Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2023 mẫu số 17 có đáp án

Xuất bản: 10/04/2023 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2023 mẫu số 17 có đáp án với bài đọc hiểu Nước Đức trở thành một đống hoang tàn sau Thế chiến thứ hai chi tiết.

Chào các em học sinh lớp 12! Việc vận dụng và bổ sung kiến thức có trong chương trình học Ngữ văn vẫn luôn là điều mà Đọc tài liệu hướng tới với mong muốn giúp các em có thêm thật nhiều nội dung bổ ích cho mình. Vì vậy tiếp tục trọn bộ các mẫu đề thi thử thpt quốc gia mới nhất, dưới đây là mẫu đề số 17.

(Đề thi được xây dựng mang tính chất tham khảo và giúp các em nâng cao khả năng luyện tập làm đề thi tại nhà!)

Cùng đi vào tìm hiểu chi tiết nội dung đề thi thử thpt quốc gia này:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 17

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Nước Đức trở thành một đống hoang tàn sau Thế chiến thứ hai. Khi ấy, có hai người Mĩ đến hỏi chuyện một người dân Đức vẫn đang sống dưới hầm trú đạn. Sau khi đi khỏi, hai người đã có cuộc trò chuyện với nhau trên đường.

Một người hỏi:

- Anh nghĩ người Đức có thể tái thiết đất nước hay không?

Người kia trả lời:

- Họ hoàn toàn có thể.

- Sao anh có thể khẳng định như thế?

Thay vì câu trả lời, bạn anh hỏi ngược lại:

- Anh có nhìn thấy họ đặt thứ gì trên bàn dưới tầng hầm u tối đó không?

- Một bình hoa.

Phải, trong hoàn cảnh khốn khó mà vẫn không quên hoa tươi, tôi tin chắc họ có thể xây dựng lại đất nước từ đống hoang tàn.

Còn giữ lấy một bông hoa trong ngục tối tức là còn nuôi dưỡng chút niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Ngỡ là hão huyền nhưng trong lúc khó khăn nguy cấp nhất, đó chính là động lực để thúc đẩy con người vượt qua sự nghiệt ngã của đời sống. Chỉ cần không nhụt chí, vẫn giữ được tinh thần lạc quan cởi mở, thì ta có thể trèo lên khỏi vực thẳm. Thái độ tích cực chính là dòng suối mát lành và ánh sáng hi vọng.

(Trích Hạt giống tâm hồn - nghệ thuật sáng tạo cuộc sống, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh)

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Tại sao từ chiếc bình hoa dưới tầng hầm, một trong hai người Mĩ tin rằng người Đức có thể tái thiết đất nước sau chiến tranh?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: “Thái độ tích cực chính là dòng suối mát lành và ánh sáng hi vọng.”?

Câu 4. Qua câu chuyện trên, anh/chị rút ra bài học gì về thái độ ứng xử trước những khó khăn thử thách?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tác dụng của thái độ sống tích cực.

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích sau.

“Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.

Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy."

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.13)

===== Hết =====

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn mẫu 17

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Các phương thức biểu đạt : tự sự, nghị luận

Câu 2.  Trong hoàn cảnh khốn khó mà vẫn không quên hoa tươi, thể hiện họ là những người lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống, nên chắc chắn họ có thể đứng dậy sau khi gục ngã.

Câu 3. Biện pháp tu từ so sánh.

Tác dụng:

+ Nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của thái độ tích cực trong việc giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách, sống lạc quan, hi vọng vào cuộc sống.

+ Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho câu văn.

Câu 4.  Học sinh có thể tự do nêu quan điểm, miễn hợp lý, thuyết phục. Có thể tham khảo gợi ý sau: hãy đối mặt với khó khăn thử thách bằng một thái độ tích cực, lạc quan và có niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hay song hành; Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Tác dụng của thái độ sống tích cực

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ suy nghĩ về tác dụng của thái độ sống tích cực trong cuộc sống.

Sau đây là một số gợi ý:

- Thái độ tích cực là thái độ sống đẹp, là cách nhìn nhận vấn đề theo hướng sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc sống.

- Tác dụng của lối sống tích cực:

+ Giúp chúng ta tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống; giúp nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn những suy nghĩ lạc quan.

+ Khi rơi vào hoàn cảnh tăm tối nhất, thái độ sống tích cực chính là động lực, là ánh sáng, là hi vọng để vượt qua những tuyệt vọng, thoát khỏi những khó khăn, thử thách.

- Phê phán thái độ sống tiêu cực, bi quan.

d. Chính tả ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Để bổ sung yêu cầu của câu hỏi này thì các em có thể tham khảo thêm nội dung văn mẫu nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách,nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; làm rõ các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và đoạn trích

2. Khái quát tâm trạng của Mị trước đêm cởi trói cho A Phủ

- Từ một cô gái xinh đẹp,tài hoa, yêu đời, Mị bị cướp đoạt về làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra; bị đọa đày trở nên chai sạn, lầm lụi, câm lặng và vô cảm với mọi thứ.

- Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị thường dậy sưởi lửa, hơ tay để xua tan giá lạnh và sưởi ấm tâm hồn. Những đêm đầu, chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng vào cột nhà, Mị hoàn toàn dửng dưng, tê dại, kể cả bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước.

3. Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ

- Từ vô cảm đến đồng cảm: những đêm trước nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đứng, Mị hoàn toàn dửng dưng, vô cảm. Đêm ấy, dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương người trong Mị (gợi cho Mị nhớ về quá khứ đau đớn của mình, Mị thấy thương xót cho người cùng cảnh ngộ).

- Nhận ra sự độc ác và bất công: từ cảnh ngộ của mình và những người đàn bà bị hành hạ ngày trước, đến cảnh đau đớn và bất lực của A Phủ trước mắt, Mị nhận thấy chúng nó thật độc ác, thấy người kia việc gì mà phải chết.

4. Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật

- Miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế, sâu sắc

- Ngôn ngữ sinh động, giàu giá trị biểu cảm

- Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

5. Đánh giá

Tái hiện diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm mùa đông, đoạn trích đã góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm: phát hiện và miêu tả sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do của người lao động bị áp bức trong xã hội cũ.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề trình bày.

-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM