Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn của Sở Bắc Ninh

Xuất bản: 24/05/2022 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn văn của Sở Bắc Ninh với bài đọc hiểu Mẹ của tác giả Đoàn Ngọc Thu (Cả cuộc đời cha đi bộ đội)

Mục lục nội dung

Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn 2022 của Sở GD&ĐT Bắc Ninh dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử
THPT Quốc gia 2022 môn văn Sở Bắc Ninh

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Cả cuộc đời cha đi bộ đội

Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương

Và trên ngực những vết thương

Cứ trở gió lại đau nhức nhối

Chiếc ba lô gió sương đã gội

Gia tài cha tặng mẹ… chỉ thế thôi.

Mẹ đón cha lặng lẽ

Mắt rạng ngời lệ đẫm những cách xa

Hai mươi năm ngày cưới

Đến hôm nay đời chồng - vợ bắt đầu

Hai mươi năm lấy nhau

Mẹ đẻ con rồi nuôi con một mình

Tháng năm trôi…

Cả cuộc đời cha đi bộ đội

Đến cuối đời cha về

Những đứa con lớn khôn

lại ra đi,

ra đi.

Mẹ ơi những khi con hạnh phúc

Rồi khi con của mẹ va vấp

Chỉ một chỗ gục vào là mẹ

Mẹ ơi!

(Trích Mẹ, Đoàn Ngọc Thu, Nxb Văn hoá thông tin Hà Nội, 2001,tr.37-38)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Theo văn bản, gia tài cha tặng mẹ khi trở về sau cuộc chiến tranh bao gồm những gì?

Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng phép điệp trong các câu thơ:

Mẹ đón cha lặng lẽ

Mắt rạng ngời lệ đẫm những cách xa

Hai mươi năm ngày cưới

Đến hôm nay đời chồng - vợ bắt đầu

Hai mươi năm lấy nhau

Mẹ đẻ con rồi nuôi con một mình

Tháng năm trôi

Câu 4. Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân từ những câu thơ sau:

Mẹ ơi những khi con hạnh phúc

Rồi khi con của mẹ va vấp

Chỉ một chỗ gục vào là mẹ

Mẹ ơi!

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự hi sinh.

Câu 2. (5,0 điểm)

Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Lê-nin-grat, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng mặt trời mùa xuân, mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. […] Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Hê-ra-clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi qua nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố… Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.199-200)

Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tình cảm của Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho xứ Huế.

Hết

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá! Đối chiếu với hướng dẫn làm bài bên dưới.

Đáp án đề thi thử môn văn 2022 Sở Bắc Ninh

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: tự do

Câu 2. Theo văn bản, gia tài cha tặng mẹ khi trở về sau cuộc chiến tranh bao gồm: mái tóc pha sương, những vết thương trên ngực, chiếc ba lô gió sương đã gội.

Câu 3. 

- Biện pháp tu từ điệp từ được sử dụng trong đoạn trích: hai mươi năm … hai mươi năm

- Hiệu quả:

+ nhấn mạnh và làm nổi bật khoảng thời gian xa cách đằng đẵng, sự chờ đợi thuỷ chung son sắt cùng những hi sinh lặng thầm của người mẹ.

+ tạo giọng điệu trăn trở, day dứt, trầm lắng cho đoạn thơ.

Câu 4.

- Học sinh nêu được thông điệp có ý nghĩa, lí giải thuyết phục, hợp lí.

Gợi ý thông điệp có thể rút ra: tấm lòng bao dung rộng mở của mẹ; mẹ là điểm tựa bình yên cho tâm hồn; sự chở che suốt đời của mẹ đối với con…

II. LÀM VĂN 

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của sự hi sinh.

c. Triển khai vấn để nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được suy nghĩ về ý nghĩa của sự hi sinh. Có thể theo hướng sau:

Hi sinh là hành động tự nguyện, sẵn sàng dâng hiến một phần quyền lợi về vật chất, tinh thần, thể xác… của mình cho mục tiêu chung. Người biết hi sinh thường vị tha, cao thượng, yêu thương người khác, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi sự đền đáp… Có thể kể tới sự hi sinh cao cả của những anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh, hay sự hi sinh thầm lặng của cha mẹ đối với con cái. Cần trân trọng, biết ơn sự hi sinh của người khác dành cho mình, đồng thời phê phán những con người sống ích kỉ, vô ơn…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong không gian kinh thành Huế.

- Nhận xét tình cảm của tác giả dành cho xứ Huế.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”(0,25 điểm), đoạn trích và vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm).

+ Khi nhìn thấy thành phố: Sông Hương mang tâm trạng vui tươi, náo nức, bồi hồi của một người đi xa tìm đúng đường về.

+ Khi giáp mặt với thành phố ở Cồn Giã Viên: Sông Hương mang vẻ đẹp của một người tình dịu dàng, e ấp, lãng mạn, đắm say với xứ Huế.

+ Trong lòng thành phố Huế: Sông Hương mang vẻ đẹp nguyên sơ, thâm trầm, trở thành điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế. Dòng sông được lí giải từ các góc nhìn khác nhau và đặt trong sự so sánh với những dòng sông- biểu tượng văn hoá của mỗi quốc gia.

- Hình tượng sông Hương được thể hiện bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ; lối hành văn hướng nội mê đắm, tài hoa, kết hợp hài hòa cảm xúc và trí tuệ; nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ … tạo những liên tưởng độc đáo, thú vị.

* Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho Huế

- Tình yêu thiết tha, sâu nặng dành cho thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa xứ Huế.

- Thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của mảnh đất cố đô.

Tài liệu hướng dẫn phân tích vẻ đẹp sông Hương trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông, gợi ý cách làm, phân tích đề, sơ đồ tư duy kèm một số bài văn mẫu tham khảo.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử môn văn theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

muc luc Mục lục bài viết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

X