Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 26.
Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:
Đề thi thử tốt nghiệp Văn năm 2024 mẫu số 26
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Trong dòng đời vội vã có nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhưng đã là cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn đó nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. (Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này).
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.
Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình yêu thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.
(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)
[Nguồn: radiovietnam.vn/…/xa…/loi-khuyen-cuoc-song-suy-nghi-ve-cho-va-nhan]
Câu 1. Nội dung chính của văn bản trên. ( 0,5 điểm)
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình.’’ ? (0.5 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.”? (1.0 điểm)
Câu 4. Anh/chị hãy nêu thông điệp từ đoạn trích? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi.”
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
(“Sóng” – Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục – 2012, tr 155-156)
Từ sự cảm nhận đoạn thơ, anh/chị hãy làm rõ vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại trong tình yêu của Xuân Quỳnh.
Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp Văn 2024 mẫu số 26
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Nội dung chính của đoạn văn: Bàn về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
Câu 2. Người “cho đi” chỉ thật sự hạnh phúc khi hành động đó xuất phát từ tấm lòng yêu thương thực sự, không tính toán hơn thiệt, không vụ lợi.
Câu 3.
- Nếu như ta đem một niềm vui đến cho người khác có nghĩa là đã tạo được cho mình một niềm hạnh phúc.
- Nếu như ta đem nhiều niềm vui đến cho nhiều người, có nghĩa là ta đã đón nhận rất nhiều niềm vui, hạnh phúc.
Câu 4.
Thí sinh tự rút ra những ý nghĩa có giá trị sâu sắc định hướng cho nhận thức và hành động của bản thân và có kĩ năng diến đạt rõ, gọn)
(Tham khảo: Cái quan trọng nhất thực sự tồn tại trong cuộc sống là tình yêu thương. Chúng ta không chỉ sống cho riêng mình mà phải biết sống vì người khác. Vì thế đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình, phải biết sống vì mọi người, yêu thương, chia sẻ.)
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Trong cuộc đời, con người “Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi.”.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
- Giải thích ngắn gọn về “cho” và “nhận”
- Được sống nên người là chúng ta đã “nhận” một ân huệ lớn từ cha mẹ, ông bà, thầy cô, xóm làng, đất nước,.. Trong hiện tại và tương lai, chắc chắn mỗi người còn nhận được từ cuộc đời nhiều thứ quý giá khác.
- Để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn mỗi người cần biết yêu thương và sẻ chia, phải biết cho đi. “Cho” mà vô tư, không mong được “nhận” lại, không mong được trả ơn nghĩa là ta đã thực sự đem niềm vui đến cho người khác, cũng chính là đem lại cho mình một niềm hạnh phúc.
- Phê phán những cá nhân sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân; hoặc cho với động cơ không trong sáng.
- Sống nhân ái và bao dung,… với cuộc đời là một lối sống đẹp. Để cho nhiều hơn, mỗi người cần phải cố gắng phấn đấu rèn luyện thêm nữa, không ngừng, làm cho mình giàu có cả về tinh thần lẫn vật chất để có thể yêu thương cuộc đời này nhiều hơn bằng những hành động cụ thể.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: Có các diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Câu 2
a. Đảm bảo bố cục bài văn nghị luận văn học gồm ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận đoạn thơ, làm rõ vẻ đẹp truyền thống mà hiện đại trong tình yêu của Xuân Quỳnh.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật.
* Giới thiệu chung
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”.
- Giới thiệu đoạn thơ, vẻ đẹp tình yêu vừa truyền thống vừa hiện đại trong tâm hồn người phụ nữ thông qua nỗi nhớ và lòng chungthủy.
* Phân tích, cảm nhận
- Nỗi nhớ:
+ Sóng nhớ bờ: Mọi con sóng trong không gian bao la của biển cả luôn trào dâng mãnh liệt. “Em” cảm nhận đó là “sóng nhớ bờ”.Nỗi nhớ bờ thường trực da diết cháy bỏng chiếm trọn thời gian (ngày đêm), trong mọi chiều kích của không gian (dưới lòng sâu/ trên mặt nước).
+ Lòng em nhớ đến anh: Nỗi nhớ là dấu hiệu đặc thù của tình yêu. “Trong mơ còn thức”: hình ảnh người yêu ngự trị trong thế giới tâm lí, cả trong ý thức và vô thức.
Nỗi nhớ là một thuộc tính của tình yêu. Đã yêu là nhớ, không ai hoài nghi điều đó. Bằng cách nói mới, sáng tạo, Xuân Quỳnh đã thể hiện nỗi nhớ của Em đến mức tột cùng, cả ở độ sâu và độ bền.
- Sự thủy chung:
+ “Dẫu xuôi về phương bắc/ ……/ Dù muôn vời cách trở”
Hai khổ thơ được bố trí song hành đối chiếu điều “em nghĩ” với điều quan sát và suy tư từ sóng. Mỗi khổ là một câu ngữ pháp theo cấu trúc giả định - khẳng định nhằm bộc lộ sự khao khát của “em” “hướng về anh”, khẳng định lòng thuỷ chung tuyệt đối:
Em: Dẫu………..dẫu…. nào……cũng
Sóng: Nào……..chẳng……..dù…….
+ Niềm tin chung thủy ở đây không hề hồn nhiên, dễ dãi, mà rất gan góc, chấp nhận thử thách gian nan. Các từ ngữ trái nghĩa thể hiện rõ cảm quan hiện thực sắc sảo ấy (xuôi / ngược; phương bắc/ phương nam; đại dương… muôn vời / bờ).
Thủy chung là một phẩm chất, một giá trị của tình yêu. Không phải tình yêu nào cũng luôn song hành với sự thủy chung. Có sự thủy chung, người phụ nữ sẽ vượt qua mọi thử thách.
*Vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại trong tình yêu
+ Truyền thống: Người phụ nữ đang yêu trong Sóng nói chung, đoạn thơ nói riêng mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đó là vẻ đẹp của sự chân thành, bình dị, luôn coi trọng sự thủy chung, gắn bó.
+ Hiện đại: Trong tình yêu, người phụ nữ mạnh dạn chủ động bày tỏ những khát khao, rung động, rạo rực của lòng mình. Đó là một biểu hiện của ý thức làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận, nhận thức đầy đủ và kiên trì vượt qua những thử thách, trắc trở trong tình yêu.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ 5 chữ được dùng một cách linh hoạt, thể hiện nhịp của sóng biển, nhịp lòng của thi sĩ.
+ Các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, phép đối, phép song hành góp phần tạo nên giọng thơ nồng nàn, mạnh mẽ vừa say đắm vừa tỉnh táo, thích hợp cho việc diễn tả những cung bậc của một tình yêu không dễ dàng, suôn sẻ nhưng hàm chứa một niềm tin, một khát khao đẹp đẽ.
* Đánh giá
- Bằng những quan sát, suy tư về sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả nỗi nhớ mãnh liệt, tấm lòng thủy chung son sắt của một người phụ nữ đang yêu.
- Từ đoạn thơ, người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu: táo bạo, mạnh mẽ, tự tin tôn cao, bồi đắp cho những nét đẹp truyền thống. Điều đó đã tạo nên sức cuốn hút mãnh liệt và bền vững của thi phẩm trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: Có các diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!