Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 10

Xuất bản: 20/03/2023 - Tác giả:

Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 10 có đáp án từ các thầy cổ trong tổ văn giúp các em nắm chắc kiến thức và kĩ năng giải quyết đề thi tốt nghiệp môn văn.

Mục lục nội dung

Đề thi thử tốt nghiệp THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 10 là một trong những đề thi thử được sử dụng để ôn tập và luyện tập cho các thí sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Bao gồm những câu hỏi về các dạng bài tập thường gặp trong kỳ thi THPT quốc gia như: đọc hiểu văn bản,viết văn nghị luận,...

Cùng Đọc tài liệu xem đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:

(Tài tài liệu thi thử môn văn này trong file đính kèm bên dưới)

Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn mẫu số 10

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Cuộc sống này cũng vậy… Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mải mê rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi [...]

Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống… Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?”

( Trích “ Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – Phạm Lữ Ân)

Câu 1: “Điều tồi tệ nhất” tác giả nói đến trong đoạn trích là gì?

Câu 2: Vì sao trong cuộc sống chúng ta đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng?

Câu 3: Hãy chỉ ra tác hại của việc phán xét người khác theo định kiến?

Câu 4: Thông điệp anh/chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?

II.  LÀM VĂN: (7.0 điểm)

Câu 1. Nghị luận xã hội  (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc - hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) về những điều bản thân cần làm để thoát khỏi định kiến của người khác về mình.

Câu 2. Nghị luận văn học (5.0 điểm)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về hình tượng Sông Đà trong đoạn trích bên dưới. Từ đó bình luận ngắn gọn nét độc đáo trong cách miêu tả Sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.

“Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…”

(Trích Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2019, tr.191).

-HẾT-

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn mẫu số 10

Để giúp các em luyện tập tốt hơn, chúng tôi đã có sẵn đáp án mẫu số 10 cho đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn. Chi tiết như sau:

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Điều tồi tệ nhất” tác giả nói đến  trong đoạn trích là: chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến có sẵn.

Câu 2: Trong cuộc sống chúng ta đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng vì:

- Mỗi người có một cách sống riêng, suy nghĩ riêng...không ai giống ai.

- Ta không nên thấy người khác không giống ta hoặc chỉ nhìn bề ngoài mà phán xét người khác.

Câu 3: HS nêu được 01 tác hại (trở lên) của việc phán xét người khác

Ví dụ:

- chỉ nhìn thấy nhược điểm của người khác

- ...

Câu 4: 

Thông điệp rút ra từ đoạn trích:

Hs rút ra thông điệp phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có cách lí giải thuyết phục.

II.  LÀM VĂN: 

Câu 1. 

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn, có đủ các phần: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

b. Xác định đúng các vấn đề nghị luận: Những điều mà bản thân thấy cần thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ các dẫn chứng, có thể viết đoạn theo định hướng sau:

- Định kiến: ý nghĩ riêng đã có sẵn, thường là không hay, khó có thể thay đổi được.

- Định kiến của bản thân:  ý nghĩ, quan điểm tiêu cực do bản thân mỗi người tự đặt ra cho mình.

- Định kiến của những người khác: ý nghĩ, quan điểm tiêu cực do người khác đặt ra cho mình.

- Thái độ của bản thân khi đứng trước những định kiến?

- Hành động để thoát khỏi định kiến của bản thân?

- Hành động để thoát khỏi định kiến của người khác?

→ Việc bị chi phối hay điều khiển bởi định kiến là rất tệ: để lại hậu quả không tốt.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận hình tượng Sông Đà trong đoạn trích, bình luận ngắn gọn nét độc đáo trong cách miêu tả sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, bài tùy bút Người lái đò Sông Đà, hình tượng Sông Đà trong đoạn trích.

* Góc nhìn từ bờ bãi sông Đà, dòng sông mang vẻ đẹp của một “cố nhân”

- Nước Sông Đà: Vẻ đẹp của nước Sông Đà gợi nhớ đến một trò chơi của con trẻ “trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”, đẹp một cách hồn nhiên và trong sáng.

- Vẻ đẹp của nắng sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới Đường thì “tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Màu nắng gợi sự ấm áp, tươi sáng mang vẻ đẹp thi vị gợi cảm.

- Vẻ đẹp của bờ bãi sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới thần tiên trong khu vườn cổ tích “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”.

+ Nhịp ngắn liên tiếp như tiếng vui ngỡ ngàng trước khung cảnh bày ra trước mắt.

+ Khung cảnh: Chuồn chuồn bươm bướm bay rợp trên sông với những sắc màu sặc sỡ. Tạo cảm giác lạc vào thế giới thần tiên, khu vườn cổ tích. Tất cả đều thuộc về một cái gì đó từ quá khứ. Khi bất ngờ gặp lại Sông Đà tác giả bất ngờ cảm nhận được cái gì đó đằm đằm ấm ấm hết sức thân thuộc. Chính vì thế nên tác giả bật ra gọi Sông Đà là cố nhân. Vì vậy khi được gặp lại con sông tác giả vui vô cùng để rồi thốt lên “Chao ôi”. Tác giả dùng hai hình ảnh liên tưởng: Vui như thấy nắng giòn tan sau thời kì mưa dầm. Vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.

* Góc nhìn từ giữa lòng sông Đà, con sông mang vẻ đẹp của một người tình nhân: Tác giả dùng điểm nhìn của một du khách hải hồ du ngoạn trên sông nước. Từ đây tác giả cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, đa dạng, phong phú của Sông Đà

- Đó là vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn lưu lại dấu tích của lịch sử cha ông.

+ Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ thời Lý, Trần, Lê cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Lặng tờ là sự im lặng tuyệt đối. Qua bao đời vẫn thế mà thôi.

+ Vắng vẻ đến mức tịnh không một bóng người.

+ Yên tĩnh đến mức tác giả thèm được giật mình bởi tiếng còi xe lửa của chuyến xe lửa đầu tiên đến với vùng đất này. Yên tĩnh đến mức tiếng cá đập nước sông, quẫy vọt lên mặt sông trở thành âm thanh chủ đạo và đủ sức làm cho đàn hươu giật mình chạy vụt biến. Biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh nhấn mạnh vẻ đẹp im lìm quãng hạ lưu này.

* Đánh giá

- Ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông xứ sở và thành công trong việc tìm kiếm chất vàng trong thiên nhiên Tây Bắc.

+ Sông Đà hiện lên qua những trang văn của Nguyễn Tuân không chỉ thuần túy là thiên nhiên, mà còn là một sản phẩm nghệ thuật vô giá. Qua đây tác giả cũng kín đáo thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết và niềm say mê, tự hào với thiên nhiên của quê hương xứ sở mình.

+ Hình tượng sông Đà còn có ý nghĩa là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của con người- người lái đò trên dòng sông.

* Bình luận ngắn gọn nét độc đáo trong cách miêu tả sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.

- Nhà văn nhìn Sông Đà không chỉ là một dòng sông tự nhiên, vô tri vô giác mà còn là một sinh thể có sự sống, có tâm hồn, tình cảm. Với Nguyễn Tuân, sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Vẻ đẹp của Sông Đà hòa quyện vào vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc nên càng trở nên đặc biệt. …

- Cách miêu tả độc đáo này cho thấy Nguyễn Tuân có sự gắn bó sâu nặng, tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên Tây Bắc, với quê hương đất nước, đồng thời cho thấy được ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm của ông.

- Khẳng định bút pháp tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật xây dựng hình tượng văn học.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Nguồn: Tổ Văn, Trường THPT Phan Ngọc Hiển

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM