Các em muốn tìm các mẫu đề thi thử môn thpt quốc gia 2023 môn văn mới nhất? Tham khảo đề thi thử môn văn số 2 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra. Cùng Đọc tài liệu xem đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:
Mẫu đề thi này làm trong 120 phút Chi tiết như sau:
Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2023 số 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Hoa nếp mỏng manh trước tầm gió thổi
Hoa diếp vàng cô độc giữa thâm u
Và bên đường hoa nghệ dại ngẩn ngơ
Hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã
Hoa lay ơn góc vườn xưa còn nhớ
Mà thấy người cành lá khẽ lung lay…
Hoa mọc dưới chân người, hoa mọc đến chân mây
(Có nhiều thứ hoa còn chưa biết rõ…)
Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi!
Không phải hoa được ở cùng người
Được chăm sóc những mảnh vườn sạch cỏ
Được khoe đến muôn màu sắc lạ
Và được đời chiêm ngưỡng mùi hương
Không phải hoa được cắm trên bàn
Trong ngày hội của những niềm vui mới
Những hoa này lại nở cho triền núi
Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung
Nên ít ai để ý sắc từng bông
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…
(Trích Hoa dại núi Hoàng Liên, Xuân Quỳnh, Thơ Xuân Quỳnh,
NXB Văn học, 2020, tr. 117-118)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những điểm nào thuộc về hoa được ở cùng người?
Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép liệt kê trong sáu dòng thơ đầu của đoạn trích?
Câu 4. Nội dung những dòng thơ sau gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Nên ít ai để ý sắc từng bông
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải trân trọng những cống hiến thầm lặng trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:
- Mày muốn đi chơi à ?
Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...”. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 8)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.
-----------HẾT----------
Đáp án đề thi thử môn văn 2023 số 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Thể thơ: tự do
Câu 2.
Tác giả đã nhắc đến những điểm thuộc về hoa được ở cùng người: Được chăm sóc những mảnh vườn sạch cỏ; Được khoe đến muôn màu sắc lạ; được đời chiêm ngưỡng mùi hương; được cắm trên bàn trong ngày hội.
Câu 3.
Hiệu quả của phép liệt kê:
- Nhấn mạnh sự đa dạng, phong phú và điểm riêng của các loài hoa dại nơi triền núi.
- Góp phần làm cho đoạn thơ gợi hình, gợi cảm, giàu nhịp điệu.
Câu 4. Trình bày suy nghĩ của bản thân về các dòng thơ một cách hợp lí, thuyết phục.
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân- hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Sự cần thiết phải trân trọng những cống hiến thầm lặng trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về sự cần thiết phải trân trọng những cống hiến thầm lặng trong cuộc sống. Có thể theo hướng:
Cống hiến thầm lặng thể hiện trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, làm cho cuộc sống của bản thân có ý nghĩa, được trân trọng; góp phần mang lại niềm vui, giá trị cho cuộc sống; lan toả các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2
a. Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Nhân vật Mị trong đoạn trích; tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài trong đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và nhân vật Mị trong đoạn trích
* Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích
- Mị vốn là cô gái trẻ đẹp, hiếu thảo, yêu đời; từ khi bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, Mị bị đọa đày trong cuộc sống tủi nhục như không còn ý thức sống nhưng bên trong Mị vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt.
- Không khí mùa xuân tràn về, Mị bồi hồi xúc động, thức tỉnh và muốn đi chơi; hành động khác thường (xắn mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn, sửa soạn đi chơi,…) thể hiện trạng thái phản kháng.
- Khi bị trói, Mị đau khổ, chập chờn giữa quá khứ và hiện tại (kí ức tươi đẹp thời thanh xuân quên cả mình đang bị trói; vẫn sống với tiếng sáo, bồi hồi tha thiết, lúc mê, lúc tỉnh,…); hành động mạnh mẽ (vùng bước đi nhưng bị dây trói thít chặt) thể hiện khát khao tự do mãnh liệt.
- Tâm lí và hành động nhân vật Mị được miêu tả tinh tế, chân thực; nghệ thuật trần thuật uyển chuyển, linh hoạt; giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc; ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu chất thơ;...
Xem thêm văn mẫu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị để có một bài văn hoàn chỉnh.
* Nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích
- Tô Hoài đã tố cáo sự tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi (tiêu biểu là nhân vật A Sử).
- Nhà văn cảm thông, thương xót cho số phận nhân vật Mị (đại diện cho người dân lao động nghèo vùng Tây Bắc) bị áp bức, đọa đày và cất tiếng bênh vực cho những khát vọng tự do, hạnh phúc của Mị.
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
-/-
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2023 số 2 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.
Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả