Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn trường Hồ Nghinh lần 2

Xuất bản: 17/05/2022 - Tác giả:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn có đáp án của trường Hồ Nghinh lần 2 với bài đọc hiểu Biển là Tổ quốc của Nguyễn Phan Quế Mai.

Mục lục nội dung

Bạn muốn thử sức với các tài liệu đề thi thử tốt nghiệp 2022 môn văn mới nhất? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn lần 2 của trường THPT Hồ Nghinh - tỉnh Quảng Nam dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2022 Hồ Nghinh lần 2

TRƯỜNG THPT HỒ NGHINH - TỔ NGỮ VĂN

KÌ THI THỬ TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2022

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển

Máu nghìn đời sẽ biết chảy về đâu?

Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển

Hồn ông cha biết nương náu nơi nào?

Hôm nay bóng tối và lòng tham thộc bão giông vào biển

Biển rùng mình, máu của biển đỏ loang

Những tiếng thét trào lên bất tận

Bắc Trung Nam lớp lớp sóng dâng tràn.

Ta tan mình vào lòng đất nước

Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông

Xung quanh ta triệu người dân đất Việt

Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình

Siết tay nhau đem ánh bình minh

Đem sự thật đến đập tan lòng tham, bóng tối

(Trích Biển là Tổ quốc, Nguyễn Phan Quế Mai,

tập thơ Tổ quốc gọi tên mình, NXB Phụ nữ, 2015, tr.86 – 87)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Theo đoạn trích, Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển thì những hiểm họa gì có thể xảy ra?

Câu 3. Xác định hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình

Siết tay nhau đem ánh bình minh

Câu 4: Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh chị?

Ta tan mình vào lòng đất nước

Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn  (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của cuộc sống yên bình.

Câu 2 (7.0 điểm)

Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với chiếc máy ảnh, đi quá mươi bước sâu vào phía trong có một chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ, chiếc xe sơn màu vàng tươi và to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng. Hai người đi qua trước mặt tôi. Họ đi đến bên chiếc xe rà phá mìn. Người đàn bà đứng lại, ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân.

Lão đàn ông lập tức trở lên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.

Tất cả mọi việc xẩy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới.

Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác – thằng bé trên rừng xuống vừa nằm ngủ với tôi từ lúc nửa đêm. Thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng làm nó khi chạy qua không nhìn thấy tôi. Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông.

Cũng y hệt người đàn bà, thằng bé của tôi cũng như một người câm, và đến lúc này tôi mới biết là nó khỏe đến thế!

Khi tôi chạy đến nơi thì chiếc thắt lưng da đã nằm trong tay thằng bé, không biết làm thế nào nó đã giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên. Lão đàn ông định giằng lại chiếc thắt lưng nhưng chẳng được nữa, liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12,

Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr. 72-73)

Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tình huống nhận thức trong tác phẩm.

-HẾT-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức đã học! Đối chiếu với hướng dẫn làm bài bên dưới.

Đáp án đề thi thử môn văn 2022 Hồ Nghinh lần 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Thể thơ:  Tự do

Câu 2: Theo đoạn trích, Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển thì những điều có thể xảy ra:

- Máu nghìn đời sẽ biết chảy về đâu?

- Hồn ông cha biết nương náu nơi nào?

Mất biển đồng nghĩa mất cả giang sơn, mất cả truyền thống oai hùng của một dân tộc anh hùng

Câu 3: Xác định hiệu quả nghệ thuật của của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình

Siết tay nhau đem ánh bình minh

- Phép điệp ngữ “Siết tay nhau”  nhấn mạnh tình yêu, tình đoàn kết và lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo của quê hương; sự vững tin vào tương lai tươi sáng.

- Tạo nhịp điệu, nhạc tính cho đoạn thơ.

Câu 4: Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh chị?.

Ta tan mình vào lòng đất nước

Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông

HS có thể diễn đạt nhiều cách khác nhau, dưới đây là một số nội dung chính mà các em cần trình bày được:

- Mỗi người là một phần của đất nước, góp phần tạo dựng nên những giá trị truyền thống và bảo vệ chủ quyền của đất nước;

- Các thế hệ cha ông đã dày công gây dựng và bảo vệ đất nước.

- Bản thân phải biết góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp chung của đất nước đồng thời biết trân trọng sự hy sinh của các thế hệ cha ông và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: giá trị của cuộc sống yên bình.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giá trị của cuộc sống yên bình. Có thể triển khai theo hướng sau:

Cuộc sống yên bình là mục tiêu vươn tới của mỗi người, của cộng đồng; cuộc sống yên bình mang đến cho con người cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, vui vẻ; để có được sự yên bình trong cuộc sống, mỗi người phải luôn biết trân trọng những gì mình đang có, biết suy nghĩ, hành động tích cực...

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo quy tắc chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ về vấn đề nghị luận.

Câu 2

Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn văn xuôi

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích; tình huống nhận thức trong tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và đoạn trích

- Phân tích phát hiện thứ hai của nghệ sĩ Phùng

+ Chứng kiến những cảnh tượng vô cùng đau lòng. Những cảnh tượng đó khiến cảm giác, cảm xúc trong Phùng hoàn toàn thay đổi: nhận ra ngay sau cảnh đẹp của chiếc thuyển ngoài xa là sự bạo hành của cái xẩu, cái ác.

+ Phát hiện thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy nghịch lí. Nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Đó chính là phát hiện về cuộc đời - một - cuộc đời thực trần trụi, đau đớn.

+ Đánh giá: Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một thông điệp: Nghệ thuật đích thực không thể xa rời cuộc đời, dù cuộc đời đó có đau đớn, trần trụi và mỗi người, đặc biệt là người nghệ sĩ không nên nhìn nhận cuộc sống từ một phía mà phải nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ để cảm nhận được nhiều hơn về nó.

- Về nghệ thuật: Thông điệp đó được thể hiện sâu sắc qua tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống và lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.

* Nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm

- Biểu hiện: Đó là tình huống nhân vật Phùng từ chỗ khám phá cái đẹp của bức tranh thiên nhiên qua cảnh chiếc thuyền ngoài xa, anh đã phát hiện ra những nghịch lí của cuộc đời, để rồi cuối cùng nhận thức được nhiều điều: những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực.

- Ý nghĩa:Với tình huống của truyện, nhà văn đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống: nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống.

>>> Tham khảo bài văn mẫu phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng nếu em muốn tìm hiểu và làm thử bài văn này.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2022 môn văn mới theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.

Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM