Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 15

Xuất bản: 21/03/2020 - Tác giả: Giangdh

Xem ngay đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2020 có lời giải mẫu số 15 với bài Đọc hiểu Chìa khóa tư duy tích cực và tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Mục lục nội dung

Dưới đây là đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 15 để các em tham khảo. Ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử giúp các em thống kê lại được những kiến thức trọng tâm, qua đó chuẩn bị được tốt nhất cho kì thi. Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 15 cùng đáp án tham khảo dưới đây.

Đề thi thử

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Cuộc sống của chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thói quen, nhiều lúc, ta tưởng như mình bị chính những thói quen điều khiển. Những thói quen ấy và ảnh hưởng của chúng là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của bạn. Bạn có thể chọn cách để tâm trí mình luôn ở thế chủ động, không bị những suy nghĩ u mê khống chế. Bạn cũng có thể thay thế những thôi thúc tiêu cực bằng ý nghĩ tích cực. Nhờ những thói quen tích cực tác động, đầu óc bạn sẽ thêm tỉnh táo, trí tưởng tượng thêm phong phú, lòng nhiệt tình, sự đam mê sẽ thêm cháy bỏng và ý chí sẽ được tiếp thêm sức mạnh.

Thái độ tích cực tạo ra một lực hút lớn đối với những điều tốt đẹp. Tương tự, người sở hữu tinh thần tích cực sẽ có sức cuốn hút người khác bằng chính sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống của mình.
Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng. Chúng ta sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, nặng nề khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, để từ đó biết rút ra bài học kinh nghiệm.
Thái độ tích cực luôn tạo nên những phản ứng tinh thần chính xác đối với mỗi tác động bên ngoài. Khi đó, bạn sẽ biết cách suy nghĩ, hành động và có cách cư xử đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Tâm hồn bạn và cuộc sống này là những điều bạn được tùy nghi sử dụng để đem lại ích lợi tuyệt đối cho chính mình. Do đó, sử dụng nó thế nào để đem lại hiệu quả chỉ phụ thuộc vào bạn mà thôi.

Thái độ tích cực giúp bạn suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, luôn biết hướng về một tương lai xán lạn, mà nơi đó ước mơ và khát vọng của bạn có thể trở thành hiện thực. Bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống, tiềm ẩn trong nó cũng là cơ hội cho những ai đủ sáng suốt nhận ra. Đúng như triết lý mà Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng phát biểu: “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”.
Một trong những cách giúp bản thân suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm. Đó có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa để nhắc nhở bạn bền bỉ thực hành sống tích cực cũng như kiên tâm theo đuổi mục đích đã đặt ra. Khi bạn nhắc đi nhắc lại trong đầu mình một suy nghĩ tích cực, đặc biệt là vào thời điểm phải đối diện với khó khăn, bạn sẽ thêm mạnh mẽ và kiên quyết để vượt qua tất cả nhằm đạt được điều tốt nhất có thể.

(Michael J. Ritt- Chìa khóa tư duy tích cực, Nhà xuất bản trẻ)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2.

Theo tác giả làm thế nào để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực?

Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến cho rằng “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”?

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến cho rằng “Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng”? vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong đoạn kết “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, lúc đầu nhìn thấy A Phủ bị trói đứng vào cột, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. “Nếu A phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”.  Nhưng sau đó thì Mị lại cắt dây cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

Anh (chị) hãy phân tích về sự thay đổi trên trong tâm lí và hành động của Mị. Từ đó nêu những điểm mới mẻ về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

I. Đọc - hiểu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận

Câu 2: Theo tác giả, để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm (có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa)

Câu 3: Câu “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh” được hiểu là: Con người có thể làm chủ bản thân, thay đổi hoàn cảnh, tạo cơ hội cho chính bản thân mình, không lệ thuộc vào hoàn cảnh

Câu 4: Các em đưa ra quan điểm cá nhân, sau đó dùng lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình

II. Làm văn

Câu 1: Dàn ý hướng dẫn

I. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Vai trò, ý nghĩa của suy nghĩ tích cực trong đời sống con người.

II. Thân bài:

1. Giải thích

  • Suy nghĩ tích cực là tư duy theo chiều hướng lạc quan, tin tưởng, nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt của vấn đề, thấy được phương hướng, kết quả giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt, luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.

2. Bàn luận

- Suy nghĩ tích cực có tác dụng và ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần, định hướng hành động đúng đắn cho mỗi người.

  • Những suy nghĩ tích cực cũng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua căng thẳng, stress trong cuộc sống hơn
  • Thiếu suy nghĩ tích cực, con người dễ rơi vào trạng thái bi quan, bế tắc. Người nhìn nhận mọi việc với con mắt tiêu cực sẽ gặp trở ngại lớn trong sự nghiệp, vì không dám đương đầu với thách thức cũng như không có niềm tin vào khả năng của bản thân.

- Suy nghĩ tích cực giúp bạn tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình với công việc hiện tại và gặt hái thành công

- Để có suy nghĩ tích cực, mỗi người cần rèn luyện thói quen tư duy, nâng cao kiến thức, tích cực trải nghiệm, luôn giữ tinh thần lạc quan...

- Đa số những người thành công đều có lối sống và tư duy tích cực (lấy dẫn chứng minh họa)

3. Bài học nhận thức và hành động

  • Hãy học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân
  • Tránh xa tất cả các ảnh hưởng tiêu cực từ mọi phía, thậm chí từ người thân trong gia đình hay một người bạn thân.
  • Thay đổi suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực dù tình huống có đang bi quan tới mức nào
  • Tập thói quen mỉm cười để làm cho tinh thần thoái mái hơn và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
  • Hiểu rằng bản thân cần gì và dành thời gian cho bản thân
  • Hãy nghĩ rằng mình là một người tích cực và bạn rất yêu cuộc sống này

III. Kết bài:

- Mọi người cần xây dựng cho bản thân quan điểm, suy nghĩ tích cực để thành công trong cuộc sống

Câu 2: Hướng dẫn làm bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ

- Diễn biến tâm lí của Mị

-  Mới đầu nhìn A Phủ bị trói, Mị dửng dưng, vô cảm, lạnh lùng:

  • Đêm tình mùa xuân hồi sinh tâm hồn Mị, sau đó Mị lại trở về với cuộc sống lặng câm, vô cảm.
  • Mị vô cảm với chính mình: bị A Sử đạp ngay ở cửa bếp nhưng những đêm sau Mị vẫn dậy để thổi lửa hơ tay -> Mị không cảm nhận được nỗi đau thể xác và tủi nhục về tinh thần.
  • Vô cảm với người đồng cảnh ngộ - A Phủ: Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi. Mị vô cảm, dửng dưng, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Mị không biết, không hay, không quan tâm, chỉ biết chỉ cò ở với ngọn lửa.

- Từ vô cảm đến đồng cảm:

  • Dòng nước mắt “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ đã đánh thức lòng nhân ái trong Mị, làm tan chảy trái tim băng giá, vô cảm của Mị.
  • Mị thương mình, thương người
  • Nhận thức được tội ác của giai cấp thống trị: lên án, nguyền rủa, kết tội.
  • Nhận ra sự bất công phi lí “ người kia việc gì phải chết”
  • Lòng thương người, nỗi căm hờn, sự đồng cảm giai cấp vượt lên nỗi sợ hãi, vượt lên cường quyền và thần quyền -> Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ.

- Nghệ thuật:

  • Tình huống truyện độc đáo
  • Biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo.
  • Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị
  • Trần thuật hấp dẫn, lôi cuốn.

* Nhận xét sự thay đổi tâm lí và hành động của Mị qua 2 chi tiết:

Từ sự vô cảm, dửng dưng, lạnh lùng, Mị thương mình thương người, đồng cảm với A Phủ. Đây là bước chuyển của sự phát triển tâm lívà hành động tất yếu, hợp logic ở nhân vật. Từ sự vô cảm, Mị ý thức được thực tại, tâm hồn sống dậy, không cam chịu-> phản kháng mãnh liệt để giải phóng cho người đồng cảnh ngộ và cho chính mình.

*Giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm:

- Lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của con người.

- Lên án thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống của con người.

- Phát hiện, trân trọng, ngợi ca phẩm chất cao đẹp của người lao động.

- Đặt niềm tin và nhìn thấy sức vươn dậy, khả năng phản kháng mạnh mẽ và khả năng làm cách mạng của người lao động nghèo vùng cao.

-----------

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 15 với những dạng câu hỏi, dạng bài thường được ra trong các kì thi. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM