Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 Trần Quốc Tuấn lần 3

Xuất bản: 13/06/2022 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 Trần Quốc Tuấn lần 3 với bài nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ làm thế nào để đón nhận tình yêu thương của cha mẹ đúng cách.

Mục lục nội dung

Bạn muốn tải tài liệu đề thi thử THPT quốc gia 2022 môn Văn miễn phí? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn Văn 2022 của trường THPT Trần Quốc Tuấn – Quảng Ngãi lần 3 sau đây.

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2022 Trần Quốc Tuấn lần 3

Chi tiết đề thi thử thpt quốc gia 2022 này như sau:

SỞ GD & ĐT QUẢNG NGÃI - TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN

KỲ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2022

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài : 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản:

Mỗi lần vào nhà sách, chúng ta lại thấy xếp hàng dài trên giá những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ. Từ Tâm lý trẻ con tuổi chập chững cho đến Bảy bí mật của tuổi mới lớn, Teen cần gì ở cha mẹ?... Nhìn vào đó, em sẽ thấy rằng lứa tuổi em ngày nay đang được cha mẹ tìm hiểu hoặc cố gắng để tìm hiểu một cách kỹ càng. Vì yêu thương và để biết yêu thương đúng cách.

Nhưng còn những người con thì sao? Có bao giờ em nghĩ đến việc tìm đọc những cuốn sách viết về tâm lý của người làm cha mẹ? Ai cũng biết làm cha mẹ là một việc khó khăn. Vậy phải chăng chúng ta đã, đang làm con quá dễ dàng, bằng cách biện hộ “rằng thì là” nước mắt chảy xuôi, nên không cần quan tâm đến nỗi lòng cha mẹ?

(…)

Và còn nỗi lòng của những người có thể về nhà buổi chiều kia với vẻ mặt thất thần, trên tay cầm tờ báo đưa tin chứng khoán sụt giảm, giá vàng lên. Những người phải xoay xở vất vả trong mớ bòng bong quan hệ với đồng nghiệp, với chồng, vợ, con cái, ông bà, anh chị, bà con họ hàng gần xa… Những người mẹ đồng thời là người vợ bắt con cái nhịn đói thêm một chút để đợi chồng về muộn. Những người cha đồng thời là người làm công ở trong tâm trạng cáu gắt vì sức ép công việc. Những người bị bao vây từ nỗi lo toan về việc phải làm sao để có một mái nhà ấm êm, một ngân khoản cho con đi học, đến những cơn cáu giận không thể kiềm chế khi con về khuya, hay lười học. Tâm lý đó chắc cũng phức tạp không kém lứa tuổi dậy thì, cũng cần phải hiểu và cảm thông.

Bởi đối với chúng ta, cha mẹ đâu chỉ có Công, có Nghĩa, có Tình yêu không cần đáp trả. Cha mẹ còn có nỗi lòng, những dằn vặt, những diễn biến tâm lý khác nhau trong từng giai đoạn khó khăn khác nhau của một kiếp làm người. Có đáng để tìm hiểu không em? Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt? Vì yêu thương. Và để biết đón nhận tình yêu thương đúng cách.

(Trích “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – Phạm Lữ  Ân,

 NXB Hội nhà văn, 2012, tr.14-17)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, lý do gì thôi thúc cha mẹ cố gắng tìm hiểu tâm lý con cái và con cái cũng cần phải tìm hiểu tâm lý của người làm cha mẹ?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt?

Câu 4. Thông qua văn bản, tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc thông điệp gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ làm thế nào để đón nhận tình yêu thương của cha mẹ đúng cách.

Câu 2. (5,0 điểm)

“Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là “đen” như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ”.

(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập một,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.190-191).

Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng con Sông Đà qua đoạn trích trên; từ đó nhận xét nét độc đáo trong cách miêu tả con Sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.

-HẾT-

Đáp án đề thi thử môn văn 2022 Trần Quốc Tuấn lần 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả:

+ Lý do thôi thúc cha mẹ cố gắng tìm hiểu tâm lý con cái là Vì yêu thương và để biết yêu thương đúng cách.

+ Lý do con cái cần phải tìm hiểu tâm lý của người làm cha mẹ Vì yêu thương. Và để biết đón nhận tình yêu thương đúng cách.

Câu 3. Ý nghĩa câu nói: Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt?

- “Lội ngược một dòng nước mắt” có nghĩa là làm những việc ngược với quy luật từ xưa đến nay: nước mắt chảy xuôi, tình cảm cha mẹ dành cho con cái bao giờ cũng nhiều hơn là con cái dành cho cha mẹ.

- Tác giả khuyên con cái hãy quan tâm đến nỗi lòng cha mẹ để thấu hiểu và yêu thương họ nhiều hơn.

Câu 4. 

Tác giả muốn nhắn gửi đến bạn đọc thông điệp:

- Con cái cần phải yêu thương, hiếu thuận với cha mẹ.

- Phận làm con phải thấu hiếu nỗi lòng của cha mẹ.

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: làm thế nào để đón nhận tình yêu thương của cha mẹ đúng cách?

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được những điều con cái cần làm để đón nhận tình yêu thương của cha mẹ đúng cách. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: “đón nhận tình yêu thương đúng cách” là có những ứng xử phù hợp khi được người khác trao yêu thương, nhất là tình yêu thương của cha mẹ.

- Để đón nhận tình yêu thương của cha mẹ đúng cách:

+ con cái cần phải tìm hiểu tâm lý của người làm cha mẹ, thấu hiểu cho họ; cảm thông cho bậc làm cha mẹ;

+ trân trọng tình yêu thương và xem đó là động lực để phấn đấu;

+ đền đáp tình cảm một cách xứng đáng...

- Phê phán những người con nhận yêu thương và trao yêu thương không đúng cách, hoặc chỉ biết nhận mà không biết trao đi, sống ích kỉ, không quan tâm đến cảm xúc của cha mẹ, không trân trọng tình cảm gia đình,...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình tượng con Sông Đà trong đoạn trích; từ đó nhận xét nét độc đáo trong cách miêu tả con Sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận

*Cảm nhận hình tượng con Sông Đà:

- Điểm nhìn từ trên cao: Sông Đà có vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, yêu kiều.

+ Dòng chảy của sông Đà uốn lượn như “cái dây thừng ngoằn ngoèo”

+ Sông Đà thướt tha, duyên dáng đầy nữ tính như mái tóc người thiếu nữ Tây Bắc “con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình…”

+ Màu trắng tinh khiết của hoa ban, màu đỏ rực rỡ của hoa gạo “bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai”càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Sông Đà.

- Ngắm nhìn Sông Đà từ nhiều thời gian khác nhau, tác giả phát hiện ra màu sắc tươi đẹp và đa dạng của dòng sông. Màu nước biến đổi theo mùa, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích… Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một nguời bầm đi vì rượu bữa...

- Dường như nhà văn không phải miêu tả một dòng sông mà đang miêu tả diện mạo một con người. Sông Đà mang gương mặt, vóc dáng của một mĩ nhân có sức gợi cảm và đầy quyến rũ.

* Nhận xét nét độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân:

- Nhà văn miêu tả con sông như một sinh thể, có sự sống, có tâm hồn, tình cảm. Với Nguyễn Tuân Sông Đà nói riêng và thiên nhiên Tây Bắc nói chung là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Vẻ đẹp của Sông Đà hòa quyện với vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc càng trở nên đặc biệt…

- Hình tượng Sông Đà được cảm nhận bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ, câu văn nhịp nhàng, hình ảnh bay bổng lãng mạn, sử dụng phép so sánh, liên tưởng độc đáo…

* Đánh giá chung:

- Cách miêu tả hình tượng con sông Đà cho thấy Nguyễn Tuân có sự gắn bó sâu nặng và tình yêu mến thiết tha đối với thiên nhiên Tây Bắc, với quê hương đất nước; đồng thời cho thấy ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm của ông.

d. Chính tả, ngữ pháp:Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử THPT quốc gia 2022 môn Văn có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục, các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử môn văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM