Đọc tài liệu đã sưu tầm được rất nhiều những bộ đề thi thử môn Văn 2020 của các tỉnh khác trên cả nước để các em tham khảo. Dưới đầy là đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn của trường Minh Quang - Tuyên Quang, chúng ta cùng thử sức nhé!
>>> [HOT] Cập nhật mới nhất:
Đề thi thử
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Phần lớn chúng ta đều có lúc cần đến sự giúp đỡ của người khác. Cuộc sống là muôn màu, vì thế không phải lúc nào chúng ta cũng tự biết cách xoay xở mọi thứ. Biết được khi nào cần đến sự giúp đỡ và biết tìm kiếm sự giúp đỡ nơi đâu, đó là những yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn và hạnh phúc ở mỗi người.
Một số người vẫn luôn từ chối sự giúp đỡ vì không thích cái cảm giác bản thân mình bất lực, phải cậy nhờ vào người khác. Số khác tuy không khước từ, nhưng điều đó lại khiến họ vô cùng buồn bực vì họ cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương. Vì vậy, có những lúc bạn hào phóng ban tặng sự giúp đỡ cho những người đang thực sự cần nó, nhưng đừng quá ngạc nhiên vì họ có thể đáp lại lòng tốt của bạn bằng những hành động khác thường như phản kháng, công kích, cáu gắt hay những phản ứng khiến bạn bị thương. Tất cả những biểu hiện đó, nếu có, là do họ đang phải vật lộn với lòng tự tôn cũng như sự kiêu hãnh của chính mình. Họ đang tìm mọi cách né tránh thực tế rằng mình đang trong trạng thái bế tắc, rằng mọi việc đang diễn ra không theo mong đợi.
Vì vậy, hãy cân nhắc, thận trọng với thịnh tình của chính mình. Nếu muốn giúp đỡ một ai đó, trước hết, bạn phải học cách thể hiện thiện chí.
(Kent M. Keith Ph. D, 10 nghịch lí về cuộc sống, trang 132-133)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1(0.5 điểm).Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết những yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn và hạnh phúc của mỗi người là những yếu tố nào?
Câu 2(0.5 điểm). Theo tác giả, tại sao một số người khi được giúp đỡ có thể sẽ đáp lại lòng tốt của bạn bằng những hành động khác thường như phản kháng, công kích, cáu gắt hay những phản ứng khiến bạn bị tổn thương?
Câu 3(1.0 điểm). Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến nghịch lí nào? Việc nhận ra nghịch lí ấy có ý nghĩa như thế nào?
Câu 4(1.0 điểm). Theo anh/ chị, có nên lúc nào cũng hào phóng ban tặng sự giúp đỡ không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm).
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về cách thể hiện thiện chí khi ta muốn giúp đỡ người khác.
Câu 2 (5.0 điểm).
Anh/ chị hãy phân tích giá trị của chi tiết tiếng sáo trong đoạn trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và chi tiết nồi chè khoán trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.
Từ đó, nhận xét về vai trò của chi tiết trong truyện ngắn.
Đáp án
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Những yếu tố cơ bản cho sự sinh tồn và hạnh phúc của mỗi người là biết được khi nào cần đến sự giúp đỡ và biết tìm kiếm sự giúp đỡ nơi đâu.
Câu 2: Theo tác giả, một số người khi được giúp đỡ có thể sẽ đáp lại lòng tốt của bạn bằng những hành động khác thường như phản kháng, công kích, cáu gắt hay những phản ứng khiến bạn bị tổn thương vì họ đang phải vật lộn với lòng tự tôn cũng như sự kiêu hãnh của chính mình. Họ đang tìm mọi cách né tránh thực tế rằng mình đang trong trạng thái bế tắc, rằng mọi việc đang diễn ra không theo mong đợi.
Câu 3:
- Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến nghịch lí: người nhận được sự giúp đỡ đôi khi làm tổn thương người giúp đỡ mình.
- Việc nhận ra nghịch lí ấy có ý nghĩa: giúp ta thấu hiểu hoàn cảnh, tâm trạng người khác để có cách ứng xử cho phù hợp.
Câu 4: Làm người lương thiện và hào phóng là rất đáng quý, xứng đáng được trân trọng. Nhưng nên nhớ lương thiện một cách mù quáng sẽ là kẻ ngốc, hào phóng một cách không có giới hạn sẽ là kẻ dại.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Dựa vào những tiêu chí sau để hoàn thành đoạn văn
- Phải thực sự thấu hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của họ để đưa ra một cách giúp đỡ phù hợp.
- Giúp đỡ bằng sự chia sẻ chân tình chứ không phải bằng sự thương hại, ban ơn…
- Phải khéo léo để tránh gây tổn thương cho người được giúp đỡ…
Câu 2: Hướng dẫn làm bài
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chi tiết nghệ thuật
b. Phân tích, cảm nhận hai chi tiết:
- Chi tiết tiếng sáo trong đoạn trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
+/ Hoàn cảnh xuất hiện tiếng sáo: Kiếp sống tủi nhục của Mị ở nhà thống lí Pá Tra đã biến Mị từ một cô gái yêu đời trở thành người đàn bà nhẫn nhục, cam chịu, câm lặng, lùi lũi như con rùa trong xó cửa. Nhưng trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, tâm hồn Mị được hồi sinh khi tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha cất lên…
+/ Giá trị của chi tiết tiếng sáo:
- Xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm với những cung bậc cảm xúc và ý nghĩa khác nhau: lấp ló ngoài đầu núi, văng vẳng đầu làng, lơ lửng bay ngoài đường, trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.
- Tiếng sáo làm sống dậy những cảm xúc, những kí ức về những tháng ngày tươi đẹp trong quá khứ; làm sống dậy ý thức về bản thân, cảm nhận nguồn sức sống đang dâng trào “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng…”
- Tiếng sáo giúp Mị nhận thức thực tại, thấm thía hơn bao giờ hết nỗi bất hạnh của đời mình “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này…”
- Tiếng sáo thôi thúc khiến Mị có hành động “nổi loạn” – đi chơi xuân, ngay cả lúc bị A Sử trói đứng vào cột, tiếng sáo vẫn đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi…
+/ Đánh giá:
- Tiếng sáo là biểu tượng của khát vọng tự do, là bài ca bất diệt về tình yêu và hạnh phúc bất chấp chấp tủi nhục, đắng cay.
- Là chi tiết đặc sắc, giúp nhà văn khám phá, phát hiện những diễn biến lặng lẽ và quyết liệt trong tâm hồn người phụ nữ vùng cao Tây Bắc.
- Góp phần làm nên chất thơ cho truyện ngắn.
- Chi tiết nồi chè khoán trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
+/ Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết:
- Chi tiết nồi chè khoán của bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” được xuất hiện trong bữa cơm ngày đói của mẹ con Tràng. Nồi cháo cám được bà cụ Tứ đặc biệt chuẩn bị để mừng ngày đầu tiên con dâu về nhà.
+/ Giá trị của chi tiết:
- Phản ánh hiện thực đầy xót xa của những người nghèo khổ, trong nạn đói 1945, để duy trì sự sống người ta phải ăn cả những thứ đồ ăn vốn không dành cho con người.
- Đó là món quà cưới, là tấm lòng nhân hậu của người mẹ trước hạnh phúc của các con.
- Gián tiếp tố cáo tội ác của thực dân phát xít đã đẩy con người vào tình cảnh thê thảm.
- Thể hiện sự trân trọng của nhà văn Kim Lân đối với những giá trị tốt đẹp của con người: dù đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết nhưng con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng quý
+/ Đánh giá: “Nồi chè khoán” chỉ là chi tiết nhỏ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc hơn tính cách của nhân vật và gửi gắm những thông điệp thiêng liêng về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và sức mạnh của tình thương, tình người.
c. Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn
- Việc chọn lựa chi tiết, đặc biệt là những chi tiết đắt giá có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm nên thành công của tác phẩm.
- Giúp người đọc khám phá vẻ đẹp của con người và cuộc sống
- Thể hiện được tấm lòng, tài năng và cá tính sáng tạo của nhà văn
-----------------
Trên đây là đề thi thử môn Văn THPTQG 2020 của trường Minh Quang - Tuyên Quang, các em có thể lưu về làm tài liệu ôn tập, hoặc có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn của các trường khác tại đây!