Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn số 2

Xuất bản: 18/11/2020 - Tác giả:

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn theo cấu trúc chuẩn số 2 có đáp án dành cho các em thử sức với các câu hỏi có trong đề thi THPTQG.

Xem ngay đề và đáp án thi thử THPT Quốc gia môn văn 2021 số 2 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn số 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

“Có bao giờ bạn cảm thấy bực bội vì một người nào đó không? Cảm giác bất an và khó chịu nặng nề cứ đeo đẳng bên mình vì không thể thay đổi được họ?

Có một người đàn ông đã thử đủ mọi cách để diệt đám cỏ dại trong bồn hoa nhà mình. Thế nhưng, dù làm cách nào thì đám cỏ dại ấy vẫn cứ sinh sôi phát triển. Sau cùng, ông ta đành chịu thua và viết thư lên Bộ Nông nghiệp để xin một lời khuyên, kèm theo đó là bảng liệt kê tất cả những cách mà ông ta đã thử. Vài ngày sau ông ta nhận được thư trả lời, chỉ với một dòng rất ngắn: “Chúng tôi khuyên ông nên tập yêu thương bọn cỏ dại ấy”.

Trong hôn nhân và tình bạn, đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như thế. Chúng ta có thể cảm thấy vô cùng bực tức vì những sai lầm và khí chất của người khác. Chúng ta tin rằng mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn nếu họ chịu từ bỏ thói quen khó ưa kia hoặc xem lại các hành vi gây khó chịu cho người khác. Vì vậy chúng ta thực hiện chiến dịch “nhổ cỏ dại” để làm thay đổi những người mà ta quan tâm. Chúng ta có thể chì chiết, cương quyết, áp đặt hoặc thậm chí van nài, dỗ ngọt. Chúng ta dùng mọi cách nhằm thay đổi họ theo ý ta. Và rồi cuối cùng, nỗi uất giận dâng cao khi cảm thấy họ vẫn y như thế, không hề thay đổi.

Vấn đề là chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác. Chúng ta không thể thay đổi người khác mà chỉ có thể thay đổi chính bản thân chúng ta. Người khác cũng vậy, họ chỉ thay đổi khi tự bản thân họ muốn. Bởi vậy, thay vì buộc họ phải thay đổi cho phù hợp với ta, hãy tập cách yêu thương họ, với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ. Đó mới là điều cần thiết để làm cho các mối quan hệ của mình trở nên tốt đẹp hơn, để cho cây hoa đời trong mỗi con người trở nên tươi xinh, rạng rỡ hơn cùng với đám cỏ dại bên mình.”

(Trích “Học cách yêu thương” - Kỳ Thư tổng hợp và biên dịch)

Câu hỏi::

Câu 1. Việc tác giả đưa câu chuyện người đàn ông vào trong đoạn trích nhằm mục đích gì ?

Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác” ?

Câu 3. Anh/chị hãy giải thích ý nghĩa của hình ảnh “cỏ dại” được nói tới trong đoạn trích ?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “hãy tập cách yêu thương họ, với tất cả những thứ “cỏ dại” tồn tại trong bản thân họ” không ? Lí giải ?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Làm thế nào để “nhổ cỏ dại” trong chính bản thân mình ?

Câu 2 (5,0 điểm)

Đánh giá của anh/chị về lí lẽ của hai nhân vật Hồn Trương Ba và Đế Thích trong đoạn trích dưới đây, từ đó hãy trả lời câu hỏi: Trong đoạn trích này, ai là người đang “tranh cãi với tự nhiên” ?

Hồn Trương Ba (sau một hồi lâu): Tôi đã nghĩ kĩ… (nói chậm và khẽ) Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!

Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một nhầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.

Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn…

Đế Thích: Không ! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào…

Hồn Trương Ba:

Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…

Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không ? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.

Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao ? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi ! Còn lấy lí lẽ gì để khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được ? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai ? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc ! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc.

Đế Thích: Tôi không phải là kẻ khốn kiếp… Tôi quý mến ông… Tôi sẽ chẳng bao giờ được đánh cờ với ông nữa ư ? Nhờ ông đánh cờ với tôi, người trên trời dưới đất mới biết tôi cao cờ như thế nào ! Ngoài ông ra, không ai dám đọ cờ với tôi. Ông chính là lẽ tồn tại của tôi.

Hồn Trương Ba:

Vì để chứng minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục cuộc sống không phải là tôi ư ? Không, ông phải tự tồn tại lấy chứ !

Đế Thích: Nhưng không đánh cờ, Đế Thích sẽ không còn là Đế Thích.

Hồn Trương Ba: Người ta đánh cờ là để rèn luyện tâm trí, để sảng khoái minh mẫn hơn mà sống ! Còn ông đánh cờ chỉ để chứng tỏ ông là tiên cờ ! Nói thật với ông: Nếu còn tiếp tục sống, tôi cũng chẳng thích đánh cờ với ông nữa ! Đánh cờ với ông chán lắm ! Không có gì chán bằng đánh cờ với tiên !

Đế Thích: (suy nghĩ) Con người dưới hạ giới các ông thật kì lạ.

Hồn Trương Ba: Ông hãy trả lời đi ! Ông có giúp tôi không ? Nếu ông từ chối, tôi sẽ… Tôi đã nhất quyết ! Ông phải giúp tôi!

Đế Thích: Trả thân xác này cho anh hàng thịt… và thế là…

Hồn Trương Ba: Không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa”.

(Trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ)

--- Hết ---

ĐÁP ÁN

I. Đáp án phần đọc hiểu đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn số 2

Câu 1.

Hình ảnh người đàn ông nhổ cỏ dại trong bồn hoa là một ẩn dụ, qua đó tác giả nhằm nhấn mạnh thông điệp: con người không thể “dọn dẹp” hết tất cả những thói hư tật xấu trong cuộc đời này, mà đôi lúc cần phải tập cách chung sống với chúng, yêu thương chúng.

Câu 2. “Chúng ta không thể và cũng không nên tìm cách nhổ hết “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác” vì:

- Thứ nhất, mỗi con người sinh ra đều mang trong mình những khí chất khác nhau, thứ “cỏ dại” mà chúng ta nhìn thấy ở người khác có thể lại là ưu điểm của họ, chỉ vì ta hay lấy ta làm tiêu chuẩn nên mới nhìn ra như thế.

- Thứ hai, không ai có thể thay đổi được bản thân người khác nếu như họ không muốn thay đổi.

Câu 3. Hình ảnh “cỏ dại” là ẩn dụ để nói về những thói hư tật xấu trong một con người, nó cũng có thể là những thứ chướng tai gai mắt mà ta nhìn thấy ở người khác.

Câu 4. Học sinh tự do bày tỏ quan điểm, lí giải hợp lí. Gợi ý:

- Đồng tình: vì ai cũng có trong mình những tật xấu, chúng ta không thể yêu cầu một ai đó trở nên một con người hoàn hảo được.

- Không đồng tình: vì nếu chúng ta thỏa hiệp với những tật xấu từ người khác, thì sẽ không bao giờ giúp họ cải thiện bản thân và trở nên tiến bộ.

II. Đáp án phần làm văn đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn số 2

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Phải suy tư về bản thân để hiểu ra đâu là những thứ “cỏ dại” mà ta cần nhổ bỏ

- Phải tập luyện cho mình những thói quen tốt, để nó lấn át những cái xấu (giống như trồng hoa để diệt cỏ vậy)

- Lắng nghe những sự góp ý đúng đắn từ người khác để thay đổi.

- Phải có quyết tâm cao, lòng kiên trì để loại bỏ những thói hư tật xấu mà mình mắc phải.

v.v...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5 điểm)

Mở bài: Trình bày những nét khái quát nhất về tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; dẫn vào vấn đề và đoạn trích.

Xem thêm: Mở bài cho vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt hay nhất

Thân bài: Đánh giá lí lẽ của hai nhân vật: hồn Trương Ba và Đế Thích

a. Đánh giá lí lẽ của Đế Thích:

- Đế Thích cho rằng con người sống thì không cần phải hài hòa, toàn vẹn trong ngoài, vì theo ông “dưới đất trên trời đều thế cả”. Quan niệm này cho thấy Đế Thích có cái nhìn tuy trung thực nhưng lại hời hợt về cuộc sống của con người nói chung, của Trương Ba nói riêng. Với Đế Thích, miễn duy trì được sự sống là được.

- Đế Thích không đồng ý để Trương Ba đổi cái tâm hồn cao quý lấy cái tâm hồn phàm tục của anh hàng thịt. Quan niệm này cho thấy Đế Thích có cái nhìn rất phiến diện, một chiều, chỉ coi trọng cái thanh cao mà bác bỏ cái thấp hèn. Nếu không có cái thấp hèn thì đâu là cơ sở, tiêu chuẩn để định giá cái thanh cao?

- Đế Thích kiên quyết tìm mọi cách để Trương Ba được sống, và cuối cùng ông đề nghị Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Với ông, việc Trương Ba chết là một sai lầm, và cần phải được sửa. Ở đây ta lại thấy Đế Thích không có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về cuộc sống: bởi việc Trương Ba nhập vào xác cu Tị hay xác anh hàng thịt, về bản chất thì nó là giống nhau.

- Đế Thích muốn Trương Ba phải sống với bất cứ giá nào, vì theo Đế Thích, chết có nghĩa là hết tất cả. Quan niệm này cho thấy Đế Thích chỉ để ý đến mặt lượng (tức là kéo dài thời gian sống trên cuộc đời) chứ không hiểu được mặt chất (tức là sống sao cho có ý nghĩa) - Có lẽ do Đế Thích là tiên, là bất tử nên ông chưa bao giờ bị áp lực về mặt thời gian sống. Chính vì sống mà không bao giờ phải chết nên có lẽ ông cũng chưa bao giờ băn khoăn là phải sống như thế nào để khi chết đi không phải ân hận.

- Đế Thích muốn Trương Ba sống với bất cứ giá nào còn cho ta thấy suy nghĩ ích kỉ của Đế Thích: Đế Thích chỉ nghĩ đến việc làm cho Trương Ba sống để chơi cờ với mình, để chứng minh sự tồn tại của tiên cờ Đế Thích; chứ chưa bao giờ ông nghĩ đến cảm giác của Trương Ba và những người thân của Trương Ba.

b. Đánh giá lí lẽ của Trương Ba:

- Trương Ba muốn được sống là chính mình, sống hài hòa giữa tâm hồn và thể xác. Đó là một ước muốn cao đẹp và chính đáng, bởi nếu không sống như vậy, thì có nghĩa là anh đang không thành thực với mình và với người, đang “diễn” với cuộc đời.

- Trương Ba muốn trả lại thân xác cho hồn anh hàng thịt, đó là một hành động dũng cảm và đúng đắn: vì dù có xấu xa phàm tục đến thế nào đi chăng nữa thì chúng vẫn thuộc về nhau, sinh ra là dành cho nhau; nó sẽ hài hòa, không khập khiễng.

- Hồn Trương Ba không đồng ý nhập vào xác của cu Tị, vì ông nhận thấy điều này, về bản chất, cũng chỉ là sự vay mượn, chắp vá, cũng là “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Qua hành động từ chối này, Trương Ba vừa cho thấy sự cao đẹp của tâm hồn khi không tham lam sống tiếp, vừa cho thấy ông nắm được quy luật của nhân sinh.

- Trương Ba ý thức về cái chết một cách rất đúng đắn: cả sự sống và cái chết đều có ý nghĩa của nó. Vấn đề không phải là vì sợ chết mà cứ bám lấy sự sống, ngay cả khi sự sống ấy vô nghĩa; mà quan trọng là phải dũng cảm lựa chọn, dũng cảm chết nếu nó làm cho mọi thứ trở nên ý nghĩa hơn - chết để được sống là chính mình.

- Trương Ba ý thức được rằng nếu ông tiếp tục sống thì không chỉ một mình ông khổ, mà cả những người xung quanh cũng khổ theo ông. Đây là một cái nhìn vừa chu đáo, vừa thể hiện thái độ cao thượng, sống vì người khác của ông.

3. Trả lời câu hỏi: Ai là người đang “tranh cãi với tự nhiên?”

Qua việc phân tích và đánh giá lí lẽ của hai nhân vật trên ta thấy:

- Thoạt nhìn, ta có thể nhầm tưởng

+ Đế Thích là người đang nỗ lực để tuân thủ quy luật của tự nhiên (vì Trương Ba chết là do lỗi gạch nhầm tên của Nam Tào - tức trái tự nhiên - và Đế Thích muốn sửa sai, làm cho Trương Ba sống lại - tức chữa lại cái sai ấy cho đúng với quy luật).

+ Còn Trương Ba là người chống lại tự nhiên (vì ông chết do nhầm lẫn nhưng giờ đây lại cứ muốn cái nhầm lẫn ấy thành sự thật; còn anh hàng thịt chết là đúng quy luật nhưng ông lại muốn trả thân xác cho anh ta sống lại, tức trái quy luật)

- Tuy nhiên, nếu xét kĩ, ta lại nhận ra điều hoàn toàn ngược lại:

+ Đế Thích mới là người đang “tranh cãi với tự nhiên: Việc làm trái quy luật đầu tiên của Đế Thích (lần cãi lại tự nhiên đầu tiên) là cho hồn Trương Ba nhập vào xác hàng thịt (một việc vô lí vì không thể nào có chuyện hồn người này lại sống trong xác người kia); Việc làm trái quy luật tiếp theo (tức lần cãi tự nhiên thứ hai) là ý định sửa cái sai này bằng một cái sai khác (tức là làm cho một hành động vốn đã trái quy luật, giờ lại trái quy luật thêm một lần nữa - muốn cho hồn của Trương Ba nhập vào xác cu Tị).

+ Trương Ba là người đang muốn trả lại mọi thứ về đúng quy luật, đúng trình tự của nó để cái sai không còn tiếp diễn: Ông muốn trả thân xác cho anh hàng thịt để anh ta và ông đều được là chính mình; ông từ chối nhập vào xác của cu Tị cũng là để tránh cái hoàn cảnh “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”; ông muốn cho cu Tị sống lại là để sửa chữa cái sai của Nam Tào và của Tây Vương Mẫu.

Kết luận:Khái quát lại vấn đề.

-/-

Kết thúc đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn theo cấu trúc chuẩn số 2 tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2021 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM