Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 17

Xuất bản: 23/03/2020 - Tác giả: Giangdh

Xem ngay đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2020 có lời giải mẫu số 17 với bài Đọc hiểu Chiếc lá và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Mục lục nội dung

Dưới đây là đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 17 để các em tham khảo. Ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử giúp các em thống kê lại được những kiến thức trọng tâm, qua đó chuẩn bị được tốt nhất cho kì thi. Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 17 cùng đáp án tham khảo dưới đây.

Đề thi thử

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

“ Ngày xưa tựu trường chúng con bên nhau

thầy vẫn đọc lời văn năm cũ

Hằng năm cứ vào cuối thu ...

Mười mấy năm xa trường chạm kiếp bể dâu

đôi lần trường xưa hiện lên như chớp lửa

đôi đứa trong chúng con đã thành ông này bà nọ

chỉ kỉ niệm là cứ trẻ hoài như màu mắt trẻ thơ    

Kỉ niệm cứ hóa thành chiếc lá sau mưa 

cứ ẩm mát mặt sân trường cũ

riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ

buổi con về tí tách trận mưa hoa ”

(Trương Vũ Thiên An - Chiếc lá, in trong tập thơ “Tạ”, NXB Hội Nhà Văn, 2018, trang 36)

Câu 1. Chỉ ra “lời văn năm cũ” mà thầy vẫn đọc trong ngày tựu trường ở đoạn thơ trên. (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai. (0.5 điểm)

Câu 3. Trình bày ngắn gọn cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người thầy trong hai dòng thơ sau:(1.0 điểm)

“ riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ

buổi con về tí tách trận mưa hoa”  

Câu 4.  Đoạn thơ gợi cho anh/chị những cảm nghĩ gì về mái trường (viết khoảng 5 đến 7 dòng)? (1.0 điểm)

II. Làm văn (7.0 điểm)

Anh/ chị hãy phân tích những phát hiện về hiện thực đời sống của nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016), trong đó đặc biệt làm rõ tâm trạng và nhận thức của nhân vật Phùng mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh ở đoạn kết thúc truyện.

Đáp án đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia

I. Đọc - Hiểu

Câu 1: “lời văn năm cũ” mà thầy vẫn đọc trong ngày tựu trường ở đoạn thơ trên là: "Hằng năm cứ vào cuối thu .."

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai: so sánh, nhân hóa, ẩn dục. (Các em chỉ cần nêu 1 trong 3 biện pháp tu từ nêu trên là đã đạt điểm)

Câu 3: Gợi ý trình bày theo ý sau

- Trong suy cảm của nhà thơ, người thầy “hóa thân” vào cây phượng già, bung nở muôn hoa ngày học sinh cũ về thăm.

- Như cây phượng già, người thầy năm cũ vẫn hiện hữu, gắn mình với mái trường, vững chãi và lặng lẽ dõi theo sự trưởng thành của bao lớp học trò; nao nức vui khi đón trò cũ trở về.

Câu 4: Mỗi học sinh có thể trình bày cảm nghĩ của mình với những nội dung khác nhau

Ví dụ:

  • Đoạn thơ gợi nỗi nhớ thầy xưa, trường cũ.
  • Gợi cảm xúc tiếc nhớ tuổi học trò, tình cảm yêu quý trường lớp, thầy cô, bè bạn sau ba năm học tập.
  • Thái độ trân quý hiện tại, nỗ lực sống, học tập, rèn luyện để thành đạt…

II. Làm văn

Hướng dẫn làm bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và nhân vật Phùng

- Phân tích những phát hiện về hiện thực đời sống của nhân vật Phùng

- Phát hiện về cảnh thiên nhiên “đắt trời cho”:

  • Sau gần tuần lễ “phục kích” thực hiện nhiệm vụ được giao, Phùng đã tìm được một cảnh ưng ý. Trước mắt Phùng, thiên nhiên hiện ra với vẻ đẹp toàn bích.Tâm hồn nghệ sĩ đã xuất hiện những rung cảm mãnh liệt tưởng như đã phát hiện ra chân lý của sự toàn thiện, toàn mỹ.

=> Ý nghĩa: Hiện thực đời sống tạo nên cái đẹp cho nghệ thuật, là đối tượng của nghệ thuật.

- Phát hiện về cảnh đời đen tối của gia đình hàng chài:

  • Phùng chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách tàn bạo, người vợ thì nhẫn nhục chịu đựng. Thằng Phác – đứa con trai vì muốn bảo vệ mẹ đã lao vào đánh bố. Cảnh tượng này Phùng còn được chứng kiến thêm lần thứ hai. Chứng kiến nghịch cảnh bất công, ngang trái, Phùng cảm thấy kinh ngạc

=> Ý nghĩa: Hiện thực cuộc sống chứa đầy nghịch lí với những mảng sáng – tối, xấu – đẹp, thiện – ác…cùng tồn tại. Con người cần có cái nhìn đa diện đa chiều để phát hiện ra sự thật cuộc đời đằng sau hình thức bề ngoài.

- Phát hiện ở Tòa án huyện:

  • Trước lòng tốt của Phùng và Đẩu, người đàn bà lại van xin không bỏ chồng và kể câu chuyện đời éo le, bi kịch của mình. Phùng cảm thấy căn phòng trở nên ngột ngạt vàvỡ lẽ thêm nhiều nhận thức về cuộc sống.

=> Ý nghĩa: Cái đẹp của hiện thực cuộc sống nhiều khi bị khuất lấp. Muốn giải quyết vấn đề của cuộc sống nhiều khi không chỉ dựa vào lòng tốt mà cần phải có những giải pháp thiết thực.

- Tâm trạng và nhận thức của Phùng mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh ở đoạn kết thúc truyện:

  • Tuy là ảnh đen trắng nhưng Phùng vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của sương mai. Màu hồng này là biểu tượng cho chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời.
  • Nếu nhìn kĩ hơn sẽ thấy hình ảnh người đàn bà hàng chài. Đây là hiện thân cho những phận người khốn khó, cho thấy sự ám ảnh, trăn trở của Phùng về hiện thực cuộc đời vẫn còn nhiều lam lũ, khổ đau.

=> Ý nghĩa: mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời. Nghệ thuật chân chính phải luôn gắn bó với cuộc đời.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

  • Tình huống truyện nhận thức chứa đầy mâu thuẫn, nghịch lí
  • Sử dụng ngôi kể, xây dựng chi tiết nghệ thuật làm nổi bật suy nghĩ, nhận thức, tâm trạng nhân vật.

- Nhận xét về giá trị hiện thực

  • Nguyễn Minh Châu đã nhìn cuộc sống đời thường với một mối quan tâm đặc biệt để chỉ ra những vấn đề bên trong của nó và làm cho người đọc cũng phải nhìn sự vật, cuộc sống, con người theo kiểu của mình, từ đó cùng suy nghĩ tìm ra cách giải quyết một cách thỏa đáng. Tóm lại là tìm ra đáp số cho bài toàn nghịch lý của cuộc đời

----------

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 17 với những dạng câu hỏi, dạng bài thường được ra trong các kì thi. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM