Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 16

Xuất bản: 22/03/2020 - Tác giả: Giangdh

Xem ngay đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2020 có lời giải mẫu số 16 với bài Đọc hiểu Giáo dục thành công theo kiểu Harvard và tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Mục lục nội dung

Dưới đây là đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 16 để các em tham khảo. Ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử giúp các em thống kê lại được những kiến thức trọng tâm, qua đó chuẩn bị được tốt nhất cho kì thi. Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 16 cùng đáp án tham khảo dưới đây.

Đề thi thử

I.ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội. Tại sao lại có được thành công to như vậy? Liên minh quân đội Mỹ - Anh trước khi tấn công đã có một sự chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng. Họ diễn tập rất nhiều lần, không chỉ diễn tập bình thường mà tập dượt cả phương hướng, địa điểm, thời gian, tất cả những việc cần làm khi tấn công. Cuối cùng, khi tấn công thực sự, thắng lợi như đã nằm gọn trong lòng bàn tay, thời gian tấn công chỉ lệch mấy giây so với kế hoạch. Đó chính là sức mạnh của sự chuẩn bị.

Người xưa đã dạy, biết lo xa sẽ tránh được tai họa. Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất. Một người có sự chuẩn bị càng kĩ lưỡng thì khả năng thành công càng cao. Chúng ta đều thuộc lòng câu ngạn ngữ: “Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ” hay “một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà”. Đó chính là triết lí sâu xa về sự chuẩn bị.

Michael Jordan “không trung” là tuyển thủ vĩ đại nhất mọi thời đại trong lịch sử bóng rổ Mỹ, được tôn xưng là vua bóng rổ. Anh có đủ mọi tố chất và điều kiện của một ông vua bóng rổ, anh tham gia bất kì trận đấu nào thì tỉ lệ chiến thắng đều rất cao. Nhưng trước mỗi trận đấu, dù quan trọng hay thông thường, anh đều luyện tập kĩ càng. Anh tập ném bóng, tập các động tác cơ bản. Anh luôn là người luyện tập vất vả nhất trong đội bóng, cũng là người có sự chuẩn bị chu đáo nhất.

(Trích Giáo dục thành công theo kiểu Harvard, Tập 2, Vương Nghệ Lộ, người dịch: Nguyễn Đặng Chi, NXB Lao động, 2016, trang 235 - 236) 

Câu 1: Đặt nhan đề cho đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội và Michael Jordan được tôn xưng là vua bóng rổ ?

Câu 3: Ghi lại những câu ngạn ngữ và nêu mục đích của việc trích dẫn. Chỉ ra ít nhất hai điểm giống nhau giữa các câu ngạn ngữ đó.

Câu 4: Đoạn trích đã gửi đến người đọc thông điệp gì? Anh/chị hãy đề ra khoảng 02 việc cần làm đối với mỗi học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPTQG sắp tới để thực hiện thông điệp đó.

II.    LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 : (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến được trích từ phần Đọc hiểu: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất.

Câu 2 (5.0 điểm) Trong đoạn trích Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã cho thấy ý nghĩ của Mị khi làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí PáTra: “Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.” và trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, Mị muốn đi chơi, Mị vùng bước đi nhưng không được vì đã bị A Sử trói đứng trong buồng tối: Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa

Phân tích tâm trạng nhân vật Mị qua hai cảnh ngộ trên, từ đó cảm nhận về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

I. Đọc - Hiểu

Câu 1: Gợi ý đặt nhan đề cho đoạn trích: Chuẩn bị kĩ lưỡng, Sức mạnh của sự chuẩn bị hoặc Chuẩn bị tốt trước khi hành động...

Câu 2

: Theo tác giả, trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội và Michael Jordan được tôn xưng là vua bóng rổ vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo

Câu 3

- Những câu ngạn ngữ:

  • Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ
  • Một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà

- Mục đích của việc trích dẫn là: khẳng định hơn nữa tính đúng đắn của vấn đề, tăng tính thuyết phục cho đoạn trích…

- Điểm giống giữa các câu ngạn ngữ này là:

  • Đề cao việc chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo trước khi hành động.
  • Vẻ đẹp cân xứng, việc sử dụng những số từ giàu ý nghĩa ...

Câu 4

- Thông điệp đoạn trích gửi đến người đọc là về sự cần thiết của việc chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi hành động: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất hoặc Hãy chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi hành động…

- 02 việc cần làm đối với mỗi học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPTQG sắp tới để thực hiện thông điệp đó là:

  • Miệt mài học tập để có được sự chuẩn bị chu đáo nhất về kiến thức
  • Trang bị những kĩ năng mềm, lắng nghe bản thân và tìm hiều kĩ ngành nghề sẽ lựa chọn…

II. Làm văn

Câu 1: Hướng dẫn làm bài

- Giải thích vấn đề nghị luận

+ Sự chuẩn bị : trang bị, tích lũy những gì cần thiết; xem xét, cân nhắc, tập dượt, dự tínhcác phương án khác nhau… trước khi hành động.

+ Kĩ lưỡng : chú ý đầy đủ đến từng chi tiết, cẩn trọng, đến nơi đến chốn...

→ Ý kiến khẳng định, đề cao tầm quan trọng, ý nghĩa, sự cần thiết của khâu chuẩn bị chu đáo. Chính khâu này sẽ giúp ta thành công

- Dùng lý lẽ và lập luận để làm sáng tỏ tính đúng đắn của ý kiến

+ Khi thực sự chú trọng việc chuẩn bị, thực tâm chuẩn bị kĩ lưỡng:  đáp ứng được yêu cầu, hành động trơn tru, hiệu quả nhất; sẵn sàng ứng phó tốt nhất trước mọi tình huống; có thể đảm bảo sẽ không mắc sai lầm hoặc giảm sai sót đến mức tối thiểu…

+ Khi tỏ ra chủ quan, coi nhẹ công tác chuẩn bị, không chuẩn bị hoặc chuẩn bị một cách qua loa, hời hợt, không đầy đủ, thiếu chu đáo: dễ mắc sai lầm, phải gánh chịu thất bại…(Dẫn chứng thực tế)

+ Chuẩn bị kĩ lưỡng không có nghĩa là chậm chạp, chần chừ; thiếu quyết đoán, mạo hiểm; bỏ lỡ cơ hội…

+ Phê phán những tư tưởng lệch lạc, những biểu hiện chủ quan

Câu 2: Gợi ý làm bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật

- Tâm trạng của Mị khi tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa

  • Khi sống ở nhà thống lí, Mị đã bị bóc lột sức lao động đến cùng cực, chịu khổ nhục triền miên…
  • Mị bị giam hãm trong không gian chật hẹp và tù đọng, trong thời gian ngưng đọng như không dĩ vãng, không hiện tại và không tương lai.
  • Mị tê liệt ý thức về bản thân, tưởng mình như con trâu, con ngựa…chỉ biết đi làm như một cái máy.

- Tâm trạng Mị thay đổi trong đêm tình xuân

+ Khung cảnh thiên nhiên nồng nàn: cỏ gianh vàng ửng, chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá như những con bướm sặc sỡ, không khí dần ấm áp, ...âm thanh bên ngoài: tiếng sáo cất lên, tiếng trẻ chơi quay cười vang, ...

+ Mị nhìn khung cảnh, nghe âm thanh mà bắt đầu cảm thấy thiết tha bồi hồi, Mị bắt đầu lẩm bẩm theo lời hát gọi bạn tình, ...

+ Ngày tết, Mị lén uống rượu, “uống ực từng bát”, Mị say và sống về quá khứ, say sưa trong tiếng sáo gọi bạn tình.

+ Mị sực nhớ đến tình cảnh của mình hiện tại, nhớ đến A Sử, Mị muốn chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại”.

+ Mị nhận thức sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do.

  • Tinh thần phản kháng mạnh mẽ: lấy miếng mỡ để thắp sáng lên căn phòng tối, Mị vấn lại tóc, lấy cái váy hoa, nổi loạn muốn “đi chơi tết” chấm dứt sự tù đày.
  • Hiện thực không trói được trái tim Mị, khi A Sử trói, lòng Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi.

+ Lúc vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa, cô chợt tỉnh trở về với hiện thực.

+ Cả đêm hôm ấy, Mị lúc mê lúc tỉnh, lúc đau đớn, lúc nồng nàn tha thiết.

=> Tâm hồn chai sạn của Mị đã sống lại, Mị luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để bùng lên mạnh mẽ. Dù sự nổi loạn của Mị không thể giải thoát số phận cô nhưng đây là nền tảng nhóm lên thêm ngọn lửa sức sống trong cô, để sức sống không lụi tắt hẳn, chuẩn bị cho một sự phản kháng trong tương lai: cắt dây trói cho A Phủ.

- Cảm nhận về giá trị nhân đạo của tác phẩm

  • Tác giả phát hiện, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn của con người Tây Bắc.
  • Tin tưởng và miêu tả khả năng cách mạng của người dân miền núi trong cuộc đấu tranh giành tự do, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến

---------------

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 16 với những dạng câu hỏi, dạng bài thường được ra trong các kì thi. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM