Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn Chuyên Võ Nguyên Giáp lần 1

Xuất bản: 13/04/2023 - Tác giả:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn Chuyên Võ Nguyên Giáp lần 1 có đáp án chi tiết với bài đọc hiểu Chúng ta sẵn sàng đối phó với thiên tai?-

Chào các em học sinh lớp 12! Đọc tài liệu hướng tới việc giúp các em có thêm thật nhiều nội dung ôn luyện giải đề thi thử môn Ngữ văn bổ ích hơn nữa. Hãy cùng khám phá thêm tài liệu đề thi thử lần thứ nhất của trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình) dưới đây các em nhé!

Cùng đi vào tìm hiểu chi tiết nội dung đề thi thử thpt quốc gia 2023 này:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn Chuyên Võ Nguyên Giáp lần 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Mới đây, ngày 28/2, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã công bố những thiệt hại về người và của do thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Kết quả thống kê sơ bộ cho thấy: sau 3 tuần xảy ra thảm họa ít nhất 50.000 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, hàng chục ngàn người khác vẫn mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa… Trước đó một ngày, báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 27/2 đánh giá nhanh về thiệt hại của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số giật mình: mức thiệt hại về vật chất trực tiếp ước tính 34,2 tỉ USD, tương đương 4% GDP năm 2021 của quốc gia này. Để phục hồi và tái thiết đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đầu tư một khoản chi phí lớn, ước tính nhiều gấp đôi mức thiệt hại đã xảy ra.

(2) Không ai dám chắc cần bao lâu mới khắc phục được hậu quả của trận động đất; cần chính xác mất bao nhiêu thời gian để những phố xá, nhà cửa, bệnh viện, trường học,… mới được xây dựng xong và cuộc sống của người dân dần đi vào nề nếp? Nhưng dù sao thời gian đó còn có thể ước tính được bằng ngày, bằng tháng, bằng năm cụ thể vì các chuyên gia còn định lượng được. Nhưng thời gian để lòng người nguôi ngoai, để những nỗi đau lắng lại, những vết thương không còn nhoi nhói, thổn thức, thì chắc chắn sẽ còn phải rất lâu, rất lâu nữa… Chẳng ai có thể lường được sự bất trắc của thiên tai. Và khi nó đã xảy ra thì chúng ta phải học cách chống chọi với nó, chung sống với nó.

(3) Mỗi ngày trôi qua, không hiểu sao tôi luôn bị ám ảnh mãi bởi thông tin về những người mất tích sau trận động đất, đến lúc này vẫn chưa được tìm thấy. Họ may mắn còn sống, dạt vào một góc đổ nát nào đó, cầm cự sống tiếp qua ngày? Hay viết tiếp tên mình vào danh sách những người đã chết? Trong thảm họa khủng khiếp này, quyền được sống của con người bỗng trở nên quá đỗi chật vật, mong manh. Rồi có khi người ta phải trông chờ đến những phép lạ mới có thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Niềm hãnh diện về sức mạnh và quyền lực của thế giới loài người khi phải đọ sức với cơn thịnh nộ của thiên nhiên bỗng trở nên nhỏ bé vô cùng.

(Phong Điệp - Chúng ta sẵn sàng đối phó với thiên tai - antgct.cand.com.vn, ngày 24/3/2023)

Câu 1. Chỉ ra 02 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Đoạn (1) của văn bản đã nêu lên những thiệt hại nào của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria?

Câu 3. Xác định một biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong đoạn (3) văn bản và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 4

. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Niềm hãnh diện về sức mạnh và quyền lực của thế giới loài người khi phải đọ sức với cơn thịnh nộ của thiên nhiên bỗng trở nên nhỏ bé vô cùng không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách để con người vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống.

Câu 2. (5.0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt (SGK Ngữ văn 12 tập 2, NXB Giáo dục), nhà văn Kim Lân đã tả nhân vật người vợ nhặt lúc được Tràng đãi bánh đúc: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.”

Và lúc thị nhận bát cháo cám từ cụ Tứ: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.”

Cảm nhận của anh/chị về người vợ nhặt qua hai chi tiết trên, từ đó nhận xét về cách nhìn con người của nhà văn.

HẾT

Đáp án đề thi thử môn Văn 2023 Chuyên Võ Nguyên Giáp lần 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Các phương thức biểu đạt: Thuyết minh, Nghị luận, Biểu cảm

(Lưu ý: HS chỉ cần nêu 2/3 PTBĐ nói trên, nêu được một phương án giám khảo cho 0,5 điểm)

Câu 2. Những thiệt hại của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được nêu lên trong đoạn (1): ít nhất 50.000 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương, hàng chục ngàn người khác vẫn mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa…; mức thiệt hại về vật chất trực tiếp ước tính 34,2 tỉ USD

Câu 3. 

- Biện pháp tu từ cú pháp trong đoạn (3): Câu hỏi tu từ (Họ may mắn còn sống, dạt vào một góc đổ nát nào đó, cầm cự sống tiếp qua ngày? Hay viết tiếp tên mình vào danh sách những người đã chết?)

- Tác dụng của biện pháp tu từ cú pháp:

+ Làm cho lời văn trở nên sinh động, sắc thái ý nghĩa trong câu trở nên đa dạng và phong phú, thu hút sự chú ý và gợi những liên tưởng cho người đọc;

+ Diễn tả niềm hy vọng, mong cầu về sự may mắn được thoát nạn và cảm xúc đau buồn, thương xót của tác giả đối với những nạn nhân xấu số trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Câu 4. Học sinh có thể đồng tình/ không đồng tình, nhưng sự lí giải phải thuyết phục, hợp lí.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Suy nghĩ về cách để con người vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận:

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ:

- Nghịch cảnh là hoàn cảnh trớ trêu, éo le, là những trắc trở, rủi ro mà con người không mong muốn như: xung đột, chiến tranh, bệnh tật, thảm họa thiên tai..; xuất hiện như một phần tất yếu của cuộc sống.

- Suy nghĩ về cách để con người vượt qua những nghịch cảnh:

+ Học hỏi, trau dồi kiến thức; rèn luyện kĩ năng; bồi đắp tâm hồn để nâng cao năng lực, khả năng giải quyết, xử lí tình huống;

+ Cần mạnh mẽ, kiên cường đối diện; linh hoạt thay đổi bản thân để thích ứng; bình tĩnh đối phó, tìm ra giải pháp và cách khắc phục những khó khăn, thử thách;

+ Lạc quan, luôn có niềm tin vào tương lai; sống biết yêu thương, đoàn kết để có sức mạnh vượt qua nghịch cảnh.

- Vượt qua nghịch cảnh, con người sẽ chứng tỏ được tầm vóc của trí tuệ và bản lĩnh của chính mình; đó cũng là thử thách để con người rèn luyện bản thân, để chiến thắng và thành công.

d. Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về người vợ nhặt qua hai chi tiết, từ đó nhận xét về cách nhìn con người của nhà văn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật người vợ nhặt

* Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt qua 2 chi tiết

-  Lúc được Tràng đãi bánh đúc:

+ Hoàn cảnh: Đói khát cùng đường, áo quần rách nát, gầy sọp đi…

+ Tính cách, tâm trạng

. Táo tợn, trơ trẽn; bị cái đói tàn phá cả nhân hình và nhân tính, đánh mất sự ý tứ duyên dáng, tự trọng của một người phụ nữ.

. Khát vọng sống mãnh liệt, niềm yêu sống tha thiết, bản lĩnh sống mạnh mẽ, kiên cường.

- Lúc nhận bát cháo cám từ cụ Tứ:

+ Hoàn cảnh: Theo không về, chung sống cùng Tràng; bữa cơm đầu tiên của cuộc sống gia đình trong nạn đói.

+ Tính cách, tâm trạng:

. Nỗi buồn tủi chua xót cho thân phận bọt bèo, bị cái đói đeo đẳng bám riết.

. Biết thấu hiểu, cảm thông, chấp nhận gia cảnh khốn nghèo của Tràng; ý thức sẻ chia, đồng cam cộng khổ cùng Tràng và cụ Tứ để vượt qua thảm cảnh.

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật: Đặt nhân vật vào tình huống bất ngờ, trớ trêu; miêu tả tâm trạng, tính cách nhân vật qua những chi tiết chân thực; ngôn từ mộc mạc…

* Nhận xét về cách nhìn con người của nhà văn.

- Nhìn con người trong sự vận động để thấy những biến chuyển, đổi thay ở tính cách con người; để thấy tính cách là con đẻ của hoàn cảnh, chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh;

- Nhìn con người bằng tấm lòng xót xa thương cảm cố tìm mà hiểu, bằng đôi mắt của niềm tin yêu, từ đó mà thấy được những vẻ đẹp đáng quý ẩn giấu trong tâm hồn con người.

d. Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM