Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn - Nguyễn Viết Xuân lần 3

Xuất bản: 20/05/2022 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn - Nguyễn Viết Xuân lần 3 với bài đọc hiểu Đời ngắn, đừng ngủ dài của Robin sharma.

Mục lục nội dung

Bạn muốn tìm tài liệu đề thi thử thpt 2022 môn văn? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn lần 3 của trưởng THPT Nguyễn Viết Xuân dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn Nguyễn Viết Xuân lần 3

SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC - TRƯỜNG THPT NGUYỄN VIẾT XUÂN

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 3 NĂM HỌC 2021 - 2022

Môn: NGỮ VĂN 12

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị sự dễ dàng cám dỗ. Ta muốn vẻ bề ngoài khỏe mạnh và cân đối, nhưng lại không muốn phải luyện tập để đạt được nó. Ta muốn thành công trong sự nghiệp nhưng lại tự nhủ giá như có một cách nào đó để thành công mà không phải làm việc vất vả và tuân  theo kỉ luật (mọi nhà điều hành vĩ đại cũng như các công ty lớn đều rất kỉ luật). Ta ước mơ có một cuộc đời tràn đầy niềm vui, không nỗi sợ nhưng lại thường xuyên tránh né các biện pháp hiệu quả nhất (như dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách), những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến lý tưởng của mình. Chẳng có gì miễn phí. Chẳng có buổi tiệc nào thực sự là buổi chiêu đãi. Điều tốt đẹp trong đời luôn đòi hỏi sự hi sinh và tận hiến. Mỗi chúng ta, để đạt tới một con người duy nhất và vượt trội trong nghề nghiệp, đều phải trả giá. Càng trả giá nhiều, càng nhận nhiều...

Cuộc đời vĩ đại không từ trên trời rơi xuống. Mà phải được đẽo gọt và xây dựng, như đền TajMahal, như Vạn Lí Trường Thành, ngày qua ngày, viên gạch này nối tiếp viên gạch khác. Việc kinh doanh thành công đâu phải tự nhiên mà có. Chúng đến từ những nỗ lực và phát triển liên tục không ngừng. Đừng rơi vào ảo tưởng rằng cuộc đời tốt đẹp sẽ đến mà không cần nỗ lực. Hãy nỗ lực hết mình, và điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Chắc chắn thế.

(Trích Đời ngắn, đừng ngủ dài - Robin sharma - NXB Trẻ, 2014; tr.91)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến với lí tưởng của mình là gì?

Câu 3. Việc tác giả nhắc đến đền Taj Mahal và Vạn Lí Trường Thành có tác dụng gì?

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống.

Câu 2. (5.0 điểm)..

... Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói như con rùa nuôi trong xó cửa…

.... Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

Rượu đã tan từ lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường.

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi…

Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại đang sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.

Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên, từ đó, nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Mị.

Hết

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá! Đối chiếu với hướng dẫn làm bài bên dưới.

Đáp án đề thi thử môn văn 2022 Nguyễn Viết Xuân lần 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả, những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến với lí tưởng của mình là: Dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách.

Câu 3. Việc tác giả nhắc đến Taj Mahal và Vạn Lí Trường thành có tác dụng:

- Nhấn mạnh ý: mọi thành công không tự nhiên mà có. Con người phải trải qua quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ mới có được những thành quả như mong muốn.

- Tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận.

Câu 4. Thí sinh có thể trả lời theo suy nghĩ, quan điểm của cá nhân nhưng cần lí giải một cách logic, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Gợi ý:

- Hãy tận tâm và cống hiến hết mình trong công việc vì cuộc đời không cho không ai điều gì cả, tất cả thành công đều đến từ sự cố gắng, nỗ lực. Chỉ có làm việc bằng hết khả năng và tâm huyết con người mới có thể thực hiện được điều mình muốn, mới nhận được những thành quả xứng đáng.

- Hãy sống có kỉ luật vì cuộc đời không bao giờ là dễ dàng. Con người luôn phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Chỉ có nghiêm khắc với chính mình con người mới trưởng thành, mới rèn luyện được bản lĩnh để thực hiện được điều mình mong muốn.

- .................

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, tổng – phân – hợp…

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Ý nghĩa của sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn những thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận treo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng:

*. Giải thích: Sự nỗ lực là khả năng con người tự mình có ý thức và bản lĩnh, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống để đạt được mục tiêu và mơ ước.

*. Bàn luận.

- Sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống giúp cho con người luôn chủ động trong công việc, dám xông pha đối mặt với những thử thách của cuộc đời.

- Sự nỗ lực hết mình mang đến cho con người nhiều trải nghiệm đáng quý, giúp con người bồi đắp thêm vốn tri thức, rèn luyện bản lĩnh,... đó là nền tảng để con người hòa nhập với cuộc sống và không ngừng phát triển.

- Sự nỗ lực không ngừng giúp con người có thêm nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, thực hiện ước mơ, khát vọng.

- Nếu không nỗ lực, con người sẽ trở nên yếu đuối trước hoàn cảnh, thỏa hiệp trước nghịch cảnh và sẽ khó có thể thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch của bản thân.

- Người không có tinh thần nỗ lực, luôn lảng tránh công việc khó, chọn việc dễ mà làm, thiếu năng động, sáng tạo, không chịu đổi mới bản thân, sống đố kỵ, ích kỷ ...sẽ thất bại trong cuộc sống.

- Phê phán những cá nhân không có sự nỗ lực, cố gắng học tập, lao động mà chơi bời lêu lổng, đua đòi và sa vào những tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

* Bài học nhận thức và hành động:

- Hãy không ngừng nỗ lực vì chỉ khi nỗ lực, bạn mới có thể vượt lên thất bại để thành công.

- Mỗi cá nhân cần nỗ lực trong học tập, công việc mới có thể tạo nên một xã hội phát triển văn minh; đời sống vật chất, tinh thần luôn được cải thiện...

Xem thêm tài liệu nghị luận về ý chí nghị lực để bổ sung cho đoạn văn này.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.

Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích và tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận.

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, đoạn trích và nhân vật Mị.

2. Cảm nhận nhân vật Mị trong đoạn trích.

2.1. Cảm nhận nhân vật Mị đoạn 1: Số phận khổ đau của người con dâu gạt nợ.

* Vị trí: Phần đầu tác phẩm.

* Hoàn cảnh.

- Vì món nợ hôn nhân truyền kiếp từ đời cha mẹ nên Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà Thống lí Pá Tra.

- Mị đã từng phản kháng nhưng thương cha nên đành chấp nhận cảnh sống nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra.

* Số phận khổ đau.

- Mị bị tê liệt về tinh thần:

+ Ở lâu trong cái khổ Mị không còn sức phản kháng, Mị buông xuôi, bất lực, quen với cái khổ.

+ Mị làm việc theo thói quen với những công việc lặp đi lặp lại, trở thành cái bóng âm thầm, lặng lẽ như như con rùa nuôi trong xó cửa.

- Mị bị bóc lột sức lao động:

+ Mị trở thành công cụ lao động, làm việc làm quần quật cả ngày lẫn đêm, suốt năm, suốt tháng.

+ Mị nhận thấy thân phận mình không bằng con ngựa, con trâu…

- Cường quyền và thần quyền đã bóc lột người con gái Tây Bắc, từ một cô gái xinh đẹp, khao khát tình yêu, hạnh phúc Mị trở thành cái bóng vô hồn vô cảm, sống mà như đã chết, không dĩ vãng, không hiện tại và không cả tương lai…..

2.2. Cảm nhận nhân vật Mị ở đoạn 2: Sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của Mị.

* Vị trí: Phần giữa tác phẩm.

* Hoàn cảnh: Khung cảnh mùa xuân và âm thanh tiếng sáo thiết tha bổi hổi đã tác động tới Mị.

* Sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân ở Mị.

- Hành động: Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát như chứa đựng biết bao nỗi niềm…

- Cảm xúc:

+ Mị quên đi thực tại trước mắt, sống lại những kí ức tươi đẹp của quá khứ với những đêm tình mùa xuân của thời con gái, của tuổi thanh xuân tươi đẹp, hạnh phúc.

+ Mị bỗng thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Những cảm xúc này cho thấy tâm hồn Mị đang dần dần hồi sinh, trái tim bắt đầu biết vui trở lại.

- Nhận thức:

+ Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi: Sự chuyển biến sâu sắc ở Mị, thấy được khát vọng mong muốn chính đáng của Mị. Mị muốn được sống trong không khí của đêm tình mùa xuân của đêm nay, của hiện tại.

+ Nghĩ tới thực tại đau khổ, vô lí, oan ức của mình: Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau.

+ Mị muốn chết: Nếu có nắm lá ngón…nhớ lại nữa. Thể hiện sự phản kháng quyết liệt với hoàn cảnh, muốn chấm dứt ngay cuộc đời nô lệ đầy đau khổ này.

- Tiếng sáo gọi bạn tình thôi thúc đã khiến những sôi sục trong tâm trí Mị bùng ra thành hành động: (ý nghĩa tiếng sáo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ)

+ Hành động khác thường: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Mị thắp sáng căn phòng như xua đi tất cả cái tăm tối, u ám đang bao vây cuộc đời Mị, thắp sáng những khát khao Mị…

+ Mị đã hành động như một con người tự do, theo tiếng gọi của lòng mình: Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. Mị đã trở thành con người hoàn toàn khác với khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt.

2.3. Nghệ thuật.

- Miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế, tài tình: giọng điệu trần thuật: tha thiết, bồi hồi, có khi dòng suy nghĩ của nhân vật và của nhà văn hòa làm một, tạo xúc động cho người đọc.

- Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn: Cách kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại; giữa kể và tả. Đặc biệt là cách dựng cảnh, tạo không khí rất đặc sắc qua các chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

- Cách miêu tả cảnh trí, nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán độc đáo, mang phong vị đặc trưng của vùng Tây Bắc.

- Ngôn ngữ kể chuyện sinh động, chọn lọc với vốn ngôn ngữ phong phú, sáng tạo. Lối văn giàu tính tạo hình, thấm đẫm chất thơ. Đặc biệt, Tô Hoài đã vận dụng sáng tạo cách nói hồn nhiên, giàu hình ảnh của người miền núi.

3. Nhận xét sự thay đổi của nhân vật Mị.

- Đoạn 1: Thân phận khổ đau, nô lệ của Mị: Mị bị tê liệt tinh thần, thờ ơ vô cảm, không có sức phản kháng…

- Đoạn 2: Mị đã hoàn toàn thay đổi về cảm xúc, nhận thức, hành động. Từ khổ đau, vô cảm, cam chịu trở thành người có sức sống mãnh liệt. Mị thực sự đã hồi sinh.

- Lí giải nguyên nhân:

+ Do sự tác động của ngoại cảnh: khung cảnh đêm tình mùa xuân, âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình ...

+ Do sâu thẳm tâm hồn Mị vẫn tiềm ẩn khát vọng sống ...

4. Đánh giá chung.

- Qua sự thay đổi của nhân vật Mị trong trích đoạn, nhà văn đã thể hiện sâu sắc cái nhìn hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ: khẳng định, ngợi ca sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt ở một người phụ nữ bị đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần; sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của nhân vật; bộc lộ niềm tin mãnh liệt vào khát vọng sống cùng khả năng hồi sinh tâm hồn của người dân lao động miền núi.

- Bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình, Tô Hoài đã để lại trong lòng độc giả vẻ đẹp về tâm hồn, tính cách của những người dân vùng cao Tây Bắc.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử môn văn theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM