Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 21 có đáp án

Xuất bản: 07/06/2023 - Tác giả:

Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 21 có đáp án với bài đọc hiểu Không thể nào chấp nhận sống: Với lời cầu xin, lời dọa nạt

Các em học sinh lớp 12 thân mến, việc bổ sung khả năng luyện đề càng ngày càng nhuần nhuyễn là điều mà Đọc tài liệu hướng tới để giúp các em chuẩn bị cho kì thi sắp tới tốt nhất. Vì vậy tiếp tục cập nhật vào trọn bộ các mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn Văn mẫu đề số 21 dưới đây.

(Đề thi được xây dựng mang tính chất tham khảo và giúp các em nâng cao khả năng luyện tập làm đề thi tại nhà!)

Cùng đi vào tìm hiểu chi tiết nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2023 này:

Đề thi thử tốt ngjiệp môn Văn 2023 mẫu số 21

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

… Không thể nào chấp nhận sống:

Với lời cầu xin, lời dọa nạt

Con người luôn đi sau thời gian

Để thời gian chỉ còn báo mộng

Không thể nào bưng hai tay

Một bình an đặng sống

Không thể nào cúi đầu

Nhìn ngón chân bất lực.

Không thể nào chấp nhận sống:

Mà không biết mình về đâu

Không biết mình có thể làm gì

Buồn vui theo kẻ khác.

Không thể nào chấp nhận sống:

Trong sợ hãi, trong lọc lừa

Chẳng nhớ tim mình còn đập.

Không thể nào chấp nhận sống:

Khi mình chưa là mình

Trống trơ như vực thẳm…

(Trích Sống - Nguyễn Khoa Điềm, thi vien.net)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra ba lối sống không thể nào chấp nhận được đề cập trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu hiệu quả của phép điệp cấu trúc: Không thể nào chấp nhận sống…

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến của tác giả Không thể nào chấp nhận sống/ Mà không biết mình về đâu không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc sống là chính mình.

Câu 2: (5.0 điểm)

Tác phẩm “Người lái đò sông Đà”( Nguyễn Tuân) có đoạn viết:

“Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng cái cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo.”

Cảm nhận của em về nhân vật ông lái đò trong đoạn văn trên.Từ đó hãy nêu nhận xét những khám phá mới mẻ của Nguyễn Tuân về vẻ đẹp người lao động.

Hết.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn mẫu 21

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2. Lối sống không thể nào chấp nhận được đề cập trong đoạn trích: Sống với lời cầu xin, lời dọa nạt; sống cúi đầu; sống không biết về đâu, không biết có thể làm gì; sống buồn vui theo kẻ khác; sống trong sợ hãi, trong lọc lừa; sống chưa là mình.

Câu 3. Hiệu quả của phép điệp cấu trúc: Không thể nào chấp nhận sống…

- Nhấn mạnh, khẳng định quan niệm sống của tác giả: không chấp nhận sống giả dối, hèn nhát, vô giá trị, không dám là chính mình.

- Đồng thời làm nổi bật thông điệp: sống thật, sống tích cực với những giá trị mình có.

- Góp phần tạo nhịp điệu dồn dập, âm hưởng thôi thúc, tăng sức biểu cảm cho đoạn thơ.

Câu 4. - Bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần. (0,25 điểm)

- Lí giải hợp lí, thuyết phục. (0,75 điểm)

II. LÀM VĂN 

Câu 1:

Viết đoạn văn về sự cần thiết của việc sống là chính mình.

a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của việc sống là chính mình.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết của việc sống là chính mình. Có thể theo hướng sau:

- Sống được là chính mình tức là sống với những gì tự nhiên vốn có trong con người bạn, không cần phải gò bó hay ép buộc mình phải sống giống bất kỳ ai.

- Sống là chính mình khiến ta không phải che giấu suy nghĩ, cảm xúc, được thành thật với bản thân. Từ đó, tìm thấy niềm vui, sự an yên trong cuộc sống.

- Được sống là chính mình giúp ta có ý chí, kiên định, có động lực, niềm tin hoàn thiện mình và thực hiện mục tiêu sống.

- Sống là chính mình sẽ tạo nên bản sắc riêng, làm cho cộng đồng đa sắc diện.

- Liên hệ bản thân.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d) Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e) Sáng tạo

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2: 

Xem mẫu: Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

- Cảm nhận về ông lái đò trong đoạn văn.

- Nhận xét về những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Tuân về vẻ đẹp người lao động.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

- Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả (0,25) tác phẩm và đoạn trích (0,25)

* Phân tích ông lái đò trong đoạn văn:

- Nội dung:

+ Bối cảnh, tình huống xuất hiện nhân vật: Nhà văn đã đặt nhân vật vào một cuộc vượt thác. Con sông Đà hung bạo, ác hiểm bày "trùng vi thạch trận" ba vòng, dụ thuyền đối phương... 0,25đ

+ Ông lái đò là người lao động đầy trí dũng: người lái đò hiện lên với bản lĩnh dũng cảm phi thường: cưỡi trên thác dữ, xông pha giữa sóng thác hung bạo; với trí nhớ siêu phàm, kinh nghiệm dày dạn . Ông nhớ mặt từng hòn đá lòng sông và "nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá". Từng động tác lái đò của ông vô cùng chuẩn xác, dứt khoát. 0,5đ

+ Ông là người tài hoa: tay lái khéo léo, điêu luyện, mọi động tác của ông đều đạt tới sự chính xác tuyệt đối: nắm lấy cái bờm sóng lái miết..; ông đưa con thuyền bay trên sóng nước: 0,5đ

+ Ông là người lao động giản dị, bình tâm: không ai nói về trận chiến, họ trở về với những câu chuyện đời thường -> Vẻ đẹp bình dị của người lao động. 0,5đ

- Nghệ thuật: 0,75đ

+ Nhịp điệu câu văn mạnh mẽ như cao trào của một bản hùng ca.

+ Cách kể chuyện hấp dẫn, đầy kịch tính.

+ Ngôn ngữ điêu luyện, thể hiện sự uyên bác (huy động ngôn ngữ và kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống).

* Nhận xét khám mới mẻ của Nguyễn Tuân về người lao động: Bên cạnh vẻ đẹp cần cù nhân hậu, Nguyễn Tuân còn khám phá:

- Vẻ đẹp trí dũng.

- Vẻ đẹp tài hoa, mang đậm chất nghệ sĩ.

-> Thể hiện tình yêu, sự gắn bó và ngưỡng mộ, tự hào về con người đất nước.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo:

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của truyện ngắn Kim Lân; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập với các mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM