Đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn mẫu số 1

Xuất bản: 14/02/2023 - Tác giả:

Đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn mẫu số 1 với đề bài đọc hiểu Người thầy thông thái, vĩ đại và đáng kính nhất trong cuộc đời chính là bản thân của mỗi người

Thử sức với mẫu đề thi thử môn văn 2023 mới nhất? Tham khảo đề thi thử môn văn số 1 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:

Mẫu đề thi này làm trong 90 phút, dựa trên đề thi học kì 1 của tỉnh Bắc Ninh năm học vừa qua. CHi tiết như sau:

Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2023 số 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau:

Người thầy thông thái, vĩ đại và đáng kính nhất trong cuộc đời chính là bản thân của mỗi người. Những quyết định được thai nghén trong những giây phút bạn trăn trở, suy ngẫm thường ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của bạn mỗi ngày. Trái tim luôn là người dẫn đường tài ba nhất của bạn, hơn mọi lời chỉ bảo của những người xung quanh. Tất nhiên, bạn cũng nên cởi mở để chia sẻ và đón nhận mọi lời khuyên. Nhưng nếu bạn coi trọng và đặt lòng tin vào ý kiến của người khác hơn chính kiến của bản thân, bạn đã tự tước đi khả năng đặc biệt của mình. Suy cho cùng, bạn mới là người biết rõ về khả năng và cảm giác thực sự trước những việc mình làm.

Không ai dạy ta bài học quý báu hơn bài học ta tự nhận thức. Không thông điệp nào giàu ý nghĩa với trái tim ta bằng thông điệp đang ngân nga trong tâm hồn ta. Không trí tuệ nào thấu tỏ chiều sâu nội tâm ta hơn những lời trái tim ta mách bảo. Vậy tại sao phải dành quá nhiều thời gian để nghe người khác uốn nắn ta là ai trong khi ta có thể tự nhìn nhận và tìm ra câu trả lời cho mình?

Vì vậy, hãy giữ vững niềm tin vào khả năng của bản thân và luôn ghi nhớ rằng chọn lựa của bạn mới là điều quan trọng nhất.

(Quên hôm qua, sống cho ngày mai, Tian Dayton, 

NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.237 - 238)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn coi trọng và đặt lòng tin vào ý kiến của người khác hơn chính kiến của bản thân?

Câu 3. Hãy chỉ ra hiệu quả của câu hỏi tu từ trong câu văn sau: Tại sao phải dành quá nhiều thời gian để nghe người khác uốn nắn ta là ai trong khi ta có thể tự nhìn nhận và tìm ra câu trả lời cho mình?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến của tác giả: người thầy thông thái, vĩ đại và đáng kính nhất trong cuộc đời chính là bản thân của mỗi người không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải giữ vững niềm tin vào khả năng của bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm)

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

 (Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, 

NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.110)

Phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong giọng điệu thơ Tố Hữu.

Hết.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2023 số 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận/Phương thức nghị luận.

Câu 2.

Theo tác giả, nếu bạn coi trọng và đặt lòng tin vào ý kiến của người khác hơn chính kiến của bản thân, bạn đã tự tước đi khả năng đặc biệt của mình.

Câu 3.

Hiệu quả của câu hỏi tu từ:

+ Khẳng định, nhấn mạnh làm nổi bật vai trò,  ý nghĩa của việc tự nhìn nhận chính mình, tin tưởng bản thân, không lệ thuộc vào sự đánh giá và định kiến của người khác.+ Tạo giọng điệu trăn trở, suy tư, giúp câu văn sinh động, hấp dẫn hơn.

Hướng dẫn chấm:

- HS có cách diễn đạt tương đương đạt điểm tối đa.

Câu 4.

- HS trả lời đồng tình/ không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình và có cách lí giải hợp lí.

- Gợi ý cho câu trả lời đồng tình: bản thân mỗi người mới hiểu được rõ  điểm mạnh, điểm yếu, khả năng, mong muốn… của chính mình, vì thế có thể đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn. Những ý kiến của người khác chỉ mang tính chất tham khảo, định hướng.

II. LÀM VĂN 

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự cần thiết phải giữ vững niềm tin vào khả năng của bản thân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

HS có thể vận dụng các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể trình bày theo hướng sau:

- Niềm tin vào khả năng của bản thân là sự tự nhận thức, tin tưởng vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của chính mình…

- Giữ vững niềm tin vào khả năng của bản thân giúp con người có được tinh thần lạc quan, rèn luyện ý chí, nghị lực, quyết tâm, bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thiện mình, vươn lên phía trước, thực hiện ước mơ…

- Cần phê phán thái độ sống tự ti, hèn nhát, không có chính kiến, sống dựa dẫm, ỉ lại, hoặc  tự kiêu, tự phụ, chủ quan…

Lưu ý: HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết của việc giữ vững niềm tin vào khả năng của bản thân trong cuộc sống; có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Lưu ý: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

- HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

- Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên đạt 0,25 điểm.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn thơ trong tác phẩm Việt Bắc, nhận xét về nét đặc sắc trong giọng điệu thơ Tố Hữu.

Hướng dẫn chấm:

- HS xác định đúng vấn đề nghị luận đạt 0,5 điểm.

- HS xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận đạt 0,25 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành cách luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm “Việt Bắc”, đoạn trích.

* Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ

- Về nội dung: Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ sâu đậm của người ra đi đối với thiên nhiên, cảnh vật, con người nơi chiến khu Việt Bắc.

+ Nỗi nhớ của người về xuôi với mảnh đất và con người Việt Bắc được thể hiện qua so sánh với nỗi nhớ người yêu, người thương - mãnh liệt, thường trực, không thể nguôi ngoai…

+ Nỗi nhớ tha thiết, nồng nàn về thiên nhiên Việt Bắc trong các chiều không gian và thời gian: thơ mộng với trăng vàng nơi đầu núi, ấm áp, nhạt nhòa cùng nắng chiều lưng nương, mơ hồ huyền ảo giữa bản khói cùng sương, êm đềm, đầm ấm khi sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

+ Nỗi nhớ sâu đậm, tràn đầy, bao trùm khắp chiến khu Việt Bắc, từ những cảnh vật bình dị, giản đơn, cho tới những địa danh lịch sử ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê.

-> Tình cảm sâu nặng, thắm thiết của người Cách mạng với chiến khu Việt Bắc.

- Về nghệ thuật: Thể thơ lục bát uyển chuyển, trữ tình; sự kết hợp của điệp từ nhớ cùng các biện pháp so sánh, liệt kê, tiểu đối đã thành công thể hiện những cung bậc cảm xúc phong phú trong nỗi nhớ về thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc.

- Đánh giá: Thông qua bức tranh thiên nhiên mộc mạc, giản dị, đơn sơ mà thơ mộng, trữ tình, đầm ấm, tươi vui, đoạn thơ đã bộc lộ sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ thương da diết của người về xuôi với mảnh đất và con người Việt Bắc.

Hướng dẫn chấm: Phân tích đầy đủ, sâu sắc (2,5 điểm); phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu (1,5 điểm – 2,0 điểm); phân tích chung chung, chưa rõ các ý (1,0 điểm); phân tích sơ lược, không rõ các ý (0,25 điểm – 0,5 điểm).

* Nhận xét về nét đặc sắc trong giọng điệu thơ Tố Hữu.

- Thể thơ lục bát uyển chuyển, trữ tình, cách xưng hô mình - ta,  ngôn ngữ giản dị, hình ảnh đặc sắc, các phép liệt kê, so sánh …; thừa hưởng điệu tâm hồn của con người xứ Huế; quan niệm về thơ cùng cách diễn đạt tự nhiên, đằm thắm, chân thành, liền mạch, giàu nhạc điệu đã làm nên giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết trong thơ Tố Hữu.

Hướng dẫn chấm: HS đánh giá được 02 trở lên ý đạt điểm tối đa.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc từ 05 lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: HS biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh, mở rộng để làm nổi bật nội dung và nghệ thuật đoạn trích; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên đạt 0,5 điểm.

- Đáp ứng được 01 yêu cầu đạt 0,25 điểm.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2023 số 1 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.

Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM