Xem ngay mẫu đề thi thử thpt môn văn 2022 mới! Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) lần 2 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.
Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:
Đề thi thử THPT quốc gia 2022 môn văn Chuyên Nguyễn Trãi lần 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ
Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là một ý tưởng lớn.
Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình. Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.
Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viển vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện. Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, 2018, Tr. 44 - 45)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, George Bernard Shaw cho rằng “mọi tiến bộ” đều tùy thuộc vào ai?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về quan niệm “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân” ?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến của tác giả “Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc dám làm những điều lớn lao trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:
- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...
- Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.
Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:
- Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, Tr.28-29)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, lí giải vì sao Kim Lân được gọi là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn (Nguyên Hồng).
-----------HẾT----------
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đáp án đề thi thử môn văn 2022 Chuyên Nguyễn Trãi lần 2
I. ĐỌC-HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận
Câu 2.
Theo đoạn trích, George Bernard Shaw cho rằng mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lí.
Câu 3.
Có thể hiểu nội dung ý kiến như sau:
- Người có lí thường tuân thủ theo những gì có sẵn, đi theo những con đường quen thuộc, an toàn đã được vạch ra trước đó.
- Người vô lí sẽ dám làm những điều mới mẻ, tạo lập, sáng tạo cái chưa từng có, đi trên những con đường chưa ai đi để mở lối, dẫn đường cho mọi người đi theo.
Câu 4. Học sinh bày tỏ quan điểm bản thân: có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần, miễn là lí giải thuyết phục, hợp lí. -Đồng tình vì:
+ Ước mơ đưa con người vượt lên thực tế, hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai.
+ Muốn xã hội phát triển, muốn tạo ra những điều mới mẻ, đột phá có ý nghĩa tốt đẹp và lớn lao, rất cần những người biết ước mơ, những “người vô lí”. Đó là những con người có tài năng, có bản lĩnh, không chấp nhận lối mòn, dám suy nghĩ khác biệt, dám ước mơ những điều lớn lao và hành động để biến ước mơ đó thành hiện thực. - Không đồng tình vì:
+ Ước mơ rất cần nhưng trước hết con người cần sống với thực tế.
+ Những cái mới chưa được thử nghiệm không phải lúc nào cũng đúng, không thể chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp như mong muốn. Nhiều khi những người đi trên con đường khác biệt phải chấp nhận thất bại, thậm chí phải trả giá đắt. Bởi vậy, cần sự thận trọng, sáng suốt khi cổ vũ cho những “người vô lí”.
- Không hoàn toàn đồng tình: có thể kết hợp hai cách lí giải trên.
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng nội dung nghị luận: ý nghĩa của việc dám làm những điều lớn lao trong cuộc sống.
c. Triển khai nội dung nghị luận thành các ý cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng:
- Những điều lớn lao: những điều có ý nghĩa quan trọng với đời sống cộng đồng, không dễ thực hiện trong cuộc sống.
- Ý nghĩa của việc dám làm những điều lớn lao trong cuộc sống:
+ Là tiền đề để con người có những phát minh, sáng tạo đột phá
+ Thể hiện bản lĩnh và khả năng không giới hạn của con người
+ Khẳng định giá trị của mỗi cá nhân trong cuộc đời rộng lớn
+ Cống hiến tích cực cho cộng đồng, tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong đời sống, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ
(Nên có dẫn chứng minh họa)
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích. Từ đó, lí giải vì sao
Kim Lân được gọi là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích; lí giải vì sao Kim Lân được gọi là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau về nội dung:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt” và vị trí của đoạn trích
- Kim Lân là nhà văn của người nông dân và nông thôn Việt Nam.
- Tiền thân của truyện ngắn “Vợ nhặt” là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám năm1945 nhưng sau đó dang dở và mất bản thảo. Sau hòa bình lập lại, năm 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ viết nên truyện ngắn “Vợ nhặt”. Tác phẩm này được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962)
- Bà cụ Tứ là một người mẹ quê mùa nghèo khổ, cuộc đời nhiều cay đắng: chồng chết, người con trai đã lớn tuổi nhưng không thể lấy được vợ vì gia cảnh quá túng bấn. Vậy mà trong lúc đói khát quay quắt, Tràng đã đưa một người đàn bà lạ mặt về nhà. Đoạn trích miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong cảnh gặp nàng dâu mới.
* Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích
- Người mẹ hết lòng thương con
+ Anh Tràng, con trai bà lấy vợ trong khung cảnh tang thương của xóm ngụ cư: Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt.
+ Bà đón nhận tin con trai có vợ với nhiều cảm xúc bộn bề, trái ngược nhau, vừa thương xót, tủi hổ, vừa mừng vui: Bà lão cúi đầu nín lặng, hiểu ra bao cơ sự, rỉ xuống hai dòng nước mắt, khẽ thở dài….
+ Gạt hết nỗi buồn lo, bà bày tỏ niềm vui mừng trước hạnh phúc của con trai: Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...
- Người mẹ nhân hậu, bao dung
+ Thấu hiểu hoàn cảnh cùng đường của người đàn bà kia: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình…
+ Không chỉ thương con trai mà còn thương luôn cả nàng dâu tội nghiệp: gọi thị là con, không hề căn vặn về gia cảnh, không một chút rẻ rúng, coi thường mà chỉ thấy xót thương cho số phận khốn khổ của thị; giang tay đón nhận thị lúc này là chấp nhận chia sẻ miếng ăn và cũng là chia sẻ cơ hội sống ít ỏi với người đàn bà xa lạ mới nhập vào gia đình mình: Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi…
+ An ủi nàng dâu mới bằng những tình cảm chân thành: bà nhẹ nhàng, từ tốn, hạ giọng, thân mật; bà nói về cái lẽ phải thông thường giúp người con dâu theo không kia vơi bớt nỗi tủi thân, mặc cảm: Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chỉ cái lúc này…
- Người mẹ từng trải, có bản lĩnh sống vững vàng, trở thành chỗ dựa cho đôi vợ chồng trẻ
+ Nghĩ đến nỗi bất hạnh đã trải qua mà không khỏi xót xa cho hai con: Bóng tối trùm lấy hai con mắt; Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt; Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình; bà nhìn thấy tương lai còn nhiều khó khăn phía trước: Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?
+ Giấu đi những âu lo, bà lựa lời động viên các con, hướng chúng về một ngày mai tươi sáng hơn: Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau; chỉ cho các con cách biến tương lai thành hiện thực: Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn; Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi.
* Đánh giá
- Nghệ thuật
+ Đặt nhân vật trong tình huống truyện độc đáo
+ Tổ chức điểm nhìn trần thuật: kết hợp điểm nhìn bên ngoài để quan sát nhân vật với điểm nhìn bên trong, nhập giọng kể vào dòng độc thoại nội tâm nhân vật để miêu tả được chiều sâu tâm lí nhân vật
+ Ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, ngôn ngữ đối thoại giản dị, mộc mạc, ngôn ngữ độc thoại chân thật, truyền cảm
- Nội dung
+ Phản ánh số phận cùng khổ của nhân dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945.
+ Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp. + Khẳng định trong bất kì hoàn cảnh khốn cùng nào, người lao động vẫn giữ được bản chất tốt đẹp: sống có tình người, tin ở tương lai, hướng về sự sống.
*Lí giải vì sao Kim Lân được gọi là một lòng đi về với “đất”, với “người”, với
“thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn
- Ý kiến khẳng định sự am hiểu, gắn bó, thủy chung của Kim Lân với đồng đất quê hương, với người nông dân và nông thôn Việt Nam.
- Biểu hiện:
+ Thấu hiểu sâu sắc tâm lí người nông dân.
+ Cảm thông với số phận bất hạnh của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945. + Phát hiện, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ nông thôn: Bà cụ Tứ là người mẹ quê mùa, chất phác, cuộc đời nhiều khổ đau, cơ cực nhưng có tấm lòng nhân hậu, bao dung...
+ Sử dụng ngôn ngữ của nông thôn một cách điêu luyện, thuần thục: cách xưng hô (u, con…), cách dùng thành ngữ, tục ngữ (dựng vợ gả chồng; ăn nên làm nổi; sinh con đẻ cái; ai giàu ba họ, ai khó ba đời…), dùng từ địa phương (tao đoạn, ông giời …)
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; Có cách diễn đạt mới mẻ.
-/-
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử môn Văn có đáp án mới nhất. Các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!