Đề thi thử THPTQG môn Văn trường Đoàn Thượng năm 2020 lần 1

Xuất bản: 28/02/2020 - Tác giả: Giangdh

Xem ngay đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2020 có đáp án của trường THPT Đoàn Thượng (Hải Dương) giúp các em học sinh lớp 12 thử sức tại nhà

Mục lục nội dung

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2020 của trường Đoàn Thượng tỉnh Hải Dương dưới đây sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện chuẩn bị tốt cho kì thi

Đề thi thử

Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Tấm gương là người bạn chân thật suốt một đời mình, không bao giờ biết xu nịnh ai, dù đó là kẻ vương giả uy quyền hay giàu sang hãnh tiến. Dù gương có tan xương nát thịt thì vẫn cứ nguyên tấm lòng ngay thẳng trong sạch như từ lúc mẹ cha sinh ra nó. Nếu ai có bộ mặt không xinh đẹp thì gương không bao giờ nói dối, nịnh xằng là xinh đẹp. Nếu ai mặt nhọ, gương nhắc nhở ngay. Nếu ai buồn phiền cau có thì gương cũng buồn phiền cau có theo như để an ủi, sẻ chia cho người đỡ buồn phiền sầu khổ.

Là người, ai dám tự bảo mình là trong sáng suốt đời như tấm gương kia. Thiếu gì kẻ ác độc, nịnh hót, hớt lẻo, dối trá, có kẻ còn tham lam mà bảo trắng là đen, gọi xấu là tốt đấy sao.

Không một ai mà không soi gương, tư già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà. Soi gương nhiều nhất có lẽ là các chị chúng ta, những cô gái càng xinh đẹp thì càng thích soi gương.

Không hiểu ông Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có lúc nào soi gương để buồn phiền cho gương mặt xấu xí của mình, để rồi làm ra bài phú “Hoa sen giếng ngọc” nổi tiếng bao đời. Anh Trương Chi nữa, anh ngồi trên con thuyền lơ lửng mặt sông, có soi vào dòng nước để tủi cho khuôn mặt mình, nên đành gửi lòng vào tiếng hát cho say đắm lòng cô gái cấm cung và bao người khác nữa… thành câu chuyện đau buồn.

Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn.

Còn tấm gương bằng thuỷ tinh tráng bạc, nó vẫn là người bạn trung thực, chân thành, thẳng thắn, không hề nói dối, cũng không bao giờ biết nịnh hót hay độc ác với bất cứ ai.

(Băng Sơn, U tôi -Theo sách Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2015, tr.84, 85)

Câu 1. Chỉ ra đặc tính nổi bật của tấm gương được nêu trong văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Từ đặc tính của tấm gương, tác giả liên tưởng so sánh với điều gì trong cuộc sống? (0,5 điểm)

Câu 3. Thái độ mà tác giả muốn biểu đạt qua bài văn? (1,0 điểm)

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn”? Vì sao? (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Câu 2 (5,0 điểm)

“Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.”

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 8) 

Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Đáp án

Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Câu 1: Đặc tính nổi bật của tấm gương được nêu trong đoạn văn: trung thực, chân thành, thẳng thắn, trong sạch, không biết nói dối hay nịnh hót, ác độc với bất cứ ai

Câu 2: Từ đặc tính của tấm gương, tác giả liên tưởng so sánh với tính cách, phẩm chất của con người.

Câu 3: Thái độ tác giả biểu đạt qua bài văn: biểu dương những con người trung thực, ngay thẳng, phê phán những kẻ xu nịnh, dối trá.

Câu 4: Các em có thể trình bày quan điểm riêng của mình là đồng tình hay không đồng tình

Ví dụ: Em đồng tình với ý kiến trên vì: Vẻ đẹp của hình thức bên ngoài vốn là một hạnh phúc của con người; nhưng vẻ đẹp của tâm hồn bên trong sẽ càng làm con người hạnh phúc hơn, nhất là khi gắn liền với lương tâm và sự tự trọng. Trong cuộc sống, con 1,0 người cần biết quý trọng vẻ đẹp bên ngoài nhưng điều quan trọng hơn là phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đời sống tâm hồn, nhân cách bên trong để xứng đáng là Con Người.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: Dàn ý tham khảo

I. Mở bài:

- Xác định vấn đề cần nghị luận: cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn

II. Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận

a. Giải thích

- Tâm hồn con người là tổng hoà của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng… Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người.

- Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp của phẩm chất bên trong, là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính của mỗi người.

b. Bàn luận

- Nuôi dưỡng tâm hồn là điều rất quan trọng và thật cần thiết. Việc làm ấy cần được tiến hành thường xuyên và ngay từ khi còn nhỏ.

- Mỗi người có thể nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nhiều cách khác nhau:

  • Biết lắng nghe sự chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo
  • Không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết
  • Luôn hướng thiện và có tâm hồn đồng cảm với người khác
  • Biết cách sống mình vì mọi người, bản thân không bao giờ vụ lợi và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống
  • Tránh gây tổn thương cho những người xung quanh
  • Biết chia sẻ niềm vui mà bạn mình vừa nhận được,… lời nói đi đôi với việc làm, hành động bên ngoài thống nhất với suy nghĩ bên trong…

- Làm thế nào để có một tâm hồn đẹp: Biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện

- Phản đề: Phê phán một số người hiện nay thường chỉ quan tâm đến vẻ đẹp hình thức, ra sức chăm chút cho vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài mà không quan tâm trau dồi vẻ đẹp tâm hồn (công, dung, ngôn, hạnh)

III. Kết bài: Bài học nhận thức

- Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức

- Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người.

- Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn.

Bài văn tham khảo: Nghị luận xã hội về cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn

Câu 2: Hướng dẫn làm bài:

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

- Thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, đoạn trích và nhân vật Mị.

* Cảm nhận về nhân vật Mị:

- Sức sống của Mị trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân:

  • Suy nghĩ, tâm trạng: Trong đầu... rập rờn tiếng sáo; muốn đi chơi... Đó là ý nghĩ muốn làm theo tiếng gọi của lòng mình.
  • Hành động: không nói, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo... Đó là những hành động thể hiện niềm mong ước được đổi thay (đổi thay không gian sống và đổi thay bản thân); hành động mang tính chống đối, tự phát, lặng lẽ nhưng đầy quyết liệt.

- Cảnh ngộ của Mị:

  • Mị bị A Sử trói: lấy thắt lưng trói hai tay, xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà, quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu...
  • Mị bị trả về với bóng tối: A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.

=> Cảnh ngộ đầy đau khổ: Sức sống, sự hồi sinh của Mị vừa được nhen lên đã bị vùi dập thật độc ác bởi chính người chồng của cô.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Tình huống giàu kịch tính

- Bút pháp tả thực, chi tiết chọn lọc

- Miêu tả tâm lí sắc sảo, như nhập thân vào nhân vật...

* Bình luận về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

- Cảm thương sâu sắc trước những đau khổ của kiếp đời bị đày đọa như trâu ngựa thông qua nhân vật Mị và A Phủ.

- Nâng niu, trân trọng những khát vọng chính đáng của con người. - Lên án, tố cáo tội ác của giai cấp thống trị ở miền núi.

- Khẳng định, ngợi ca sức sống tiềm tàng, sức mạnh vùng lên giải phóng của những người lao động bị áp bức.

-------------

Học tốt vừa chia sẻ đến các em đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn năm 2020 của trường Đoàn Thượng -  Hải Dương, các em có thể lưu về làm tài liệu ôn thi. Con rất nhiều bộ đề thi thử THPTQG môn Văn năm 2020 của các trường khác trên cả nước đã được chúng tôi biên tập, thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật nhé!


Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM