Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2024 mẫu số 15 có đáp án

Xuất bản: 13/03/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2024 mẫu số 15 có đáp án dành cho các em học sinh lớp 12 lưu trữ làm tài liệu ôn tập để thử sức với đề thi thử văn này ngay tại nhà

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi tiếp tục cung cấp một bài thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 15. Đây chắc chắn là một tài liệu mới nhất mà chúng tôi đã cập nhật, nhằm giúp các em tự tin và thành công trong kỳ thi sắp tới.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 mẫu 15

I. ĐỌC HIỂU. (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi:

Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phụ huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng…của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy đợt dự thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích “Thư gửi con mùa thi đại học”, trên netchunetnguoi.com)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2: Theo tác giả, cha mẹ có vai trò như thế nào trong cuộc đời của con mình?

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên.

Câu 4: Nêu bài học có ý nghĩa mà anh/ chị rút ra được từ “Thư gửi con mùa thi đại học”?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm): Hãy viết một đoạn văn (không quá 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phân Đọc hiểu: Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người.

Câu 2. (5,0 điểm) 

Hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên của nữ sĩ Xuân Quỳnh là lời giãi bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của tác giả. Hãy phân tích và chứng minh vấn đề trên qua đoạn thơ sau:

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Biển Diêm Điền, 29-12-1967

(Trang 156 sách Ngữ văn 12 tập một, NXB Giáo Dục năm 2008)

------ Hết ------

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 mẫu 15

I. ĐỌC HIỂU. (3,0 điểm)

Câu 1. Các phương thức biểu đạt : tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2. Theo tác giả, cha mẹ có vai trò như thế nào trong cuộc đời của con mình: cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói: Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên.

Học sinh có thể trình bày suy nghĩ cá nhân miễn sao quan điểm đó hợp lý, tích cực và có sức thuyết phục. Có thể tham khảo một số gợi ý:

- Cha mẹ chỉ nên định hướng, hành động và phát triển tương lai hãy để cho con tự quyết định.

- Con cái đã trưởng thành, cha mẹ nên để cho con tự quyết định tương lai.

Câu 4. Học sinh có thể trình bày suy nghĩ cá nhân miễn sao quan điểm đó hợp lý, tích cực và có sức thuyết phục.

II. LÀM VĂN. (7,0 điểm)

Câu 1. Hãy viết một đoạn văn (không quá 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về về ý kiến được nêu trong phân Đọc hiểu: Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận

Có đủ ba phần câu mở đoạn, các câu thân đoạn và câu kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: về ý kiến được nêu trong phân Đọc hiểu: Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các ý cụ thể; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

- Giải thích nội dung câu nói:

Không phải ai cũng được học đại học. Thi rớt thì học đại học vẫn mãi là niềm khát khao, mơ ước. Thi đậu thì đại học chính là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người.

- Phân tích, chứng minh:

+ Trả lời câu hỏi nói như vậy đúng hay sai? Vì Sao?

+ Chứng minh:

- Bàn luận: Bài học kinh nghiệm

- Liên hệ thực tiễn, bản thân.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. Hình tượng “Sóng” trong bài thơ cùng tên của nữ sĩ Xuân Quỳnh là lời giãi bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của tác giả. Hãy phân tích và chứng minh vấn đề trên qua đoạn thơ sau: “Dẫu xuôi về....còn vỗ”

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: khát vọng tình yêu của tác giả Xuân Quỳnh qua đoạn thơ: “Dẫu xuôi về....còn vỗ”

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

* Phân tích khát vọng tình yêu của tác giả Xuân Quỳnh qua đoạn thơ:

“Dẫu xuôi về....còn vỗ”

- Sự gắn bó thủy chung:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam”

+ Những từ ngữ chỉ không gian phương Bắc, phương Nam và các từ xuôi, ngược gợi cảm nhận về sự xa xôi, trắc trở.

Cách nói xuôi về phương Bắc, ngược về phương Nam hoàn toàn trái với quy ước bình thường của người Việt là xuôi Nam, ngược Bắc mang lại cảm nhận về những điều trái ngang, nghịch cảnh.

+ Lặp từ “Dẫu” khẳng định mạnh mẽ tâm thế bất chấp tất cả của người phụ nữ trong tình yêu; bất chấp những xa xôi cách trở của không gian, bất chấp những trái ngang, nghịch cảnh để đến với tình yêu.

“Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương”

+Tình yêu đích thực và duy nhất khiến trái tim người phụ nữ đang yêu chỉ có một phương để hướng đến là phương anh. Như con sóng nào cũng hướng tới bờ và nhất định sẽ tới bờ dù muôn vời cách trở, thì lòng em cũng thế. Câu thơ cho thấy niềm tin mãnh liệt vào điều tốt đẹp của tình yêu.

=> Tình yêu sôi nổi, nồng nhiệt từ trái tim người phụ nữ này cũng lại là một tình yêu chân thành, trong sáng, một tình yêu hết mình và đòi hỏi sự duy nhất, tuyệt đối. Lòng thủy chung nuôi dưỡng và xây dựng mối quan hệ bền vững trong tình yêu.

- Những suy tư, lo âu, trăn trở trước cuộc đời và khát vọng tình yêu của nữ sĩ.

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

+ Nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian, Xuân Quỳnh đã đặt cuộc đời con người nhỏ bé vào vị trí tương phản với với cái vô cùng vô tận của thời gian và không gian. Từ đó có chút ngậm ngùi, buồn bã, cảm nhận rõ hơn hết cái mong manh, bé nhỏ, cái ngắn ngủi trong đời người, kiếp người.

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

+ Nhà thơ muốn được hòa nhập với vĩnh hằng, được còn mãi một tình yêu lớn bằng cách “tan ra, thành trăm con sóng nhỏ”. Khổ thơ cuối hé lộ một cái tôi khát khao được hi sinh, được dâng hiến để vĩnh viễn hóa tình yêu, một tâm hồn yêu đầy vị tha và nhân hậu.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM