Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn lần 3 Nguyễn Viết Xuân

Xuất bản: 23/03/2023 - Tác giả:

Đề thi thử THPT quốc gia 2023 môn Văn lần 3 Nguyễn Viết Xuân có đáp án với yêu cầu nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về vấn đề sống là hành động.

Mục lục nội dung

Bạn muốn tìm tài liệu đề thi thử thpt 2023 môn văn? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn lần 3 của trưởng THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc) dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn văn Nguyễn Viết Xuân lần 3

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC -TRƯỜNG THPT NGUYỄN VIẾT XUÂN

ĐỀ THI KSCL LẦN 3 NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 12

Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc văn bản:

Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc

Hai tiếng động nhỏ bé kia

Hơn mọi ầm ào gầm thét

Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người

Đó là thời gian

Nó báo hiệu mỗi giây phút đi qua không trở lại

Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối

Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu

Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau

Thời gian – đó là chiều dày những trang ta viết

Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Sexpia:

“Tồn tại hay không tồn tại”

Không có nghĩa là sống hay không sống

Mà là hành động hay không hành động

Nhận thức hay không nhận thức

Tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?

Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại

Chỉ day dứt một điều: Làm sao với những sự vật bình thường

Những ngày tháng bình thường

Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường

Ta biến thành con tàu, thành tấm vé

Những ban mai lên đường.

(Cho Quỳnh những ngày xa - Lưu Quang Vũ, NXB Hội nhà văn, 2010)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Trong văn bản, nhân vật trữ tình anh hiểu câu nói “Tồn tại hay không tồn tại” trong kịch Sexpia là gì?

Câu 2. Xác định một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:

Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau

Thời gian - đó là chiều dày những trang ta viết

Câu 3. Nêu nội dung của hai dòng thơ sau:

Ta biến thành con tàu, thành tấm vé

Những ban mai lên đường.

Câu 4. Nhận xét về lẽ sống của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ trên.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề sống là hành động.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân viết:

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu:

- Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.

- Vâng.

Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị tu chí làm ăn không? Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...

Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế.

(Ngữ Văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.30-31)

Anh/Chị hãy phân tích vẻ đẹp tâm hồn người nông dân trong đoạn trích trên; từ đó, liên hệ tới chi tiết xuất hiện trong óc Tràng ở cuối truyện để rút ra nhận xét về cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn Kim Lân.

—— Hết——

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá! Đối chiếu với hướng dẫn làm bài bên dưới.

Đáp án đề thi thử môn Văn 2023 lần 3 Nguyễn Viết Xuân

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Nhân vật trữ tình anh hiểu câu nói “Tồn tại hay không tồn tại” là: hành động hay không hành động, Nhận thức hay không nhận thức, Tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?

Câu 2.  Biện pháp tu từ là: điệp cấu trúc cú pháp

Thời gian - đó là … những

Câu 3. Nội dung 2 dòng thơ:

- Con tàu, tấm vé, ban mai lên đường: thể hiện khát vọng lên đường, dấn thân, nhập cuộc.

- Đó là thái độ tích cực, sống hết mình với cuộc đời của nhà thơ.

Câu 4. Nhận xét về lẽ sống của tác giả trong đoạn trích:

- Đoạn thơ là lời tuyên ngôn về lẽ sống: yêu thương và cống hiến; hành động, nhận thức và làm chủ cuộc đời; chủ động dấn thân, nhập cuộc…

- Thái độ sống đúng đắn, tích cực của một trái tim yêu đời tha thiết; chiến thắng nỗi sợ thời gian bằng lí tưởng sống nhiệt huyết.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sống là hành động.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Định hướng:

- Sống là hành động thực chất là nói tới sự chủ động, năng động trong cuộc sống, nói tới sự linh hoạt nhập cuộc, trải nghiệm và đổi mới.

- Lối sống hành động có ý nghĩa với cá nhân và xã hội:

+ Với cá nhân: làm chủ cuộc đời, nắm bắt được cơ hội, khẳng định được giá trị bản thân, thành công. Khắc phục thói quen và thái độ “há miệng chờ sung”, dựa dẫm,….

+ Với xã hội: thúc đẩy sự phát triển xã hội, theo kịp xu thế mới,…

- Phê phán những con người bảo thủ, trì trệ, ngại đón nhận cái mới, ỷ lại, sống trong cuộc đời tù đọng.

- Bài học nhận thức và hành động: chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt từ tinh thần đến kiến thức và các kỹ năng thiết yếu phù hợp với thời đại. Thay đổi tư duy và nhận thức và sẵn sàng hành động,…

(HS cần lấy dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề bàn luận)

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề cần nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vẻ đẹp tâm hồn người nông dân; cách nhìn cuộc đời, con người của nhà văn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, bảo đảm các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát: tác giả Kim Lân, truyện ngắn “Vợ nhặt” và đoạn trích.

* Phân tích vẻ đẹp tâm hồn người nông dân

- Hoàn cảnh sống: tăm tối, khốc liệt bởi cái đói và cái chết bủa vây. Người chết như ngả rạ. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nhưng tâm hồn người nông dân vẫn dạt dào niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc. Tâm trạng mọi người trong gia đình thay đổi tích cực vào buổi sáng hôm sau.

- Vẻ đẹp tâm hồn con người đối lập với hoàn cảnh:

* Lạc quan, yêu đời, tươi vui trong hoàn cảnh nạn đói:

+ Tràng: cảm động, yêu thương, gắn bó với gia đình; trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.

+ thị: hiền hậu, đúng mực, không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn.

+ Bà cụ Tứ: nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên.

* Ý thức vun vén, xây dựng hạnh phúc gia đình:

+ Tràng: xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

+ thị: đảm đang, ý thức bổn phận là vợ hiền, dâu thảo.

+ Bà cụ Tứ: xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa.

=> Suy nghĩ của mọi người trong nhà: hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.

* Yêu thương, hòa thuận và suy nghĩ tích cực về tương lai:

+ Không khí đầm ấm, hòa hợp dù bữa ăn ngày đói rất thảm hại.

+ Nói toàn chuyện vui, tính đến nuôi gà.

- Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người nông dân:

+ Thủ pháp đối lập tương phản giữa tính cách và hoàn cảnh sống

+ Với ngôn ngữ mộc mạc mà tinh tế, Kim Lân bộc lộ tài năng xây dựng nhân vật khi họ cùng hoàn cảnh, cùng chung tâm trạng vui sướng hạnh phúc nhưng mỗi người lại có cách biểu lộ cảm xúc riêng.

+ Sự am hiểu tâm lí con người đã giúp ông có được những trang văn chân thực, cảm động.

+ Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, giọng điệu tự nhiên, không cầu kì, đậm phong thái của những con người nơi vùng quê chất phác.

- Đánh giá chung:

+ Nhà văn Kim Lân không chỉ nói lên sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói khủng khiếp mà quan trọng hơn là đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết vẻ đẹp của con người vẫn luôn tỏa rạng. Trong cái khốn cùng, thiếu thốn, đói nghèo con người vẫn dành cho nhau những tình cảm chân thành và đáng trân trọng nhất. “Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”. (Hoài Việt)

+ Tư tưởng nhân đạo mới mẻ của Kim Lân.

* Liên hệ chi tiết cuối truyện và rút ra nhận xét:

- Chi tiết cuối truyện: Đám người đói và lá cờ đỏ trong óc Tràng vừa thể hiện chân thực nạn đói vừa cho thấy tín hiệu rõ rệt của cách mạng. Hé mở, dự báo tương lai tươi sáng của người nông dân.

- Nhận xét cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn:

+ Cái nhìn tiến bộ của thế giới quan cách mạng: hiện thực cuộc sống luôn có sự vận động từ tăm tối, khốc liệt tới ánh sáng tương lai.

+ Cái nhìn giàu tình thương và nhân ái: trân trọng, nâng niu khát khao sống và khát vọng hạnh phúc của người nông dân.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2023 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM