảo và thành đạt. Chị đánh giá mình chỉ là một người phụ nữ vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì, đã thế lại còn thất nghiệp. Thực ra, chị đã không trung thực với chính mình khi chỉ nhìn vào những điểm mạnh của những người chị dâu, và đánh giá họ hoàn toàn dựa trên những cái mình không có. Trung thực trong lòng giúp ta đánh giá lại mình một cách chính xác và thực tế: biết và đánh giá cao ưu điểm của mình bên cạnh việc nhận ra nhược điểm của bản thân.

(Trích Lăng kính tâm hồn- Trish Summerfield,NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Mimh)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã chỉ ra sai lầm nào của người phụ nữ khi nhận thức về bản thân?

Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến: Trung thực là yếu tố căn bản để có được sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh?

Câu 4. Anh /chị có đống tình với quan niệm: Thiếu sự trung thực với chính mình sẽ đồng nghĩa với việc nhận thức sai về bản thân không? Vì sao?

PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ ý nghĩa của đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của lòng trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ kể từ khi Tràng nhặt được vợ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

- Hết -

Vậy là Đọc tài liệu lại giới thiệu thêm một đề thi thử khá hay nữa đối với môn Văn THPTQG 2020. Mong rằng với nội dung này các em sẽ ôn luyện tốt hơn.

Xem lại đề thi kì trước: Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Văn số 24

Đáp án

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biếu dạt chính: nghị luận

Câu 2:Sai lầm của người phụ nữ: không trung thực với chính mình chỉ toàn nhìn vào điểm mạnh của người chị dâu, và đánh giá họ dựa trên những cái mình không có.

Câu 3: Thông hiểu

• Yêu cầu: HS viết thành đoạn văn, trình bày được các ý sau:

- Trung thực là yếu tố quan trọng để mỗi người nhận thức đúng về mình.

- Câu nói đề cao tầm quan trọng sự trung thực với chính mình.

Câu 4: Vận dụng

• Yêu cầu: Viết đoạn văn ngắn

• Nội dung: đảm bảo các ý cơ bản sau:

- Đồng tình/ không đồng tình: HS có thể trình bày ý kiến cá nhân, sẽ nghiêng về đồng tình.

- Lí giải vì: Không tự tin thừa nhận ưu điểm, không dám đối diện với khuyết điểm của bản thân

=> Không đánh giá đúng bản thân mình

- Liên hệ: (những năm gần đây, trong đáp án thường cho điểm phần này)

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Yêu cầu: Đây là dạng đặc biệt của NLXH

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: 200 chữ

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: giá trị của lòng trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn:

• Giải thích khái niệm: Trung thực là một giá trị sống và là phẩm chất cần thiết của con người. Trung thực là luôn nói đúng sự thật, không có mâu thuẫn trong suy nghĩ, lời nói và hành động tạo nên sự hài hòa thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và suy nghĩ bên trong.

• Bàn luận:

- Trung thực với bản thân:

+ Giúp con người thấy lòng thanh thản

+ Tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp

+ Nhận thức đúng về bản thân. Không đánh giá quá cao hoặc quá thấp về giá trị của bản thân.

….

- Trung thực với người khác:

+ Đánh giá đúng về người khác

+ Giúp họ sống tốt hơn, phát huy những thế mạnh, giúp họ nhận thức, sữa chữa khuyết điểm, hoàn thiện mình.

+ Có thể lấy dẫn chứng: những bệnh nhân mắc covid19 không trung thực trong việc khai báo…

• Bài học nhận thức và liên hệ:

- Trung thực giúp xây dựng xã hội công bằng, phát triển và nhân văn.

- Liên hệ bản thân: luôn sống trung thực…

Câu 2 (5,0 điểm)

a. Yêu cầu về hình thức:

- Biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản

- Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc; đảm bảo tính liên kết; không mặc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

b. Yêu cầu về nội dung:

• Khái quát tác giả, tác phẩm:

- Kim Lân là một trong những cây bút hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại chuyên viết truyện ngắn. Các sáng tác của ông tuy không nhiều nhưng các tác phẩm của ông đều có sức tỏa sáng và minh chứng rõ cho quan điểm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (viết ít còn hơn viết nhiều).

- Vì thế nhà văn Nguyên Hồng nhận xét về Kim Lân: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất và người, với những thuần hậu và nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”.

- Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn “Vợ nhặt” được sáng tác dựa trên tiền thân là cuốn tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Đây là cuốn tiểu thuyết được nhà văn bắt tay vào viết ngay sau ngày CMT8 thành công. Ông viết được V chương sau đó bị bỏ dở vì toàn quốc kháng chiến chống Pháp 1954 khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Kim Lân quay trở lại cuốn tiểu thuyết này nhưng do bản thảo bị thất lạc, tác giả dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết nên truyện ngắn “Nhặt vợ”. Đến năm 1962 khi in lại trong tập “Con chó xấu xí” tác giả đổi tên thành “Vợ nhặt”.

* Nêu ý nghĩa nhan đề và tình huống truyện:

- Ý nghĩa nhan đề

+ “Vợ” là chuyện thiêng liêng, hệ trọng

+ “nhặt” gợi cái tầm thường, rẻ rúm

-> Nhan đề đã:

+ Tạo ấn tượng cho người đọc về nạn đói khủng khiếp

+ Tố cáo tội ác của thực dân, phát xít

+ Niềm tin của nhà văn vào phẩm chất những người dân lao động lúc bấy giờ.

- Tình huống truyện: Tràng nhặt được vợ giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói:

+ Không một buổi sáng nào người đi chợ hay đi làm đồng không thấy ba bốn cái thây nằm còng queo bên lề đường, không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người…

+ Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc

+ Đến cái thân mình còn chả nuôi nổi

=> Làm thay đổi những con người nơi xóm ngụ cư, trong đó có bà cụ Tứ- mẹ Tràng

• Khái quát về bà cụ Tứ

- Xuất hiện giữa thiện truyện, đặt bà trong tình huống trớ trêu

- Ấn tượng của người đọc:

+ Dáng đi: lọng khọng

+ Vừa đi vừa lẩm bẩm

+ Tiếng ho húng hắng từ xa

=> Kim Lân đã dựng lên chân dung của một người mẹ nông dân mà ở đó có in hằn dấu ấn của thời gian tuổi tác. Ở nhân vật nỗi lo cơm áo luôn đè nặng. Bà là tiêu biểu và hiện thân cho con người trong những năm đói.

• Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ:

a) Chặng 1: Sự ngạc nhiên bất ngờ hết sức

- Lý do: Đặt trong bối cảnh năm đói; bà hiểu rõ về Tràng

- Biểu hiện

+ 4 câu hỏi liên tiếp được đặt ra trong đầu bà:

+ Chi tiết "mắt nhoèn" -> phải chăng chính cái đói đã đánh cắp mất sự nhạy cảm tinh tế vốn có của người mẹ nghèo khổ này

Kim Lân đã miêu tả một cách rất chân thực diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ. Ban đầu là sự ngạc nhiên bất ngờ hết sức, sự ngạc nhiên bất giờ được bà cảm nhận ngay từ lúc Tràng lật đật chào bà. Ta có thể hiểu được bà cụ tại sao lại ngạc nhiên, đặt vào bối cảnh những năm đói khi mà cái chết bủa vây khắp mọi nơi khi mà người sống cũng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma, cái thời điểm mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh chẳng thể phân biệt nổi, đến thân mình còn chưa biết lo được họ huống chi còn đèo bòng. Trong những năm đói chẳng ai còn dám nghĩ đến việc dựng vợ gả chồng, hạnh phúc dường như là giấc mơ xa xỉ nên bà cụ ngạc nhiên cũng là dễ hiểu. Hơn nữa bà cụ Tứ ngạc nhiên còn là bởi bà là người hiểu con trai mình hơn ai hết. Tràng vốn là người đàn ông xấu xí, dở tính lại còn là dân ngụ cư nghèo khổ, Tràng khó có thể lấy được vợ. Vì vậy khi thấy người đàn bà xuất hiện trong nhà đứng ngay đầu giường anh, bà không thể giấu nổi tâm trạng ngạc nhiên.

Kim Lân đã miêu tả t/c biểu hiện tâm trạng ngạc nhiên của bà lão. Một loạt câu hỏi liên tiếp được đưa ra: "Sao lại chào mình bằng u?" Ai thế nhỉ?" Vậy là những câu hỏi này chứng tỏ bà lão đang rất ngạc nhiên không hiểu người đàn bà kia là ai, Kim Lân đã phát hiện được chi tiết tinh tế nhưng cũng thật đặc sắc cũng rất đỗi đời thường để đặc tả tâm trạng của bà lúc này "Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà thấy mắt mình nhoèn ra thì phải". Chữ "nhoèn" trong dòng văn hết sức đặc sắc nó miêu tả được tâm trạng quá đỗi ngạc nhiên của bà, dường như bà lão không dám tin vào mắt mình là con trai mình có vợ. Trái tim những người mẹ vốn rất nhạy cảm với chuyện riêng tư của con cái, nhất là chuyện dựng vợ gả chồng. Vậy mà tại sao nhà văn lại để bà cụ phải ngạc nhiên quá lâu đến như thế, phải chăng chính cái đói đã đánh cắp mất sự nhạy cảm tinh tế vốn có của người mẹ nghèo khổ này.

b) Chặng 2: Ai oán, xót thương và lo lắng

- Hành động "cúi đầu" nín lặng -> có cơn bão tâm trạng.

- Xót thương cho cuộc đời đau khổ kéo dài của mình, bà nghĩ ông lão và đứa con gái út.

- Chi tiết dòng nước mắt "rỉ" xuống 2 dòng nước mắt

Tâm trạng của bà cụ Tứ chuyển từ nhạc nhiên đến ai oán xót thương và lo lắng. Bà lão ai oán, xót thương cho số kiếp của chính mình và các con. Khi bà lão hiểu ra cớ sự thì bà chìm sâu vào niềm ai oán, thương xót tất cả được thể hiện rõ qua hành động bà lão cúi đầu nín lặng. Có lẽ đằng sau hành động cúi đầu là cả một cơn bão tâm trạng với biết bao niêm cay đắng tủi cực đang ập đến với bà. Bà xót thương cho cuộc đời cực khổ dài dằng dặc củamình, bà cứ bị cái quá khúe nghèo khổ đeo bám. Trong dòng suy nghĩ miên man đó, bà nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út mà xót thương. Bà xót thương khi bổn phận bà làm mẹ mà chưa làm tròn. Người ta dựng vợ gả chồng cho con còn Tràng phải đi nhặt vợ. Nghĩ đến cảnh đó mà bà thấy xót thương đau đơn, tâm trạng đó cứ đè nặng lên bà. Nhà văn đã miêu tả thật ấn tượng chi tiết dòng nước mắt của bà cụ. "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà lão rỉ xuống hai dòng nước mắt" từ "rỉ" trong câu văn đã thể hiện một cách hết sức chân thực niềm ai oán, xót thương của bà. Đó là dòng nước mắt của bao nỗi cay đắng tủi hờn, dòng nước mắt ấy dã héo quắt lại đã cạn khô cùng với cuộc sống đói khổ, lam lũ. Giờ đây bà đang cố chắt lọc ra đề xót thương, ai oán.

Bà cụ Tứ lo lắng cho các con, bà lo rằng không biết chúng có nuôi nổi nhau sống được qua cái kỳ này không. Đó là tâm trạng âu lo vô hình luôn đeo bám lấy bà, bà lo không biết cuộc đời của chúng có khá hơn bố mẹ trước kia không. Như vậy tấm lòng của người mẹ nghèo này không bao giờ hết âu lo. Qua nỗi lo ấy nhà văn đã khắc họ được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật. Một người mẹ nghèo khổ nhưng giàu đứng hi sinh, giàu tình yêu thương con. Ở bà thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại.

c) Chặng 3: Trào dâng tình yêu thương (với cô vợ nhặt)

- Không vì nghèo mà con thường, trái lại còn biết ơn "người ... vợ nhặt"

- Câu nói "U cũng mừng lòng" -> gỡ bỏ cho người vợ nhặt thân phận.

-> So sánh mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu

Tâm trạng của bà cụ ngập tràn trong tình yêu thương từ lúc Tràng dẫn cô vợ nhặt về, bà cụ Tứ cứ chìm sâu vào ai oán, thương xót nhưng không vì thế mà bà sinh ra tàn nhẫn, độc ác hay coi thường người vợ nhặt mà trái lại bà trào dâng tình yêu thương. Khi nhìn thấy người vợ nhặt cúi đầu xuống tay vân về tà áo rách bợt, lòng bà đầy thương xót, thậm chí trong ý nghĩ của bà, bà còn cảm thấy hàm ơn với cô vợ này: "Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này thì người ta mới lấy đến con mình, thì con mình mới có vợ được". Như vậy bà cụ Tứ đã tự đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu của cô con dâu để mà cảm thông chia sẻ thật hiếm có người mẹ chồng nào lại có được cách cư xử đầy bao dung như bà.

Cũng xuất phát từ tình yêu thương một cách chân thành với nàng dâu bà: "U cũng mừng lòng". Cách nói của bà cụ thật giản dị mà cũng thật giàu ý nghĩa "mừng lòng" chứ không phải là "bằng lòng" có lẽ câu nói của bà đã giúp người vợ nhặt trút bỏ được sự mặc cảm về thân phận nhặt của mình. Có lẽ trong tâm thức của người mẹ nghèo kổ này không hề có sự rẻ rúng. Như vậy với cái nhìn đầy tình yêu thương của bà cụ người đọc đã nhận ra được chiều sâu tinh thần nhân đạo của ngòi bút Kim Lân.

d) Chặng 4: Niềm tin hướng tới tương lai (phân tích cảnh bữa cơm đói)

- Hiện rõ qua gương mặt: nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác thường

- Lúc ăn cháo cám: cách gọi: chè khoán để cảm nhận hương vị "ngon đáo để"

Bữa cơm ngày đói thật thảm hại. Trên cái mẹt rách chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối trắng ăn với niêu cháo lõng bõng nước mà mỗi người chỉ vài lượt đã hết veo. Ấy vậy mà, ai cũng ăn rất ngon lành.

Cảm thông nhất là khi Kim Lân để niềm vui của bà mẹ tỏa ra từ nồi cháo cám mà bà gọi là chè khoán và khen ngon đáo để cơ. Chữ ngon phải được cảm nhận bằng cả tâm hồn, bằng cảm xúc tinh thần. Có lẽ, niềm vui trước hạnh phúc cảu con đã biến cái đắng chat của cháo cám thành vị ngọt ngào. Kim Lân đã chọn nồi cháo cám để làm sáng lên chất người với tình yêu thương và khát vọng sống mãnh liệt.

Nét tâm trạng này của bà cụ Tứ cho thấy phẩm chất lạc quan, mạnh mẽ của một người mẹ đã thừa trải nghiệm trước những đau khổ cuộc đời. Qua đó, ta thấy được ý chí hướng về cuộc sống tương lai của người lao động với sức mạnh và niềm tin bất diệt vào sự sống. Niềm tin ấy từng được gửi gắm qua những câu ca dao thiết tha:

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

• Chiều sâu tư tưởng cảu Kim Lân

- Thương xót vô hạn những kiếp người bất hạnh mong manh như ngọn nến tàn trước gió trong nạn đói khủng khiếp 1945

- Phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người lao động: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà chỉ nghĩ đến sự sống.

- Thấy được hình ảnh người mẹ VN: nghèo nhưng nhân hậu, vị tha, giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh.

• Tổng kết nghệ thuật:

- Biệt tài phân tích và miêu tả diễn biến nhân vậtvới những đoạn độc thoại nội tâm

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo

- Về ngôn ngữ Kim Lân đã chọn lọc những từ ngữ giản dị quen thuộc trong lời ăn tiếng nói nhân dân, xây dựng hình tượng nhân vật bà cụ Tứ tiêu biểu cho người mẹ nông dân nghèo…

-/-

Trên đây là mẫu đề thi thử môn Văn THPT Quốc Gia 2020 số 25 cùng đáp án tham khảo với những dạng bài thường gặp trong đề thi đại học môn văn được ra. Với việc ôn luyện đề thi thử, các em học sinh sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng và hành trang vững vàng để bước vào kì thi quan trọng sắp tới. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử THPT quốc gia môn Văn khác được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em học và thi thật tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM